Soạn bài: Tuần 7 - Tấm Cám
I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG
1. Truyện cổ tích là những tác phẩm tự sự dân gian mà cốt truyện và hình tượng được hư cấu có chủ định, kể về số phận những con người bình thường trong xã hội có giai cấp, thể hiện tinh thần nhân đạo và lạc quan của nhân dân lao động.
Truyện cổ tích được chia thành ba loại: cổ tích về loài vật, cổ tích sinh hoạt và cổ tích thần kì. Truyện cổ tích thần kì chiếm số lượng nhiều nhất.
2. Đặc trưng của truyện cổ tích thần kì
- Về nội dung: đề cập đến số phận bất hạnh của người lao động, về hạnh phúc gia đình, về lẽ công bằng, về phẩm chất, năng lực của con người,... Ước mơ của nhân dân được thể hiện qua sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện.
- Về nghệ thuật:
+ Có sự tham gia của yếu tố thần kì (tiên, bụt, sự biến hoá thần kì, những vật có phép màu,...).
+ Kết cấu truyện thường có dạng: nhân vật chính trải qua nhiều hoạn nạn, thử thách, cuối cùng đạt được ý nguyện của mình.
+ Mâu thuẫn, xung đột gia đình và xã hội được thể hiện dưới dạng khái quát: đấu tranh giữa cái tốt và cái xấu, giữa cái thiện và cái ác.
3. Tấm Cám là truyện cổ tích tiêu biểu cho loại cổ tích thần kì. Câu chuyện là cuộc đấu tranh vô cùng quyết liệt giữa cái thiện và cái ác. Mẹ con Cám tàn nhẫn và độc ác đã chiếm đoạt tất cả những gì thuộc về Tấm và hơn nữa còn muốn tiêu diệt Tấm đến cùng. Thế nhưng bằng sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt, bằng ước mơ và niềm lạc quan của người lao động, Tấm đã đứng lên chiến đấu quyết liệt với cái ác và giành chiến thắng.
II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HlỂU VĂN BẢN
1. Diễn biến của truyện có thể chia thành hai giai đoạn:
- Mâu thuẫn xoay quanh những quyền lợi về vật chất và tinh thần trong cuộc sống hằng ngày: từ đoạn kể về phần thưởng chiếc yếm đỏ đến đoạn truyện Tấm đi xem hội.
- Mâu thuẫn về địa vị và quyền lợi đẳng cấp (mâu thuẫn xã hội) nên tính quyết liệt của mâu thuẫn hiện rõ hơn: đoạn cồn lại.
Diễn biến nêu trên của cốt truyện phản ánh sự đấu tranh của hai tuyến nhân vật:
- Tuyến mẹ con Cám: càng ngày càng tỏ ra độc ác hơn, tham lam hơn.
- Tuyến nhân vật Tấm: ban đầu phản ứng yếu ớt, càng về sau càng quyết liệt và chủ động đấu tranh giành lại hạnh phúc đích thực của mình.
2. Tấm sau khi chết đã hoá thân trở đi trở lại thành: chim vàng anh - hai cây xoan đào - khung cửi - quả thị, nghĩa là đều hoá thành vật. Sự hoá thân thần kì này phản ánh một quan niệm của dân gian xưa: quan niệm đồng nhất giữa người và vật. Cả bốn hình thức biến hoá này đều cho thấy vẻ đẹp về phẩm chất của nhân vật vẫn không thay đổi: bình dị và sáng trong. Bốn lần biến hoá còn cho thấy sự biến chuyển trong ý thức đấu tranh của nhân vật.
Ví dụ: Khi là chim vàng anh, nhìn thấy Cám đang giặt áo, chim nói: "Phơi áo chồng tao, phơi lao phơi sào, chớ phơi bờ rào, rách áo chồng tao". Nhưng khi chiếc khung cửi lên lời, nó quyết liệt hơn:
Cót ca cót két,
Lấy tranh chồng chị,
Chị khoét mắt ra.
Có thể nói ý nghĩa chung nhất của quá trình biến hoá ấy là thể hiện sức sống mãnh liệt của Tấm, của cái thiện và của công lí. Sức sống ấy không thể bị tiêu diệt bởi bất cứ một thế lực nào.
3. Hành động Tấm giội nước sôi giết Cám, lấy xác làm mắm, gửi cho dì ghẻ ăn đã gây nhiều tranh cãi và không ít người phản đối cho rằng, hành động ấy làm mất đi vẻ đẹp vẹn toàn của nhân vật Tấm. Thực ra phải hiểu rằng: trong truyền thống cảm nhận của dân gian, người ta không quan tâm đến tính chất dã man của sự việc. Theo quan niệm "ác giả ác báo", người ta chỉ chú ý đến việc cái ác bị trừng phạt như thế nào và với mức độ ra sao. Với tác giả dân gian, kết cục của mẹ con Cám như vậy là thích đáng, là phù hợp với những gì mà mẹ con mụ đã gây ra.
4. Bản chất của mãu thuẫn và xung đột trong truyện Tấm Cám
Truyện cổ tích Tấm Cám trước hết thể hiện mâu thuẫn và xung đột trong gia đình phụ quyền thời cổ đại (mâu thuẫn giữa dì ghẻ và con chồng). Nguyên nhân bắt nguồn từ việc kế thừa tài sản và hưởng những quyền lợi vật chất của các thành viên (con cái) trong gia đình.
Truyện Tấm Cám cũng thấp thoáng xuất hiện những mâu thuẫn xã hội (về quyền lợi và địa vị) .
Ý nghĩa nổi bật nhất, khát quát nhất của tác phẩm toát lên từ mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác. Qua xung đột thiện - ác, nhân dân thể hiện một quan niệm nhân sinh đẹp đẽ: Người tốt sẽ được hạnh phúc, còn kẻ ác sẽ bị trừng phạt.
III - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP
Những đặc trưng của thể loại truyện cổ tích thần kì được biểu hiện trong Tấm Cám:
- Cốt truyện có sự tham gia của nhiều yếu tố thần kì: nhân vật Bụt, xương cá bống và nhũng lần biến hóa của nhân vật chính.
- Truyện được kết cấu theo khuôn mẫu khá phổ biến của truyện cổ tích thần kì: nhân vật chính phải trải qua nhiều hoạn nạn cuối cùng mới được hưởng hạnh phúc.
- Truyện phản ánh những xung đột trong xã hội thời kì đã có sự phân chia giai cấp. Thể hiện ước mơ của nhân dân lao động về hạnh phúc gia đình, về sự công bằng...
- Truyện kết thúc có hậu, thể hiện tư tưởng nhân đạo và tinh thần lạc quan của nhân dân ta.