Soạn bài: Bài 16 - Cố hương

I. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM

1. Tác giả

Lỗ Tấn (1881 - 1936) tên thật là Chu Thụ Nhân, tên chữ là Dự Tài, quê phủ Thiệu Hưng, tỉnh Triết Giang Trung Quốc:

Là nhà văn cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc.

Năm 1981 toàn thế giới đã kỉ niệm 100 năm ngày sinh như một danh nhân văn hóa của nhân loại:

Tác phẩm chính: Gào thét (1923), Bàng hoàng (1926).

2. Tác phẩm

“Cố hương” là một truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Lỗ Tấn. Truyện này rút ra từ tập Gào thét. Nằm trong mạch truyện vạch rõ những căn bệnh của xã hội Trung Quốc thời bây giờ. Truyện tường thuật về chuyến về quê lần cuối cùng của nhân vật “tôi” để bán nhà đưa gia đình đến nơi khác làm ăn sinh sống thông qua những rung cảm của nhân vật này trước bao thay đổi ghê gớm của làng quê đặc biệt là của Nhuận Thổ, người bạn thiếu thời của ông, nhà văn đã lên án chế độ phong kiến đối với nông dân. Từ đó ông chỉ cho mọi người thấy xã hội phân chia giai cấp là do con người làm ra. Ông chuyển sang ý nghĩ là phải xây dựng một xã hội mới, trong đó con người với con người không bao giờ phải cách biệt nhau cả.

II. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN

1. Bố cục của truyện

Có ba phần:

a. Từ đầu đến “... đang làm ăn sinh sống': “Tôi" đang trên đường về thăm quê.

b. Từ “Tinh mơ sáng hôm sau ...” đến “...đem Thủy Sinh về”: Những ngày “Tôi” ở quê.

c. Phần còn lại: “Tôi" trên đường rời xa quê.

2. Dựa vào bố cục

a. Xác định phương thức biểu đạt chủ yếu của truyện

Qua bố cục, ta đã thấy phương thức biểu đạt chủ yếu của truyện là tự sự, tuy nhiên, mạch tường thuật sự việc luôn bị gián cách bởi những đoạn hồi ức xen kẽ.

Cũng phải nói là biểu cảm cũng là phương thức biểu đạt quan trọng trong Cố hương. Đầu tiên là truyện có nhiều yếu tố hồi kí. Kế tiếp, ở truyện này như ở nhiều truyện khác của Lỗ Tấn tác giả dùng ngôi thứ nhất không chỉ dẫn dắt câu chuyện mà còn để thể hiện tình cảm, quan điểm và nguyện vọng của mình. Sau cùng ngay cả khi sử dụng các phương thức biểu đạt khác kể cả miêu tả và lập luận tác giả vẫn cứ biểu cảm trong từng dòng, từng chữ, từng hình ảnh, chi tiết.

b) Tóm tắt câu chuyện. (Xem lại đôi nét về tác phẩm)

3. Có người cho rằng Nhuận Thổ và “Tôi” đều là nhân vật chính của truyện nhưng “Tôi” mới là nhân vật trung tâm

Từ bố cục đã tìm hiểu ở (1) đủ thấy “Tôi” là nhân vật chính, hơn thế nữa, là nhân vật trung tâm của truyện với sự đan cài xen lẫn nhiều đoạn hồi tưởng, nhiều đoạn độc thoại nội tâm. So với nhân vật Nhuận Thổ, nhân vật “Tôi” có vị trí quan trọng hơn nhiều xét về mặt hệ thống tình tiết cốt truyện và kể cả bộc lộ nội dung tư tưởng của truyện. Do đó có thể xem “Tôi” là nhân vật trung tâm của truyện.

Có người cho rằng tác phẩm này có một hình tượng bao trùm, ấy là “cố hương". Hình tượng này xuất hiện từ dòng đầu tiên của truyện và còn phảng phất bóng hình khi truyện đã khép lại. Đó là bức tranh tổng hợp của quê hương làng xóm bao gồm các nhân vật từ Nhuận Thổ trở đi, từ các hình ảnh bao quát đến chi tiết có mối quan hệ khăng khít với nhân vật trung tâm là “Tôi”. “Tôi” lúc nào cũng không thể quên được “cố’ hương”. Suy nghĩ, buồn rầu, ước mơ, hi vọng đều hướng về “cố hương”.

