Soạn bài: Cảnh ngày hè (Bảo kính cảnh giới - bài 43)

1. Trong bài thơ có nhiều động từ diễn tả trạng thái của cảnh, đó là các động từ đùn đùn, trương, phun. Ở đây, cảnh tuy là cảnh chiều nhưng không hề im lìm tĩnh lặng. Cây hòe xanh vẫn đang sức lớn cành lá cứ như sinh sôi ngay trước mắt: đùn đùn tán rợp trương, tán cây cứ đùn đùn liên tục giương ra che rộng bóng rợp thêm. Như có một cái thôi thúc tự bên trong đang tràn đầy căng mọng, không sao kìm lại được cứ phải trương lên. Cả cây lựu ngoài hiên cũng thế, cũng đang mùa, hãy còn phun hoa màu đỏ thắm điểm xuyết thêm những nét vui tươi lên nền lá cây xanh và nền trắng vôi tường. Nếu Nguyễn Trãi tả cảnh hè: Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ thì Nguyễn Du trước cảnh tương tự đã viết Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông (Truyện Kiều). Hai câu thơ của hai bậc thi hào đều rất đặc sắc, có điều cái nhìn tinh tế đối với cảnh vật của mỗi người có khác nhau. Tác giả Truyện Kiều với từ láy lập lòe đã nghiêng về tạo hình sắc thì với từ phun, Nguyễn Trãi đã nêu bật lên sức sống. Màu đỏ của hoa lựu ở đây không phải tỏa ra, rực lên mà cứ như sức sống chất chứa bị dồn nén đang bật ra, trào ra.

2. Bức tranh thiên nhiên cuối mùa hè thật sinh động và đầy sức sống. Ở đây được nhà thơ phác họa chỉ bằng vài nét gợi tả. Thế mà có đủ cả đường nét, màu sắc, âm thanh con người và cảnh vật. Màu xanh lục của cây hòe làm nổi bật lên màu đỏ của hoa thạch lựu và màu hồng của hoa sen. Màu sắc của thiên nhiên, ánh mặt trời chiều dát vàng lên cảnh vật, thật rực rỡ thế hiện sức sống mạnh mẽ của thiên nhiên như dồn ứ, như dâng trào. Tác giả còn cảm nhận thiên nhiên bằng khứu giác: “Hồng liên trì đã tiễn mùi hương” và thính giác: “Lao xao chợ cá làng ngư phủ. Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”.

Tiếng ve inh ỏi, tiếng chợ cá lao xao chính là những âm thanh của cuộc sống thanh bình yên vui, no ấm. Đây chính là cảnh mùa hè ở Việt Nam thời ấy chứ không phải là một xứ sở nào khác. Ở đây, tâm hồn nhà thơ đã hòa vào cảnh vật, cùng chung các sắc điệu tươi vui ấm áp của mọi vật quanh mình.

Cảnh vật một buổi chiều cuối hè sinh động, đáng yêu và đầy sức sống nói trên đã được nhà thơ đón nhận bằng nhiều giác quan: thị giác, thính giác, khứu giác và cả sự liên tưởng của mình. Với thị giác, nhà thơ cảm nhận được sắc màu hòe lục thức đỏ... Với khứu giác, nhà thơ cảm nhận được mùi hương. Với thính giác, nhà thơ lắng nghe dắng dỏi cầm ve. Điều cần chú ý là hồn thơ Ức Trai đã hòa hợp màu sắc, âm thanh, đường nét theo quy luật của cái đẹp trong hội họa, trong âm nhạc, khiến bức tranh thiên nhiên ở đây vừa có màu sắc vừa có hồn, đầy gợi tả và lắng sâu. Thi nhân có sự đồng cảm với thiên nhiên vừa mãnh liệt và sâu sắc.

Hai câu cuối của bài thơ lắng đọng, kết tinh bao nỗi suy tư thao thức của tác giả:

“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương”.

