Soạn bài: Bài 33 - Kiểm tra tổng hợp cuối năm

I. PHẦN VĂN

Các nội dung cụ thể và vẻ đẹp của những tác phẩm trữ tình đã học ở lớp 8 học kì II, nội dung trữ tình (vẻ đẹp tâm hồn của những nhà thơ cộng sản như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tố Hữu... tầm tư tình cảm của một số nhà thơ mới lãng mạn...); cách thức trữ tình (cái tôi trữ tình); vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ ca, vai trò và tác dụng của biện pháp tu từ trong các tác phẩm trữ tình... đặc biệt là sự cách tân cả về nội dung và nghệ thuật của một số bài thơ mới.

Qua các bài thơ này, liên hệ so sánh với những bài thơ truyền thống để bước đầu nắm được một số đặc điểm của thơ mới và cách phân tích, cảm thụ thơ mới.

Nội dung và đặc điểm của một số văn bản lập luận (nghị luận). Cụ thể là thấy được tư tưởng yêu nước, tinh thần chống ngoại xâm và lòng tự hào dân tộc của ông cha ta qua những áng văn chính luận nổi tiếng từ những văn bản thời trung đại như Chiếu dời đô của Lí Công Uẩn, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi đến văn bản thời hiện đại như Thuế máu của Nguyễn Ái Quốc. Những nội dung lại được thể hiện hình thức lập luận rất chặt chẽ, rất sắc sảo, giọng văn đanh thép, hùng hồn. Với các thể văn cổ như hịch, cáo, chiếu... cần nắm được đặc điểm về hình thức như bố cục, câu văn biền ngẫu... đã giúp cho việc lập luận chặt chẽ và sáng tỏ ra sao.

II. PHẦN TIẾNG VIỆT

a) Hiểu và nhận diện:

Các kiểu câu nghi vấn, cầu khiến, cảm thán, trần thuật, phủ định;

Các hành động hỏi, trình bày, điều khiển, hứa hẹn, bộc lộ cảm xúc và cách thể hiện chúng bằng các kiểu câu;

Vai xã hội và lượt lời trong hội thoại, ý nghĩa của việc ứng xử đúng vai, điều chỉnh thái độ khinh trọng trong giao tiếp;

Mục đích của việc lựa chọn trật tự từ trong câu.

b) Biết vận dụng các kiến thức đã học khi viết và khi đọc - hiểu các văn bản chung ở học phần Văn cũng như trong giao tiếp hằng ngày.

III. VỀ PHẦN TẬP LÀM VĂN

Về phần Tập làm văn ở chương trình Ngữ văn lớp 8, học kì II cần chú ý các nội dung sau:

a) Nắm được cách làm bài văn thuyết minh một phương pháp (cách làm), một danh lam thắng cảnh (di tích lịch sử).

b) Nhận diện được các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm và tác dụng của chúng trong văn bản nghị luận. Biết cách làm một bài văn nghị luận kết hợp các yếu ố tự sự, miêu tả và biểu cảm.

c) Biết cách làm văn bản thông báo và tường trình, nhận ra các lỗi và biết cách sửa lỗi thường gặp ở loại văn bản này.

Viết bình luận