Soạn bài: Bài 3 - Sơn Tinh, Thủy Tinh

I. ĐỌC - HIỂU BÀI VĂN

1. Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh gồm mấy đoạn? Mỗi đoạn thể hiện nội dung gì? Truyện được gắn với thời đại nào trong lịch sử Việt Nam?

Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh gồm ba đoạn:

- Đoạn một: từ đầu truyện cho đến "một người chồng thật xứng đáng".

Đoạn một có nội dung như sau: Vua Hùng thứ mười tám muốn kén rể cho con gái là Mị Nương.

- Đoạn hai: Từ chỗ "Một hôm có hai chàng trai đến cầu hôn" đến chỗ "...Thần nước đành rút quân".

Đoạn hai kể lại việc hai thần đến cầu hôn, Sơn Tinh được vợ. Thủy Tinh nổi giận đem quân đánh Sơn Tinh dẫn đến cuộc giao chiến quyết liệt và cuối cùng Thủy Tinh thua cuộc.

- Đoạn ba là phần còn lại của truyện.

Đoạn ba nói về cuộc giao chiến hàng năm giữa hai thần.

- Truyện được gắn với thời đại các vua Hùng trong lịch sử Việt Nam.

2. Trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh nhân vật chính là ai? Mỗi nhân vật có tính chất tưởng tượng, kì ảo như thế nào? Ý nghĩa tượng trưng của các nhân vật đó?

- Hai nhân vật chính trong truyện là Sơn Tinh và Thủy Tinh.

- Mỗi nhân vật được miêu tả bằng những chi tiết nghệ thuật tưởng tượng, kì ảo: Sơn Tinh có tài lạ: vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc núi đồi. Khi chống trả Thủy Tinh thì Sơn Tinh bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi dựng thành lũy ngăn nước lũ. Nước lên cao, Sơn Tinh cũng hóa phép nâng cao núi đồi.

Thủy Tinh cũng có nhiều phép nhiệm mầu: gọi gió, gió đến, hô mưa, mưa về. Khi đánh Sơn Tinh thì làm thành giông bão rung chuyển cả đất trời, dâng nước sông lên cuồn cuộn làm ngập lụt cả ruộng đồng, nhà cửa...

- Ý nghĩa tượng trưng của mỗi nhân vật:

+ Thủy Tinh là nhân vật tượng trưng cho hiện tượng lũ lụt vẫn xảy ra hàng năm ở nước ta. Những con sông lớn như sông Hồng, sông Đà, sông Thái Bình... cứ vào mùa mưa nhiều lại dâng lũ lớn đe dọa con người.

+ Sơn Tinh là nhân vật tượng trưng cho tinh thần quyết chống lũ lụt, bảo vệ nhà cửa, ruộng vườn của nhân dân ta.

3. Ý nghĩa của truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh

Truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh có ý nghĩa giải thích hiện tượng bão lụt thường xảy ra hàng năm ở nước ta và quyết tâm cũng như ước vọng chiến thắng thiên tai của người Việt ta từ thời xa xưa.

Tóm tắt:

Sơn Tinh, Thủy Tinh là câu chuyện tưởng tượng, kì ảo, giải thích hiện tượng lũ lụt và thể hiện sức mạnh, ước mong của người Việt cổ muốn chế ngự thiên tai, đồng thời suy tôn, ca ngợi công lao dựng nước của các vua Hùng.

II. LUYỆN TẬP

1. Em hãy kể lại truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh.

2. Từ truyện này em nghĩ đến việc nhà nước và nhân dân ta hiện nay đang tích cực xây dựng và củng cố đê điều, nghiêm cấm phá rừng đồng thời trồng thêm 5 triệu héc-ta rừng. Đó cũng chính là những biện pháp hết sức quan trọng để ngăn chặn lũ lụt. Đê điều thì trực tiếp ngăn dòng lũ dữ không cho tràn vào đồng ruộng, làng mạc, thành phố; còn trồng rừng là để lưu giữ và làm chậm lại lượng nước mưa từ trên những vùng núi đồi cao đổ xuống trung du và đồng bằng, nhờ đó mà giảm bớt sức mạnh của những dòng lũ dữ.

3. Một số truyện kể dân gian liên quan đến các thời đại vua Hùng: Con Rồng, cháu Tiên; Bánh chưng, bánh giầy; Nàng út làm bánh lót; Thánh Gióng; Sơn Tinh, Thủy Tinh...

Viết bình luận