Soạn bài: Bài 22 - Buổi học cuối cùng

Chú thích: Xem kĩ phần Chú thích trong SGK.

ĐỌC - HIỂU BÀI VĂN

1. Câu chuyện được kể diễn ra trong hoàn cảnh nước Pháp thua trận, hai vùng An-dát và Lo-ren của Pháp bị nhập vào nước Phổ (Đức) năm 1870, các trường học ở hai vùng này bị buộc phải dạy và học bằng tiếng Đức. Câu chuyện đã diễn ra trong một buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp ở một trường làng vùng An-dát.

Tên truyện ngắn Buổi học cuối cùng nói lên niềm phẫn uất và lòng đau xót của những người dân Pháp yêu nước buộc phải từ bỏ tiếng nói của dân tộc mình.

2. Truyện được kể theo lời của một học sinh, một cậu bé vùng An-dát, theo ngôi thứ nhất.

Ngoài cậu bé học sinh vùng An-dat còn có nhiều nhân vật khác như: thầy Ha-men, các bạn học sinh cùng lớp, cụ xã trưởng cũ Hô-de, bác phát thư cũ và một số dân làng.

Trong số các nhân vật đó thì hình ảnh thầy Ha-men gây cho người đọc ấn tượng nổi bật nhất.

3. Vào sáng hôm diễn ra buổi học cuối cùng, chú bé Phrăng thấy có nhiều nét khác lạ ở trên đường, ở trong trường và trong lớp:

Cảnh nhiều người đứng trước bảng dán cáo thị của bọn Phổ, cảnh yên lặng không bình thường của nhà trường vốn rất ồn ào, cảnh các bạn ngồi lặng lẽ trong lớp, cách ăn mặc trang trọng của thầy Ha-men và cảnh người lớn tuổi đến ngồi nghiêm trang ở cuối lớp.

Tất cả những điều đó đã báo hiệu việc chẳng lành sắp xảy ra: trường phải bỏ dạy và học tiếng Pháp để dạy và học tiếng Đức.

4. Ý nghĩ, tâm trạng của chú bé Phrăng trong buổi học cuối cùng:

- Lúc đầu chú định trốn học đi chơi vì sợ bị thầy quở mắng nhưng rồi vẫn đến trường. Chú sợ hãi và xấu hổ bước vào lớp khi thấy mọi người đã ngồi yên trong lớp. Khi bình tĩnh lại chú mới nhận ra không khí khác thường trong lớp học và điều này làm chú rất ngạc nhiên. Khi nghe thầy thông báo đây là buổi học cuối cùng, chú tự giận mình về việc đã bỏ phí thời gian, đã lơ là trong việc học tiếng mẹ đẻ (tiếng Pháp). Trong giờ học cuối cùng này khi nghe thầy đọc và giảng bài, chú kinh ngạc thấy sao mà mình lại hiểu đến thế và chăm chú nghe lời thầy đến thế. Cuối buổi học, chú cảm thấy thầy Ha-men sao mà lớn lao đến thế. Có lẽ chú cũng chưa hiểu thật rõ ràng, chính trong buổi học cuối cùng này, thầy giáo Ha-men đã truyền cho chú tình yêu tiếng Pháp và đó cũng chính là lòng yêu Tổ quốc.

5. Nhân vật thầy giáo Ha-men trong buổi học cuối cùng được miêu tả thật tỉ mỉ:

- Về trang phục: thầy mặc chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục, gấp nếp mịn và đội cái mũ tròn bằng lụa đen thêu. Đó là những thứ thầy chỉ mang trong các dịp lễ trang trọng.

- Về thái độ đối với các học sinh: thầy vẫn nghiêm trang nhưng lại rất dịu dàng.

