Soạn bài: Vội vàng

I. XUẤT XỨ

Bài Vội vàng trích trong tập Thơ thơ của Xuân Diệu xuất bản năm 1938.

II. CHỦ ĐỂ

Bài thơ bộc lộ một khát vọng mãnh liệt về cuộc sống, một niềm thiết tha yêu đời, yêu cuộc sống, muốn tận hưởng hạnh phúc tràn đầy của tuổi trẻ, tình yêu và sự sống.

III. PHÂN TÍCH

Mở đầu bài thơ là một ý muốn táo bạo, ngông cuồng:

Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất;

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi.

Bốn câu trên như một lời đề từ của bài thơ đã bộc lộ một khao khát lớn của Xuân Diệu. Nhà thơ “muốn tắt nắng đi”, “muốn buộc gió lại” nói một cách khác là muôn níu giữ thời gian. Ý muốn này lạ lùng và cháy bỏng xiết bao! Phải chăng chỉ vì hồn thơ quá tha thiết với cuộc sống trần thế đầy hương màu, đang lo lắng trước sự “sao dời vật đổi” của đất trời của cảnh vật... nên có ý muốn ôm giữ tất cả để được còn nguyên vẹn mãi cái vẻ đẹp vốn có của nó. Nhà thơ sợ mất nó, cũng chẳng khác gì một người có báu vật luôn luôn lo sợ là báu vật kia sẽ tuột khỏi tay mình.

Đoạn đầu của bài thơ, tiếp đó, là một chuỗi tiếng reo vui, gợi đủ các thứ hương màu của hạnh phúc và tình yêu, đó là:

Của ong bướm này đây tuần tháng mật;

Này đây hoa của đồng nội xanh rì;

Này đây lá của cành tơ phơ phất;

Của yến anh này đây khúc tình si;

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.

Đúng là một khu vườn xuân rộng mở với đủ đầy những cảnh sắc mê li, với những điệp ngữ, “này đây”, “này đây” dồn dập, đặt song song nhau như sắp sẵn, như dọn bày ra những món ăn tinh thần vốn có, với tất cả sắc hương đầy quyến rũ của cuộc đời. Với trái tim sôi sục, với đôi mắt “xanh non” háo hức, Xuân Diệu đã phát hiện ra một không gian tươi thắm; tràn ngập lá nõn, hoa thơm, trái ngọt và cả ánh sáng của tình yêu. Đó chính là một thiên đường có sẵn ngay trong cuộc sống xung quanh chúng ta. Ý thơ mới, lời thơ mới, với những hình ảnh trùng điệp, cho thấy trong mắt thi nhân, mọi thứ đều mới lạ và hấp dẫn đang mời gọi rủ rê:

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi.

Câu thơ thật đẹp, đầy tính sáng tạo. Ánh sáng của buổi sớm mai như phát tiết từ đôi mắt tuyệt vời của cô gái vừa tỉnh giấc nồng, chớp chớp hàng mi, mở bừng ra muôn ánh hào quang rạng rỡ. Hình ảnh này được nhà thơ tả lại trong một bài thơ khác: “Rặng mi dài xao động ánh dương vui” cũng đẹp không kém.

Đặc biệt hơn, sau đó là một so sánh tuyệt vời rất mực Xuân Diệu:

Tháng giêng ngon như một cặp môi gần.

Hình ảnh so sánh vừa táo bạo vừa thiên về cảm giác. Nếu liên kết hình ảnh này với hình ảnh "tuần tháng mật” ở bên trên, người đọc sẽ thấy ngay lối so sánh này đã thể hiện niềm khát khao giao cảm với cuộc đời, với con người, niềm khát khao về tình yêu của thi nhân. Đến đây, người đọc tưởng như có thế hình dung được bóng dáng thi nhân đang “say sưa”, “chếnh choáng” trước vẻ đẹp “no nê”, “đủ đầy” của mùa xuân trăm màu trăm sắc.

