Soạn bài: Bài 18 - Ông đồ

Đôi nét về tác giả, tác phẩm

Vũ Đình Liên (1913-1996)-. ông làm thơ, nghiên cứu văn học và dạy học. Nhà thơ tham gia phong trào Thơ mới từ đầu với một hồn thơ nhân hậu, giàu tình thương người và mang niềm hoài cổ. Nhưng khi nói đến ông, người ta chỉ nhớ đến mỗi một bài thơ Ông đồ.

Bài thơ này được in lần đầu tiên trên báo Tinh Hoa. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đánh giá đây là một kiệt tác bình dị mà cảm động.

Bài thơ là hình ảnh tàn tạ của một lớp người thất cơ lỡ vận trở nên lạc lõng và bị gạt ra ngoài lề cuộc đời. Qua đó thể hiện lòng thương cảm chân thành, nỗi niềm hoài cổ tiếc thương cảnh cũ người xưa một cách âm thầm mà da diết của nhà thơ.

ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Đọc kĩ bài thơ và chú thích.

2. Phân tích hình ảnh ông đồ ngồi viết chữ Nho ngày Tết trong hai khổ thơ đầu và hình ảnh của ông ở khổ 3 và 4.

- Hình ảnh ông đồ trong hai khổ thơ đầu:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua.

Bao nhiêu người thuê viết

Tấm tắc ngợi khen tài

“Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay”.

Hoa đào nở báo hiệu mùa xuân đang tới. Lúc mùa xuân đang tới, các ông đồ già lại chuẩn bị mực tàu, giấy đỏ đem bày ra bên góc phố để chuẩn bị viết những đôi câu đối đón Tết, mừng xuân bằng chữ Nho cho những ai muốn mua câu đối về trang trí cửa nhà. Thời Nho học còn thịnh vượng, việc chơi câu đối Tết đã trở thành một tập tục đáng yêu. Người ta treo câu đối để tỏ rõ cái tâm, cái chí, cái cốt cách, hoài bão, ước vọng của mình. Đây là cách chơi thanh lịch trong nền nếp sinh hoạt văn hóa của nhân dân ta. Nhưng muốn có câu đối hay, nét chữ đẹp phải nhờ đến các ông đồ. Việc viết câu đốì Tết là dịp để các ông đồ tỏ rõ học vấn uyên thâm và tài năng sử dụng ngôn ngữ của mình. “Bao nhiêu người thuê viết” chứng tỏ rằng có rất đông người thích chơi câu đối Tết đã đến nhờ các ông đồ viết cho. Nhiều khi một ông đồ ngồi viết mà có cả một đám người đứng xung quanh đặt hàng, xem viết và bày tỏ lòng thán phục:

“Hoa tay thảo những nét

Như phượng múa rồng bay”.

Chữ viết “thảo” là những chữ được viết một cách bay bướm đầy vẻ sáng tạo. Hình ảnh so sánh nét bút như “phượng múa, rồng bay” vừa nói được cái vẻ uyển chuyển mà sắc sảo, vẻ mềm mại mà rắn rỏi của nét chữ, vừa nói được cái nội dung thâm trầm mà bay bổng của ngôn từ.

- Hình ảnh ông đồ ở hai khổ 3 và 4:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu?

Giấy đỏ buồn không thắm;

Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông đồ vẫn ngồi đấy,

Qua đường không ai hay,

Lá vàng rơi trên giấy;

Ngoài trời mưa bụi bay.

Hai khổ này nhắc đến cái thời kì Nho học đang tàn lụi để dần dần nhường chỗ cho nền tân học (học chữ Quốc ngữ và chữ Pháp). Lúc này nhiều người bỏ học chữ Nho (chữ Hán). Chữ Nho không còn được coi trọng như trước kia nữa. Vì thế những người thích chơi câu đối chữ Nho ngày càng ít dần đi nên “người thuê viết” cứ “mỗi năm mỗi vắng”. Ông đồ vẫn ngồi bên góc phố nhưng “qua đường không ai hay”. Chẳng còn ai lưu ý tới ông. Người đời đã bỏ quên ông rồi. Giấy đỏ bày mãi ra không được đụng đến cũng phai màu dần. Mực đã mài trong nghiên không đụng tới cũng khô đọng dần. “Giấy đỏ buồn không thắm”, “mực đọng trong nghiên sầu” còn phản ảnh cái tâm trạng ảm đạm, buồn bã của ông đồ, một con người bị bỏ quên như một thứ đồ đã cũ không còn dùng nữa. Hình ảnh “lá vàng rơi trên giấy” gợi ra sự héo úa, phai tàn của số phận ông đồ. “Ngoài trời mưa bụi bay” làm tăng thêm sự giá lạnh trong lòng ông đồ khiến cho hình ảnh của ông càng trở nên lẻ loi, nhỏ bé, mờ nhạt, tội nghiệp.

