Soạn bài: Bài 20 - Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh

I. GIỚI THIỆU MỘT DANH LAM THẮNG CẢNH

Đọc bài Hồ Hoàn KiếmĐền Ngọc Sơn.

Trả lời các câu hỏi:

1. Bài giới thiệu đã cung cấp cho em những kiến thức gì?

- Bài giới thiệu đã cung cấp cho em nhiều kiến thức về hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Nguyên do có sự đổi dòng của sông Hồng mà hồ đã được kiến tạo.

Tuổi hồ: vài nghìn năm.

Lai lịch tên hồ: hồ xưa có tên Lục Thủy, đến thế kỉ XV do sự tích Lê Lợi trả gươm cho Thần Rùa mà đổi là Hoàn Kiếm. Hồ còn một tên gọi nữa là Thủy Quân hồ.

Lai lịch của Tháp Rùa: Trước kia gò có tên là Điếu Đài (nơi vua ngồi câu cá). Tháp có trên gò chỉ mới có từ cuối thế kỉ XIX. Tháp Rùa đã trở thành biểu tượng quen thuộc của Hà Nội. Ngày nay, quanh bờ hồ có nhiều cảnh trí thiên nhiên đẹp và mát nên luôn có nhiều người tới dạo chơi.

Lai lịch đền Ngọc Sơn: Đời Vĩnh Hựu, chúa Trịnh Giang lập cung Khánh Thụy ở đảo Ngọc (tức là nơi xây dựng đền Ngọc Sơn). Chúa Trịnh Doanh cho đắp gò Ngọc Bội ở bờ hồ (ngay cổng đền Ngọc Sơn). Đầu thế kỉ XIX, chùa Ngọc Sơn được dựng trên cung Khánh Thụy. ít lâu sau ở đây không thờ Phật nữa mà thờ thánh Văn Xương và anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn nên được gọi là đền Ngọc Sơn. Năm 1864, nhà văn hóa lớn Nguyễn Văn Siêu cho xây ở cổng đền Ngọc Sơn, trên gò Ngọc Bội Tháp Bút và Đài Nghiên. Muốn vào đền phải đi qua cầu Thê Húc.

2. Muốn viết một bài giới thiệu danh lam thắng cảnh như vậy, cần có những kiến thức sau:

Cần hiểu biết sâu sắc về lai lịch của danh lam thắng cảnh và các kiến trúc được xây dựng ở nơi đó. cần nắm vững địa thế, địa hình, những vẻ đẹp đặc sắc, riêng biệt và những đổi thay của danh lam thắng cảnh qua nhiều thời đại. Cũng có thể viết thêm về triển vọng xây dựng ở các nơi đó để làm cho cảnh vật ngày càng đẹp hơn, hấp dẫn khách du lịch nhiều hơn.

3. Muốn có kiến thức về một danh lam thắng cảnh thì phải đọc sách báo để tra cứu, tìm hiểu nhiều tư liệu về nơi đó. Phải đến tận nơi để mắt thấy, tai nghe về quang cảnh nơi đó. Phải hỏi han những người ở địa phương hoặc những người đã nghiên cứu hiểu biết nhiều về nơi đó.

4. Bài viết thường được sắp xếp theo bố cục sau đây:

- Mở bài: Giới thiệu một cách thật khái quát về danh lam thắng cảnh.

- Thân bài: Đi sâu vào các chi tiết, vừa giới thiệu vừa miêu tả và bình luận hoặc phát biểu cảm nghĩ, cảm xúc có thể miêu tả quang cảnh từ xa tới gần, hoặc từ vị trí trung tâm, phát triển ra xung quanh, hoặc miêu tả những công trình kiến trúc lớn trước rồi đến các công trình nhỏ sau... Tóm lại là có rất nhiều cách viết nhưng cách nào cũng phải dựa trên các kiến thức chính xác, đáng tin cậy.

