Soạn bài: Chữa lỗi về chủ ngữ và vị ngữ

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

- Về kiến thức, ở bài này, các em cần hiểu được thế nào là câu sai về chủ ngữ và vị ngữ. Cụ thể, tiết học này chủ yếu nói về loại câu sai do thiếu chủ ngữ hoặc thiếu vị ngữ.

- Như ta biết, câu có cấu tạo bình thường (trừ loại câu có cấu tạo đặc biệt và câu rút gọn ) phải có đủ chủ ngữ và vị ngữ. Câu thiếu một trong hai thành phần chủ ngữ và vị ngữ là câu sai.

- Nguyên nhân của việc tạo ra các câu sai này chủ yếu do người viết lầm tưởng “sự vật” được nêu ở trạng ngữ chính là “đối tượng làm chủ thể của hành động trong thông báo” (ở câu thiếu chủ ngữ kiểu Qua truyện Dế Mèn phiêu lưu kí cho thấy Dế Mèn biết phục thiện.); hoặc lầm tưởng cụm chủ - vị làm phụ ngữ cho danh từ trung tâm trong cụm danh từ làm chủ ngữ - là một câu hoàn chỉnh (ở câu thiếu vị ngữ kiểu Hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt, vung roi sắt, xông thẳng vào quân thù.); lầm tưởng cụm danh từ có thành phần giải thích - là một câu hoàn chỉnh (ở câu thiếu vị ngữ kiểu Bạn Lan, người học giỏi nhất lớp 6A.)

Tóm lại, nguyên nhân của việc viết câu sai ở đây là do người viết không kiểm soát được câu mình viết, không nắm vững cấu tạo của một số kiểu câu thường viết sai. Bài này giúp các em nắm chắc, hiểu kĩ cấu tạo của các kiểu câu này. Từ đó, các em có cơ sở để phát hiện ra các câu sai do thiếu chủ ngữ, thiếu vị ngữ; hình thành ý thức và thói quen viết câu đúng.

II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. - Muốn đặt câu hỏi để kiểm tra xem 3 câu trong bài tập này có thiếu chủ ngữ, vị ngữ hay không, trước hết, em cần hiểu:

+ Chủ ngữ trong câu trả lời cho câu hỏi: Ai? Con gì? Cái gì?...

+ Vị ngữ trong câu trả lời cho câu hỏi: Là gì? Là con gì? Là cái gì? Làm gì? Như thế nào? Ra sao?...

- Vận dụng vào câu a, ta có thể đặt các câu hỏi sau:

+ Ai không làm gì nữa? (câu hỏi để xác định chủ ngữ).

Trả lời: Bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay.

+ Từ hôm đó, bác Tai, cô Mắt, cậu Chân, cậu Tay như thế nào?(câu hỏi để xác định vị ngữ).

Trả lời: không làm gì nữa.

Kết luận: Câu trên có đủ thành phần, không thiếu chủ ngữ, vị ngữ.

Chú ý: Đối với câu b, câu c, cách làm cũng tương tự (HS tự làm).

2. - Em đọc kĩ 4 câu cho sẵn, đối chiếu với các câu đã được đề cập tới ở phần bài học, từ đó tìm câu viết sai trong 4 câu cho sẵn này. Cụ thể, ờ từng câu, em xác định chủ ngữ, vị ngữ của câu. Nếu câu thiếu chủ ngữ (hoặc thiếu vị ngữ) thì đó là câu sai. Em có thể giải thích nguyên nhân viết sai.

- Trong 4 câu cho sẵn, có câu b, câu c là câu sai. Cụ thể :

+ Câu b: Với kết quả của năm học đầu tiên ở trường Trung học cơ sở / đã động viên em rất nhiều.

Như vậy, câu trên thiếu chủ ngữ (mới có trạng ngữ (Tr) và vị ngữ (V)).

Nguyên nhân sai: Người viết lầm tưởng cụm từ kết quả của năm học đầu tiên ỏ trường Trung học cơ sở là chủ ngữ.

Cách chữa: Bỏ quan hệ từ Với ở đầu câu.

+ Câu c: Những câu chuyện dân gian mà chúng tôi thích nghe kể.

                              C

Câu trên thiếu vị ngữ (mới có chủ ngữ - là một cụm danh từ).

Nguyên nhân sai: Người viết lầm tưởng cụm chủ - vị chúng tôi thích nghe kể là chủ ngữ - vị ngữ của câu (cụm chủ - vị này chỉ là phụ ngữ của danh từ trung tâm câu chuyện). .

Cách chữa: Thêm vị ngữ vào sau. Ví dụ:

Những câu chuyện... thích nghe kể luôn đi theo chúng tôi suốt cuộc đời.

3. Muốn tìm được từ ngữ thích hợp làm chủ ngữ để điền vào từng chỗ trống, em phải dựa vào nội dung các từ ngữ cho sẵn ở từng trường hợp (bộ phận vị ngữ của câu). Ví dụ:

+ Ở chỗ trống trong a có thể điền một trong các từ ngữ sau:

Học sinh lớp 6A; Chúng em; Mọi người...

+ Ở chỗ trống trong b: Chim; Mấy chú chim chích choè...

Hai trường hợp còn lại, HS tự làm.

4. Cách làm tương tự ở bài tập 3 - nghĩa là phải dựa vào nội dung các từ ngữ cho sẵn (chủ ngữ của câu) để tìm từ ngữ thích hợp, tương hợp làm vị ngữ. Ví dụ:

+ Ở chỗ trống trong a có thể điền một trong các từ ngữ sau: còn rất nhỏ, rất ốm yếu; học rất giỏi; học giỏi nhất môn Toán; bắt đầu học đàn; bắt đẩu làm quen với máy vi tính...

+ Ở chỗ trống trong b: rất ân hận; rất thương bạn; rất ăn năn hối lỗi; mới hiểu mình đã hại bạn...

Hai trường hợp còn lại, HS tự làm.

5. Mỗi câu ghép đã cho ở bài tập này đều gồm hai vế câu. Mỗi vế câu tương ứng với một câu đơn, có đủ chủ ngữ, vị ngữ. Chuyển câu ghép thành các câu đơn nghĩa là tách riêng từng vế của câu ghép; thay dấu phẩy (hoặc quan hệ từ) phân cách các vế câu, bằng dấu chấm; viết hoa các chữ đầu câu. Ví dụ:

- Câu ghép a có thể tách thành hai câu đơn sau đây:

Hổ đực mừng rỡ đùa giỡn với con. Hổ cái thì nằm phục xuống, dáng mệt mỏi lắm.

- Các trường hợp còn lại, HS tự làm.

Viết bình luận