Soạn bài: Bài 3 - Viết bài làm văn số 1 - Văn thuyết minh

Đề văn tham khảo

1. Cây lúa Việt Nam.

2. Cây ... quê em.

3. Công việc đọc sách.

4. Một nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh quê em.

BÀI ĐỌC THAM KHẢO

CÂY TRE VIỆT NAM

Cây tre là người bạn thân của nông dân Việt Nam, bạn thân của nhân dân Việt Nam.

Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa. Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi,... đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn.

Tre, nứa, trúc, mai, vầu mấy chục loại khác nhau nhưng cùng một mầm non măng mọc thẳng. Vào đâu tre cũng sống, ở đâu tre cũng xanh tốt. Dáng tre vươn mộc mạc, màu tre tươi nhũn nhặn. Rồi tre lớn lên, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc. Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người.

Nhà thơ đã có lần ca ngợi:

Bóng tre trùm mát rượi.

Bóng tre trùm lên âu yếm làng, bản, xóm, thôn. Dưới bóng tre của ngàn xưa, thấp thoáng mái đình mái chùa cổ kính. Dưới bóng tre xanh, đã từ lâu đời, người dân cày Việt Nam dựng nhà, dựng cửa, vỡ ruộng, khai hoang. Tre ăn ở với người, đời đời, kiếp kiếp. Tre, nứa, mai, vầu giúp người trăm nghìn công việc khác nhau. Tre là cánh tay của người nông dân:

“Cánh đồng ta năm đôi ba vụ

Tre với người vất vả quanh năm.”

Tre với người như thế đã mấy nghìn năm. Một thế kỉ “văn minh”, “khai hóa” của thực dân cũng không làm ra được một tấc sắt. Tre vẫn phải còn vất vả mãi với người. Cối xay tre nặng nề quay, từ nghìn đời nay, xay nắm thóc.

Trong mỗi gia đình nông dân Viêt Nam, tre là người nhà, tre khăng khít với đời sống hằng ngày.

Giang chẻ lạt, buộc mềm, khít chặt như những mối tình quê cái thuở ban đầu thường nỉ non dưới bóng tre, bóng nứa:

“Lạt này gói bánh chưng xanh

Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng...”

Tre còn là niềm vui duy nhất của tuổi thơ. Các em bé còn có đồ chơi gì nữa ngoài mấy que chuyền đánh chắt bằng tre.

Tuổi già hút thuốc làm vui. Với chiếc điếu cày tre là khoan khoái. Nhớ lại vụ mùa trước, nghĩ đến những mùa sau, hay nghĩ đến một ngày mai sẽ khác...

Suốt một đời người, từ thuở lọt lòng trong chiếc nôi tre, đến khi nhắm mắt xuôi tay, nằm trên giường tre, tre với mình, sống có nhau, chết có nhau, chung thủy.

Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất.

Người xưa có câu: “Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng". Tre là thẳng thắn, bất khuất! Ta kháng chiến, tre lại là đồng chí chiến đấu của ta. Tre vốn cùng ta làm ăn, lại vì ta mà cùng ta đánh giặc.

Buổi đầu, không một tấc sắt trong tay, tre là tất cả, tre là vũ khí. Muôn ngàn đời biết ơn chiếc gậy tầm vông đã dựng lên thành đồng Tổ quốc! Và sông Hồng bất khuất có cái chông tre.

Gậy tre, chông tre chống lại sắt thép của quân thù. Tre xung phong vào xe tăng, đại bác. Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hi sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!

(...) Nhạc của trúc, nhạc của tre là khúc nhạc đồng quê. Nhớ một buổi trưa nào, nồm nam cơn gió thổi, khóm tre làng rung lên man mác khúc nhạc đồng quê.

Diều bay, diều lá tre bay lưng trời ...

Sáo tre, sáo trúc vang lưng trời ...

Gió đưa tiếng sáo, gió nâng cánh diều.