- Kết bài: Có thể nêu những cảm nghĩ chung về danh lam thắng cảnh hoặc nói về triển vọng phát triển lớn hơn, đẹp hơn của danh lam thắng cảnh.

Nhận xét về bài này: Bài này còn thiếu phần Mở bài, thiếu miêu tả vị trí của hồ, bề rộng của hồ, thiếu miêu tả cảnh vật xung quanh hồ, thiếu cảm nghĩ, cảm xúc của người viết.

II. LUYỆN TẬP

1. Lập lại bố cục bài giới thiệu Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn một cách hợp lí.

- Mở bài: Giới thiệu hồ Hoàn Kiếm là một thắng cảnh của thủ đô Hà Nội.

- Thân bài: Giới thiệu vị trí của hồ Hoàn Kiếm.

Giới thiệu kích cỡ và đặc điểm của hồ (nước luôn có màu xanh lực).

Giới thiệu lai lịch hồ.

Giới thiệu quang cảnh xung quanh hồ.

Giới thiệu đền Ngọc Sơn ở gần bờ hồ (vị trí, quang cảnh, lai lịch).

Giới thiệu Tháp Rùa ở giữa hồ (vị trí, quang cảnh và lai lịch).

- Kết bài: Nêu cảm nghĩ, cảm xúc trước một thắng cảnh còn lưu nhiều dấu ấn lịch sử của nước nhà.

2. Nếu muốn giới thiệu theo trình tự tham quan hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn từ xa đến gần, từ ngoài vào trong thì nên sắp xếp thứ tự giới thiệu như thế nào?

Dựa vào dàn bài ở câu luyện tập số 1 trước thì có thể giải quyết bài tập này.

3. Viết lại bài này theo bố cục ba phần, chọn lấy những chi tiết tiêu biểu nhât để làm nổi bật giá trị lịch sử và văn hóa của di tích, thắng cảnh.

BÀI THAM KHẢO

Mở bài:

Hồ Hoàn Kiếm là một trong nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội và nằm ngay ở phần trung tâm của thành phố. Bất cứ người nào từ xa đến Hà Nội cũng muốn tới thăm cảnh hồ. Đứng dưới bóng liễu thướt tha ngắm mặt nước hồ trải ra như một tấm gương bầu dục mà ở giữa nổi lên Tháp Rùa cổ kính và lệch về một phía ven hồ là đền Ngọc Sơn với nhịp cầu Thê Húc sơn đỏ uốn cong. Phía ngoài đầu cầu là Đài Nghiên, là Tháp Bút tượng trưng cho thủ đô ngàn năm văn hiến.

Thân bài:

Hồ Hoàn Kiếm có thể được tạo lập do sông Hồng đã chuyển dòng. Nước trong hồ quanh năm có màu xanh lục nên từ xa xưa hồ đã có tên là Lục Thủy. Một số nhà nghiên cứu đã cho biết có một loại rong tảo đặc biệt sinh sôi nảy nở trong hồ và đã tạo ra màu xanh ấy. Đến thế kỉ XV nhân có chuyện vua Lê Thái Tổ trả gươm cho thần Kim Quy ở trên hồ mà hồ được đổi tên là hồ Hoàn Kiếm hoặc còn được gọi tắt là Hồ Gươm. Sau có thủy quân luyện tập trên hồ mà hồ mang thêm tên là Thủy Quân hồ.

Dải đất viền xung quanh hồ có nhiều cây cho bóng mát, cây cảnh, bồn hoa và được coi như một công viên bao bọc mặt hồ. Hàng ngày có nhiều người tới nơi đây để dạo mát, gặp gỡ bạn bè hoặc ngồi nghỉ ngơi trên các ghế đá để ngắm cảnh mặt hồ lăn tăn gợn sóng, ngắm những cây phựợng vĩ nở đỏ hoa hoặc những cành liễu xanh mềm thướt tha soi bóng và tìm thấy sự thư giãn, thảnh thơi giữa nơi phố phường sầm uất, náo nhiệt.

