Soạn bài: Lập dàn ý bài văn thuyết minh

Nhìn chung, bài. văn thuyết minh có 3 phần như sau:

a) Mở bài

Giới thiệu chung một cách khái quát về đối tượng cần thuyết minh.

Có nhiều cách giới thiệu: Có thể nêu nhận xét khái quát, nêu một ấn tượng đặc biệt sâu sắc, dẫn một câu nói của danh nhân, một đoạn thơ, một câu thơ nói về đối tượng đó.

b) Thân bài

Giới thiệu sâu, tỉ mỉ, chi tiết, những nét đặc trưng của đối tượng.

Nếu thuyết minh về một danh lam thắng cảnh thì có thể đề cập các ý:

- Vị trí địa lí.

- Những cảnh quan đặc sắc của đốì tượng.

- Cách thưởng ngoạn đối tượng.

Nếu giới thiệu thuyết minh về một phong tục tập quán thì có thể lần lượt nói rõ về lịch sử hình thành, những biểu hiện của nó, cũng như thái độ và tình cảm của con người đối với phong tục tập quán đó.

Nếu đối tượng cần giới thiệu, thuyết minh là một danh nhân văn hóa thì có thể lần lượt giới thiệu hoàn cảnh, xã hội, thân thế và sự nghiệp, đánh giá của xã hội đối với người đó. Tất nhiên là phần thân thế và sự nghiệp chiếm vai trò chủ yếu, có dung lượng lớn nhất trong bài viết.

c) Kết bài

Trở lại đề tài bài thuyết minh, lưu lại những suy nghĩ cảm xúc lâu bền trong lòng người đọc.

Ghi nhớ

Để việc lập dàn ý cho một bài văn thuyết minh đạt kết quả tốt, ta cần phải:

- Nắm vững các kiến thức về dàn ý và các kĩ năng xây dựng dàn ý.

- Có đầy đủ những tri thức cần thiết và chuẩn xác về đề tài cần thuyết minh.

- Tìm được cách sắp xếp những tri thức đó thành một hệ thống hợp lí, chặt chẽ.

NGUYÊN CÔNG TRỨ (Giới thiệu một danh nhân)

(19/12/1778 - 7/12/1859). Nhà thơ Việt Nam; tự Tồn Chất, hiệu Ngộ Trai, biệt hiệu là Hi Văn; sinh ngày 1 tháng 11 năm Mậu Tuất. Người làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, trấn Nghệ An, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Cha là Nguyễn Công Tấn, trung thần thời Lê mạt, trước dạy học, sau thăng Tri huyện, rồi Tri phủ. Khi Tây Sơn nổi lên lật đổ triều đình Lê - Trịnh, Nguyễn Công Tấn mộ quân chống lại. Không thành, ông trở về quê mở trường dạy học. Nguyễn Công Trứ lúc nhỏ sống nghèo túng, nhưng vẫn hăm hở đi học, đi thi. Sau nhiều lần trượt lên trượt xuống, 41 tuổi ông mới đậu giải nguyên kì thi Hương (1819) và được bổ làm quan. Đầu tiên ông làm Hành tẩu ở Quốc sử quán, sau đó làm Tri huyện Đường Hào, Hải Dương, làm Tư nghiệp Quốc tử giám, rồi làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên... Năm 1828, được thăng Hữu tham tri Bộ hình, sung chức Dinh điền sứ, chuyên coi việc khai khẩn đất hoang. Ông đã hướng dẫn nông dân khai phá được một vùng đất đai rộng lớn ven bờ biển Thái Bình và Ninh Bình, lập nên hai huyện Tiền Hải, Kim Sơn. Ngoài ra, ông còn chỉ huy việc khai khẩn vùng đất hoang ven biển hai tỉnh Quảng Yên, Hải Dương. Nhân dân ở các vùng này rất biết ơn ông, có nơi lập sinh từ để thờ ông ngay lúc ông còn sống. Nói chung, Nguyễn Công Trứ làm việc gì cũng hết sức tận tụy, thế nhưng trong 28 năm làm quan, ông vẫn bị giáng chức và cách chức đến năm lần. Lần bị nặng nhất là năm 1843, bị cách chức, bắt làm lính thú lên trấn ở biên thùy Quáng Ngãi. Nhưng vài năm sau lại được phục chức, làm Chủ sự Bộ hình, rồi làm quyền Án sát Quảng Ngãi, sau đó đổi ra làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên, và năm 1847, được thăng Phủ doãn phủ ấy. Năm 1848, Tự Đức nguyên niên, Nguyễn Công Trứ 70 tuổi, được về hưu, sống ở Nghi Xuân, ngót 10 năm trời. Năm 1858, Pháp tấn công Đà Nẵng, tuy đã 80 tuổi, ông vẫn tha thiết xin được tòng quân đánh giặc. Nhưng tuổi già, sức yếu, ông không đi được, và ngày 14 tháng 11 năm Mậu Ngọ, ông từ trần.