Trời cao lồng lộng, đồng ruộng mênh mông hãy lắng nghe tiếng hát giữa trời cao của trúc, của tre, ...“Tre già măng mọc”. Măng mọc trên phù hiệu ở ngực thiếu nhi Việt Nam, lứa măng non của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Các em, các em rồi đây lớn lên, sẽ quen dần với sắt, thép và xi măng cốt sắt.

Nhưng, nứa, tre sẽ còn mãi với các em, còn mãi với dân tộc Việt Nam, chia bùi sẻ ngọt, của những ngày mai tươi hát còn mãi với chúng ta, vui hạnh phúc, hòa bình.

Ngày mai trên đất nước này, sắt, thép có thể nhiều hơn tre, nứa. Nhưng, trên đường trường ta dấn bước, tre xanh vẫn là bóng mát. Tre vẫn mang khúc nhạc tâm tình. Tre sẽ càng tươi những cổng chào thắng lợi. Những chiếc đu tre vẫn dướn lên bay bổng. Tiếng sáo diều tre bay vút mãi.

Cây tre Việt Nam! Cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thủy chung, can đảm. Cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.

(Thép Mới)

VIỆT NAM ƠI, TA LẠI GỌI TÊN MÌNH!

Quốc gia nào hình như cũng có một loại cây hay một loại hoa tượng trưng cho cảnh quan, con người và linh hồn văn hóa. Nước Nga có cây bạch dương, Trung Quốc - cây tùng, Nhật Bản - hoa Anh đào, Lào - hoa Chăm pa, Cam- pu-chia - cây thốt nốt, v.v... Biểu tượng cho đất nước, con người và văn hóa Việt Nam là cây tre giản dị, thanh cao, dẻo dai và vững chắc đã nghìn đời.

Tre xanh, xanh tự bao giờ... Từ thuở các vua Hùng dựng nước, truyền thuyết đã nói đến cây tre. Tre, giang, nứa, trúc, mai, vầu rồi tầm vông,... mấy chục loại khác nhau cùng gia phả. Cây tre - cây vũ trụ, cây linh hồn người Việt!

Làng quê, xóm mạc nào của Việt Nam chẳng có lũy tre.. Cùng với cây đa, bến nước, cổng làng, đình chùa, lũy tre là cảnh quan, hơn nữa là điểm nhân cảnh quan, cây trúc của làng, phóng to lên là của nước. Nó là tín hiệu đầu tiên để nhận ra làng. Rặng tre như mái tóc, lại như thắt lưng xanh của làng. Và như cánh tay, cặp mắt của làng đón bình minh buổi sớm, tiễn Mặt Trời lúc hoàng hôn, tình tự với ánh trăng và sao trời buổi tối. Từ lũy tre làng, những cánh cò trắng phau bay lả bay la ra đồng ruộng, mang cái ngủ về đậu trên cánh võng tuổi thơ. Đường quê, ngõ quê âu yếm, mát rượi bóng tre. Chưa bao giờ làng quê đói thiên nhiên như phố thị. Trong văn hóa ở, con người làng quê luôn luôn hòa hợp bầu bạn với cây tre, với thiên nhiên.

Những lũy tre ôm cuộc đời của làng, của nước. Mùa mưa bão, tre là phên giậu, tấm chắn vĩ đại, bờ đê thiên nhiên khổng lồ cùng người chống bão. Nước có giặc, những lũy tre làm chiến bào, thành lũy của cả cộng đồng. Tre trong lũy luôn ấm bụi, đan cài, như lòng người, thế trận. Đòn gánh tre bao lần gánh đất nước trên vai. Lũy tre, chông tre, gậy tre, gậy tầm vông đã bao lần khiến kẻ thù kinh sợ. Năm xưa, người anh hùng làng Gióng làm gậy tre đuổi giặc. Roi sắt gãy chứ gậy tre không gãy. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chông Mĩ, tre đi dân công, tre ra hỏa tuyến, tre mở đường, kéo pháo, kiên trung và bất khuất xung phong vào xe tăng, đại bác kẻ thù. Những lũy tre, gậy tre, chông tre khẳng định nước Việt Nam là một, từ ải Nam Quan đến chót mũi Cà Mau, cây số không nơi biên ải cũng là phần xương thịt cụ thể của đất nước, dân tộc vạn xuân này.

