Soạn bài: Bài 7 - Viết bài tập làm văn số 2 - Văn tự sự

Đề văn tham khảo:

Đề 1

Đã có lần em được cùng bố, mẹ (hoặc anh chị) đi tảo mộ trong ngày thanh minh. Hãy viết một bài văn kể về buổi tảo mộ đáng nhớ đó.

Đề 2

Tưởng tượng 20 năm sau vào một ngày hè, em về thăm lại trường. Hãy viết thư cho một bạn học ngày ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó.

Đề 3

Kể lại một giấc mơ trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày.

Đề 4

Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể hoặc đã xem trên màn ảnh.

BÀI THAM KHẢO

Lần đầu tiên được đi tàu Thống Nhất, khoái cực kì! Những lúc ngủ thì lắc lư như đưa võng, lúc thức thì lại được nằm võng mà coi phim bộ. Cửa sổ tàu mở ra như màn hình ti vi. Loang loáng qua mắt, khi thì núi cao, khi thì biển rộng. Lại có khi phim đang chiếu, màn hình vụt tối om. Đó là lúc tàu chạy qua núi, trong đường hầm, ngày vụt biến thành đêm. Rồi phim lại chiếu: cát trắng tiếp rừng xanh. Có phim chiếu chậm dần rồi dừng hẳn. Trong màn hình cửa sổ hiện ra các bà, các cô với những lời chào mời ngọt ngào: Cu đơ Nghệ An, Mè xủng Huế, nho Mường Mán, củ đậu Tháp Chàm... Thứ gì cũng ngon, lại rẻ nữa. Đi tàu Thống Nhất, đã ngon miệng, lại vui mắt!

Hè này, trên đường vào, Quậy còn được xuống ga Quảng Ngãi để ghé thăm ông nội.

Từ cửa ga, cả nhà, ba người chất lên một cái xe mô tô Min khờ. Bố ôm bác tài, mẹ đèo ba lô, ôm bố. Quậy ngồi trên bình xăng, ôm cái làn mây đựng đồ lễ. Xe chưa nổ máy, bác xe ôm đã nổ chuyện:

- Nhà ta vào thăm ông B, phải không?

- Ô hay! Sao bác biết?

- Đóng quân trên ấy, chỉ có mình ông B, là người Hà Nội. Năm ngoái, cũng tôi chở người nhà lên thăm ông ấy đấy. Với lại, nhìn mặt bố con nhà này là biết luôn à! Đúc khuôn!

Cái xe vui chuyện phóng băng băng qua hết ổ gà, ổ vịt nối nhau như chuỗi hạt trên đường núi. Mấy lần xe nhảy chồm chồm khiến Quậy suýt đánh rơi cái làn.

Đến nghĩa trang, bác xe ôm dặn:

- Còn ba tiếng nữa tàu mới chạy, cứ thăm viếng thoải mái. Tôi chờ ở đây.

Bố thuộc đường, tìm ra ngay chỗ ông nội đóng quân, Quậy nhanh nhảu và tinh mắt đọc đúng số nhà của ông ghi trên bia mộ. Nó và mẹ cùng lẩm nhẩm đọc thành tiếng:

Liệt sĩ T.Q.B. 1942, 99 Đại Cồ Việt, Hà Nội.

Mẹ, hai tay chắp trước ngực, nước mắt lưng tròng:

- Con là Lan, con dâu của bố, mãi hôm nay mới tới được, thật là có lỗi. Đường xa, chúng con chỉ có chút lễ thảo, nén nhang thơm...

Đúng lúc ấy, bác xe ôm bước đến, dắt theo lũ trẻ chăn trâu. Mỗi đứa đặt thêm vào trước mộ một bông hoa đồng nội: bông trang đỏ, bông điệp vàng, bông lau trắng... Thấy thế, mẹ nói:

- Bác tài chu đáo quá! Cảm ơn các cháu!

- Đồng đội mà! Rồi bác đứng nghiêm, ưỡn ngực:

- Cựu hạ sĩ N.V. kính viếng đồng chí T.Q.B. một tiểu đội hoa.

Trong khi bố mẹ đợi hết tuần nhang thì bác tài dẫn Quậy ra chơi với tiểu đội hoa của bác. Chị hoa bông lau đặt Quậy lên lưng trâu của mình cho nó diễu một vòng quanh khu vực ông nội đóng quân, một vòng quanh cái tháp đắp dòng chữ đỏ rực: Tổ Quốc ghi công...

