Soạn bài: Bài 7 - Kiều ở lầu Ngưng Bích (trích truyện Kiều)
I. VỊ TRÍ ĐOẠN TRÍCH
Sau khi nhận Kiều từ tay Mã Giám Sinh, Tú Bà buộc nàng tiếp khách nhưng nàng không chịu. Mụ đánh đập thúc ép nên nàng tự tử để mong thoát khỏi cảnh ô nhục nhưng không được. Tú Bà tạm giam lỏng nàng ở lầu Ngưng Bích nói là tìm được nơi xứng đáng gả chồng nhưng kì thực là đợi thực hiện chước quỷ mưu ma bắt nàng làm gái lầu xanh kiếm lợi cho mụ. Đoạn trích gồm 22 câu thơ từ câu 1033 đến câu 1054.
II. ĐẠI Ý ĐOẠN TRÍCH
Tả cảnh lầu Ngưng Bích và tâm trạng cô đơn buồn khổ nhớ người yêu, nhớ cha mẹ của Thúy Kiều
III. BỐ CỤC CỦA ĐOẠN TRÍCH
a) Sáu câu đầu: Giới thiệu khung cảnh không gian và thời gian.
b) Tám câu kế: Tâm trạng cô đơn buồn khổ, nhớ người yêu, nhớ cha mẹ.
c) Tám câu cuối: Ngoại cảnh trong mắt Thúy Kiều.
IV. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN
1) Hoàn cảnh cô đơn tội nghiệp của Kiều
Sáu câu đầu là bức tranh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích gợi tả hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Kiều. Trước tiên là hình ảnh Kiều bị giam lỏng:
“Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân”
Khóa xuân là khóa kín tuổi xuân, ý nói cấm cung. Hai chữ khóa xuân cho thấy Kiều bị giam ở lầu Ngưng Bích như cô gái cấm cung. Nàng trơ trọi giữa một khung cảnh thiên nhiên vắng lặng và heo hút, không có bóng người:
“Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.”
“Bốn bề bát ngát xa trông” câu thơ như mở ra không gian rợn ngợp. Từ lầu cao, Kiều ngước nhìn ra dãy núi trùng điệp xa mờ và mảnh trăng gần gũi như sắp chạm đầu. Trước mắt nàng, cảnh vật bốn bề xa trông bát ngát, bên thì từng đụn cát vàng nhấp nhô như sóng lượn, bên thì những đám bụi hồng trải khắp dặm xa.
Cảnh thiên nhiên mênh mông, hoang vắng đó càng làm nổi bật thêm nỗi niềm cô đơn, buồn tủi của Kiều khiến nàng thêm “bẽ bàng” khi “mây sớm” lúc “đèn khuya” tâm trạng như bị chia xé.
“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng”
Cụm từ “mây sớm đèn khuya” từ thời gian khép kín, giam hãm con người. Khuya và sớm, đêm và ngày Kiều luôn trơ trọi chỉ biết làm bạn với mây và đèn. Có thể nói lúc này nàng rơi vào một hoàn cảnh tuyệt đối cô đơn.
2) Tâm trạng buồn nhớ của Thuý Kiều
Trong xúc cảm, trước hết, Thúy Kiều nhớ đến Kim Trọng. Nàng hình dung bóng dáng người yêu với nỗi sầu tư ngóng đợi. Có lẽ hơn lúc nào hết, lúc này, Thúy Kiều thương Kim Trọng vô hạn. Trong tình thương có chút ân hận, nàng tự thấy như mình có lỗi. Để chàng Kim phải mòn mỏi “rày trông mai chờ”, Thúy Kiều xót xa, ân hận như một kẻ phụ tình:
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ.”
Càng thương nhớ người yêu, càng nuối tiếc mối tình đầu không trọn vẹn, Thúy Kiều càng thấm thía tình cảnh bơ vơ nơi đất khách quê người của mình, và càng hiểu tấm lòng sắt son của mình đối với Kim Trọng sẽ không bao giờ gột rửa cho phai được.
“Bên trời gốc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”
Ở bốn câu thơ còn lại, Kiều xót xa thương nhớ cha mẹ:
“Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”.
Với cha mẹ, nỗi nhớ thương của Thúy Kiều cũng xót xa, da diết. Tuy đã bán mình cứu cha và em thoát cảnh ngục tù nhưng Thúy Kiều vẫn thấy mình chưa trọn đạo làm con sớm thăm tối viếng. Nàng hình dung ra bóng song thân giờ đây già yếu đang mỏi lòng tựa cửa đón tin con và xót xa tự hỏi giờ đây ai là người đang thay mình quạt nồng ấp lạnh. Chỉ bốn câu thơ độc thoại nội tâm, tác giả đã thể hiện một cách sinh động, cao đẹp và đầy xúc cảm tấm lòng hiếu thảo của Thúy Kiều.
Trong đoạn thơ này, tài năng tuyệt vời của đại thi hào Nguyễn Du còn thể hiện ở chỗ đã đặt tình trước hiếu khi viết về tâm trạng nhớ thương của Thưý Kiều. Ông đã để nàng nhớ người yêu trước và nhớ cha mẹ sau. Điều này thật chuẩn xác và khách quan bởi vì đối với cha mẹ, Thuý Kiều đã bán mình chuộc cha, công ơn sinh thành ít nhiều đã có phần đền đáp. Còn đối với Kim Trọng, Thuý Kiều vẫn tự thấy mình đã lỗi hẹn bạc tình:
“Kim lang ơi hỡi Kim lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”
Chẳng trách chỉ khi một mình một bóng trước hết, nàng đã nghĩ đến chàng Kim. Đủ thấy ngòi bút của Nguyễn Du là cực kì tinh tế.
3) Tâm trạng buồn lo của Thúy Kiều
Tám câu cuối thể hiện tâm trạng buồn lo của Thúy Kiều qua nghệ thuật tả cảnh ngụ tình:
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mác biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ dầu dầu
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh”
Cụm từ “buồn trông” là điệp khúc vừa tạo ra nhạc điệu du dương vừa thể hiện nỗi buồn lớp lớp trào dâng lên trong lòng Thúy Kiều. Có những nét tả thực với cửa bể, cánh buồm, nội cỏ, chân mây, màu xanh xanh, tiếng sóng ... nhưng đều chứa đựng nhiều ý nghĩa ẩn dụ, gợi mở nhiều liên tưởng phản ánh nỗi lòng của Thúy Kiều, lúc này cảm thấy số phận cô đơn mong manh trong hiện tại và hãi hùng trước tương lai bão táp như đang đe doạ:
“Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”.
Nàng tưởng như mình đang ở giữa biển khơi, bốn bề ầm ầm tiếng sóng. Sóng dữ gào thét cuồng nộ, tiếng dội bên tai dâng tràn dội cả vào tâm hồn, vây bủa lấy nàng như dự báo bao cơn tai biến dữ dằn sắp ập xuống đầu.
Ghi nhớ: Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn tả cảnh ngụ tình thành công nhất trong Truyện Kiều. Đoạn thơ cho thấy tấm lòng thủy chung nhân hậu của Thúy Kiều |