Nhưng sự sung sướng ấy không trọn vẹn, đúng như lời thi nhân đã tâm sự: Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa”. Dấu chấm khéo đặt giữa câu thơ này khiến ta hình dung bước chân của chàng trai trẻ Xuân Diệu như bất chợt khựng lại giữa khu vườn xuân sắc, khi nhận ra giới hạn ngắn ngủi của cuộc đời:

Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

Ba câu thơ trên làm thành một cảm nhận về thời gian của nhà thơ. Thật đúng như nhận xét của Vũ Quần Phương trong Thơ chọn và lời bình: “Trong các nhà thơ hiện đại, Xuân Diệu là người có năng lực cảm nhận tinh tế bước đi của thời gian. Có lẽ cũng do lòng yêu tuổi trẻ, muốn ngăn sự già nua tàn tạ nên nhà thơ luôn luôn cảnh giác với thời gian và kịp thời báo động với chính mình”.

Thật vậy, thi nhân hiểu rằng mùa xuân rồi sẽ héo úa, tuổi xuân rồi sẽ phôi pha. Bởi vậy, giữa cái non tơ mơn mởn, ông đã thấy được sự hấp hối, lụi tàn. Trong ba câu thơ trên, điệp ngữ “nghĩa là” không chỉ bộc lộ ý nghĩa giải thích mà còn thể hiện nỗi lo lắng hốt hoảng. Nhà thơ tuy đang bận hưởng hạnh phúc, niềm vui của mùa xuân, của tuổi trẻ, nhưng lại cuông cuồng lên khi nghĩ ngày mai tất cả sẽ vĩnh viễn ra đi. Chưa chi mà nỗi nuối tiếc của ông đã lan tỏa, thấm sâu vào cả tâm hồn, vào cả đất trời, cây cỏ, lá hoa:

Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời;

Mùi tháng năm đều rớm vị chia phôi,

Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt...

Con gió xinh thì thào trong gió biếc,

Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?

Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi,

Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?

Mọi thứ rồi sẽ đến lúc “chia phôi”, “tiễn biệt”, “bay đi”, “tàn phai”, héo úa khiến cho cả năm tháng, trời đất, núi sông, chim chóc, cỏ hoa nuối tiếc. Tiếc xuân, tiếc một thời tươi, cũng là tiếc sự sống, tiếc cuộc sống của mình. Đây cũng là một biểu hiện của lòng ham sống, lòng yêu đời. Từng câu thơ xinh xắn, giàu hình ảnh gợi cảm, diễn tả thật sâu sắc, thiết tha và mãnh liệt tình cảm vừa nói đủ để cho thấy bước đi của thời gian không ai níu lại được, bước đi ấy tuy âm thầm mà dữ dội biết bao.

Cũng chính vì cái giới hạn không sao cưỡng lại được đó của thời gian mà thi nhân đã phải sống vội vàng:

Mau đi thôi! Mùa chưa ngả chiều hôm.

Ta còn gặp trong các bài thơ khác của Xuân Diệu nhiều câu, nhiều đoạn cùng một ý này, những câu thơ tưởng như lúc nào cũng vội vàng cũng “giục giã” cũng gấp gáp, nồng nàn và hối hả.

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ,

Em, ơi em, tình non đã già rồi.       

                         (Giục giã)

Thi nhân phải vội vàng như thế là để tận hưởng tất cả những vẻ đẹp của thiên nhiên, trời đất, cây cỏ, lá hoa và của cả con người. Lòng ham sống ấy đã dâng trào thành khát vọng:

Ta muốn ôm

Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;

Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,

Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,

Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều

Và non nước, và cây, và cỏ rạng,

Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng,

Cho no nê thanh sắc của thời tươi;

- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!

Đây là những câu thơ đẹp thể hiện nỗi sung sướng và choáng ngợp của thi nhân trước mùa xuân mơn mởn, trước “no nê” “thanh sắc của thời tươi”. Nhà thơ ở đây như muốn ôm, muốn riết, muốn ghì, muốn thâu cả đất trời, cỏ cây, hoa lá vào vòng tay nhỏ bé của mình. Hơn thế nữa, ông còn “muốn cắn” vào sự sống mơn mởn xanh tươi của xuân hồng đầy sức sống.

Đúng là Xuân Diệu không chỉ “sống” hay “ham sống” mà ông say mê nhiệt cuồng gấp gáp để sống. Tuy nhiên, phải thấy rằng thi nhân cũng đã biết giới hạn, không để niềm say mê nhiệt cuồng ấy rơi vào rồ dại và thác loạn. Đây là cái đáng quý ở thơ ông.