Hơn một giờ sau, cả nhà lại lên xe ôm ra ga, rồi lên tàu Thống Nhất con tàu xuyên Việt lại đánh võngchiếu phim nhiều tập.

(Theo truyện ngắn Đi thăm ông nội của Trần Quốc Toàn)

Đề bài: Thuyết minh về một nét đặc sắc trong di tích thắng cảnh quê em: Huế và cung đình.

Bài làm

"Đường vô xứ Huế quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ..."

Huế nổi tiếng là nơi phong cảnh hữu tình với những nét đặc sắc về danh lam, thắng cảnh của một kinh thành cổ xưa. Vậy chúng ta hãy đến với Huế thơ mộng.

Đầu tiên ta hãy tìm hiểu nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh của Huế. Về nghệ thuật cố đô Huế được nhận xét chung là có sự hài hòa giữa bàn tay con người với thiên nhiên, rất thành công với nghệ thuật trang trí và chặt chẽ trong kết cấu tổng thể. Kiến trúc kinh đô Huế là một quần thể kiến trúc rộng lớn gồm Hoàng thành, các cung điện, lăng tẩm,... được xây dựng theo ý muốn của triều đình và sở thích của các vua. Kiến trúc cung đình thường sử dụng những mẫu trang trí mang tính quy phạm gắn với tư tưởng Nho giáo. Bên cạnh kiến trúc cung đình là những làng cổ được xây dựng cách không xa Hoàng thành. Rất nhiều làng nghề thời này làm ra những sản phấm để sử dụng trong cung đình. Một số nghệ thuật thời này đã phát triển đa dạng như điêu khắc, đồ họa, hội họa nhằm trang trí cho cung đình nơi cố đô.

Kiến trúc cung đình Huế là một quần thể quy mô lớn, bao gồm rất nhiều lăng tẩm, Hoàng thành. Bên cạnh Phòng thành (xây dựng từ những năm 1805 - 1817), Hoàng thành và Tử cấm thành (1840), đàn Nam Giao,... là những công trình giá trị. Những lăng tẩm, phủ chúa nổi tiếng như lăng Gia Long (1814 - 1820), lăng Minh Mạng (1820 - 1840), lăng Tự Đức (1864-1867) rất uy nghi. Ngoài ra cửa Ngọ Môn cũng là một tác phẩm lớn, trang nghiêm. Hơn nữa thiên nhiên và cảnh quan luôn được coi trọng, tạo ra một nét riêng của kiến trúc cung đình Huế. Bên lăng Tự Đức, hàng trăm cây lớn bé, xanh um. Ở đây có những hồ rộng khoảng vài chục mét vuông, uốn lượn. Bên hồ là lầu để vua đến vui chơi và nghỉ ngơi; những tảng đá phảng được dùng như những bộ bàn ghế kê ở ven hồ. Những tranh ghép sứ kính trong lăng Khải Định gồm những bức lớn, màu sắc ẩn hiện rất độc đáo. Những hình trang trí thì cầu kì, màu sắc sặc sỡ. Hình bao gồm chủ yếu là rồng vây quanh cột, in trên tường và rải rác theo dọc tường là những khung chữ Nho.

Cuối cùng là những làng nghề tập trung không xa khu Hoàng thành, trong đó có làng Việt cổ Phước Lĩnh. Cách Huế ba kilômét về phía Bắc, làng được bao quanh sông Ô Lâu, trông như một bán đảo riêng biệt. Ngày xưa nơi đây được gọi là cồn Dương. Dân làng ít ai làm ruộng mà chủ yếu sông nhờ vào vườn tược và nghề gốm. Gốm Phước Lĩnh đã trở nên lâu đời, nổi tiếng và thường được cung cấp cho vua chúa nhà Nguyễn. Ngày nay làng không còn làm gốm nữa mà chỉ còn các dấu tích của một thời.

Những lối ngõ với những hàng chè tàu tăm tắp được cắt tỉa cẩn thận. Nhiều loại cây ăn quả như cây vả, cây thị,... hoa hoàng lan, mộc lan,... nhiều loại hoa như hoa màu vàng nhỏ xíu, mùi hương nhẹ thầm kín.

Những miếu cổ um tùm cỏ cây ở cách những ngôi mộ cổ không xa lắm,... Đặc biệt ở đây còn lại 30 nhà, có chừng cả 100 năm tuổi. Bên trong những căn nhà này nhiều vật dụng được chạm khắc khá công phu và tinh tế. Nghệ thuật kiến trúc dân gian ở đây đã đạt đến độ tinh xảo. Còn ở cái hồ làng, mùa sen, hoa nở tím biếc cả một vùng. Ở đây, nhà cổ, vườn tược, đình chùa, miếu mạo vẫn còn sức sống diệu kì. Nơi này hẳn phải là nét nổi bật trong di tích Huế.