Từ phía làng chài vọng về âm thanh lao xao chợ cá cộng với tiếng cầm ve dắng dỏi hòa nhịp cùng với niềm vui của thi nhân trước cảnh “dân giàu đủ”.

Trước cảnh nhân dân ấm no hạnh phúc, đặc biệt là cảnh ấm no hạnh phúc của những người dân chài lam lũ, Nguyễn Trãi đã ước mơ có được cây đàn của vua Thuấn để chi cần gióng lên một tiếng là phép lạ như một trời mưa hạnh phúc rưới xuống khắp muôn dân.

Khép lại bài thơ là câu kết chỉ sáu chữ ngắn gọn:

Dân giàu đủ khắp đòi phương

Điều này khiến âm điệu bài thơ đến đây bỗng có gì đột ngột như thể hiện được sự dồn nén cảm xúc của cả bài thơ. Điểm kết tụ của hồn thơ Nguyễn Trãi trong cảnh mùa hè không chỉ là ở thiên nhiên, tạo vật mà chính là ở con người, ở muôn dân với một viễn cảnh huy hoàng: giàu đủ khắp đòi phương. Nhà thơ luôn luôn mong mỏi cho muôn dân được ấm no hạnh phúc.

Lí tưởng cao đẹp đó đến nay vẫn mang một ý nghĩa thấm mĩ và nhân văn sâu sắc.

5. Cảm hứng chủ đạo của bài thơ này là lòng yêu thiên nhiên, yêu đời, yêu cuộc sống và nhất là khát vọng về cuộc sống thái bình hạnh phúc cho muôn dân. Lấy cảnh mùa hè làm nền, nêu bật những nét đẹp, nét vui trong đó và sau cùng lại bộc lộ sự trăn trở, dày vò, ước ao một viễn tưởng hạnh phúc ấm no cho muôn dân của nhà thơ. Ngần đó đủ để cho thấy vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi lúc nào cũng nặng lòng với đất nước muôn dân.

LUYỆN TẬP

Bài tập 1.

Tuy mang nhan đề Bảo kính cảnh giới (Gương báu răn mình) nhưng bài thơ này không chỉ có ý nghĩa giáo huấn, khuyên răn, triết lí, nghĩa là không hề khô khan một chút nào. Đây đích thực là một tác phẩm thơ trữ tình, thể hiện một cách sinh động hình ảnh của cuộc sống, tâm sự của tác giả, tâm hồn và lí tưởng của nhà thơ lớn Nguyễn Trãi.

Kết cấu bài thơ khá rõ: sáu câu đầu là bức tranh tả thực xôn xao sự sống của thiên nhiên và con người và hai câu kết là những ước mong bình dị mà cao đẹp của nhà thơ về cuộc sống của nhân dân.

Bức tranh đời xôn xao sự sống của thiên nhiên và con người:

Cảm hứng thơ ca bắt đầu từ một cuộc sống đời thường, ngày thường không có gì nên thơ nên nhạc:

Rồi, hóng mát thuở ngày trường.

Câu thơ gợi lên hình ảnh tác giả đang rỗi rãi một cách không bình thường. Vì đây là lúc ông về nghỉ ở Côn Sơn (1438-1442), trong một tâm trạng có gì như bất đắc dĩ. Tiếng là vẫn làm quan nhưng không được nhà vua tin dùng như trước, vì thế, chẳng có việc gì cần kíp để làm nên ông có thế Rồi, hóng mát thuở ngày trường.

Lúc này, có lẽ hè đã gần mãn. Cảnh sắc thiên nhiên được nhà thơ đón nhận bằng nhiều giác quan.

Thị giác (Hòe lục đùn đùn tán rợp giương / Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ).

Thính giác (Lao xao chợ cá làng ngư phủ / Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương).

Khứu giác (Hồng liên trì đã tiễn mùi hương).

