Soạn bài: Tuần 15 - Đọc thêm: Vận nước (Quốc tộ)

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Đỗ Pháp Thuận (915 - 990) không rõ tên thật và quê quán, là một nhà sư thuộc dòng thiền Nam phương, từng giữ những công việc cố vấn quan trọng dưới triều Tiền Lê.

2. Bài thơ Vận nước thể hiện cái tôi công dân của nhà thơ, đồng thời thể hiện khát vọng hoà bình của con người thời đại bấy giờ và truyền thống yêu chuộng hoà bình của dân tộc Việt Nam.

3. Bài thơ dùng hình tượng tự nhiên để khẳng định thế nước vững chãi, vận nước vững bền. Lời thơ ngắn gọn, ý thơ hàm súc.

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Trong câu thơ đầu, nhà thơ đã mượn hình tượng thiên nhiên để nói về vận nước. Nghệ thuật so sánh ở đây được sử dụng hợp lí, làm nổi bật sự bền chặt, thịnh vượng của đất nước. Câu thơ khẳng định tình đoàn kết toàn dân, đồng thời nói lên niềm tin của tác giả vào vận nước.

2. Qua hai câu thơ đầu, ta có thể cảm nhận được :

- Hoàn cảnh đất nước: Sau nhiều năm chiến tranh loạn lạc (loạn mười hai sứ quân và sự xâm lược của nhà Tống năm 981) đất nước ta bắt đầu bước vào thời kì ổn định. Vua Lê Đại Hành muốn xây dựng một vương triều phong kiến hùng cường.

- Tâm trạng: Nhà thơ rất tin tưởng vào tương lai của đất nước.

3. Hai câu cuối nói về đường lối trị nước. Tác giả khẳng định: muốn cho đất nước thái bình, người trị quốc phải dùng cái đức của mình để cảm hoá nhân dân. Quan điểm "Đức trị" của nhà thơ được thể hiện tập trung trong hai chữ "vô vi".

4. Hai câu thơ cuối bài thể hiện truyền thống yêu chuộng hoà bình của nhân dân ta. Đỗ Pháp Thuận nói về truyền thống để bày tỏ niềm tự hào dân tộc, nói về tương lai để thể hiện niềm tin vững chắc về cảnh sống yên ổn ấm no của dân. Có thể xem chữ thái bình là nhãn tự. Vì vận nước xoay quanh hai chữ này mà đường lối trị nước cũng hướng tới hai chữ ấy.

Viết bình luận