Soạn bài: Tôi yêu em

GỢI Ý HỌC BÀI

Hoàn cảnh ra đời của bài thơ:

Tôi yêu em là bài thơ nổi tiếng của Pu-skin về tình yêu.

Thơ tình yêu của ông thường bắt nguồn từ những cảm xúc chân thực cụ thể, Với những trải nghiệm tình cảm sâu sắc của chính mình nên đã thể hiện được những vẻ đẹp đa dạng, tinh tế của thế giới tâm hồn con người.

Bài thơ này cũng vậy. Thời kì Pu-skin sống ở Pê-téc-bua ông thường lui tới nhà vị Chủ tịch Viện Hàn lâm nghệ thuật Nga để gặp gỡ đàm đạo cùng những người làm nghệ thuật và cũng vì phải lòng một thiếu nữ xinh đẹp con gái của vị chủ nhà. Mùa hè năm 1828, Pu-skin ngỏ lời cầu hôn cô gái nhưng không được cô nhận lời. Năm 1829, một năm sau đó bài thơ Tôi yêu em ra đời trên cơ sở mối tình có thực vừa nói.

1. Bài thơ gồm 2 phần. Cả hai phần đều bắt đầu bằng một cụm từ “tôi yêu em”. Đây là một điệp khúc khẳng định, là giọng điệu chủ đạo của bài thơ. Ở bốn câu đầu nhân vật trữ tình tuy khẳng định tình yêu vẫn còn nhưng xin từ giã một mối tình không thành vì không muốn gây phiền muộn cho người mình yêu. Bốn câu cuối của phần 2 lấy lại tình cảm đã được giãi bày ở phần 1 và nâng lên một cung bực cao hơn và lại khẳng định một tình yêu đằm thắm, chân thành.

Hãy đọc lại:

1. Tôi yêu em: đến nay chừng có thề

2. Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai;

Và         

5. Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng.

6. Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen

để thấy ý tưởng hai câu 5, 6 cụ thể hóa làm rõ hơn, tô đậm hơn lời khẳng định của nhân vật trữ tình ở hai câu 1 và 2. Ở hai câu 4 và 8 cũng vậy:

4. Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

8. Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Nếu ở câu 4 mới là ý định xin rút lui, giã từ không muốn làm phiền thêm nữa từ phía chàng trai thì ở câu 8 ý định đó có vẻ dứt khoát hơn trong việc từ giã một mối tình không thành, nói rõ hơn là chấm dứt quan hệ.

Bài thơ Tôi yêu em đúng là lời từ giã cho một mối tình không thành. Lời từ giã của Pu-skin trong sáng, cao thượng và rất mực tôn trọng người tình.

2. Bài thơ được mở đầu bằng một điệp khúc khẳng định: “Tôi yêu em”. Đây cũng là lời thốt lên từ một trái tim trung thực thể hiện một tình yêu đúng nghĩa. Chỉ mấy tiếng “tôi yêu em” giản dị thôi nhưng mầu nhiệm vô cùng.

Tôi yêu em: đến nay chừng có thể

Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai.

Kiểu xưng hô tôiem ở đây thể hiện một mối quan hệ vừa gần vừa xa, vừa đằm thắm, vừa dang dở của nhân vật trữ tình và cô gái.

Lời thơ chậm rãi, ý tình thâm trầm kín đáo. Tuy khẳng định mà vẫn dè dặt cân nhắc: có thể, chưa hẳn (nghĩa nguyên tác. Tình yêu có lẽ chưa hoàn toàn lụi tắt trong tôi).chưa hẳn đã tàn phai hay có lẽ hoàn toàn lụi tắt trong tôi thì cũng đều cho thấy tình yêu này, sự say mê này lặng thầm mà dai dẳng, là biểu hiện của những cảm xúc vững bền, phát xuất từ một tấm lòng, một trái tim chung thủy.

Song hai câu 3 và 4, mạch thơ bỗng chuyển đột ngột:

Nhưng không để em bận lòng thêm nữa,

Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.