4. Để làm nổi bật sự thay đổi ở nhân vật Nhuận Thổ, ở những nhân vật khác cũng như cảnh vật quê, tác giả dùng biện pháp nghệ thuật chủ yếu là hồi ứcđối chiếu. Hai biện pháp nghệ thuật này được ông sử dụng kết hợp sử dụng một cách nhuần nhuyễn.

Chẳng hạn hình ảnh nhân vật Nhuận Thổ.

a. Hồi còn nhỏ: (gặp lần đầu)

- Đẹp và khoẻ mạnh: khuôn mặt hồng hào, bầu bĩnh, chiếc mũ trên đầu, những vòng bạc trên cổ.

- Hồn nhiên, mạnh dạn, chân tình: đã nhanh chóng kết thân với cậu bé con chủ nhà, gọi nhau bằng anh em, khi xa nhau còn gởi cho nhau bọc vỏ sò lông chim.

- Thông minh, tháo vát, lanh lợi, dũng cảm: biết nhiều thứ, làm nhiều việc: bắt chim, nhặt sò, dũng cảm đâm con tra giữa ruộng dưa hấu.

b) Khi đã lớn

- Chậm chạp, đần độn, thô kệch, nặng nề: khuôn mặt vàng vọt, đầy nếp nhăn, đôi mắt mộng đỏ, chiếc mũ rách, lủng lỗ chỗ, chiếc áo bông cũ mỏng mảnh.

- Rụt rè, sợ hãi, cung kính, khép nép: xưng hô “Thưa ông...”, ý thức rõ sự phân chia đẳng cấp.

- Sống bất lực, cam chịu: khuôn mặt im lìm như tượng đá, sùng bái tượng gỗ tin ở thần linh.

Người đọc tưởng như có hai Nhuận Thổ. Do đâu có sự thay đổi đó? Chính những sự hà khắc, bóc lột, áp bức của xã hội đã tạo nên sự sa sút kinh khủng trong tính cách của Nhuận Thổ. Anh cũng chỉ là nạn nhân như biết bao người nông dân khác ngày ấy.

Rồi các nhân vật khác, rồi cảnh vật ở làng quê với hai biện pháp hồi ức đối chiếu tác giả đã nêu bật được sự thay đổi.

Qua hàng loạt sự so sánh, đối chiếu ấy, tác giả đã:

- Nói lên sự sa sút về mọi mặt của xã hội Trung Quốc thời bấy giờ.

- Mổ xẻ tìm ra nguyên nhân và lên án các thế lực đã tạo ra thực trạng đáng buồn ấy.

- Chỉ ra những mặt tiêu cực vốn có trong bản thân người nông dân (Nhuận Thổ khổ vì đông con, mất mùa, thuế nặng sưu cao, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào đặc biệt là nhân vật này còn đau đớn hơn vì gánh nặng tinh thần, vì mê tín, vì quan niệm cũ kĩ, vì đẳng cấp).

5. Đoạn a: Chủ yếu dùng phương thức tự sự có ít nhiều biểu cảm nhằm nêu bật mối quan hệ giữa đôi bạn thời thơ âu (cũng là để nêu bật sự thay đổi trong thái độ của Nhuận Thổ đối với “Tôi” hiện nay).

Đoạn b: Chủ yếu dùng phương thức miêu tả kết hợp với biện pháp hồi ức và đối chiếu, nêu bật sự thay đổi về mặt ngoại hình của Nhuận Thổ, qua đó cho thấy tình cảnh sống điêu đứng của nhân vật này nói riêng và của nông dân miền biển Trung Quốc thời bấy giờ nói chung.

Đoạn c: Chủ yếu dùng phương pháp lập luận.

Ghi nhớ: Thông qua việc tường thuật chuyến về quê lần cuối cùng của nhân vật "Tôi", những rung cảm của tôi trước sự thay đổi của làng quê, đặc biệt là của Nhuận Thổ, tác giả đã phê phán xã hội phong kiến, lễ giáo phong kiến đặt ra vấn đề con đường đi của nông dân, của toàn xã hội để mọi người suy ngẫm.

Luyện tập: Học sinh tự làm.

Viết bình luận