- Về những lời nói về việc học tiếng Pháp: thầy nói tiếng Pháp là ngôn ngữ hay nhất thế giới, trong sáng nhất, vững vàng nhất. Thầy lấy làm tiếc vì trong những ngày tháng trước đó việc học tập tiếng Pháp còn bị lơ là, mà cả thầy, cả các bậc phụ huynh và các em học sinh đều có thiếu sót. Thầy đau xót nói về "những kẻ kia" có quyền bảo mọi người rằng: "Các người tự nhận là dân Pháp, vậy mà các người chẳng biết học, biết viết tiếng của các người!”. Thầy nhắc mọi người phải giữ lấy tiếng Pháp, bởi vì một dân tộc rơi vào vòng nô lệ mà vẫn giữ được tiếng nói của mình thì chẳng khác gì kẻ bị giam nắm được chìa khóa nhà tù.

- Về hành động, cử chỉ của thầy vào cuổì buổi học: khi chuông nhà thờ điểm mười hai giờ và tiếng kèn của bọn lính Phổ vang lên ngoài cửa sổ, thầy đứng trên bục, người tái nhợt (vì quá xúc động) nhưng lại toát ra một vẻ thật lớn lao. Thầy chỉ nói được: - "Các bạn, hỡi các bạn, tôi ... tôi ..." mà không thể nói hết câu vì nghẹn ngào nhưng thầy đã đồn hết sức lực và cố viết thật to mấy chữ "NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM" lên bảng đen. Sau đó thầy dựa lưng vào tường, chẳng nói gì nữa, chỉ giơ tay ra hiệu kết thúc buổi học.

Qua các chi tiết trên, ta thấy thầy Ha-men đã vô cùng đau xót và căm phẫn khi kẻ thù của Tổ quốc buộc thầy không được dạy tiếng Pháp, buộc học sinh không được học tiếng Pháp, thứ ngôn ngữ mẹ đẻ mà thầy đã luôn lấy làm tự hào và yêu mến nó vô cùng. Việc thầy trách mọi người đã thiếu trách nhiệm trong việc dạy và học tiếng Pháp, việc thầy xúc động viết lên bảng dòng khẩu hiệu cuối cùng, việc thầy tận tâm tận lực dạy chu đáo buổi học cuối cùng, tất cả đã nói lên lòng yêu nước sâu sắc của thầy.

6. Một số câu văn trong bài có sử dụng phép so sánh:

"Thông thường, bắt đầu buổi học, tiếng ồn ào như vỡ chợ vang ra tận ngoài phố...". Sự so sánh ở đây có tác dụng nói lên sự náo nhiệt của cảnh trường vào đầu các buổi học.

"...dân làng ngồi lặng lẽ giống như chúng tôi..."

Hình ảnh so sánh này có tác dụng miêu tả sự im lặng đặc biệt của buổi học cuối cùng.

Thầy Ha-men đứng lặng trên bục và đăm đăm nhìn những đồ vật quanh mình như muốn mang theo trong ánh mắt toàn bộ ngôi trường... Hình ảnh so sánh này nói lên sự lưu luyến của thầy đối với ngôi trường.

"Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù".

Hình ảnh so sánh này nói lên tầm quan trọng của việc giữ gìn, bảo vệ tiếng mẹ đẻ.

7. Trong truyện, thầy Ha-men có nói: "Khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình thì chẳng khác gì nắm được chìa khóa chốn lao tù".

Qua câu nói này, ta có thể hiểu rằng: ngôn ngữ như là linh hồn riêng của mỗi dân tộc, khi một dân tộc dù đã rơi vào vòng nô lệ nhưng vẫn giữ được tiếng nói của mình là họ vẫn giữ được bản sắc dân tộc, họ vẫn giữ được tinh thần và truyền thống của dân tộc mình, họ vẫn có một vũ khí sắc bén để động viên nhau, để kêu gọi nhau đoàn kết cùng đánh đuổi kẻ thù và nhờ đó họ sẽ giành lại độc lập tự do.

Lòng yêu nước thể hiện trong truyện này chính là lòng yêu ngôn ngữ của dân tộc mình.

