Soạn bài: Luyện nói về quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

Để học tốt mục này, các em cần hiểu kĩ những nôi dung cơ bản sau:

1. Văn miêu tả là loại văn nhằm giúp người đọc, người nghe hình dung ra được đối tượng miêu tả một cách rõ nét, cụ thể, sinh động như nó vốn có trong cuộc sống thường ngày. Đối tượng miêu tả ở đây có thể là người, vật, cây cối, phong cảnh, cảnh sinh hoạt,... Qua văn miêu tả, người đọc, người nghe như thấy đối tượng hiện lên trước mắt mình.

2. Bởi vậy, để viết đuợc văn miêu tả, ta không thể không quan sát. Quan sát để phát hiện ra những nét mới mẻ, độc đáo, phát hiện ra cái riêng của đối tượng. Quan sát để sao có thể phát hiện cho đúng cái thần đối tượng. Quan sát là để phát hiện cho được cái mà người bình thường chưa thấy, không thấy hoặc chưa cảm hay không cảm như mình. Rồi sau đó, từ cái mới, cái riêng trong quan sát, tiến đến ta sẽ nâng lên thành cái mới, cái riêng trong tình cảm, trong tư tưởng. Cái mới, cái riêng chính là linh hồn của văn học, đặc biệt của văn miêu tả. Nhà văn Tô Hoài đã có lần tâm sự: “Một nhà văn Pháp có nói một câu nổi tiếng: Một trăm thân cây hạch dương giống nhau cả trăm, một trăm ánh lửa giống nhau cả trăm. Mới nhìn tưởng thế, nhưng nhìn kĩ thì thân cây hạch dương nào cũng khác nhau, ngọn lửa nào cũng khác nhau. Trong đời ta gặp hao nhiêu người, phải thấy ra mỗi người mỗi khác nhau không một ai giống ai. Câu ấy dạy tôi bài học thiết thực và tỉ mỉ trong quan sát”. Chỉ có quan sát kĩ mới phát hiện được cái hồn của đối tượng. Tầm quan trọng của quan sát là như vậy.

3. Nhưng nếu chỉ có quan sát không thôi thì chưa đủ. Để có thể giúp người đọc, người nghe hình dung ra được, nhận ra được con người ấy, cảnh vật ấy... người viết cần phải biết tưởng tượng, so sánh và nhận xét. Chính sự tưởng tượng, so sánh, nhận xét vừa giúp cho người đọc, người nghe hình dung được đối tượng miêu tả một cách cụ thể, rõ ràng, vừa làm cho lời văn thêm sinh động, giàu hình ảnh. Ví dụ, nhìn bầu trời đầy sao, Vích-to Huy-gô thấy nó giống như “một cánh đồng lúa chín” và ở đó người đi gặt đã “bỏ quên lại một cái liềm con” (mảnh trăng non) ; còn I. Ga-ga-rin, nhà du hành vũ trụ Nga, lại thấy nó giống như “những hạt giống mới” mà loài người gieo vào vũ trụ. Trong khi đó, đối với Nạm Cao, nhà văn Việt Nam, thì vầng trăng hoặc ánh sao lại được nhìn nhận, được cảm theo một cách khác: “Trăng là cái liềm vàng giữa cánh đồng sao. Trăng là cái đĩa bạc trên tấm thảm nhung da trời. Trăng toả mộng xuống trần gian. Trăng tuôn suối mát để những hồn khát khao ngụp lặn”. Có được những lời văn miêu tả sống động và mới mẻ ấy chính là nhờ vào việc khi quan sát nhà văn đã so sánh, khi so sánh nhà văn đã tưởng tượng, nhận xét. Tác dụng của tưởng tượng, so sánh và nhận xét là như thế.

4. Bởi vậy, có thế thấy rằng:

- quan sát,

- tưởng tượng,

- so sánh,

- nhận xét

là những thao tác chung nhất, cơ bản nhất để viết bài văn miêu tả. Viết bài văn miêu tả cần phải có những điều kiện khác nữa, nhưng đây là những thao tác quan trọng để tạo được nội dung cho bài văn miêu tả.