Những lũy tre ôm cuộc đời của mọi con người. Tre giúp người dựng nhà, dựng cửa, khẩn ruộng, làm vườn. Cây nêu bằng tre cắm trước sân nhà ngày Tết khẳng định chủ quyền đất đai hương hỏa của ông bà, các loại quỷ ma khó lòng đụng tới. Từ chiếc chõng tre, giường tre, bao thế hệ đã lớn lên... Lớn lên nhờ đôi đũa tre trong những bữa ăn đạm bạc mà ríu rít sum vầy của mỗi gia đình. Lớn lên nhờ nồi nước xông lá ngải cứu, lá sả, lá tre của mẹ.

Lớn lên từ chiếc đòn gánh tre chịu thương chịu khó, nhẫn nại, tảo tần và chiếc thuyền nan dọc ngang sông nước. Lớn lên nhờ sợi lạt giang gói bánh chưng xanh, gói ghém những đặc sắc của nền văn minh lúa nước. Lớn lên cùng tiếng sáo trúc, sáo tre vi vút lưng trời, cây đu đều nhịp nhún vít vồng ngày xuân.

Con mắt tre đánh dấu từng tuổi lớn...

Từ cây tre thấy hình của nước. Từ cây tre thấy hình của người. Tre và làng nước lớn lên trong gian lao, vất vả. Chiến tranh. Lũ lụt. Hạn hán. Ở đâu, mùa nào, tre cũng mọc xanh tươi. Tre rút ruột mà xanh, vắt mình mà biếc. Máu tre chắt hết cho thân cành và lá.

Thân tre thanh nhưng cứng cáp, dẻo dai. Người Việt Nam có câu: “Trúc dẫu cháy, đốt ngay vẫn thẳng". Tre, trúc tượng trưng cho khí tiết con người, thẳng ngay, bất khuất.

Là thẳng ngay, tre được dùng làm thước. Là thẳng ngay, chắc nịch, tre làm roi quất kẻ phạm phép nước, phép làng...

Nhìn cây tre, con người suy ngẫm, triết lí: “Tre già măng mọc”, “Tre non dễ uốn”, “Lạt mềm buộc chặt”, “Vợ chồng như đũa có đôi”,...

Tre giúp người nói những tâm tình:

Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng. Tre non đủ lá đan sàng được chăng? Đan sàng thiếp cũng xin vâng. Tre xanh đủ lá non chăng hỡi chàng?

Lạt này gói bánh chưng xanh. Cho mai lấy trúc, cho anh lấy nàng.

Thế kỉ XXI, những kĩ nghệ sắt thép, xi măng chỉ có ý nghĩa công năng chứ không mang kí hiệu văn hóa. Tre là lối vào lịch sử và văn hóa Việt Nam...

Tre vẫn xanh trên đường quê, xóm ngõ. Tre nuôi cái giản dị, thanh cao, ngay thẳng của hồn người. Lũy tre làng là điểm cuối của cuộc tiễn đưa và điểm đầu của lần gặp lại, mỗi khi ta xa quê, về quê. Tre trĩu nặng trải nghiệm và tâm tưởng. Tre theo người ra thành phố làm đẹp những công viên, những ngôi nhà và gìn giữ hồn quê, nết quê. Những vật dụng trúc, mây, tre vẫn theo những con tàu, tự tin và tự hào đến với bạn bè quốc tế. Tiếng sáo tre vẫn say lòng bạn, lòng ta. Và tre vẫn là thành lũy kiên trung, vững vàng của Tổ quốc chúng tôi...

Ơi hàng tre xanh xanh Việt Nam, Giông tố mưa sa đứng thẳng hàng... Lăng Bác đó và hàng tre trước Quảng trường Ba Đình lịch sử! Tre xanh xanh, tre hùng thiêng đứng bên Người, chỉnh tề đội ngũ. Ta gọi Bác, gọi tre xanh, gọi hồn dân tộc: “Việt Nam ơi, ta lại gọi tên mình!” (Tố Hữu).

Đề: Công việc đọc sách.

