Soạn bài: Bài 10 - Thầy bói xem voi

I. ĐỌC - HIỂU BÀI VĂN

1. Cách mỗi thầy bói xem voi và phán về voi:

- Mỗi thầy bói mù chỉ sờ được một bộ phận của con voi: thầy sờ cái vòi; thầy sờ cái ngà; thầy sờ cái tai; thầy sờ cái chân; thầy sờ cái đuôi.

- Mỗi thầy phán về voi mỗi khác:

Thầy sờ vòi bảo voi sun sun như con đỉa.

Thầy sờ ngà bảo voi chằn chẵn như cái đòn càn.

Thầy sờ tai bảo voi to bè như cái quạt thóc.

Thầy sờ chân voi bảo voi sừng sững như cột đình.

Thầy sờ đuôi bảo voi như cái chổi sể.

- Thái độ của mỗi thầy khi phán về voi: thầy nọ cãi thầy kia, thầy nào cũng khẳng định chỉ có mình nói là đúng.

2. Sai lầm của các thầy bói là: vì mù không nhìn rõ hình thù một con voi, chỉ được tìm hiểu con voi bằng đôi tay, nhưng tay mỗi thầy cũng chỉ được sờ một bộ phận của voi, tuy thế mỗi thầy vẫn phán về toàn bộ con voi nên cách miêu tả voi của mỗi thầy đều thiếu sót.

3. Truyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi cho ta bài học: Muốn hiểu biết đầy đủ sự vật, sự việc phải xem xét một cách toàn diện sự vật, sự việc ấy

II. LUYỆN TẬP

Kể một số ví dụ của em hoặc của các bạn về những trường hợp mà em hoặc các bạn đã nhận định, đánh giá sự vật hay con người một cách sai lầm theo kiểu "Thầy bói xem voi" và hậu quả của những đánh giá sai lầm ấy.

- Một ví dụ:

Ở lớp em có bạn Tầm, đang là một học sinh học khá, bỗng nhiên trở nên một người bê trễ, yếu kém. Nhiều người lớp em cho rằng Tầm đã bị sa sút về đạo đức và có ý xa lánh, không muốn chơi bời, trò chuyện với bạn ấy và trong mỗi cuộc họp lớp, nhiều người lại nêu Tầm ra để phê bình làm Tầm càng muốn bỏ học.

Về sau, mấy bạn lớp trưởng, lớp phó và tổ trưởng cùng đi tìm hiểu xem nguyên nhân nào đã khiến cho Tầm thay đổi như vậy. Họ đã vỡ lẽ ra là Tầm muốn bỏ học không phải vì bản thân Tầm chán nản, hư hỏng mà vì gia đình Tầm đang có chuyên lục đục không hay: cha Tầm đã ngấm ngầm lấy vợ nhỏ và đang có ý muốn li dị mẹ Tầm để công khai ở với người vợ nhỏ. Lúc này cả lớp tôi mới thực sự hiểu nỗi buồn khổ của Tầm và hết sức thông cảm với Tầm. Ai ai cũng muốn gần gũi an ủi, giúp đỡ Tầm để bạn ấy có thể bình tâm học tập.

Phải chăng cách suy nghĩ và đánh giá lúc đầu của chúng tôi về Tầm cũng là theo kiểu "Thầy bói xem voi"?

- Một ví dụ khác:

Có một lần, thi học kì xong, Ban về khoe với mẹ: "- Mẹ ơi! Con làm bài toán tốt lắm mẹ ạ. Đây mẹ xem lại đầu bài và cách giải của con xem có tuyệt vời không?"

Mẹ Ban tủm tỉm cười trước sự hồ hởi của Ban và cầm lấy tờ giấy để kiểm tra lại những điều Ban vừa nói. Chợt mẹ Ban kêu lên: "Ban! Con lại đây! Sao con lại giải thế này? Bài toán còn một số liệu nữa sao con lại bỏ qua không tính tới. Thế là đáp số sai rồi!".

Ban ngẩn người ra rồi thú nhận: "Trời ơi, sao con lại ngốc thế nhỉ. Đúng là con đã bỏ sót số liệu này trong bài toán!"

Mẹ Ban bảo: "- Con là cứ hay vội vàng, hấp tấp như vậy đấy. Làm toán là phải đọc thật kỹ toàn bộ đề bài, phải chú ý tới mọi số liệu mà người ta đã cho trong đề, chỉ có như thế mới tìm ra cách giải đáp bài toán. Con bỏ sót số liệu trong đề cũng chẳng khác gì thầy bói xem voi!".

Hậu quả của sai sót này thì khỏi nói các bạn cũng biết rồi: điểm thi toán của Ban lần ấy chỉ đạt mức trung bình và học kì ấy Ban không đạt danh hiệu học sinh tiên tiến!

Chú ý:

  • Từ câu chuyện về cách xem và phán về voi của năm ông thầy bói, truyện khuyên người ta: muốn hiểu biết sự vật, sự việc phải xem xét toàn diện.
  • Thành ngữ: "Thầy bói xem voi".

Viết bình luận