II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Dựa vào truyện Bức tranh cua em gái tôi, các em sẽ tả Kiều Phươnganh trai của Kiều Phương theo sự tưởng tựợng của mình. Như vậy, các chi tiết trong bài chỉ là những gợi ý để các em hình dung, tưởng tượng và kể theo cách nghĩ riêng của mình về hai nhân vật này. Để giúp người đọc, người nghe hình dung một cách rõ ràng, cụ thể và sinh động về hai nhân vật, các em lưu ý cần chú ý cả ngoại hình lẫn đời sống nội tâm, cũng như hành động của nhân vật. Theo cách này, các em có thể dựa vào một số chi tiết gợi ý dưới đây để lập dàn ý cho hai bài nói của minh.

a) Tả Kiểu Phương

Kiều Phương là một hình ảnh đep. Bởi vậy, khi miêu tả, các em cần làm nổi bật những nét đẹp đó. Kiều Phương đẹp về đời sống tâm hồn, đẹp về hành động, đẹp về tấm lòng vị tha, nhân hậu. Dưới đây là một số gợi ý:

- Ngoại hình

Kiều Phương có ngoại hình của một người bận rộn, lúc nào cũng gắn với công việc mà mình say mê. Khuôn mặt Kiều Phương “luôn bị chính nó bôi bẩn”. Và hình như lúc nào cũng vậy, bao giờ “cũng lem nhem, bị tôi quát thì xịu xuống, miệng dẩu ra”. Thế nhưng khuôn mặt ấy lại toát lên một nét đáng yêu, vì bộ mặt ấy trông “rất ngộ”.

- Nội tâm

+ Hết sức phong phú. Kiều Phương lúc nào cũng vui vẻ. Kiều Phương vừa làm vừa hát, có lúc lại reo lên khe khẽ. Kiểu Phương sống hồn nhiên, ngây thơ đúng với lứa tuổi của mình.

+ Tuy thế, Kiều Phương cũng rất kín đáo. Kiều Phương vẽ những bức tranh mà “mọi thứ có trong ngôi nhà của chúng tôi đều được nó đưa vào tranh” và tất cả đều “vô cùng dễ mến”, “trở nên ngộ nghĩnh”, nhưng Kiều Phương không hề cho ai biết.

+ Kiều Phương có tấm lòng nhân hậu. Tuy anh Kiều Phương có những điều không phải, nhưng Kiều Phương muốn anh cùng đi nhận giải. Việc vẽ bức tranh “Anh trai tôi” với những nét họa: khuôn mặt chú bé “như tỏa ra một thứ anh sáng rất lạ”,[...] tư thế ngồi của chú không chỉ sự suy tư mà còn rất mơ mộng nữa, chú bé đang ngồi nhìn ra ngoài cửa sổ, nơi bầu trời trong xanh”,... là sự thể hiện rõ ràng nhất, cụ thể nhất cho tấm lòng nhân hậu đó.

- Hành động

+ Kiều Phương hay vẽ, và vẽ rất nhiều. Kiều Phương vẽ tất cả những gì quanh mình và vẽ đẹp, có hồn. Đến ngay cả “Con mèo vằn vào tranh, to hơn cả con hổ nhưng nét mặt lại vô cùng dễ mến”.

+ Kiều Phương say mê công việc và có trách nhiệm với công việc mình làm. Tất cả mọi công việc nhà bố mẹ giao cho, Kiều Phương đều làm tốt, không hề sao nhãng. Kiều Phương lúc nào cũng “vui vẻ chạy đi làm những việc bố mẹ tôi phân công, vừa làm vừa hát, có vẻ vui lắm”.

b) Tả anh của Kiều Phương

Khi tả anh của Kiều Phương, các em nên nhấn mạnh hai nội dung:

- Anh của Kiều Phương là một người yêu quý em nhưng vì năng khiếu hội họa của em gái quá nổi trội nên đố kị với em. Anh Kiều Phương không những không giúp đỡ em mà còn luôn tìm cách cãi lộn với em, “chỉ cần một lỗi nhỏ ở nó là tôi gắt um lên”.

- Nhưng trước sự hồn nhiên và tấm lòng nhân hậu của em, anh Kiều Phương đã hối hận và nhận ra sai lầm của mình.

2. Bài tập này yêu cầu các em:

- Nói về anh, chị hoặc em của mình cho bạn nghe.

- Lập dàn bài ra vở nháp rồi sau đó nói theo dàn bài đã lập.

- Trong khi nói, chú ý làm nổi bật đặc điểm của đối tượng miêu tả bằng các hình ảnh và nhận xét của bản thân.