Dàn bài

1. Mở bài: Giới thiệu công việc đọc sách.

2. Thân bài:

- Cách thức đọc sách.

- Phương pháp đọc sách.

- Lợi ích của việc đọc sách.

3. Kết bài: Cần chọn sách mà đọc.

Bài tham khảo

Đọc sách là một hoạt động, qua đó, lí trí (chỉ bằng cách làm việc trên những biểu tượng của một chất liệu đọc được và không có một sự hỗ trợ nào từ bên ngoài) tự vươn lên nhờ vào những phương cách riêng của mình, nhằm nâng cao kiến thức cùa bản thân. Việc đọc sách là phương tiện thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ và phát triển cho tâm hồn, trí tuệ mà không gì thay thế được.

Để việc đọc sách đạt được kết quả tốt, chúng ta cần phải nắm được cách thức và phương pháp đọc sách. Trước hết, ta cần phân biệt hai cách thức đọc sách: Đọc một tác phẩm từ bên trong, có nghĩa là chúng ta đọc chính ngay tác phẩm đó. Còn đọc một tác phẩm từ bên ngoài, có nghĩa là đọc một tác phẩm chẳng những từ chính bản thân nó mà còn phải đọc thêm một số sách khác để soi sáng tác phẩm chúng ta cần đọc (như từ điển, sách bình luận,...), hoặc thí nghiệm, hoặc các cuộc tham quan, du khảo,...

Tiếp theo là chúng ta phải biết rõ mình đọc theo phương pháp nào. Mỗi tác phẩm có thể đọc được theo ba cách:

Đọc theo cơ cấu hoặc đọc phân tích: là phải tìm lại được những phần của tác phẩm (Phân loại sách: Tìm ra ý chính của sách - Tìm ra phần chương, đoạn, ý và tóm tắt chúng lại - Xác định những vấn đề mà tác giả đặt ra để giải quyết).

Đọc giải thích hoặc đọc tổng hợp: là đi từ những phần nhỏ nhất để trở về một vấn đề nào đó (- Tìm ra lập luận của tác giả - Tìm ra những vấn đề tác giả đã hoặc không giải quyết).

Đọc đánh giá hoặc phê phán: là chúng ta đồng ý với những điều tác giả trình bày hoặc không đồng ý với một số điều tác giả trình bày, để từ đó rút ra những điều bổ ích cho kiến thức của mình.

Việc đọc sách mang lại nhiều lợi ích cho con người. Một cuốn sách tốt là người bạn giúp ta học tập, rèn luyện hằng ngày. Sách mở mang trí tuệ, hiểu biết cho ta, dẫn dắt ta tìm hiểu những điều sâu sắc của tâm hồn, những điều bí ẩn của thế giới xung quanh, từ sông ngòi, rừng núi cho tới vũ trụ bao la. Sách đưa ta vào những thế giới vĩ mô như thiên hà, vi mô như thế giới của các hạt vật chất.

Sách đưa ta vượt qua thời gian, tìm về với những biến cố lịch sử xa xưa hoặc chắp cánh cho ta vươn tới ngày mai, hoặc hiểu sâu hơn hiện tại.

Sách văn học đưa ta vào thế giới của tâm hồn con người đủ các thời đại để ta thông cảm với những cuộc đời, chia sẻ những niềm vui, nỗi đau dân tộc và nhân loại.

Sách đem lại cho con người những phút giây thư giãn trong cuộc đời bận rộn, bươn chải. Sách làm cho ta được thưởng thức những vẻ đẹp của thế giới và con người. Sách cho ta hưởng vẻ đẹp và thú chơi ngôn từ, giúp ta biết nghĩ những ý hay, biết dùng lời hay ý đẹp, mở rộng ra con đường giao tiếp với mọi người xung quanh.

Sách là báu vật không thể thiếu đối với mỗi người. Phải biết chọn sách mà đọc và trân trọng, nâng niu những cuốn sách quý. Càng đọc nhiều sách thì ta càng gắn bó với thế giới, làm ta thấy cuộc đời càng trở nên tốt đẹp, ý nghĩa.

Viết bình luận