Soạn bài: Tuần 2 - Hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ (tiếp theo)

III - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Phân tích các nhân tố giao tiếp thể hiện trong câu ca dao:

Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng:

- Tre non đủ lá đan sàng nên chăng?

a) Nhân vật giao tiếp trong câu ca dao là một người nam trẻ tuổi (một cô gái - không xuất hiện trực tiếp là chủ thể tiếp nhận).

b) Hoạt động giao tiếp diễn ra vào một đêm trăng sáng, thanh vắng. Thời gian đó thường thích hợp với những câu chuyện tâm tình của nam nữ (những câu chuyện cần một thời gian và một không gian có tính chất riêng tư).

c) Nhân vật "anh" chọn cách nói ví von bóng gió của ca dao để "đặt vấn đề". Vì thế chuyện tre non đủ lá và chuyện đan sàng thực chất chỉ việc họ đã đến tuổi trưởng thành và (lúc này) tính đến chuyện kết duyên rất hợp. Như vậy mục đích lời nói của nhân vật "anh" là lời ướm hỏi.

d) Chuyện tre non đủ lá và chuyện đan sàng cũng giống như chuyện "Trai khôn dựng vợ, gái lớn gả chồng", vì thế cách nói của chàng trai phù hợp với nội dung và mục đích của cuộc giao tiếp. Cách nói này vừa có hình ảnh, vừa giàu sắc thái tình cảm lại vừa tế nhị, sâu sắc, nên dễ làm rung động và dễ thuyết phục người nghe.

2. a) Nhân vật A Cổ và người ông trong cuộc giao tiếp đã thực hiện những hành động nói sau:

- A Cổ: chào (Cháu chào ông ạ!)

- Ông:

+ Chào lại (A Cổ hả?)

+ Khen (Lớn tướng rồi nhỉ?)

+ Hỏi (Bố cháu có gửi pin đài lên cho ông không?)

- A Cổ: đáp lời (Thưa ông, có ạ ! )

b) Trong lời của nhân vật ông già, tuy cả ba câu đều có hình thức hỏi nhưng chỉ có câu thứ ba (Bố cháu có gửi pin đài lên cho ông không?) mới có mục đích hỏi thực sự. Các câu còn lại lần lượt được dùng vói mục đích để chào và để khen (A Cổ hả? Lớn tướng rồi nhỉ?).

c) Lời nói của hai nhân vật giao tiếp đã bộc lộ rõ tình cảm, quan hộ của hai người. A Cổ kính mến ông. Ngược lại, người ông cũng bộc lộ thái độ yêu quý và trìu mến đối với cháu.

3. Đọc bài thơ của Hồ Xuân Hương và trả lời câu hỏi:

BÁNH TRÔI NƯỚC

Thân em vừa trắng lại vừa tròn,

Bảy nổi'ha chìm với nước non.

Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn,

Mà em vẫn giữ tấm lòng son.

a) Mục đích làm bài thơ của Hồ Xuân Hương

Làm bài thơ này, Hồ Xuân Hương muốn ngợi ca vẻ đẹp và khẳng định phẩm chất sáng trong của người phụ nữ nói chung và của tác giả nói riêng. Qua bài thơ, nhà thơ cũng giãi bày tâm sự: ở xã hội xưa, người phụ nữ dù tài hoa, đẹp đẽ đến đâu cũng phải chịu số phận gian truân. Để thực hiện mục đích giao tiếp ấy, tác giả đã xây dựng nên hình tượng "chiếc bấnh trôi" và sử dụng khá nhiều từ ngữ hàm súc (trắng, tròn, bảy nổi ba chìm, tấm lòng son,...).