Qua đây ta thấy, Huế có những nét đặc sắc trong di tích, thắng cảnh, trong kiến trúc cung đình. Tất cả là sự hài hòa của cảnh sắc thiên nhiên, là một quần thể kiến trúc có quy mô to lớn. Càng hiểu về nơi đây, mỗi chúng ta càng phải cùng nhau giữ gìn để nơi cố đô ấy mãi mãi trường tồn.

(Cao Bích Xuân)

Đề bài: Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể hoặc đã xem trên màn ảnh.

Dàn bài

1. Mở bài:

- Giới thiệu trận chiến đấu ác liệt: Trận gì?

- Xảy ra lúc nào? ở đâu? (Hưng Đạo Vương phá quân Nguyên trên sông Bạch Đằng).

2. Thân bài: Diễn biến

- Hưng Đạo vương tiến quân đến Bạch Đằng.

- Nguyễn Khoái nhử quân Nguyên vào tử địa.

- Quân ta phản công, địch mắc mưu đại bại.

3. Kết bài: Rút ra được sức mạnh của đoàn kết của dân tộc trong các cuộc đấu tranh chống ngoại xâm.

Bài tham khảo 1

Vào thế kỉ 13, dưới thời Trần, quân ta đã lập một chiến công hiển hách trên sông Bạch Đằng. Chính trong trận này, thủy quân của Hưng Đạo Vương, dưới tài thao lược của vị tướng tài này đã làm cho quân Nguyên xâm lăng thất bại nhục nhã.

Sử chép: Đang lúc điều binh, Hưng Đạo Vương nghe tin quân Nguyên kéo tới Bạch Đằng. Ngài tập hợp quân sĩ, trỏ sông Hóa Giang xa xa trước mặt mà thề rằng: "Trận này không phá xong quân Nguyên thì không về đến sông này nữa". Quân sĩ hưởng ứng, dạ rầm trời!

Ngài vội lên voi, thúc quân kéo sang sông, nhắm Bạch Đằng trực chỉ. Quân ngài tới bờ Hóa Giang nhằm lúc nước ròng. Lòng sông nhầy nhụa bùn lầy. Dân chúng trong vùng tự động đua nhau đem rơm, ván ra độn lòng sông để lấy lối cho voi đi. Nhưng voi ngài quá to nên vẫn bị sa lầy. Mọi người hì hục cố khiêng voi lên nhưng không được. Ngài đành bỏ voi, kéo quân đi bộ. Voi trông theo ngài ứa nước mắt. Để trấn an quân sĩ, ngài bảo rằng: "Ta thương voi trung với nước, nghĩa với chủ, chớ không sợ điềm bất thường. Ai nôn nao, ta sẽ nghiêm trị". Quân sĩ ngài vững lòng, hăng hái tiến bước.

Nguyễn Khoái tuân lệnh ngài, lên thượng lưu sông Bạch Đằng, đẽo rất nhiều cọc nhọn, bịt sắt, đóng khắp giữa lòng sông. Đoạn chia quân mai phục hai bên, chờ lúc thủy triều lên ông ta mới khiêu chiến. Thế rồi, giờ phút chờ đợi đã đến. Ô Mã Nhi tiến quân theo dòng Bạch Đằng được vài dặm, bỗng nghe trống chiêng vang rền. Hắn thấy một tướng Nam dẫn chiến thuyền tiến đến khiêu khích. Tức giận quá, hắn thúc quân nghinh chiến. Sau vài hiệp đánh nhau, Nguyễn Khoái giả vờ thua quay thuyền chạy dài. Ô Mã Nhi tưởng thật đuổi theo. Bấy giờ thủy triều đang lên. Mặt nước mênh mông. Thấy quân Nguyên vượt khỏi chỗ đóng cọc khá xa, Nguyễn Khoái mới quay thuyền phản công. Hai bên đánh nhau hăng thì đại quân của Hưng Đạo Vương tiến đến. Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp thấy quân ta tăng viện khá đông, sợ hãi quay thuyền tháo chạy. Khi ấy nước triều đang rút, cọc nhọn ở lòng sông lố nhố. Chạy đến đó thuyền giặc vướng phải, đổ nghiêng đổ ngửa, đắm vỡ rất nhiều. Quân ta thừa thắng xông lên, sát hại giặc vô số. Máu loang đỏ cả khúc sông. Hàng trăm chiến thuyền của địch bị tịch thu. Ta bắt sống được Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp và nhiều tù binh.