Ở giữa hồ có một gò đất nổi lên. Ngày trước vua thường ra đó câu cá nên gọi là Điếu Đài. Đến cuối thế kỉ XIX, Tháp Rùa mới được xây dựng và đã trở thành biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Về mùa đông, sau nhiều ngày giá rét bỗng lại có những ngày khí hậu ấm áp hơn, nắng cũng hửng lên. Vào những ngày này, nhiều con rùa lớn ngoi lên quanh chân tháp, nhô đầu lên hong nắng và có khi còn chìa cả những cái mai lớn đường kính chừng một mét lên khỏi mặt nước. Vì thế, tháp này được gọi là Tháp Rùa. Người viết lại bài này đã có nhiều lần đứng trên bờ hồ nhìn ra Tháp Rùa xem rùa hong nắng. Khi xa Hà Nội thấy rất nhớ cảnh tượng này nên dã viết mấy câu thơ.

NHỚ VỀ HÀ NỘI

Đã lâu, không dịp về Hà Nội

Rất nhớ Hồ Gươm buổi dậy hanh

Rùa lên hong nắng quanh chân tháp

Ngắm liễu lơ thơ đứng rủ mành.

Về ngôi đền Ngọc Sơn thì ta có thể lần theo sử sách để biết rằng đời Vĩnh Hựu, chúa Trịnh Giang cho lập cung Khánh Thụy trên đảo Ngọc nằm gần ven hồ để làm nơi hóng gió ngày hè. Sau đó chúa Trịnh Doanh cho đắp gò Ngọc Bội trên bờ hồ gần đảo Ngọc để ghi nhớ một chiến công. Đến thế kỉ XIX chùa Ngọc Sơn mới được xây trên nền cung Khánh Thụy. Một thời gian sau, chùa không còn thờ Phật mà chuyển sang thờ Thánh Văn Xương và anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn nên chùa được gọi là đền Ngọc Sơn. Năm 1864, nhà văn hóa lớn Nguyễn Văn Siêu đã cho xây dựng Đài Nghiên và Tháp Bút ở ngoài phía cổng đền. Ca dao của nhân dân ta đã có những câu chứa chan cảm xúc thể hiện lòng tự hào dân tộc:

Đài Nghiên, Tháp Bút chưa sờn

Hỏi ai gây dựng nên non nước này?

Ngày nay, vẫn còn đó Đài Nghiên và Tháp Bút “viết thơ lên trời cao”. Muốn vào đền, ta phải đi qua một cây cầu gỗ uốn cong, sơn màu đỏ chói: cầu Thê Húc. Một cây đa lớn cành lá sum suê đã được trồng từ lâu đời tỏa bóng xanh che rợp mát cả mái đền. Đền có ba nếp: nếp ngoài là bái đường, nếp giữa là nơi thờ thần Văn Xương và nếp sau thờ Đức Thánh Trần. Trấn Ba Đình nằm ở trước mặt bái đường nhìn thẳng về hướng Nam là Tháp Rùa.

Kết bài:

Ngày nay Hồ Gươm vẫn được coi như di tích lịch sử của đất nước ta. Gần đây, Hồ Gươm đang bị cạn nước. Để bảo vệ rùa và nhiều sinh vật khác sông trong hồ, người ta phải dùng xe chở nước sạch từ xa về xả xuống. Nhân dân thủ đô cũng như nhân dân cả nước luôn mong muốn hồ Hoàn Kiếm, một thắng cảnh của Hà Nội còn lưu nhiều dấu tích của dân tộc luôn dược giữ gìn và tôn tạo cho ngày càng sạch đẹp hơn, xứng đáng là “chiếc lẵng hoa xinh đẹp giữa lòng Hà Nội” như một nhà thơ nước ngoài đã viết.

Viết bình luận