Soạn bài: Bài 25 - Cô Tô

Chú thích (Xem kĩ phần Chú thích trong SGK).

ĐỌC - HIỂU BÀI VĂN

1. Bài văn có thể chia làm 3 đoạn:

- Đoạn thứ nhất: từ đầu đến... "lớn lên theo mùa sóng ở đây".

Đoạn này nói về cảnh trời nước Cô Tô trong sáng sau những ngày giông bão.

- Đoạn thứ hai: từ "Mặt trời lại rọi lên ngày thứ sáu của tôi..." cho đến... "Một con hải âu bay ngang, là là nhịp cánh".

Đoạn này miêu tả cảnh bình minh đầy màu sắc tươi đẹp trên vùng biển đảo Cô Tô.

- Đoạn thứ ba là phần còn lại: Đoạn này nói về cảnh sinh hoạt và lao động của những người sống trên đảo Cô Tô.

2. Vẻ đẹp trong sáng của Cô Tô sau khi trận bão đi qua được miêu tả như sau:

Sau khi bão đã đi qua, bầu trời Cô Tô trở nên vô cùng "trong trẻo, sáng sủa". Cây trên núi đảo lại thêm xanh mượt, nước biển lại lam biếc đậm đà hơn hết cả mọi khi, cát lại vàng giòn hơn nữa. Do trời trong nên "trèo lên nóc đồn, nhìn ra bao la Thái Bình Dương" có thể "ngắm cả toàn cảnh Cô Tô".

- Từ ngữ mà tác giả đã dùng được chọn lọc kĩ càng tạo nên những hình ảnh độc đáo đặc sắc: bầu trời trong trẻo, sáng sủa, xanh mướt; nước biển lam biếc; cát vàng giòn; cá vắng tăm biệt tích, bao la Thái Bình Dương.

3. Đoạn tả cảnh bình minh có mặt trời đang từ từ mọc trên biển là một bức tranh đẹp đầy chất thơ:

Sau cơn bão, chân trời, ngấn bể sạch như tâm kính lau hết mây hết bụi (dùng phép so sánh). Mặt trời như lên dần dần, rồi lên cho kì hết. Tròn trĩnh, phúc hậu như lòng đỏ một quả trứng thiên nhiên đầy đặn (dùng phép so sánh). Quả trứng hồng hào thăm thẳm,đường bệ đặt lên một mâm bạc đường kính mâm rộng bằng cả một cái chân trời màu ngọc trai nước biển hửng hồng (dùng phép ẩn dụ). Y như một mâm lễ phẩm tiến ra từ trong bình minh để mừng cho sự trường thọ của tất cả những người chài lưới trên muôn thuở biển Đông (dùng phép so sánh). Vài chiếc nhạn mùa thu chao đi chao lại trên mâm bể sáng dần lên cái chất bạc nén (chất bạc nén là một hình ảnh ẩn dụ). Một con hải âu bay ngang, là là nhịp cánh.

Nhận xét: Các hình ảnh so sánh trong bài rất độc đáo và đặc sắc, chỉ tìm thấy trong văn của Nguyễn Tuân. Chúng độc đáo và đặc sắc vì thể hiện rất rõ tính sáng tạo cũng như tài năng diễn tả của nhà văn. Cảnh mặt trời mọc trên biển được miêu tả thật đẹp, đầy màu sắc và cũng thật chính xác.

4. Cảnh sinh hoạt và lao động của người dân trên đảo đã được miêu tả trong đoạn cuối bài văn:

Cái giếng nước ngọt đảo Thanh Luân sớm nay có không biết bao nhiêu là người đến gánh và múc nước. Múc nước vào thùng gỗ, vào những cong những ang gốm màu da lươn... chỗ bãi đá nuôi sáu mươi vạn con hải sâm ngoài kia, bao nhiêu là thuyền của hợp tác xã đang mở nắp sạp đổ nước ngọt vào. Sau trận bão, hôm nay hợp tác xã Bắc Loan Đầu cho mười tám thuyền lớn nhỏ cùng ra khơi đánh cá hồng. Anh hùng Châu Hòa Mãn cùng bốn bạn xã viên đi chung một thuyền. Anh quẩy nước bên bờ giếng, tôi né ra một bên... chị Châu Hòa Mãn địu con...

Cảm nghĩ: Đó là những cảnh bình dị thể hiện rõ không khí thanh bình và lao động khẩn trương trên đảo. Những cảnh đó bình dị vì chỉ là những cảnh vẫn diễn ra hàng ngày như tắm rửa quanh giếng, gánh nước về nhà, gánh nước xuống thuyền để dùng cho những chuyến đi đánh cá ở ngoài khơi xa trong nhiều ngày. Đó cũng là những cảnh thể hiện sự thanh bình vì chỉ có sống trong cảnh thanh bình, không có chiến tranh, con người mới có thể yên tâm tổ chức cuộc sống ở nhà và tổ chức những chuyến đi đánh cá ngoài khơi, thể hiện rõ công việc lao động khẩn trương vất vả, khó khăn nhưng cũng đầy hứng thú.

Tóm tắt:

Cảnh thiên nhiên và sinh hoạt của con người trên vùng đảo Cô Tô hiện lên thật trong sáng và tươi đẹp qua ngôn ngữ điêu luyện và sự miêu tả tinh tế, chính xác, giàu hình ảnh và cảm xúc của Nguyễn Tuân. Bài văn cho ta hiểu biết và yêu mến một vùng đất của Tổ quốc - quần đảo Cô Tó.

LUYỆN TẬP

1. Viết một đoạn văn tả cảnh mặt trời mọc..     

Đoạn văn tham khảo:

"... Hôm sau, khi Hiền ra biển thì mặt trời vừa mọc nhưng còn ẩn sau đám mây tím trải ngang trên làn nước đủ màu, từ màu lam sẫm, lam nhạt ngoài xa cho đến các màu hồng, màu vàng ở gần bờ.

Trên nền trời, sắc da cam chói lọi, những vạch đỏ thẫm xòe ra như bộ nan quạt bằng ngọc lựu (thứ ngọc có màu đỏ như hoa lựu).

Quay lại, nhìn về phía thành phố sầm Sơn, ánh sáng đèn điện chưa tắt còn nhợt nhạt, lấp ló trong lá phi lao như những ngôi sao buổi sớm mai lờ mờ sạu làn mây mỏng.

Hiền dừng bước dưới hàng rào cây, mỉm cười lắng tai nghe giọng hót đổ hồi và trong trẻo của con chim chích chòe đậu trên ngọn lá... Khi thấy mặt trời đã mọc cao, Hiền mới lững thững đi ra bãi cát".

(Trích tác phẩm Trống Mái của Khái Hưng)

Viết bình luận