Soạn bài: Viết bài làm văn số 1 (bài làm ở nhà)

Cảm nghĩ về một hiện tượng đời sống (hoặc một tác phẩm văn học)

(Bài làm ở nhà)

Đề: Cảm nghĩ của anh (chị) về một phong tục ngày Tết của dân tộc Việt Nam ta.

Bài làm

Nói đến Tết là nói đến bản sắc riêng của mỗi dân tộc, mỗi vùng của một dân tộc lại có nét riêng. Tết Hà Nội không thể thiếu hoa đào và quất. Phong tục chơi hoa của người Thăng Long - Hà Nội thật thanh tao và phong phú, nhưng phổ biến nhất trong dịp Tết là hoa đào.

Nhân ngày đầu xuân “phóng viên tí hon” là tôi muốn tiến hành một cuộc phỏng vấn nho nhỏ về đề tài này. Tôi nghĩ phỏng vấn bố tôi là tiện nhất. Tôi liền chạy đi hỏi bố tôi về thú chơi đào của người Hà Nội. Để câu chuyện được tự nhiên, tôi hỏi bố tôi nhận xét cành đào của nhà ta năm nay. Bô tôi nói:

- Đẹp, nhưng chưa mĩ mãn.

- Thưa bố, thế theo bố một cành đào như thế nào thì làm bố thấy vừa lòng nhất?

Bố nói: “cành đào quan trọng nhất là dáng và hoa. Cành thì phải mập và tán thì phải tròn. Còn hoa thì phải to, cánh hồng thắm, trên cành đủ cả hoa đã nở rộ ở độ sung mãn, lại có hoa hàm tiếu, có nụ, và có cả lộc nữa”. Bố còn bảo: “hoa đào năm nay vì tiết trời không thuận lợi nên không đẹp lắm”. Hôm hai mươi tám Tết, bố tôi và tôi đi khắp chợ hoa lại sang cả Nhật Tân mà vẫn chưa tìm được cành nào ưng ý.

Đấy là tôi nói thú chơi hoa của người bình dân chúng tôi, chứ thú chơi hoa đào thì đa dạng vô cùng. Nhà nghèo thì vài cành nhỏ cắm vào lọ để bàn thờ. Còn nhà giàu thì mua cả cây đào thế. Nói đến đào thế tôi cũng chưa có nhiều hiểu biết lắm. Nhưng nghe bác tôi nói:

- Đào thế đẹp thì phải có thế dáng nào ra dáng ấy. Dáng chính phải lượn theo ý thích của con người mà vẫn phải tự nhiên. Thân thường rẽ làm hai, ba nhánh nhưng có khi cả khối tạo hình tháp như dáng đứng của tùng, bách là biểu tượng của người quân tử; có khi có một nhánh nhỏ quấn quanh thân chính là biểu tượng của sự thủy chung mềm mại. Đào thế cần đẹp và có ý nghĩa ở cái thế thôi, không cần nhiều hoa lắm.

Không biết có phải thế không? Riêng tôi, tôi thấy hoa của đào thế không đẹp lắm. Hoa gì mà vừa nhỏ vừa phai, có cành nhỏ có khi lại còn không có hoa nữa chứ, đến nỗi thoáng nhìn tôi cứ tưởng là cành khô. Khi tôi nói với bác tôi ý nghĩ đó, thì ông cười lớn mà rằng:

- Đào thế đẹp là ở cái thế rồng bay phượng múa, còn hoa lá chỉ là phụ để điểm tô cho cái dáng của nó thôi, cháu ạ!

Tôi ngẫm ra thì bác thật có lí. Lúc đó nhìn sang cây đào thế tôi mới thấy đẹp. Một vẻ đẹp duyên dáng, không lộng lẫy mà giàu ý nghĩa. Hình như điều đó thích hợp với người Hà Nội ưa thanh lịch chăng, mà Tết ở Hà Nội ngày càng nhiều người chơi đào thế?

Nói về hoa đào cũng phải đặt nó trong rừng hoa ngày Tết mới thấy hết vẻ đẹp. Chẳng có cái đẹp nào cô đơn mà thắm tươi phải không bạn? Đào càng thắm thì khi bên hoa đào có mai trắng, mai vàng. Đào càng tươi khi bên đào có hồng, có lay-ơn... Chợ hoa ngày Tết thủ đô rực rỡ muôn màu. Vào chợ hoa, đắm mình trong hương sắc tôi thêm yêu hương vị Tết dân tộc.

(Trần Nguyệt Quỳnh Hoa)

Đề: Cảm nghĩ vè bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải.

Bài làm

Đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta đã ba lần chống lại sự áp bức, bóc lột của giặc ngoại xâm để giữ vững nền hòa bình, độc lập cho Tổ quốc. Và cũng để ca ngợi sức mạnh vô địch của dân tộc ta, đã có rất nhiều các nhà thơ cho ra đời những tác phẩm của mình. Tiêu biểu trong số đó, không thể không nhắc tới bài thơ "Mùa xuân nho nhỏ" của Thanh Hải. Bài thơ thể hiện rất thành công vẻ đẹp oai hùng, mạnh mẽ, vươn lên phía trước của đất nước Việt Nam.