b) Để lĩnh hội bài thơ, người đọc phải căn cứ vào các phương tiện ngôn ngữ (giải mã ý nghĩa của các từ ngữ) : trắng, tròn (nói về vẻ đẹp), thành ngữ "bảy nổi ba chìm" (chỉ sự gian truân vất vả, sự xô đẩy của cuộc đời), tấm lòng son (vẻ đẹp bên trong). Bên cạnh các yếu tố ngôn ngữ, người đọc còn phải liên hệ với cuộc đời tác giả - một cuộc đời tài hoa và luôn khát khao hạnh phúc, nhưng lại gặp nhiều trắc trở về tình duyên. Nói cách khác, chúng ta phải dựa vào chính những từ ngữ hình ảnh trong bài và hoàn cảnh giao tiếp của bài thơ mới hiểu đầy đủ nội dung giao tiếp mà nhà thơ muốn gửi gắm trong tác phẩm này.

4. Hãy viết một thông báo ngắn cho học sinh toàn trường biết về hoạt động làm sạch môi trường nhân Ngày Môi trường thế giới.

Gợi ý: Để làm được bài này, học sinh cần có định hướng trước về bố cục của thông báo, hoàn cảnh thông báo, đối tượng và nội dung giao tiếp. Yêu cầu thông báo ngắn gọn nhưng phải đầy đủ, rõ ràng.

Có thể tham khảo một bản thông báo dưới đây:

Thông báo

Nhằm thiết thực kỉ niệm Ngày Môi trường thế giới, trường THPT... tổ chức buổi tổng vệ sinh toàn trường:

- Thời gian làm việc: Từ 8 giờ đến 11 giờ 30 phút ngày.... tháng.... năm....

- Nội dung công việc: Thu dọn rác thải, phát quang cỏ dại, vun xới và chăm bón các gốc cây, bồn hoa trong phạm vi quản lí của nhà trường.

- Lực lượng tham gia: Toàn thể đoàn viên, thanh niên trong trường.

- Dụng cụ: Mỗi lớp mang 1/3 cuốc xẻng; 1/3 chổi; còn lại mang dao to, túi đựng rác,..

- Phân công cụ thể: Các chi đoàn nhận phân công công việc tại văn phòng Đoàn trường.

- Công tác quản lí: BCH Đoàn trường cùng GVCN các lớp quan tâm nhắc nhở, đôn đốc học sinh.

Nhà trường kêu gọi toàn thể các chi đoàn hãy nhiệt liệt hưởng ứng và tích cực tham gia buổi tổng vệ sinh nầy.

Ngày.... tháng.... năm........

BGH nhà trường

5. Nhận xét về các nhân tố giao tiếp qua bức thư Bác Hồ gửi cho học sinh cả nước nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tháng 9 năm 1945.

a) Về người tạo lập văn bản: Bác Hồ - Chủ tịch nước, viết gửi cho học sinh trong cả nước nhân ngày khai giảng năm học.

b) Hoàn cảnh giao tiếp: Bức thư được viết khi đất nước ta vừa giành lại được độc lập chủ quyền từ tay thực dân Pháp. Cũng lúc ấy, chúng ta bắt đầu có một nền giáo dục hoàn toàn mới. Vì thế mà cả người viết và người nhận đều vô cùng hứng khởi.

c) Nội dung của bức thư: Bức thư nói tới niểm vui sướng của người viết vì nhìn thấy học sinh được hưởng nền giáo dục mới trong tự do, độc lập. Thư nói tới nhiệm vụ, trách nhiệm của học sinh đối với đất nước. Đồng thời bức thư còn thể hiện lời chúc của Bác đối với học sinh.

d) Mục đích Bác viết thư: chúc mừng học sinh nhân ngày khai trường. Thư viết còn để xác định nhiệm vụ vừa nặng nề, vừa rất vẻ vang của các thế hệ chủ nhân tương lai của nước Việt Nam độc lập.

e) Về hình thức nghệ thuật: Bức thư Bác viết có lời lẽ vừa rất gần gũi, thân tình, nhưng lại vừa nghiêm túc. Vì thế nó là những lời động viên khích lệ và là lời nhắc nhở về ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh đối với tương lai của đất nước mình.

Viết bình luận