Soạn bài: Bài 3 - Ca dao dân ca - Những câu hát về tình cảm gia đình

ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Bốn bài ca dao

- Bài 1: Đây là lời của cha mẹ nói với con:

+ Công cha như núi, nghĩa mẹ như nước biển Đông.

+ Tiếng gọi “con ơi”

- Bài 2: Đây là lời của người con gái lấy chồng xa quê nói với mẹ và hướng về quê mẹ. Dấu hiệu khẳng định:

+ Đốì tượng mà lời ca dao hướng tới “Quê mẹ”.

+ Trong ca dao dân ca, không gian “Ngõ sau”, “Bến sông” thường gắn với tâm trạng của người phụ nữ.

- Bài 3: Đây là lời của con cháu nói với ông bà hoặc nói với người thân. Dấu hiệu khẳng định:

+ “Nuộc lạt mái nhà” là hình ảnh gợi nhớ người thân gia đình trong ca dao, dân ca.

+ Đối tượng của nỗi nhớ: “ông bà”.

- Bài 4: Nội dung là lời của những người lớn trong gia đình (ông bà, cha mẹ, cô bác...) nói với những người nhỏ (con, cháu) trong gia đình, hoặc là lời của anh em tâm sự với nhau. Vì nội dung câu hát là lời căn dặn, lời tâm sự.

2. Nội dung bài 1 muôn nói đến công lao trời biển của cha mẹ đối với con cái và bổn phận, trách nhiệm của con cái đối với công lao to tát ấy.

Bài ca dao đã cụ thể hóa công lao cha mẹ bằng việc so sánh với núi, với biển. Đó là những hình ảnh to lớn, mênh mông tượng trưng cho sự vĩnh hằng. Hình ảnh đó lại được miêu tả bổ sung bằng những định ngữ chĩ mức độ: (núi) ngất trời, cao; (biển) rộng mênh mông. Núi ngất trời, biển rộng mênh mông là không thể nào đo được. Chỉ có cách diễn đạt như thế mới nói hết công cha, nghĩa mẹ mà thôi.

Lời nhắc nhở răn dạy trên lại được lồng vào hình thức bài hát dân gian. Với âm điệu tâm tình, thành kính, sâu lắng của lời hát, lời răn dạy đó dễ đi vào trong mỗi con người không chỉ qua khối óc mà còn qua sự rung động chân thành của con tim, khiến mọi người luôn ý thức về công cha nghĩa mẹ và bổn phận của mình.
Những câu ca dao nói đến công cha, nghĩa mẹ:

+                Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

+                Mẹ nuôi con biển hồ lai láng

Con nuôi mẹ kể tháng kể ngày.

+                Ơn cha nặng lắm ai ơi

Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang.

3. Bài 2 là tâm trạng của người phụ nữ lấy chồng xa quê nhớ mẹ và nhớ quê nhà.

Tâm trạng đó được khắc họa bởi thời gian “chiều chiều”. Trong ca dao, buổi chiều là lúc dễ gợi buồn, nhớ. đây lại là người con gái “lấy chồng xa xứ" cho nên nỗi nhớ cha mẹ, anh em và nỗi thèm khát được đoàn tụ gia đình càng thêm khắc khoải.

Không gian “Ngõ sau" thường là nơi ít người lui tới, nhất là vào buổi chiều, ngõ sau lại càng vắng lặng. Người con gái về nhà chồng, khi đứng ngõ sau thường là đứng thui thủi một mình, che giấu nỗi niềm riêng, có khi đó là những giọt nước mắt buồn tủi, bơ vơ.

Và trong ca dao, khi nhân vật trữ tình “ra đứng” ở một không gian nhất định nào đó, chẳng hạn: ngõ sau, bờ sông, cổng làng... thì đó là lúc tâm sự buồn không biết tâm sự cùng ai, nỗi niềm dâng lên. Người con gái “trông về quê mẹ’’ với bao nỗi lo cha mẹ già yếu sớm hôm không ai đỡ đần. Cũng có thể là nỗi tiếc về thời con gái đã qua, nỗi đau về thân phận làm dâu nhà chồng.

