Soạn bài: Bài 18 - Nhớ rừng

Đôi nét về tác giả, tác phẩm

Thế Lữ (1907-1989) tên khai sinh là Nguyễn Thứ Lễ, nhà thơ lớp đầu tiên và cũng là cây bút nhiều tài năng đã đem lại thắng lợi cho phong trào Thơ mới. Bút danh Thế Lữ nhằm ngụ ý ông tự xem mình là người lữ khách trên thế gian, trọn đời chỉ biết đi tìm cái đẹp. Ngoài sáng tác thơ, Thế Lữ còn viết truyện. Sau đó, ông chuyển hẳn sang hoạt động sân khấu và là một trong những người có công đầu xây dựng nền kịch nói ở nước ta. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật nãm 2003.

Tác phẩm chính: Mấy vần thơ (1935), Mấy vần thơ tập mới (1940), Vàng và máu (truyện 1934)...

Nhớ rừng“lời con hổ ở vườn bách thú”. Mượn lời con vật sa cơ bị nhục nhằn, tù hãm này, tác giả đã thể hiện tâm sự của cả một thế hệ bị giam cầm nô lệ, u uất với một nỗi khát khao tự do mãnh liệt.

Bài thơ đã khơi dậy tình cảm yêu nước, lòng khao khát được tự do, độc lập của ngừời dân Việt Nam lúc bấy giờ.

Vì thế, Nhớ rừng đã nhanh chóng được phổ biến với sự đồng cảm mạnh mẽ.

ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Năm đoạn trong bài thơ

- Đoạn thứ nhất: Từ đầu đến “Với cặp báo chuồng bên vô tư lự”. Nội dung chính của đoạn này: Lòng uất hận của con hổ bị giam cầm.

- Đoạn thứ hai: Từ “Ta sống mãi...” đến “giữa chốn thảo hoa không tên, không tuổi”. Nội dung chính của đoạn hai: Lòng nhớ cảnh núi rừng của con hổ.

- Đoạn thứ ba: Từ “Nào đâu những đêm vàng...” đến "... Thời oanh liệt nay còn đâu”. Nội dung chính của đoạn ba: Lòng nhớ thời được sống tự do, oanh liệt của con hổ.

- Đoạn thứ tư: Từ “Nay ta ôm...” đến “Của chốn ngàn năm cao cả, âm u”. Nội dung đoạn thứ tư là: Lòng căm ghét cảnh vườn nhỏ hẹp, giả dối của con hổ.

- Đoạn thứ năm: Đoạn còn lại: Giấc mơ và niềm khao khát được trở lại vùng vẫy chốn rừng xưa của con hổ.

2. Trong bài thơ có hai cảnh tượng được miêu tả đầy ấn tượng: cảnh vườn bách thú nơi con hổ bị nhốt và cảnh núi rừng hùng vĩ, nơi con hổ đã từng ngự trị những “ngày xưa”.

a) Phân tích hai cảnh tượng trên:

- Cảnh vườn bách thú nơi con hổ bị nhốt giữ:

Đó là cảnh “tầm thường, giả dối”. Đó là cảnh “sửa sang”, “hoa chăm, cỏ xén, lối phẳng, cây trồng” không có sự sum suê, rậm rạp, hoang vu và đầy sức sống như chốn rừng xanh. Suối trong rừng là dòng suối trong mát từ trong khe núi chảy ra triền miên ngày tháng. Còn suối giả của nơi này thì chỉ là một “dải nước đen” bẩn thỉu, tù hãm “chẳng thông dòng”. Suối trong rừng chảy len lỏi giữa triền núi cao vút, có vách đá cheo leo hoặc dưới tán rừng bưng bít, còn con suối giả này thì len lách dưới những gò mô thấp bé, kém cỏi. Ở đây làm gì có tầng tầng lớp lớp cây lá mọc chen lấn, quấn quít vào nhau mà chỉ có “dăm vừng lá hiền lành, không bí hiểm” cố học đòi vẻ hoang vu của rừng núi đại ngàn. Hai từ “học đòi” tỏ vẻ khinh bỉ, nhạo báng, chán ghét cao độ.

- Cảnh núi rừng hùng vĩ, nơi con hổ đã từng ngự trị những ngày xưa:

Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già

Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi

Với khi thét khúc trường ca dữ dội

... Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối

Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?

Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn...

Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,

Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?

Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt.

(Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt: Câu thơ này dùng phép đảo ngữ, có nghĩa là: Ta đợi mảnh mặt trời gay gắt chết, màn đêm sẽ trùm phủ núi rừng và ta sẽ hoàn toàn chiếm lĩnh cái thế giới rừng sâu bí hiểm đầy bóng tối).

Trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và bí hiểm ấy, con hổ “bước lên dõng dạc, đường hoàng”.“lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng” và đôi “mắt thần” của nó “quắc” lên khiến muôn loài trong chốn rừng sâu đều phải khiếp sợ mà im hơi lặng tiếng. Nó hết sức tự hào về cái vị trí chúa tể núi rừng của mình.

b) Nhận xét việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu các câu thơ trong đoạn 2 và 3. Phân tích làm rõ cái hay của hai đoạn thơ này.

Đoạn 2 và 3 là những đoạn hay nhất trong bài thơ này. Cảnh rừng núi đại ngàn, lớn lao, hùng vĩ và hoang vu hiện ra qua các từ ngữ được chọn lọc như: bóng cả, cây già, gió gào ngàn, nguồn hét núi, thét khúc trường ca dữ dội, bóng ầm thầm, lá gai, cỏ sắc, hang tối, ngày mưa chuyển bốn phương ngàn...

Trên cái nền phong cảnh núi rừng cao cả âm u ấy, hình tượng con hổ nổi bật lên với vẻ đẹp oai phong đầy sức mạnh. Khi “mắt thần” của nó đã sáng “quắc” lên là muôn loài run sợ, lặng tiếng, im hơi. Hình ảnh những đêm vàng bên bờ suối thật huyền ảo diễm lệ, hình ảnh con hổ “say mồi đứng uống ánh trăng tan” là hình ảnh vừa hoang dại vừa đầy chất thơ. Cảnh bình minh “cây xanh nắng gội” tưng bừng tiếng chim ca cũng là một cảnh tượng tráng lệ chỉ có ở rừng xanh. Và các hình ảnh “những chiều lênh láng máu sau rừng”. “Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt. Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật. ” vừa man rợ vừa kiêu hùng.

Tuy nhiên, tất cả những cảnh tượng huy hoàng tráng lệ đó chỉ còn là kí ức. Điệp ngữ “đâu” được láy đi láy lại như một niềm nhớ tiếc khôn nguôi: nhớ về dĩ vãng, nhớ về những ngày đã qua không bao giờ còn trở lại.

c) Rõ ràng hai cảnh tượng ở câu a) đã đốì lập nhau sâu sắc. Chính sự đối lập này đã biểu lộ rõ tâm trạng của con hổ:

Nó nhớ tiếc cái thời đã từng sống hiên ngang, oanh liệt làm chúa tể đáng kính của rừng xanh và vì thế lại càng đau buồn, phẫn uất, căm giận cái cảnh nằm dài tù hãm trong cũi sắt mà ngắm mãi cái khung cảnh giả tạo chán ngắt kia.

Tâm trạng này rất gần gũi với tâm trạng chung của người dân Việt Nam mất nước khi đó. Ngay trong thơ của Bác Hồ, ở tập Nhật kí trong tù, Người cũng đã từng viết bài thơ Buồn bực (Nạp muộn) để tỏ rõ sự phẫn uất của mình trong cảnh lao tù.

Tráng sĩ đua nhau ra mặt trận

Hoàn cầu lửa bốc rực trời xanh

Trong ngục người nhàn, nhàn quá đỗi

Chí cao mà chẳng đáng đồng chinh.

(Đồng chinh là một đơn vị tiền cũ có giá trị bằng một nửa xu và
mười xu mới thành một hào, mười hào mới thành một đồng. Hào còn gọi là cắc. Ý của câu thơ cuối là: Chí cao mà chẳng đáng giá nửa xu vì bị bó tay trong tù không có điều kiện để hoạt động đấu tranh).

Nhà thơ cách mạng Tố Hữu khi bị giam còn thể hiện lòng phẫn uất mạnh hơn:

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng, hè ôi!

Ngột làm sao, chết uất thôi

Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu.

