Soạn bài: Tuần 3 - Đọc thêm - Khóc Dương Khuê

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Dương Khuê (1839 - 1902) là một trong những người bạn thân nhất của Nguyễn Khuyến. Dương Khuê người làng Vân Đình, tổng Phương Đình, tỉnh Hà Đông cũ (nay là huyện Ứng Hoà, Hà Nội). Ông đỗ tiến sĩ năm 1868, làm Tham tá Nha Kinh lược Bắc Kì, sau làm chức Tổng đốc Nam Định, Ninh Bình. Dương Khuê cũng là một nhà thơ có tên tuổi ở thế kỉ XIX.

2. Khóc Dương Khuê được viết bằng chữ Hán, sau đó được chính Nguyễn Khuyến dịch ra chữ Nôm. Bài thơ là khúc tình riêng tư sâu lắng và da diết. Nó góp thêm một nốt nhạc xanh tình bạn trong tâm hồn giàu yêu thương của mỗi chúng ta.

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Bài thơ có thể được chia thành ba đoạn:

- Đoạn 1 (hai câu thơ đầu): Nỗi đau đột ngột khi mất bạn.

- Đoạn 2 (từ câu 3 đến câu 22): Những kỉ niệm tươi rói về tình bạn sống lại trong hồi tưởng của nhà thơ.

- Đoạn 3 (phần còn lại): Nỗi đau tắc nghẹn, hẫng hụt, chơi vơi khi đối diện với hiện thực phũ phàng (mất người tri âm, tri kỉ).

2. Văn chương từ khi lập quốc không thiếu những bài thơ khóc dân, khóc nước, khóc cho thời thế,... Riêng tư hơn, cũng không ít bài thơ các thi nhân xưa khóc chồng, khóc vợ. Khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến nằm trong mạch cảm hứng đầy tính nhân văn ấy nhưng nó có một mạch riêng bởi đó là một tiếng thơ khóc bạn, là nước mắt của một vị đại khoa viếng một vị đại khoa khuất núi.

Phá bỏ hết những quy tắc thường thấy của một bài "điếu văn”, tiếng khóc bạn của Nguyễn Khuyến ùa thẳng vào lòng người đọc:

Bức Dương thôi đỡ thôi rồi,

Nước máy man mác ngậm ngùi lòng ta.

Câu thơ đọc lên nghe nhói đau, quặn thắt bởi cái sự không lành kia đến đột ngột quá. Câu lục ngắt nhịp 2/1/3 thể hiện đúng cái trường độ đứt đoạn của những tiếng nấc tắc nghẹn trong nỗi đau đến quá đỗi bất ngờ. Trong khi đó nhịp thơ dàn trải và đều đặn ở câu bát làm nỗi đau lan toả ra khắp không gian, trời đất. Một tượng đài đáng kính, đáng trọng trong lòng nhà thơ vừa mất đi một cách quá bàng hoàng khiến người trong cuộc choáng váng, tiếc nuối mà biết rằng không thể cưỡng lại được.

Đau gắn với nhớ, càng nhớ càng đau. Hiện tại phũ phàng khơi gợi về những ngày tươi đẹp trong quá khứ để rồi khi những kỉ niệm kia vụt tan thì hiện thực lại càng gợi sự đớn đau quặn thắt hơn. Câu thơ lặng lẽ trôi về quá khứ, dựng dậy cả một thời "quá khứ hoàng kim" của tình bạn, với mấy chục năm trời gắn bó: từ buổi đầu gặp gỡ ("thuở đăng khoa ngày trước") đến tận khi tóc bạc da mồi ("Bác già, tôi cũng già rồi"); có lúc thật phong lưu tài tử ("Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang") lại có khi chia sẻ cay đắng gian nan ("Buổi dương cửu cùng nhau hoạn nạn"),... Quả là một tình bạn đẹp tươi, thuỷ chung, bền chặt. Câu thơ đầy ắp kỉ niệm, hiện về tươi rói. Dường như nỗi đau mất bạn như đang muốn tựa vào quá khứ để níu giữ một cái đã vĩnh viễn mất đi. Nguyễn Khuyến không đối diện với quá khứ mà sống cùng nó, sống trong nó. Cái chết không thể chôn vùi được những giá trị tinh thần cao quý. Tinh bạn nặng trĩu trong từng câu chữ. Cái tình không chỉ là yêu thương, quý mến,... mà là "kính yêu" - cái tình của hai trí thức lớn. Đoạn thơ hồi tưởng không ồn ào mà đằm thắm, thiết tha, sâu lắng.

3. Bài thơ rất thành công trong nghệ thuật tu từ, nhất là nghệ thuật sử dụng các câu hỏi tu từ trong đoạn cuối của bài thơ. Hàng loạt các câu thơ như: Làm sao bác vội về ngay; Sao vội vàng đã mải lên tiên,... để rồi lắng đọng trong những câu thơ hụt hẫng, chơi vơi:

Rượu ngon không có bạn hiền,

Không mua không phải không tiền không mua.

Hư từ không dùng trong trường hợp này thật hợp và cũng thật sắc. Không mua rượu không phải vì không tiền, mà vì mất bạn. Không có tri kỉ thì độc ẩm chỉ tăng thêm nỗi xót xa. Chữ không tạo thành nghịch lí: có tiền mà không mua. Chuyện uống rượu đối với nhà thơ đã thành "nghĩa tửu" bởi thế mà nó không chí còn là câu chuyện vật chất tầm thường nữa. Chỉ một cặp lục bát mà chồng xếp 5 chữ không diễn tả thật đúng cái trống vắng khủng khiếp khi mất bạn. Câu thơ không viết, câu thơ không biết đưa ai, chiếc giường treo không bạn, tiếng đàn ngơ ngẩn không tri âm, ý thơ trống vắng, chơi vơi để rồi kết đọng trong tiếng khóc đáng thương của người bạn già tri kỉ:

Tuổi già hạt lệ như sương,

Hơi đâu chuốc lấy hai hàng chứa chan!

Câu thơ buông nhẹ mà khơi gợi, xót đau, hờn tủi.

Viết bình luận