Các em có thể tham khảo dàn ý chung dưới đây:

- Giới thiệu người mình định nói

- Nêu đặc điểm nổi bật của người đó:

+ Ngoại hình

+ Nội tâm

+ Tính cách

- Tình cảm của em đối với người đó.

3. Các em tiến hành chi tiết hoá những nội dung đã cho trong SGK để tả cảnh một đêm trăng.

a) Lập dàn bài cho bài văn miêu tả

Để lập dàn bài, các em phải:

- Quan sát để phát hiện ra cái thần, cái hồn của đêm trăng định tả. Các em có thể quan sát kĩ cảnh:

+ Bầu trời

+ Vầng trăng

+ Ánh sao

+ Cây cối

+ Đường làng, ngõ xóm

+ Con người.

- Nêu nhận xét:

+ Cảnh đêm trăng có đẹp không ? Có quyến rũ không ?

+ Em thấy cảnh đêm trăng như thế bao nhiêu lần ? ở đâu ?

+ Cảm nghĩ chung của em ?

b) Sau khi đã có ý, các em tiến hành lập dàn bài và trình bày bằng miệng theo dàn bài đã lập với các bạn trong lớp.

Chú ý:

Trong khi tả cần dùng phép so sánh đã được học trong phần Tiếng Việt để sự diễn đạt thêm sinh động, giàu hình ảnh.

Môt số đoan văn tham khảo:

Đoạn trích 1: Trăng mọc trên biển

Biển về đêm đẹp quá ! Bầu trời cao vời vợi, xanh biếc, một màu xanh trong suốt. Những ngôi sao vốn đã lóng lánh, nhìn trên biển lại càng thêm lóng lánh. Bỗng một vầng sáng màu lòng đỏ trứng gà to như chiếc nong đang nhô lên ở phía chân trời.

[...] Màu lòng đỏ trứng mỗi lúc một sáng hồng lên, rất trong. Càng lên cao, trăng càng nhỏ dần, càng vàng dần, càng nhẹ dần. Bầu trời cũng sáng xanh lên. Mặt nước loá sáng. Cả một vùng nước sóng sánh, vàng chói lọi. Càng lên cao, trăng càng trong và nhẹ bỗng. Biển sáng lên lấp loá như đặc sánh, còn trời thì trong như nước. Có trăng, những tiếng động như nhoà đi, nghe không gọn tiếng, không rõ ràng như trước...

(Theo Trần Hoài Dương, Tiếng Việt 3, tập một, 2000)

Đoạn trích 2: Đêm trong rừng

Trăng cuối tháng vàng và nhọn như một chiếc ngà non đã ló ra khỏi đỉnh núi. Trời đầy sao. Gió lộng trên những ngọn cây cao nhưng trong rừng thì hoàn toàn yên tĩnh. Hoa lá, quả chín, những vạt nấm ẩm ướt và con suối chảy thầm dưới chân đua nhau toả mùi thơm. Những đốm sáng lân tinh trên gỗ và trên lá mục lấp lánh.

(Theo Vũ Hùng, Tiếng Việt 3, tập một, 2000)

Đoạn trích 3: Đêm trăng trẽn sông Hương

Đêm. Mặt sông như tấm thảm ngọc phản chiếu ánh sáng, lâu đài và ánh điện lung linh. Khách qua cầu, người đi trên hai bờ nhìn dòng sông càng thêm rực rỡ.

Giữa trời khuya tĩnh mịch, một vầng trăng vằng vặc trên không, một giọng hò mái nhì du dương, trầm bổng của ai đó vọng lên từ một con đò dọc đang xuôi dòng, có lúc hoà lẫn trong tiếng chuông chùa thong thả ngân nga, càng làm cho dòng sông thêm thi vị, man mác gợi nhớ tình non nước bao xa.

(Theo Huế anh dũng - kiên cường)

Đoạn trích 4: Đêm trăng trên Hồ Tây

Trời tháng tám nhân buổi đêm trăng, dắt một vài anh em, bơi một chiếc thuyền nhỏ rong chơi trong hồ.

Hồ về thu, nước trong vắt, bốn mặt mênh mông. Trăng toả ánh sáng, rọi vào các gợn sóng lăn tăn, tựa hồ hàng muôn ngàn con rắn vàng bò trên mặt nước. Thuyền ra khỏi bờ độ vài ba con sào thì có hây hẩy gió động sóng vỗ rập rình.