Nếu hai câu đầu là một cái tôi tự soi vào tâm hồn mình để thấy nơi đó tình yêu chưa hoàn toàn lịm tắt, thì hai câu thơ sau lại là cái tôi khác nghĩ về người và làm một quyết định dứt khoát đầy tính lí trí: “hãy để tình yêu không làm phiền em thêm nữa”. Nhân vật trữ tình lại bắt buộc mình phải chối bỏ tình yêu của mình, phải dập tắt ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai.

Bốn câu thơ đầu của bài thơ đúng là những mâu thuẫn giằng xé. Mâu thuẫn giữa lí trí và tình cảm trong tâm hồn nhân vật trữ tình đến đây đã bộc lộ rõ. Nhà thơ đã thể hiện khát vọng tình yêu mãnh liệt của nhân vật trữ tình bằng những mâu thuẫn giằng xé đó.

Hai câu 5-6 gắn với điệp khúc thứ 2:

Tôi yêu em âm thầm, không hi vọng

Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen.

Nhịp thơ đến đây nhanh hơn với các từ lúc, khi thể hiện những trạng thái khác nhau của tình yêu.

Tác giả phải mở những lớp tình cảm ẩn sâu dưới đáy tâm hồn với cách dùng từ tài tình cho thấy nỗi khổ đau âm thầm, niềm tuyệt vọng, sự rụt rè lẫn trong hậm hực và cả lòng ghen tuông giằng xé, giày vò. Ghen tuông cũng là một biểu hiện của tình yêu nhưng là một tình yêu ích kỉ, nhỏ nhen. Lòng ghen tuông dễ đưa người ta đến chỗ thấp hèn. Câu thơ nhấn mạnh “hậm hực lòng ghen” gợi lên một tâm trạng u tối nặng nề. Đến đây tưởng như nhân vật trữ tình bị rơi vào vực sâu của nỗi buồn đau giày vò hành hạ.

Câu 3

Hai câu kết gắn với điệp khúc thứ ba

Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm

Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.

Hai câu thơ tuy vẫn nối tiếp tự nhiên với mạch thơ sẵn có nhưng vẫn mang đến một ấn tượng bất ngờ hàm chứa nhiều ý vị.

Điệp khúc Tôi yêu em được láy lại lần thứ ba với lời khẳng định bản chất của mốì tình này là chân thành đằm thắm. Câu thơ thứ 7 như khái quát được tình cảm đã thể hiện trong sáu câu thơ trước. Chính vì chân thành đằm thắm mà nhân vật trữ tình sẵn sàng giữ lại cho mình bao khổ đau dằn vặt và dành hết cho người mình yêu mọi điều tốt đẹp nhất, gửi trong lời chúc thiêng liêng ở cuối bài thơ. Tình yêu ở đây rất nồng nhiệt mà vị tha. Câu thơ cuối đúng là sự thăng hoa của tình yêu chân thành đằm thắm. Đây cũng là sự vụt sáng lên của một tư thế cao đẹp, một giá trị nhân văn của nhân vật trữ tình thật đáng yêu ấy. Tôi cầu mong em có được một người yêu em cũng chân thành đằm thắm chẳng khác gì tôi.

Câu 4

Bài thơ Tôi yêu em của Pu-skin là một trong những bài thơ trữ tình hay nhất của ông. Nhà nghiên cứu văn học Gô-rô-đét-xki đánh giá bài thơ hay đến mức nó đủ để thừa nhận tác giả của nó là nhà thơ vĩ đại.

Tôi yêu em thấm đượm nỗi buồn của một mối tình đơn phương vô vọng.

Lời thơ giản dị, trong sáng, tinh tế cả về ngôn từ lẫn nội dung ý tưởng.

Qua đây người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của tác giả trong một tình yêu chân thành say đắm và vị tha.

Có thể đọc thêm hai bài thơ tình khác của Pu-skin.

Viết bình luận