Là câu thừa đề nhưng câu 2 lại lấn sang phần câu thực cùng với bốn câu tiếp theo làm nên một bức tranh đầy sức sống, một bức tranh tạo nên bởi sự hòa hợp giữa đường nét, màu sắc, âm thanh, con người và cảnh vật.

Bức tranh hiện ra thật tự nhiên không cần miêu tả mà mang một vẻ đẹp tự thân. Cái đẹp đương thì trọn vẹn của cây hòe xanh vẫn đang sức lớn, tán cứ đùn dùn liên tục giương ra che rộng rợp thêm. Còn cây lựu ngoài hiên cũng đang mùa, hãy còn phun hoa màu đỏ thắm điểm xuyết thêm những nét vui tươi lên nền lá cây xanh và nền trắng vôi tường. Riêng loài sen đỏ khi ấy dù thời hồng thắm đã đi qua nhưng sắc hương xưa hãy còn vấn vít trên chiếc lá tròn lá xanh còn lại trên mặt ao. Không khác gì loài sen: “Hồng liên trì đã tiễn mùi hương”, cuộc sống con người ở đây tuy chỉ vẳng nghe âm thanh từ xa vọng lại cũng đã làm nao nức lòng người: “Lao xao chợ cá làng ngư phủ / Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương”.

Đó chính là âm thanh của khúc ca dân dã phát ra từ một cuộc sống thanh bình, yên vui, no âm. Nhất là tiếng ve (cầm ve)dắng dỏi, nhưng vào lúc hoàng hôn cũng dễ gợi nhiều bâng khuâng, thứ bâng khuâng của ngày tàn đêm xuống... Thế nhưng, ở đây, với Ức Trai, tiếng ve lúc hoàng hôn ấy đã trở thành cầm ve, dắng dỏi vang xa nhặt khoan trầm bổng làm cho khung cảnh làng quê lúc đêm đang dần xuống bỗng rộn lên bao niềm vui cuộc sống.

Những ước mong bình dị mà cao đẹp về cuộc sống của nhân dân:

Lắng đọng biết bao suy tư và những ước mong sâu nặng của thi nhân là hai câu kết.

“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng

Dân giàu đủ khắp đòi phương”

Theo học giả Đào Duy Anh, lẽ có là đáng lẽ có. Ngu cầm là đàn của vua Thuấn đời Ngu thời Trung Quốc cổ đại (nói đúng là thời cộng đồng Nguyên thủy) có tiếng là thời thái bình, dân rất sung sướng. Vua Thuấn có khúc dàn “Nam phong” ngụ ý là khi có gió Nam thuận thì dân làm ra được nhiều của cải. (Chú thích - sách Văn học 10 tập 1). Lúc này, Nguyễn Trãi đang ẩn cư ở Côn Sơn nhưng trước sau, tấm lòng thiết tha yêu đời, yêu cuộc sống của nhà thơ đều thể hiện sự gắn bó với nhân dân. Quan tâm tới cuộc sống của nhân dân, đặc biệt là những dân chài lam lũ nghèo khó, ông ước có chiếc đàn của vua Thuấn gảy khúc Nam phong cho dân được giàu có khắp nơi nơi.

Âm điệu ở đây có gì đột ngột. Câu cuối cùng là câu lục ngôn. Câu đầu cũng là câu lục ngôn, trong khi các câu còn lại trong bài đều là các câu thất ngôn. Điều này đâu chỉ đơn giản là hình thức cách tân thơ thất ngôn luật Đường theo hướng dân tộc hóa. Nếu trong câu đầu là hình ảnh một lão quan, tuy ngồi chơi hóng mát nhưng lòng đầy tâm trạng bất ổn, thì trong câu cuối này cũng vẫn vị lão quan ẩn cư ấy đang ước có một phép lạ cho dân được “giàu đủ khắp đòi phương”. Nhưng nhà thơ đâu chỉ đơn giản ước mong mà mạnh mẽ trong một tâm trạng buồn thương tiếc giận là lẽ ra tiếng đàn ấy phải có rồi.

Viết bình luận