Nguyễn Công Trứ sáng tác khá nhiều, tương truyền có đến trên dưới một nghìn bài thơ, hầu hết bằng chữ Nôm, nhưng phần lớn bị thất lạc. Hiện còn khoảng trên 150 bài. Thể tài nhiều nhất là hát nói và thơ Đường luật. Những sáng tác của ông trong giai đoạn đầu phản ánh tâm trạng của tầng lớp trí thức lớp dưới hăm hở đi học, đi thi để làm quan. Ông đặc biệt ca ngợi con người hành động, con người trung hiếu, đề cao chí nam nhi, đề cao vai trò của kẻ sĩ theo tinh thần Nho giáo, đả kích Phật giáo, Đạo giáo và tràn đầy tinh thần lạc quan, tin tưởng. Nhưng càng về sau, tinh thần lạc quan càng giảm sút. Do quá trình tham gia hoạt động xã hội, Nguyễn Công Trứ nhận thức ra được triều đại mà ông tôn thờ không phải tốt đẹp như ông tưởng và những thiện chí của ông không phải dễ thực hiện. Nguyễn Công Trứ muốn phục vụ nhà Nguyễn thì chính nhà Nguyễn nghi ngờ ông. Nguyễn Công Trứ muốn làm quan thanh liêm thì có lần triều đình đã bắt tội, hạch sách ông. Nguyễn Công Trứ muốn cải cách xã hội thì phần lớn đề nghị của ông bị bác bỏ... Gia đình ông lại luôn luôn sống trong cảnh nghèo túng. Chính bối cảnh ấy đã làm cho Nguyễn Công Trứ dần dần chuyển hướng sáng tác: Ông từ bỏ dần những đề tài có tính chất ca ngợi, khẳng định, đế viết về những đề tài có màu sắc tố cáo, đả kích xã hội. Hàng loạt bài thơ về thế thái nhân tình của ông ra đời. Nhà thơ vạch trần thói đạo đức giả của bọn nhà giàu có (Thế tình đối với người nghèo); thông cảm với cảnh ngộ của những người nghèo khổ (Vịnh cảnh nghèo, Than cảnh nghèo...); tố cáo gay gắt tác dụng tai hại của đồng tiền (Vịnh nhân tình thế thái, Vịnh đồng tiền). Câu thơ tố cáo, đả kích của Nguyễn Công Trứ không có những hình ảnh, những chi tiết cụ thể, sinh động, nhưng do chỗ thấm đượm cảm xúc sâu sắc, nên vẫn có sức lay động mạnh. Tuy nhiên, trước sau Nguyễn Công Trứ vẫn không thoát khỏi được ý thức hệ Nho giáo là ý thức hệ thống trị của xã hội, cho nên ông không có quan hệ chặt chẽ với nhân dân. Do đó mà về sau, khi thấy sự phê phán của mình không đem lại kết quả, hoạt động của mình thất bại, ông tỏ ra chán chường, và sáng tác những bài thơ có tính chất hưởng lạc, thoát li. Ông thường hay triết lí cuộc đời là vô nghĩa, tạm bợ, không ai sống trăm tuổi, nên phải ăn chơi để bù đắp lại:

Nhân, sinh bất hành lạc

Thiên tuế diệc vi thương

(Ở đời không hành lạc thì sống nghìn năm cũng như đứa chết yểu) (Đánh thức người đời). Điều đáng trách ở đây là thái độ thiếu tôn trọng của Nguyễn Công Trứ đối với phụ nữ.

Về nghệ thuật, Nguyễn Công Trứ là một cây bút thơ Nôm đặc sắc, nhưng ông thành công nhất là trong những bài thơ viết bằng thể hát nói. Hát nói vốn là thế bài hát, được lưu hành trong các hành viện, các nhà hát ả Đào. Nguyễn Công Trứ là một trong những người đầu tiên nâng lên thành một thể thơ hoàn chỉnh, không phải chi để nói chuyện ăn chơi, mà nói về mọi sinh hoạt, mọi cảm nghĩ của nhà thơ trước cuộc sống. Thế hát nói trong các bài thơ của Nguyễn Công Trứ khi thì hào hùng, sôi nổi, khi thì du dương, êm ái. Với thể thơ hát nói, Nguyễn Công Trứ, cũng như Cao Bá Quát, đã chuẩn bị một bước đổi mới về sau cho thi ca tiếng Việt.

(Nguyễn Lộc - Từ điển văn học, tập II)


Viết bình luận