Đọc bài ca dao, không ai tránh khỏi niềm yêu thương, nỗi xót xa xé buốt trong lòng.

4. Bài 3 diễn tả nỗi nhớ và sự yêu kính đối với ông bà. Những tình cảm đó được diễn tả bằng hình thức so sánh “bao nhiêu... bấy nhiêu”, một kiểu so sánh thường gặp trong ca dao (“qua cầu dừng bước trông cầu, cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiêu”, “qua đình ngả nón trông đình, đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu")

Cái hay của cách diễn đạt đó có thể được biểu hiện ở mấy điểm sau:

- Trong tâm trí người Việt Nam, cái gì được trọng, được kính thường được đặt ở trên. Cho nên, nhóm từ “ngó lên” trong bài ngoài tác dụng đề cập đốì tượng so sánh còn thể hiện sự kính trọng của con cháu đốì với ông bà.

- Hình ảnh “Nuộc lạt mái nhà” gợi nên sự nôi kết bền chặt của sự vật, cũng như sự đoàn kết gắn bó của những người cùng huyết thống, cùng một ông bà sinh ra. Đồng thời, mỗi nuộc lạt còn là một công lao khó nhọc mà ông bà đã cần cù, chắt chiu để gây dựng gia đình cho con cháu.

- Số nuộc lạt của mái nhà là khó đếm xuể, cũng như công lao của ông bà. Cách so sánh “Bao nhiêu nuộc lạt nhớ ông bà bấy nhiêu” đã cụ thể hóa cái nỗi nhớ của con cháu, cái công ơn của ông bà vôn là những cái hết sức trừu tượng.

- Và nỗi nhớ, công ơn đó lại được diễn đạt bằng hình thức lục bát ngọt ngào, cho nên nỗi nhớ càng da diết, công ơn càng sâu đậm.

5. Trong bài 4, tình cảm anh em được diễn tả như sau:

- Khác với “người xa", anh em có những cái “cùng”, “chung”, “một”. Trong đó, “cùng chung bác mẹ”“một nhà” là cùng huyết thống và cùng những kĩ niệm sướng khổ với nhau trong mái ấm gia đình. Như thế, anh em tuy hai là một.

- Lời khuyên yêu thương gắn bó được so sánh “như thể tay chân". Tay, chân cùng là những bộ phận của một cơ thể. Sự so sánh ấy cho thấy sự gắn bó anh em thật là máu thịt, tình cảm anh em thật là thiêng liêng.

Bài ca dao nhắc nhở chúng ta: anh em là ruột thịt với nhau, phải biết thương yêu và giúp đỡ nhau để cho cha mẹ được vui lòng.

6. Những biện pháp nghệ thuật được cả bốn bài ca dao sử dụng là:

- Thể thơ lục bát.

- Cả bốn bài đều sử dụng những hình ảnh quen thuộc để diễn đạt tình cảm như: núi, biển, ngõ sau, tay, chân... trong đó thường sử dụng biện pháp tu từ so sánh.

LUYỆN TẬP

1. Tình cảm đuợc diễn tả trong bốn bài ca dao là tình cảm gia đình. Những tình cảm ấy thường mang tính chất kín đáo, sâu lắng, chần thành tiêu biểu cho tâm tình của người lao động trong sinh hoạt hàng ngày của họ.

2. Một số bài ca dao có nội dung tương tự:

Có cha có mẹ thì hơn,

Không cha không mẹ như đờn không dây.

Còn cha gót đỏ như son,

Đến khi cha mất gót con đen sì.

*

Con có cha như nhà có nóc,

Con không cha như nòng nọc đứt đuôi.

*

Đi đâu mà bỏ mẹ già,

Gối nghiêng ai sửa, chén trà ai nâng.

*

Mỗi đêm mỗi thắp đèn trời,

Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

*

Chiều chiều ngó ngược, ngó xuôi

Ngó không thấy mẹ, bùi ngùi nhớ thương.

*

Chiều chiều xách giở hái rau

Ngó lên mả mẹ ruột đau như dần.

Viết bình luận