Soạn bài: Bài 15 - Ôn tập phần tập làm văn
♦ Câu 1
Phần Tập làm văn trong Ngữ văn 9, tập 1 có các nội dung lớn sau đây:
a) Văn bản thuyết minh với trọng tâm là luyện tập kết hợp giữa thuyết minh với các phương thức khác như: lập luận, giải thích, miêu tả.
b) Văn bản tự sự với hai trọng tâm.
Một là: sự kết hợp giữa tự sự với biểu cảm và miêu tả nội tâm, giữa tự sự với lập luận.
Hai là: một số nội dung mới trong văn bản tự sự như: đối thoại và độc thoại nội tâm trong tự sự, người kể chuyện và vai trò người kể chuyện trong tự sự.
Như thế nội dung Tập làm văn trong Ngữ văn 9 vừa lặp lại, vừa nâng cao cả về kiến thức lẫn kĩ năng.
♦ Câu 2
Học sinh cần phải thấy được vị trí, vai trò và tác dụng của các yếu tố miêu tả và giải thích trong văn bản thuyết minh đồng thời thấy được sự giống nhau và khác nhau của các kiểu văn bản này.
Trong thuyết minh nhiều lúc phải giải thích nhằm làm rõ sự vật cần giới thiệu, đặc biệt là khi gặp các thuật ngữ, khái niệm chuyên môn hoặc một số nội dung trừu tượng, khó hiểu và cũng không dễ trình bày. Đó có thể là các hiện tượng như: tính cách một con người, đặc điểm, phẩm chất một sự vật, nội dung một học thuyết (chẳng hạn: Đức hi sinh là gì? Lòng vị tha là gì? Nét đẹp tinh tế trong văn hóa Việt Nam là gì? Đạo nho là gì? Đối với các hiện tượng này, ngoài các biện pháp thuyết minh, nó đòi hỏi phải kết hợp sử dụng thêm thao tác giải thích, làm sáng tỏ. Cũng vậy, trong thuyết minh khi trình bày các đối tượng cụ thể trong đời sống như các loài cây cối, di tích, thắng cảnh, thành phố, mái trường, các nhân vật cũng cần phải vận dụng biện pháp miêu tả để làm cho đối tượng hiện lên cụ thể gần gũi dễ cảm nhận hơn.
Nếu không có các yếu tố giải thích, miêu tả, bài văn thuyết minh sẽ khó hiểu thiếu sinh động, không rõ ràng, cụ thể.
♦ Câu 3
Cũng cần lưu ý sự khác nhau giữa văn thuyết minh và văn miêu tả.
Nếu miêu tả có hư cấu, tưởng tượng thì thuyết minh buộc phải trung thành với những đặc điểm của đối tượng sự vật.
Miêu tả dùng nhiều biện pháp so sánh, liên tưởng còn thuyết minh thì bảo đảm tính khách quan khoa học.
Miêu tả thường mang nhiều cảm xúc chủ quan của tác giả trong khi thuyết minh thì ít dùng biện pháp tưởng tượng so sánh.
Miêu tả ít dùng số liệu cụ thể, chi tiết còn thuyết minh trái lại phải dùng số liệu cụ thể, chi tiết.
Miêu tả dùng nhiều trong sáng tác văn học còn thuyết minh ứng dụng trong nhiều tình huống cuộc sống văn hóa, khoa học.
Miêu tả ít tính khuôn mẫu còn thuyết minh thì không theo một số yêu cầu giống nhau (mẫu). Nếu miêu tả thường đa nghĩa thì thuyết minh đơn nghĩa.
♦ Câu 4
Văn tự sự là trọng tâm của chương trình Ngữ văn lớp 9 học kì I. Các nội dung tự sự ở đây vừa lặp lại, vừa nâng cao. Điều này thể hiện ở: yêu cầu về việc nhận diện các yếu tố miêu tả nội tâm, lập luận, đối thoại và độc thoại, người kể chuyện trong văn bản tự sự, yêu cầu về kĩ năng kết hợp các phương thức trong một văn bản; yêu cầu thấy được vai trò, vị trí và tác dụng của các yếu tố miêu tả, nội tâm, lập luận, vai trò, tác dụng của đối thoại và độc thoại, của việc thay đổi các hình thức người kể chuyên trong một văn bản tự sự ra sao.
- Đoạn văn miêu tả có sử dụng yếu tố miêu tả nội tâm:
“Thực sự mẹ không lo lắng đến nỗi không ngủ được. Mẹ tin đứa con của mẹ lớn rồi. Mẹ tin vào sự chuẩn bị rất chu đáo cho con trước ngày khai trường. Còn điều gì để lo lắng nữa đâu! Mẹ không lo, nhưng vẫn không ngủ được. Cứ nhắm mắt lại là dường như vang bên tai tiếng đọc bài trầm bổng: “Hàng năm, cứ vào cuối thu... Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.” (Lí Lan, Cổng trường mở ra, trong Ngữ văn 7 tập một, NXB Giáo dục, 2002).
- Đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố lập luận:
“Vua Quang Trung cưỡi voi ra doanh trại an ủi quân lính, truyền cho tất cả ngồi mà nghe lệnh, rồi dụ họ rằng: Quân Thanh sang xâm lấn nước ta, hiện ở Thăng Long, các người đã biết chưa? Trong khoảng vũ trụ, đất nào sao ấy đều đã phân biệt rõ ràng, phương Nam, phương Bắc chia nhau mà cai trị. Người phương Bắc không phải nòi giống nước ta, bụng dạ ắt khác. Từ đời nhà Hán đến nay, chúng đã mấy phen cướp bóc nước ta, giết hại nhân dân, vơ vét của cải, người mình không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi. Đời Hán có Trưng Nữ Vương, đời Tông có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyên có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ, các Ngài không nỡ ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân, đều chỉ đánh một trận là thắng và đuổi được chúng về phương Bắc. Ở các thời ấy, Bắc, Nam riêng phận, bờ cõi lặng yên, các vua truyền ngôi lâu dài. Từ đời nhà Đinh tới đây, dân ta không đến nỗi khổ như hồi nội thuộc xưa kia. Mọi việc lợi, hại, được, mất đều là chuyện cũ rành rành của các triều đại trước. Nay người Thanh lại sang, mưu đồ lấy nước Nam đặt làm quận huyện, không biết trông gương mấy đời Tông, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta phải kéo quân ra đánh đuổi chúng. Các ngươi đều là những kẻ có lương tri, lương năng, hãy nên cùng ta đồng tâm hiệp lực, để dựng nên công lớn. Chớ có quen theo thói cũ, ăn ở hai lòng, nếu như việc phát giác ra, sẽ bị giết ngay tức khắc, không tha một ai, chớ bảo ta không nói trước!” (Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí).
- Đoạn văn tự sự sử dụng cả miêu tả nội tâm và lập luận:
“Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm. Những người nghèo nhiều tự ái vẫn thường như thế. Họ dễ tủi thân nên rất hay chạnh lòng. Ta khó mà ở cho vừa ý họ... Một hôm, tôi phàn nàn việc ấy với Binh Tư. Binh Tư là một người láng giềng khác của tôi. Hắn làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão Hạc bởi vì lão lương thiện quá. Hắn bĩu môi và bảo:
- Lão làm bộ đấy! Thật ra thì lão chỉ tẩm ngẩm thế, nhưng cũng ra phết chứ chẳng vừa đâu: Lão vừa xin tôi một ít bả chó...
- Tôi trố to đôi mắt, ngạc nhiên. Hắn thì thầm:
- Lão bảo có con chó nào cứ đến vườn lão... Lão định cho nó xơi một bữa. Nếu trúng, lão với tôi uống rượu.
Hỡi ơi Lão Hạc! Thì ra đến lúc cùng lão cũng có thể làm liều như ai hết... Một người như thế ấy!... Một người đã khóc vì trót lừa một con chó!... Một người nhịn ăn để tiền lại làm ma, bởi không muốn liên lụy đến hàng xóm, láng giềng... Con người đáng kính ấy bây giờ cũng theo gót Binh Tư để kiếm ăn ư? Cuộc đời này quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn...” (Nam Cao, Lão Hạc, trong Ngữ văn 8 tập một, sách thí điểm, NXB Giáo dục, 2001)
♦ Câu 5
Ví dụ về đoạn văn tự sự có sử dụng các yếu tố đối thoại và độc thoại nội tâm:
“[...] tôi cất giọng véo von:
Cái Cò, cái Vạc, cái Nông
Ba cái cùng béo vặt lông cái nào?
Vặt lông cái Cốc cho tao
Tao nấu, tao nướng, tao xào, tao ăn.
Chị Cốc thoạt nghe từ trong đất văng vẳng lên, không hiểu như thế nào, giật nẩy hai đầu cánh, muốn bay. Đến khi định thần lại, chị mới trợn tròn mắt, giương cánh lên, như sắp đánh nhau. Chị lò dò về phía cửa hang tôi, hỏi:
- Đứa nào cạnh khóe gì tao thế? Đứa nào cạnh khóe gì tao thế?
Tôi chui tọt ngay vào hang, lên giường nằm khểnh bắt chân chữ ngũ. Bụng nghĩ thú vị: “Mày tức thì mày cứ tức, mày ghè vỡ đầu mày ra cho nhỏ đi, nhỏ đến đâu thì mày cũng không chui nổi vào tổ tao đâu !”. (Tô Hoài, Dế Mèn phiêu lưu kí, trong Ngữ văn 6, tập hai, NXB Giáo dục, 2002).
♦ Câu 6
Ba đoạn văn tự sự: học sinh tự làm và trình bày theo yêu cầu câu hỏi ôn tập.