Soạn bài: Tuần 2 - Thao tác lập luận phân tích

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Bản chất và yêu cầu của lập luận phân tích

Đọc đoạn trích phân tích nhân vật Sở Khanh của Hoài Thanh (SGK Ngữ văn 11, tập 1, trang 25) để tìm hiểu bản chất và yêu cầu của lập luận phân tích.

a) Luận điểm được thể hiện trong đoạn trích là: Sở Khanh là kẻ bẩn thỉu, bần tiện, là đại diện cao nhất của sự đồi bại trong xã hội Truyện Kiều.

b) Để làm sáng tỏ luận điểm nêu trên, tác giả đã triển khai các luận cứ sau:

- Sở Khanh sống bằng nghề đồi bại, bất chính là nghề sống bám các thanh lâu, nghề làm chồng hờ của gái điếm.

- Sở Khanh là kẻ đồi bại nhất trong những kẻ làm cái nghề đồi bại bất chính đó: giả làm người tử tế để đánh lừa một người con gái ngây thơ, hiếu thảo.

- Sau khi lừa bịp hắn còn trở mặt một cách trơ tráo.

- Đặc biệt, cái hành động lừa bịp, tráo trở này là hành động thường xuyên của hắn, khiến hắn thậm chí đã trở thành một tay nổi tiếng bạc tình.

c) Đoạn văn của Hoài Thanh đã kết hợp được một cách khá chặt chẽ giữa thao tác phân tích và thao tác tổng hợp: Sau khi phân tích chi tiết bộ mặt lừa bịp tráo trở của Sở Khanh, người viết đã tổng hợp kết quả phân tích trước đó thành một kết luận khái quát về cái xã hội trong Truyện Kiều dựa trên bản chất của nhân vật Sở Khanh: "Nó là cái mức cao nhất của tình hình đồi bại trong xã hội này".

d) Từ việc tìm hiểu cách lập luận của đoạn văn trên, có thể rút ra một vài kết luận sau đây:

- Lập luận phân tích là thao tác chia nhỏ đối tượng thành các yếu tố bộ phận để xem xét rồi tổng hợp nhằm phát hiện ra bản chất của đối tượng.

- Như vậy, lập luận phân tích giống như thao tác phân tích trong tư duy lô gích ở chỗ chia nhỏ đối tượng ra thành từng mặt, từng bộ phận, từng yếu tố để thâm nhập sâu vào đối tượng nhằm tìm ra bản chất của nó. Tuy nhiên, lập luận phân tích không dừng lại ở việc phân chia và khảo sát từng yếu tố của đối tượng mà phải phân tích được mối quan hệ giữa các yếu tố được phân tích, phân tích mối quan hệ giữa đối tượng với các đối tượng khác có liên quan. Trên cơ sở đó mà tổng hợp, xem xét đối tượng một cách toàn diện và chỉnh thể. Phân tích bao giờ cũng gắn liền với tổng hợp. Đó là bản chất của thao tác lập luận phân tích trong bài văn nghị luận.

- Khi thực hiện thao tác lập luận phân tích, trước tiên cần xác định mục tiêu của việc phân tích là làm sáng tỏ ý kiến, quan điểm gì (kết luận của lập luận). Sau đó chia nhỏ đối tượng phân tích thành từng yếu tố nhỏ để tìm hiểu sâu hơn. Việc chia nhỏ đối tượng thường dựa trên các mối quan hệ:

+ Giữa các yếu tố, các phương diện cấu thành nên đối tượng đó.

+ Quan hệ giữa đối tượng với các đối tượng khác có liên quan gần gũi (quan hệ nguyên nhân - kết quả, quan hệ kết quả - nguyên nhân,...).

+ Thái độ và sự đánh giá của người phân tích đối với đối tượng được phân tích.

2. Cách lập luận phân tích

Đọc các ngữ liệu trong SGK Ngữ văn 11, tập 1, trang 25-27 (ngữ liệu phân tích nhân vật Sở Khanh; ngữ liệu phân tích thế lực của đồng tiền; ngữ liệu phân tích việc tăng dân số và hậu quả của nó) để tìm hiểu về cách lập luận phân tích.

a) Ngữ liệu phân tích nhân vật Sở Khanh.

- Việc phân chia đối tượng trong đoạn văn lập luận phân tích này dựa trên cơ sở quan hệ nội bộ trong bản thân đối tượng - những biểu hiện về nhân cách bẩn thỉu và bần tiện của Sở Khanh.

