Soạn bài: Bài 19 - Khi con tu hú

Đôi nét về tác giả

Tố Hữu (1920-2002) tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành, quê ở tỉnh Thừa Thiên, vùng ven thành phố Huế. Ông giác ngộ lí tưởng cộng sản và hoạt động cách mạng từ lúc còn là một học sinh trung học học ở Quốc học Huế.

Ở Tố Hữu có sự thông nhất đẹp đẽ giữa cuộc đời cách mạng và cuộc đời thơ. Ông được xem là lá cờ đầu của thơ ca cách mạng và kháng chiến. Tố Hữu đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật 1996.

Tác phẩm chính: Từ ấy (1937-1946), Việt Bắc (1946-1954), Gió lộng (1955-1961), Ra trận (1962-1971), Máu và hoa (1972-1977), Một tiếng đàn (1979-1992)...

ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Nên hiểu nhan đề bài thơ như thế nào?

- Nên hiểu nhan đề của bài thơ như sau:

“Khi con tu hú đã kêu thì mùa hè cũng đã tới ở bên ngoài”.

- Tiếng chim tu hú lúc sang hè đã tác động mạnh mẽ đến tâm hồn người chiến sĩ trẻ đang bị giam cầm trong tù, vì tiếng chim gợi ra sự sống tự do, tươi đẹp ở bên ngoài. Nghe chim tu hú kêu, tác giả càng căm ghét cảnh tù đày.

- Viết một câu để tóm tắt nội dung bài thơ:

Khi con tu hú đã kêu thì mùa hè xôn xao sức sống đã tới ở bên ngoài khiến người chiến sĩ bị lao tù thấy uất ức trong lòng, muốn phá tan tù ngục để ra ngoài tự do hoạt động.

2. Nhận xét về cảnh mùa hè được miêu tả trong 6 câu thơ đầu:

Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đương chín, trái cây ngọt dần

Vườn râm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào

Trời xanh càng rộng càng cao

Đôi con diều sáo lộn nhào từng không...

Đây là một bức tranh thiên nhiên đầy sức sống, đầy màu sắc: sắc lúa đương chín ngả dần sang màu vàng, sắc của trái cây đang thêm chín, sắc của ngô vàng phơi trên sân nắng đào, sắc trời xanh...

Bức tranh thiên nhiên này cũng rộn rã âm thanh: tiếng chim tu hú kêu, tiếng ve ngân râm ran, tiếng sáo diều vi vu...

Trong bức tranh này còn có sự chuyển hóa, sự hoạt động của sự vật: lúa chiêm đương chín, trái cây ngọt dần, ve đương kêu, diều đương nhào lộn trên không.

Đó là bức tranh thiên nhiên đẹp, chan hòa ánh sáng rất quen thuộc và cũng vô cùng thần thiết, vô cùng quyến rũ đối với người tù đang bị giam cầm, bưng bít trong bốn bức tường ảm đạm của nhà tù.

3. Phân tích tâm trạng người tù:

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Ngột làm sao, chết uất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!

Sự bực bội, u uất thể hiện rất rõ trong tiếng kêu đầy căm hận: “Ngột làm sao, chết uất thôi” và trong hành động “muốn đạp tan phòng” giam mà bay ra ngoài. Sở dĩ tác giả có tâm trạng này vì đối với tác giả những ngày ngồi tù sao mà quá tù túng, uất hận. Tác giả muốn phá tung tù ngục ra để trở về với anh em đồng chí, để tiếp tục đem sức lực và tài trí của mình ra cống hiến cho cách mạng.

Mở đầu bài thơ, tiếng chim tu hú kêu nhắc cho tác giả biết mùa hè đã tới và khiến cho tác giả thấy vui khi nghĩ đến cảnh vật vào hè của quê hương nhưng về cuối bài thơ, càng nghe tu hú kêu tác giả càng thấy căm giận cảnh tù đày.

4. Cái hay của bài thơ:

Bài thơ được viết theo thể thơ lục bát rất quen thuộc nhưng lại thể hiện một đề tài rất mới. Những hình ảnh miêu tả thiên nhiên trong thơ tuyệt đẹp, ngôn ngữ được chọn lọc tạo nên nhiều sắc thái của bức tranh (sắc thái màu sắc, sắc thái âm thanh, sắc thái ánh sáng). Những câu thơ tả tâm trạng cũng rất sâu sắc. Mặc dù bài thơ có 6 câu miêu tả thiên nhiên và chỉ có 4 câu nói về tâm trạng, bài này vẫn là một bài thơ trữ tình nói lên nỗi lòng của người chiến sĩ cách mạng ở trong tù. Nỗi lòng này không buồn rầu ủ rũ, bi thương mà vẫn mạnh mẽ trong trạng thái phẫn uất, căm thù sự tù đày và khao khát tự do.

Viết bình luận