Chiến tích này đã cho ta một bài học về "sức mạnh của đoàn kết". Để chiến thắng xâm lăng, dưới thời Trần, quân dân ta đã gắn bó keo sơn. Hình ảnh dân chúng tự động lấp lòng sông Hóa Giang để lấy lối cho quân đi là hình ảnh đẹp nhất nói lên rất nhiều tình quân dân cá nước đó.

(Trần Văn Tăng)

Bài tham khảo 2

TRẬN ĐIỆN BIÊN PHỦ

Nhân dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, đài truyền hình có nhiều bộ phim về trận chiến ác liệt giữa bộ đội ta với quân xâm lược của thực dân Pháp. Đó là một trận chiến oanh liệt của quân và dân ta nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất nước.

Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ (mật danh chiến dịch là "Trần Đinh"), quân và dân ta gồm cả công binh, bộ binh và thanh niên xung phong mở đường đi vào chiến dịch. Với kế hoạch tác chiến Đông Xuân 53-54, quân và dân ta ra sức sửa đường, làm đường. Tại các bến đò, các đèo cao, địch ném bom, bắn phá ác liệt, song công tác mở đường, thông tuyến vận chuyển vẫn đảm bảo tiến độ. Ở đường thủy, thanh niên, bộ đội nhiều ngày ngâm mình dưới nước lạnh buốt phá thác, phá ghềnh khai thông dòng chảy để các đoàn thuyền độc mộc, các bè mảng đưa gạo thóc từ các nơi ra chiến dịch. Đặc biệt là đường bộ, biết bao thanh niên nam nữ phá núi, phá đèo để bộ đội đưa pháo vào trận địa. Hình ảnh dân công và bộ đội kéo pháo lên núi trùng trùng điệp điệp thật gian khổ và dũng cảm biết bao. Bên cạnh đó là hoạt động tấp nập của đông đảo dân công hỏa tuyến, bằng quanh gánh, bằng xe đạp thồ đưa lương thực, đạn dược ra tuyến đầu, bất chấp mưa bom bão đạn của giặc.

Mở màn chiến dịch vào lúc 17 giờ ngày 13 tháng 3 năm 1954, pháo ta từ trên núi bắn cấp tập vào đồi Him Lam, phân khu Trung tâm, sân bay Mường Thanh. Quân địch khiếp sợ trốn chui trốn nhủi vào các hầm hào. Sau đó chúng phản công nhưng bị bộ đội ta đánh trả quyết liệt.

Ngày 30 tháng 3 năm 1954, chúng ta bước qua giai đoạn hai với cuộc đánh chiêm các đồi phía đông Cl. F. D, đặc biệt là trên đồi A1, cuộc chiến đã diễn ra hết sức gay go trên từng tấc đất. Nơi đây, địch cố thủ trong các hầm ngầm, địa đạo kiên cố. Quân ta ngày đêm đào giao thông hào, đặc biệt là đào hầm vào tận căn cứ của địch,...

Đợt cuối cùng của chiến dịch là vào ngày 3 tháng 5 năm 1954, khi quân ta tiến sâu vào trung tâm, chỉ cách sở chỉ huy địch khoảng 300 mét. Giặc thả tiểu đoàn dù cuối cùng hòng phá vòng vây chạy qua Lào, nhưng toàn bộ pháo binh và đặc biệt đại đội hỏa tiễn sáu nòng của ta bắn dồn dập đã phá tan âm mưu này. Lúc 21 giờ ngày 6 tháng 5, khối bộc phá gần một tấn, đặt giữa đồi A1, bằng đường ngầm đã nổ tung vang trời, và đó là lệnh tổng tiến công. Lúc 17 giờ 30 ngày 7 tháng 5 năm 1954, tướng Đờ Cát-tơ-ri cùng toàn bộ tham mưu giặc đầu hàng. Ngọn cờ "Quyết chiến quyết thắng” của quân dân ta phất cao trên nóc hầm của tên tướng này.

Xem xong các trận đánh ác liệt trong bộ phim, em rất cảm phục tinh thần dũng cảm của bộ đội và nhân dân ta, đã tạo nên một chiến thắng chấn động địa cầu như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.

(Hoàng Đức Huy)

Viết bình luận