(Trích bài thơ Khi con tu hú)

3. Giải thích vì sao tác giả mượn “lời con hổ ở vườn bách thú”:

Trong thời Pháp thuộc, bọn thực dân và chính quyền tay sai kiểm soát rất gắt gao các bài báo, các tác phẩm văn học. Nếu tác giả cứ nói thẳng ra lòng oán ghét và ước vọng muốn phá vỡ mọi sự giam cầm, tù túng của cảnh đời nô lệ thì sẽ bị bọn chúng cắt ngay, tác phẩm không thể được in ra và được truyền đến tay người đọc. Do đó, tác giả phải dùng lối nói quanh co, bóng bẩy là mượn lời con hổ ở trong vườn bách thú để gián tiếp bày tỏ tâm trạng của mình.

Việc mượn đó đã thể hiện rất rõ, rất sâu sắc cảm xúc của nhà thơ:
Đó là tâm trạng căm hờn khi bị giam trong cũi sắt. Nỗi căm hờn là một điều trừu tượng thuộc phạm vi tư tưởng, tình cảm, nhưng trong bài, tác giả lại viết “một khối căm hờn”. Từ “khối” giúp ta hình dung ra nỗi căm hờn này cũng có hình thù, có trọng lượng cụ thể, có thể nhìn thấy, có thể nhận biết bằng tay, có thể cân đo được.

Con hổ bị giam cầm đành nằm dài trong cũi sắt mà nhìn ngày tháng qua đi một cách vô vị. Nó chán chường cái cảnh đã được sửa sang trở thành tầm thường, giả dối. Vị chúa sơn lâm tượng trưng cho quyền uy thiêng liêng của chốn non cao rừng thẳm, đã sa cơ, đang bị tù hãm trong chuồng, phải hạ mình xuống ngang hàng với lũ gấu dở hơi, với cặp báo vô tư luôn làm trò cười cho thiên hạ, càng thấy buồn tủi vô cùng.

4. Nhận xét việc sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu các câu thơ trong đoạn 2 và 3:

Trong hai đoạn thơ này tác giả đã dùng những từ ngữ thể hiện được các cảm xúc mạnh mẽ, hùng tráng, đầy uy lực như “Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa”, “tiếng gió gào ngàn”, “giọng nguồn hét núi”, “thét khúc trường ca dữ dội”, “say mồi đứng uống ánh trăng tan”, “mưa chuyển bốn phương ngàn”, “những chiều lênh láng máu sau rừng”, “đợi chết mảnh mặt trời gay gắt”.

Tầng tầng lớp lớp từ ngữ có sức diễn tả và biểu cảm đã được xếp đặt chồng chất bên nhau, bổ sung cho nhau làm nên một bức tranh thật hoàn chỉnh về cảnh tượng kì vĩ của núi rừng và vẻ oanh liệt của vị chúa tể sơn lâm.

5. Nhà phê bình Hoài Thanh có nhận xét về bài thơ Nhớ rừng: “Ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân việt Ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được” (Thi nhân việt Nam).

Ta có thể hiểu ý của đoạn văn trên như sau: Khi viết bài Nhớ rừng, tác giả đã thực sự xúc cảm, thực sự hòa mình vào tâm trạng của nhân vật con hổ bị giam và với tài năng ngôn ngữ nghệ thuật, tác giả đã chọn lựa được những từ ngữ, những nhịp điệu, những hình ảnh, những cầu thơ đắt giá nhất để biểu hiện tứ thơ và cảm xúc của mình.

Đó là sự mãnh liệt của cảm xúc thể hiện trong các câu thơ nhất là ở những câu cảm thán như:

- Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Hỡi cảnh rừng ghê gớm của ta ơi!

- Đó là giọng thơ sôi nổi và hào hùng:

- Nhớ cảnh sơn lâm, bóng cả, cây già

Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi

- Hỡi oai linh, cảnh nước non hùng vĩ

Là nơi giống hầm (hùm) thiêng ta ngự trị,

Nơi thênh thang ta vùng vẫy ngày xưa.

Đó là những từ ngữ được dùng một cách đích đáng, có chọn lọc tạo ra những hình ảnh đẹp có sức gợi tả tốt:

- Ta bước chân lên, dõng dạc, đường hoàng

Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng

Vờn bóng âm thầm, lá gai, cỏ sắc

- Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng

Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt.

Ý thơ phát triển, mạch thơ cứ cuồn cuộn chuyển tiếp theo cách viết câu và gieo vần của lối thơ mới phóng khoáng không gò bó.

Viết bình luận