(Phan Kế Bính, Tiếng Việt 9, 1996)

Đoạn trích 5: Đêm trăng trên bến đò

Bến đò Trà cổ. Hai bờ sông, hai kè đá, sừng.sững như hai vết hoang tàn của một chiếc cầu lớn. Mặt trăng xế mãi phương đoài chiếu xuống lòng sông hợi gợn sóng, một dải vàng lung linh như một tấm tơ vàng ngâm long lơ. Xe ngừng, đỗ lù lù trên cánh đồng vắng, đợi con đò chập choạng bơi sang.

Bốn bề im lặng, chỉ nghe tiếng ánh trăng lờ mờ trôi dưới sông khuya và tiếng mái chèo vỗ nước của con đò lẻ. Đò sang đến giữa sông thì mặt trăng còn cách chân giời chừng hơn một thước, chiếu dài một vệt rực lên như vàng cháy, phảng phất giống một chữ I, run rẩy chết giữa dòng sông đang chơi vơi cố ngoi lên với lấy dấu chấm vàng là mảnh trăng treo lạnh lùng ở chân trời. Con đò từ từ nhập vào cái vòng sáng vàng rực ấy.

(Trần Cư)

4. Bài tập này có yêu cầu tương tự như bài tập 3:

- Lập dàn bài cho việc miêu tả cảnh buổi sáng (bình minh) trên biển.

- Nói theo dàn bài để các bạn trong lớp cùng nghe.

Để lập dàn ý cho bài nói này, các em có thể tham khảo một số đoạn trích dưới đây về cảnh buổi sáng ở biển.

Đoạn trích 1:

Cảnh hừng đông mặt biển nguy nga, rực rỡ. Phía hai bên, những đám mây trắng hồng hầu như dựng đứng, hơi ngả về phía trước. Tất cả đều mời mọc lên đường.

Xa xa mấy chiếc thuyền nữa cũng đang chạy ra khơi, cánh buồm lòng vút cong thon thả. Mảnh buồm nhỏ tí phía sau nom như một con chim đang đỗ sau lái, cổ rướn cao sắp lên tiếng hót. Nhìn từ xa, giữa cảnh mây nước long lanh, mấy chiếc thuyền lưới làm ăn nhiều khi vất vả nhưng trông cứ như những con thuyền du ngoạn.

Gió càng lúc càng mạnh, sóng cuộn ào ào. Biển khi nổi sóng, trông càng lai láng mênh mông. Thuyền chồm lên hụp xuống như nô giỡn. Sóng đập vào vòi mũi thùm thùm, chiếc thuyền tựa hồ một tay võ sĩ can trường giơ ức ra chịu đấm, vẫn lao mình tới.

(Bùi Hiển)

Đoạn trích 2:

Buổi sớm nắng sáng. Những cánh buồm nâu trên biển được nắng chiếu vào hồng rực lên như đàn bướm múa lượn giữa trời xanh.
[...] Có buổi nắng sớm mờ, biển bốc hơi nước, không nom thấy đảo xa, chỉ một màu trắng đục. Không có thuyền, không có sóng, không có mây, không có sắc biếc của da trời.

[...] Thế đấy, biển luôn thay đổi màu tuỳ theo sắc mây trời. Trời xanh thắm, biển cũng thắm xanh, như dâng cao lên, chắc nịch. Trời rải mây trắng nhạt, biển mơ màng dịu hơi sương. Trời âm u như mưa, biển xám xịt, nặng nề. Trời ầm ầm, biển đục ngầu, giận dữ... Như một con người biết buồn vui, biển lúc tẻ nhạt, lạnh lùng, lúc sôi nổi, hả hê, lúc đăm chiêu, gắt gỏng.

(Vũ Tú Nam)

5. Em hãy tả hình ảnh một người dũng sĩ trong truyện cổ đã học theo trí tưởng tượng của mình.

Để chuẩn bị lập dàn bài cho nội dung miêu tả, các em chú ý:

- Chọn một truyện cổ bất kì có hình ảnh người dũng sĩ. Đây là hình ảnh của những con người đep, nhưng lại hết sức dũng cảm và sống nhân hậu.

- Dựa theo trí tưởng tượng của mình, các em tả người dũng sĩ đó. Có thể tả theo trình tự: ngoại hình, nội tâm và những hành động tiêu biểu của nhân vật.

Viết bình luận