Tóm tắt:

• Qua câu chuyện buổi học tiếng Pháp cuối cùng trong vùng An-dát bị quân Phổ chiếm đóng và hình ảnh cảm động của người thầy Ha-men, truyện đã thể hiện lòng yêu nước trong một biểu hiện cụ thể là tình yêu tiếng nói của dân tộc. Đồng thời truyện nhắc nhở một chân lí: khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ, chừng nào họ vẫn giữ vững tiếng nói của mình, thì chẳng khác gì nắm được cái chìa khóa chốn lao tù.

• Truyện đã xây dựng thành công nhân vật thầy giáo Ha-men và chú bé Phrăng qua miêu tả ngoại hình, cử chỉ, lời nói, tâm trạng.

LUYỆN TẬP

1. Kể tóm tắt truyện Buổi học cuối cùng: Cậu học sinh Phrăng, người vùng An-dát nước Pháp, đi học trễ. Cậu toan bỏ học đi chơi nhưng rồi vẫn tới trường. Tới trường cậu xấu hổ đến đỏ mặt tía tai vì phải bước vào lớp trong khi mọi người đã tề tựu đông đủ và ngồi im lặng. Tuy nhiên, thầy giáo Ha-men, khác với mọi khi, không hề nổi giận mà lại dịu dàng bảo cậu ngồi vào chỗ của mình. Lúc này cậu mới hoàn hồn và nhận ra thầy Ha-men thì mặc lễ phục và phía cuối lớp còn có nhiều người lớn trong làng cũng đến ngồi dự lớp. Lớp học có một không khí trang trọng khác thường.

Thầy Ha-men bước lên bục giảng giải thích: hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng. Từ ngày mai chỉ còn học tiếng Đức theo lệnh của những người cầm quyền tại Béc-lin (thủ đô của nước Đức). Ngày mai thầy giáo dạy tiếng Đức sẽ tới. Phrăng nghe thầy nói mà thấy choáng váng và cậu tự giận mình vì đã bỏ phí thời gian, không chăm chỉ học tập tiếng Pháp trong những ngày tháng đã qua. Cậu cũng đã hiểu vì sao lớp học lại có cái không khí trang trọng khác thường này. Cậu đang mông lung suy nghĩ thì bị thầy gọi lên đọc bài nhưng cậu đã tỏ ra vô cùng lúng túng và bối rối.

Thầy Ha-men không mắng cậu vì sự kém cỏi đó nhưng thầy đã nhân đó mà nói về việc lơ là học tiếng Pháp - tiếng mẹ đẻ - của một số học sinh. Trong đó nhiều bậc cha mẹ học sinh cũng đã thiếu trách nhiệm kèm cặp con cái.

Thầy nói về tiếng Pháp và cho rằng đó là ngôn ngữ hay nhất thế giới và thầy nhấn mạnh:

Phải giữ lấy nó ... đừng bao giờ quên lãng nó, bởi vì khi một dân tộc rơi vào vòng nô lệ mà còn giữ được tiếng nói của mình thì chẳng khác gì tù nhân đã nắm được chìa khóa nhà giam.

Rồi thầy dạy bài ngữ pháp mới. Cậu bé Phrăng thấy tự nhiên sao mà mình hiểu bài đến thế. Thầy Ha-men kiên nhẫn giảng còn cậu thì chăm chú nghe. Xong bài giảng thầy treo lên bảng những tờ viết chữ mẫu thật đẹp: Pháp, An-dát. Có lúc thầy dừng lại nhìn ngắm mọi vật xung quanh như không nỡ rời xa chúng.

Sau bài học tiếng Pháp thầy còn dạy thêm bài lịch sử.

Bỗng đồng hồ điểm mười hai tiếng. Tiếng kèn của bọn lính Đức vang lên ngoài cửa sổ. Thầy Ha-men đứng trên bục, người tái nhợt và viết lên bảng dòng chữ lớn:

NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!

Cậu bé Phrăng cảm thấy thầy sao mà lớn lao đến thế.

