Soạn bài: Sông nước Cà Mau

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Văn của Đoàn Giỏi - nhất là những trang văn viết cho thiếu nhi của ông giàu sức lôi cuốn và hấp dẫn bởi chất hồn nhiên, trong trẻo, tài hoa và đậm đà hơi thở của vùng đất phương Nam ; khiến chỉ đọc một lần đã khắc sâu ấn tượng.

2. Sông nước Cà Mau là một đoạn trích trong chương XVIII truyện Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Đoạn trích đi từ những ấn tượng khái quát đến miêu tả cụ thể, đã đem đến cho người đọc những cảm nhận đặc sắc về cuộc sống đậm chất Nam Bộ thông qua việc tái hiện thiên nhiên và những sinh hoạt ở vùng sông nước Năm Căn.

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Bài văn miêu tả sông nước vùng Cà Mau ở cực nam của Tổ quốc.

Trình tự miêu tả thể hiện trong bài văn là : bắt đầu từ cảm tượng chung, thông qua sự quan sát thiên nhiên Cà Mau - tác giả đi đến những nét đặc tả kênh rạch, sông ngòi và nét độc đáo của cảnh chợ Năm Căn họp trên mặt nước.

Theo trình tự miêu tả như trên, có thể thấy bố cục của bài văn gồm ba đoạn :

- Đoạn 1 (từ đầu đến lặng lẽ một màu xanh đơn điệu) : Cảm tưởng chung về thiên nhiên Cà Mau.

- Đoạn 2 (tiếp theo đến khói sóng han mai) : Đặc tả kênh, rạch Cà Mau và con sông Năm Căn rộng lớn.

- Đoạn 3 (còn lại) : Đặc tả cảnh chợ Năm Căn.

Đọc bài văn, có thể hình dung vị trí của người miêu tả là ngôi thứ nhất “tôi” (ngồi trên thuyền) - tức người chứng kiến và cảm nhận quang cảnh sông nước Cà Mau. Vị trí ấy rất thuận lợi cho việc quan sát và miêu tả vì những hình ảnh và suy nghĩ được thể hiện trực tiếp bằng con mắt của “người trong cuộc”. Với vị trí quan sát của người trên thuyền, các hình ảnh miêu tả được hiện ra trong bài văn như một cuốn phim thật sinh động : nhiều màu sắc, cảnh trí đan cài và giàu cảm xúc.

2. Trong đoạn văn (từ đầu đến lặng lẽ một màu xanh đơn điệu) tác giả đã diễn tả ấn tượng ban đầu bao trùm về vùng sông nước Cà Mau. Ấn tượng ấy là ấn tượng choáng ngợp (thể hiện qua các từ ngữ có tính cường điệu : kênh rạch càng bủa giăng chi chít, trên thì..., dưới thì..., chung quanh... cũng chỉ...). Ấn tượng ấy được cảm nhận qua thị giác, thính giác và vị giác - đặc biệt là cảm giác đơn điệu về màu xanh và... tiếng rì rào bất tận... của rừng, của sóng. Ấn tượng ấy được thể hiện qua các câu văn dài ngắn xen kẽ, biến hoá linh hoạt : vừa tả vừa kể, tạo ra một mạch văn trữ tình lôi cuốn.

3. Qua đoạn văn tác giả nói về cách đặt tên cho các vùng đất, con kênh ở vùng Cà Mau cho thấy : các địa danh ở đây được đặt tên rất giản dị, gần gũi với thiên nhiên. Cách đặt tên như thế cũng thể hiện đặc điểm của thiên nhiên vùng Cà Mau.

4. Trong đoạn văn từ Thuyền chúng tôi chèo thoát qua... đến sương mù và khói sóng ban mai:

a) Những chi tiết thể hiện sự rộng lớn, hùng vĩ của dòng sông và rừng đước :

- Nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác

- Con sông rộng hơn ngàn thước

- Cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người bơi ếch giữa những đầu sóng trắng.

b) Trong câu “Thuyền chúng tôi chèo thoát qua kênh Bọ Mắt, đổ ra con sông Cửa Lớn, xuôi về Năm Căn.” có các động từ : thoát qua, đổ ra, xuôi về chỉ cùng một hoạt động của con thuyền.

Nếu thay đổi trình tự những động từ ấy trong câu thì sẽ không thể hiện được các trạng thái hoạt động rất phong phú của con thuyền trong các hoàn cảnh khác nhau.

Trong câu này, tác giả sử dụng từ ngữ rất chính xác và tinh tế bởi vì:

- thoát qua : diễn đạt sự khó khăn mà con thuyền vừa phải vượt;

- đổ ra : chỉ trạng thái con thuyền từ sông nhỏ đến với dòng sông lớn ;

- xuôi về: diễn tả trạng thái nhẹ nhàng của con thuyền xuôi theo dòng nước.

c) Những từ miêu tả màu sắc của rừng đước : màu xanh lá mạ, màu xanh rêu, màu xanh chai lọ. Qua những từ đó, vừa thấy được khả năng quan sát và phân biệt các sắc độ của tác giả rất tinh tế, đồng thời cũng thấy được sự phát triển mạnh mẽ không ngừng của loài đước.

5. Trong bài văn, sự tấp nập, đông vui, trù phú và độc đáo của chợ vùng Cà Mau được thể hiện qua những chi tiết, hình ảnh đặc sắc của cảnh chợ Năm Căn :

- Sự tấp nập, đông vui, trù phú : túp lều lá thô sơ, những ngôi nhà gạch hai tầng, những đống gỗ cao như núi, những cột đáy, thuyền chài, thuyền lưới, những bến vận hà nhộn nhịp, những lò than hầm gỗ đước, những ngôi nhà bè ban đêm ánh đèn măng-sông chiếu rực,...  

- Sự độc đáo của chợ Năm Căn : chợ họp ngay trên sông, chỉ cần cập thuyền lại với nhau là có thể mua bán đủ thứ tiêu dùng và ẩm thực. Đây còn là nơi hội tụ đông vui của những người bán vải, bán rượu đến từ nhiều vùng, có nhiều giọng nói, trang phục khác nhau,...

6. Qua cách miêu tả từ xa đến gần, từ khái quát đến cụ thể, tả xen kể... cùng với việc sử dụng các từ ngữ gợi cảm tinh tế của tác giả, có thể cảm nhận được vẻ đẹp trù phú của vùng sông nước Cà Mau. Đó là một nơi có khung cảnh thiên nhiên hoang dã và hùng vĩ - nơi có những dòng sông rộng lớn và rừng đước bạt ngàn ; đồng thời đó cũng là nơi có cảnh chợ Năm Căn đặc sắc, tấp nập đông vui.

III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Thực hành viết một đoạn văn trình bày cảm nhận về vùng Cà Mau qua bài Sông nước Cà Mau.

Trong đoạn văn, cần nêu được các ý :

- Đặc sắc của cảnh thiên nhiên, sông nước Cà Mau : rộng lớn, hùng vĩ...

- Cảnh chợ Năm Căn trù phú, tấp nập, độc đáo.

- Giọng văn lối cuốn, hấp dẫn ; đường nét miêu tả vừa khái quát vừa tỉ mỉ đến từng chi tiết, khiến cho ấn tượng của người đọc về bức tranh Sông nước Cà Mau thật sâu sắc.

2. Khi kể tên các con sông ở quê mình, em cần nêu được một số đặc điểm chung và nét đặc sắc riêng của những con sông đó (ví dụ : hình dáng, màu nước, tốc độ dòng chảy, giá trị kinh tế, quang cảnh trên sông ở những thời điểm khác nhau, V.V.).

Viết bình luận