Nhưng có lẽ, đoạn thơ hay nhất, để lại trong lòng người đọc những ấn tượng đẹp nhất, sâu sắc nhất là:

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

Đoạn thơ bốn cảu được tác giả sử dụng rất linh hoạt hai biện pháp nghệ thuật nhân hóa và so sánh làm nổi bật lên sức sống vươn cao của dân tộc Việt Nam. Hai câu thơ đầu thể hiện một cách vô cùng sâu sắc sự vất vả, gian lao trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân xâm lược. Hai câu thơ đã gợi lên những trang lịch sử hào hùng của dân tộc ta trước rất nhiều khó khăn gian khổ.

Đất nước bốn nghìn năm

Vất vả và gian lao

Cụm danh từ “bốn nghìn năm” đã thể hiện được thời gian rộng rãi chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Điều đó đã phần nào khẳng định được sức mạnh kiên cường của đất nước ta:

Đất nước như vì sao

Cứ đi lên phía trước.

Hai câu thơ tiếp là lời khẳng định rất vững chắc về hướng đi lên của đất nước Việt Nam. Nghệ thuật so sánh kết hợp nhân hóa ở cả hai câu thơ biến đất nước ta như vì sao rạng rỡ đang từng bước tiến lên trên con đường hòa bình, độc lập. Nhà thơ Thanh Hải đã dùng hai biện pháp nghệ thuật rất tiêu biểu trong những áng thơ của nhiều thi sĩ nhằm gợi lên một đất nước mạnh mẽ mà hiền hòa, oai hùng mà rất giàu tình cảm mến thương. Tác giả đã gợi lên được một dân tộc Việt Nam vô cùng mạnh mẽ trong chiến tranh nhưng lại rất hiền lành khi hòa bình, độc lập.

Đoạn thơ bốn câu của tác giả chủ yếu thể hiện rõ nét sức sống vươn cao của đất nước ta, một sức mạnh tiềm tàng trong thâm tâm của mỗi người dân đất Việt. Nhà thơ Thanh Hải là một con người có tấm lòng yêu nước thiết tha nên ông mới có thế khắc họa được một bức tranh ngôn từ đất nước Việt Nam dũng mãnh và kiên cường như vậy.

Chỉ với bốn dòng thơ ngắn kết hợp với cách sử dụng linh hoạt hai biện pháp nghệ thuật vô cùng đặc sắc và độc đáo, nhà thơ Thanh Hải đã gợi lên trước mắt người đọc một đất nước Việt Nam rất oai hùng và mạnh mẽ. Và chính đất nước ấy cũng đang từng bước tiến lên trên con đường tương lai đón chờ ớ phía trước. Thông qua bốn câu thơ, ta có thể thấy rõ được lòng yêu nước nồng nàn của nhà thơ Thanh Hải và niềm tự tin, lạc quan vào hướng đi đúng đán của giá trị Việt Nam trong trái tim ông.

(Trần Anh Huyền)

Đề: Cảm nghĩ về đoạn thơ thứ hai trong bài thơ “Quê hương” của Tế Hanh.

Bài làm

Người ta gọi Tế Hanh là nhà thơ của quê hương Việt Nam bởi những tác phẩm viết về quê hương vô cùng xuất sắc của ông. Bài Quê hương là một minh chứng hùng hồn cho tình yêu quê hương da diết của ông. Đặc biệt hiện lên trong đó là một bức tranh đẹp đẽ, tươi sáng về cảnh thuyền cá ra khơi:

Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng

Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá.

Bức tranh được chàng họa sĩ Tế Hanh phác vài nét đầu tiên đều là những gam màu tươi sáng. Đó là màu nền nhẹ nhàng, tươi tắn diễn tả buổi bình minh đẹp trời: trời trong xanh đầy sắc mai hồng. Và đối với những đứa con của biển khơi, những người dân làng chài, đó là thời tiết thuận lợi cho người đi biển.

Có thề nói Tế Hanh là một họa sĩ có tài. Trên nền màu nhẹ nhàng, tinh tế đó, ông tạo dựng lên hình ảnh và đường nét khỏe khoắn:

Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã

Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang.

Với những động từ mạnh, khí thế “hăng”, “phăng”, “mạnh mẽ”, “vượt” và nghệ thuật so sánh độc đáo “chiếc thuyền” với con tuấn mã, Tế Hanh thổi vào bức tranh khí thế hăm hở, hăng hái, sôi nổi của người dân chài ra biển. Tiếp sau đó, là một hình ảnh vô cùng đẹp đẽ và ý nghĩa:

Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng

Rướn thân trắng bao la thâu góp gió.

Hình ảnh căng đầy cùa cánh buồm no gió có một sức gợi đặc biệt. Đó là hình ảnh riêng nhất, đặc trưng nhất, tiêu biểu nhất cho làng quê Tế Hanh. Cánh buồm - hình ảnh hữu hình, so sánh với mảnh hồn làng - cái trừu tượng vô hình làm cho câu thơ vô cùng sống động. Cánh buồm là linh hồn làng chài, rộng mở đón lấy gió đại dương, với ước mơ về cuộc sống no ấm, hạnh phúc, một chuyến đi bội thu.

Với ngôn từ giản dị, hình ảnh tượng trưng, tác giả đã dệt lên bức tranh làng chài đầy sức sống. Đó là nỗi nhớ quê da diết, tình yêu quê hương sâu lắng, thầm kín của Tế Hanh.

(Phùng Ái Linh)

Viết bình luận