2. Viết một đoạn văn miêu tả nhân vật thầy Ha-men hoặc chú bé Phrăng trong buổi học cuối cùng bằng tiếng Pháp.

Bài tham khảo

Trong buổi cuối cùng học bằng tiếng Pháp, thầy Ha-men không mặc thường phục như mọi ngày mà thầy mặc bộ lễ phục chỉ dùng trong những trường hợp thật trang trọng: chiếc áo rơ-đanh-gốt màu xanh lục có điểm lá sen gấp nếp mịn, cái mũ tròn bằng lụa đen thêu.

Trong không khí trang nghiêm khác thường của lớp học mà ngoài các em học sinh còn có nhiều người lớn trong làng tới dự, thầy tuyên bố:

Các con ơi, đây là lần cuối cùng thầy dạy các con. Lệnh từ Béc-lin là từ nay chỉ dạy tiếng Đức ở các trường vùng An-dát và Lo-ren. Thầy giáo mới ngày mai sẽ đến. Hôm nay là bài học Pháp văn cuối cùng của các con. Thầy mong các con hết sức chú ý.

Bắt đầu bài học, thầy gọi một học sinh đứng dậy đọc bài, nhưng em này đã tỏ ra rất lúng túng vì trước đó chưa chịu học tập chăm chỉ. Thầy cho em học sinh đó ngồi xuống và khác với mọi khi, thầy không trách phạt em mà chỉ ôn tồn nói chung với mọi người: "Thế nào? Các người tự nhận là dân Pháp, vậy mà các người chẳng biết đọc, biết viết tiếng của các người!". Rồi thầy nói về tiếng Pháp, rằng đó là ngôn ngữ hay nhất, trong sáng nhất, vững vàng nhất thế giới. Mỗi người Pháp phải giữ lấy nó bởi vì một dân tộc rơi vào vòng nô lệ mà còn giữ được tiếng nói của mình thì cũng giống như những tù nhân đã nắm được chìa khóa nhà giam.

Rồi thầy đọc bài học ngữ pháp cho các học sinh nghe. Em nào cũng cảm thấy sao hôm nay mình hiểu bài đến thế và các quy tắc ngữ pháp đều trở nên dễ dàng chẳng khó một chút nào. Thầy kiên nhẫn và say sưa giảng bài như muốn truyền thụ hết mọi kiến thức của mình cho các em học sinh trong buổi học cuối cùng này.

Sau bài ngữ pháp, thầy treo lên bảng những tờ viết chữ mẫu rất đẹp: Pháp, An-dát. Cả lớp im phăng phắc cùng tập viết. Có lúc thầy Ha-men đứng lặng im nhìn mọi vật chung quanh như không muốn xa rời chúng khi sắp phải chia tay. Đã bốn mươi năm rồi, thầy gắn bó với nơi này, làm sao có thể bỏ đi dễ dàng mà không bùi ngùi lưu luyến.

Sau tiết tập viết là bài lịch sử.

Bỗng đồng hồ nhà thờ ngân nga điểm mười hai tiếng. Chuông nguyện buổi trưa cũng rung lên. Đồng thời tiếng kèn của bọn lính Đức cũng dội vào lớp học như một thứ âm thanh quái gở. Thầy Ha-men đứng trên bục mà mặt tái nhợt đi. Thầy nói trong hơi thở hổn hển vì quá xúc động:

- Các bạn, hỡi các bạn, tôi ... tôi ...

Rồi nghẹn ngào không thể nói dứt câu, thầy cầm lấy phấn và viết lên bảng, thay cho lời nói, một dòng chữ thật to:

NƯỚC PHÁP MUÔN NĂM!

Buổi học kết thúc. Thầy phải dựa lưng vào tường để có thể đứng vững mà giơ tay chào từ biệt mọi người. Các em học sinh và những người lớn cùng đứng dậy cúi đầu chào thầy rồi lục tục ra về. Ai cũng cảm thấy: Sao mà thầy Ha-men lớn lao đến thế!

Viết bình luận