Năm 1941, Hoài Thanh và Hoài Chân trong Thi nhân Việt Nam đã nhận xét xác đáng về Xuân Diệu:

“Thơ Xuân Diệu còn là một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này, Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn người đều nồng nàn tha thiết”.

GỢI Ý THÊM

1. Bài thơ có thể chia ra làm 3 đoạn:

- Đoạn 1: 13 câu thơ đầu: Tình yêu tha thiết đối với cuộc sống trần thế.

- Đoạn 2: Từ câu 14 đến câu 29: Nỗi băn khoăn trước sự ngắn ngủi của kiếp người trước sự chóng vánh của thời gian.

- Đoạn 3: Phần còn lại: Lời giục giã cuông quýt, vội vàng tận hưởng tuổi xuân của mình giữa mùa xuân trần thế.

2. Cảnh vật miêu tả trong đoạn thơ (từ câu 5 đến câu 11) hiện ra đầy sức hấp dẫn, đầy sức quyến rũ của một khu vườn xuân rộng mở gợi đủ hương màu của hạnh phúc và tình yêu: trong cặp mắt xanh non của Xuân Diệu cả trời xanh, hoa lá, bướm ong... tất cả đều trinh nguyên, mới mẻ, tươi tắn và mê say. Có một thiên đường hiển hiện ngay trên mặt đất này chẳng cần phải nhọc công kiếm tìm ở một chốn mông lung, huyền ảo nào. Những điệp ngữ này đây, này đây dồn dập thể hiện sự giàu có bất tận của thiên nhiên. Cả một thiên đường tuyệt diệu ở cuộc đời thực, cuộc đời trần thế này đây được cảm nhận vồ vập bởi trái tim đa cảm của nhà thơ. Lời thơ là một chuỗi tiếng reo vui.

3. Cảnh vật được miêu tả trong đoạn thơ từ câu 24 đến câu 29), lại khác hẳn. Tất cả đều rớm vị chia phôi, than tiễn biệt, hờn xa cách, sợ tàn phai... Thiên nhiên, cảnh vật như cũng có cùng tâm trạng luyến tiếc hoảng sợ trước “bi kịch thời gian” với nhà thơ, cũng bị triệt tiêu cái chất vui vô tư tự nhiên ở đoạn thơ trước. Có gì như vừa lo lắng băn khoăn, vừa luống cuống tiếc rẻ, bâng khuâng sau khi nhà thơ đã cảm nhận được cái hữu hạn của một đời người đối mặt với cái vô hạn của thời gian thiên nhiên, trời đất...

4. Đoạn thơ còn lại (từ câu 31 đến hết bài) cho thấy tình yêu cuồng nhiệt tột cùng của nhà thơ đối với cuộc sống. Ông gắn bó với con người, với cuộc đời một cách máu thịt, mê say; gắn bó với cả tâm hồn bằng mọi giác quan và những hành động cụ thể đầy tính nhân văn.

5. Bài thơ có nhiều hình ảnh mới mẻ, độc đáo, đậm chất Xuân Diệu, nhiều hình ảnh khỏe khoắn nồng nàn, nhiều ngôn từ đậm màu sắc cảm giác, xúc giác rạo rực: ôm cả sự sống, riết mây đưa và gió lượn, say cánh bướm với tình yêu; thâu trong một cái hôn nhiều, chếnh choáng mùi thơm, đã đầy ánh sáng, no nê thanh sắc; ta muốn cắn vào ngươi. Lốì điệp từ, điệp cú pháp được sử dụng ở đây cũng rất thành công. Cộng vào đó là hình thức đảo ngữ tác động thẳng vào tri giác người đọc. Nhịp điệu của các câu thơ cũng có sự biến đổi phong phú thể hiện được khi thì cảm giác choáng ngợp hạnh phúc, khi thì cảm giác lo lắng, băn khoăn, khi thì cảm giác luống cuống tiếc rẻ hay nôn nóng phấn chấn. Những biện pháp nghệ thuật ấy nhằm thể hiện trọn vẹn một niềm ham sống đến cuồng nhiệt mê say của nhà thơ.

6. Mở đầu bài thơ tác giả dùng đại từ “tôi”, đến phần kết thúc, tác giả dùng đại từ “ta” thể hiện một sự hòa nhập và đồng điệu, sống mãnh liệt, sống hết mình, sống nồng nàn mê say trong dòng chảy bất tận của thời gian.

Viết bình luận