Thao tác phân tích kết hợp chặt chẽ với tổng hợp thể hiện ở chỗ: từ việc phân tích làrn nổi bật những biểu hiện bẩn thỉu, bần tiện mà khái quát nên mức độ giá trị hiện thực của nhân vật này: bức tranh về tính đồi bại trong xã hội đương thời.

b) Ngữ liệu phân tích thế lực đồng tiền trong Truyện Kiều.

- Việc phân chia đối tượng để phân tích trong ngữ liệu này dựa trên nhiều mối quan hệ:

+ Quan hệ trong nội bộ của đối tượng: tác dụng tốt và tác hại (sức mạnh tai - quái) của đồng tiền.

+ Quan hệ kết quả - nguyên nhân: Sau khi đưa ra nhận định "Nhưng chủ yếu Nguyễn Du vẫn nhìn về mặt tác hại" (của đồng tiền) - kết quả, Hoài Thanh đưa ra những giải thích để chứng minh "Một loạt hành động gian ác bất chính đều là do đồng tiền chi phối" - nguyên nhân.

+ Quan hệ nguyên nhân - kết quả: Từ việc phân tích sức mạnh tai quái nhiều mặt của đồng tiền (nguyên nhân), tác giả đi đến kết luận: "Cho nên nói đến đồng tiền, phần nhiều Nguyễn Du có giọng rất hằn học và khinh bỉ".

- Ở đoạn văn này, trong quá trình lập luận phân tích, việc phân tích cũng luôn gắn liền với khái quát, tổng hợp: phân tích quan hệ giữa các biểu hiện của sức mạnh đồng tiền, giữa đồng tiền và các tầng lớp xã hội, giữa đồng tiền và thái độ của Nguyễn Du.

c) Ngữ liệu phân tích việc tăng dân số và hậu quả của nó (trích trong Tiếng Việt thực hành).

- Việc phân chia đối tượng trong đoạn văn phân tích này dựa trên:

+ Mối quan hệ nhân - quả: việc bùng nổ dân số (nguyên nhân) dẫn đến những ảnh hưởng đối với đời sống con người (kết quả).

+ Quan hệ nội bộ của đối tượng (các ảnh hưởng xấu của việc bùng nổ dân số đến cuộc sống con người): thiếu lương thực thực phẩm - suy dinh dưỡng, suy thoái nòi giống - thiếu việc làm, thất nghiệp.

- Thao tác phân tích kết hợp chặt chẽ với khái quát tổng hợp thể hiện ở cách triển khai lập luận: Việc bùng nổ dân số —> ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống con người —> dân số tăng càng nhanh thì chất lượng cuộc sống của cộng đồng, của gia đình và của cá nhân sẽ càng giảm sút.

II - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Tìm hiểu các quan hệ làm cơ sở cho việc phân tích đối tượng trong các lập luận (ngữ liệu trong SGK Ngữ văn 11, tập 1, trang 28) :

a) Gợi ý: Trong đoạn văn của Lê Trí Viễn, quan hệ được lấy làm cơ sở để phân chia đối tượng phục vụ cho việc lập luận phân tích là quan hệ nội bộ của đối tượng (diễn biến, các cung bậc tâm trạng "bàn hoàn" của Thuý Kiều), đó là các cung bậc tâm trạng: đau xót, quẩn quanh và hoàn toàn bế tắc của nàng Kiều.

b) Gợi ý: Quan hệ làm cơ sở cho lập luận phân tích trong đoạn văn của Hoài Thanh là quan hệ giữa đối tượng này với các đối tượng khác có liên quan: Bài thơ Lời kĩ nữ của Xuân Diệu với bài Tì bà hành của Bạch Cư Dị.

2. Vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật trong bài Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương được thể hiện ở:

- Những từ ngữ giàu hình tượng và giá trị biểu cảm như: văng vẳng, trơ, cái hồng nhan, tí con con,...

- Sự kết hợp giữa những động từ mạnh (xiên, đâm) với các bổ ngữ độc đáo (ngang, toạc) làm nổi bật sự bướng bỉnh và ngang ngạnh.

- Nghệ thuật đảo trật tự cú pháp trong hai câu luận:

Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,

Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.

- Nghệ thuật điệp từ (lại, xuân).

- Nghệ thuật sử dụng sóng đôi các cặp từ trái nghĩa: say - tỉnh, khuyết - tròn, đi - lại.

- Nghệ thuật tăng tiến (san sẻ - tí - con con).

Viết bình luận