3. Tâm sự nhà thơ thể hiện qua bài thơ

Hình ảnh ông đồ trở nên lạc lõng giữa cái cảnh phố phường đang đô thị hóa theo hướng văn minh Âu Tây. Sự lạc lõng này thảm hại tới mức ông chỉ còn là cái bóng mờ giữa sự ồn ào, náo nhiệt, bon chen của chốn phồn hoa đô hội. Ông đã bị người đời hoàn toàn lãng quên.

Ông đồ vẫn ngồi đó

Qua đường không ai hay

Cả đến thiên nhiên cũng như phụ họa với sự lạnh nhạt một cách bạc bẽo của thiên hạ mà dồn ông vào một cái cảnh rất đáng buồn:

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay.

Khi thấy mùa xuân đến mà lại vắng bóng ông đồ, cảnh tượng này đã khiến cho nhà thơ, một con người đã theo tân học nhưng vẫn còn nhiều duyên nợ với Nho học, một con người giàu tình cảm, vốn nặng lòng với quá khứ, cảm thấy có điều gì đó thật tội nghiệp, thật đáng xót xa, thật đáng nuối tiếc.

Trong hai câu cuối của bài thơ:

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?

Từ lòng tiếc nhớ mấy ông đồ già, tác giả đã nâng lên thành một nỗi cảm hoài nhớ nhung về quá khứ, về bao lớp người của dĩ vãng đã đi vào cõi hư vô.

Câu hỏi của nhà thơ không có lời giải đáp nhưng vẫn có sức rung cảm, gieo vào lòng người đọc một thoáng bâng khuâng, một niềm thương cảm, một giây phút chạnh lòng, một nỗi luyến nhớ xa xôi. Chính điều đó đã làm nên cái hồn của bài thơ khiến cho giá trị của bài thơ được nâng cao. Ông Hoài Thanh, trong cuốn Thi nhân Việt Nam đã từng nhận định:

“Ít khi có một bài thơ bình dị mà cảm động như vậy... Theo đuổi nghề văn, mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ để lưu danh, đủ với người đời”.

4. Bài thơ hay ở những điểm nào

Bài thơ hay ở chỗ lời lẽ rất giản dị, dễ hiểu nhưng hình ảnh vẫn được chọn lọc như:

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu...

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay.

Mỗi cảnh, mỗi vật được miêu tả ở đây đều thấm đượm tình cảm, đều như có một linh hồn.

Cách dựng nên hai tình huông đối lập ở đầu và cuối bài thơ cũng như cách nêu câu hỏi tu từ ở phần kết của bài đều tạo ra cảm xúc trong lòng người đọc.

Cái hay của bài thơ còn thể hiện ở chỗ, đọc xong bài, người ta còn thấy bâng khuâng, day dứt và một nỗi buồn dịu nhẹ cứ thấm mãi vào lòng.

5. Phân tích để làm rõ cái hay của những câu thơ sau:

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu.

Giấy đỏ là giấy nhuộm màu đỏ dùng để viết câu đối Tết. Do không còn người thuê viết nên giấy đỏ cứ bày ra trên hè phố mà chẳng ai hỏi tới. Vì thế mà màu đỏ cứ phai nhạt dần đi. Chữ “buồn” cho ta thấy dường như tờ giấy cũng có một linh hồn, cũng cảm nhận được sự lãng quên của người đời.

Mực là mực dùng để viết chữ lên giấy đỏ. Ngày xưa, các ông đồ thường dùng các thỏi mực màu đen mà mài vào trong những cái nghiên (giống như cái dĩa). Mực được mài sẽ hòa tan được với nước trong nghiên. Các ông đồ dùng bút lông chấm vào thứ mực nước màu đen sánh đặc này mà viết chữ trên giấy đỏ. Nhưng lúc này ông đồ không còn ai “thuê viết” nên mực trong nghiên của ông cứ tự bốc hơi mà khô cạn dần đi tựa như một nỗi buồn đang đọng lại trong chiếc nghiên sầu muộn.

Lá vàng rơi trên giấy

Ngoài trời mưa bụi bay.

Ông đồ vẫn có mặt giữa phố phường nhưng người đời đã bỏ quên ông. Chỉ còn thấy “Lá vàng rơi trên giấy”. Giấy này là giấy viết câu đối Tết, vốn có màu đỏ thắm nhưng bày lâu giữa trời, màu giấy đã phai đi. Hình ảnh lá vàng gợi ra sự héo úa, tàn tạ như số phận ông đồ. Mưa bụi của những ngày cuối năm rét buốt cứ thản nhiên bay làm cái lạnh giá thấm sâu vào cơ thể ông, vào tâm hồn ông khiến cho hình ảnh của ông càng trở nên lẻ loi, nhỏ bé, tội nghiệp.

Viết bình luận