Soạn bài: Tuần 18 - Ôn tập phần Văn học

1. Quá trình phát triển của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến hết thế kỉ XX.

Văn học Việt Nam từ năm 1945 đến hết thế kỉ XX phát triển qua hai giai đoạn: giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1975 và giai đoạn từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX.

a) Giai đoạn từ năm 1945 đến năm 1975

- Chặng đường từ năm 1945 đến năm 1954:

Trong những ngày đất nước mới giành được độc lập, văn học thể hiện niềm vui sướng, tự hào của các tầng lớp nhân dân khi được làm chủ đất nước, trở thành công dân của một đất nước độc lập, tự do.

Từ cuối năm 1946, văn học tập trung phản ánh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Văn học gắn bó sâu sắc với đòi sống cách mạng và kháng chiến, hướng tới đại chúng, phản ánh sức mạnh của quần chúng nhân dân, thể hiện niềm tự hào dân tộc và niềm tin vào tương lai tất thắng của cuộc kháng chiến.   

+ Truyện ngắn và kí là những thể loại mở đầu cho văn xuôi kháng chiến chống thực dán Pháp. Những tác phẩm tiêu biểu là Một lần tới Thủ đô, Trận phố Ràng của Trần Đăng; Đôi mắt, nhật kí Ở rừng của Nam Cao; Làng của Kim Lân; Thư nhà của Hồ Phương;... Từ năm 1950 bắt đầu xuất hiện những tập truyện kí khá dày dặn. Đáng chú ý là các tác phẩm được giải thưởng truyện kí năm 1951 -1952 của Hội văn nghệ Việt Nam: Vùng mỏ của Võ Huy Tâm, Xung kích của Nguyễn Đình Thi, Con trâu của Nguyễn Văn Bổng, Kí sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng và những tác phẩm đoạt giải Nhất trong giải thưởng truyện - kí năm 1954 - 1955 của Hội Văn nghệ Việt Nam: Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc, Truyện Tây Bắc của Tô Hoài.

+ Thơ trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp đạt được nhiều thành tựu xuất sắc. Tình yêu quê hương, đất nước và lòng căm thù giặc, ca ngợi cuộc kháng chiến và con người kháng chiến là những cảm hứng chủ đạo. Nhiều nhà thơ có ý thức đổi mới thơ ca với những xu hướng khác nhau. Xu hướng đại chúng hoá, hướng về dân tộc, khai thác những thể thơ truyền thống do Tố Hữu mở đầu là khuynh hướng chủ đạo của cả nền thơ. Bên cạnh đó, Nguyễn Đình Thi lại tiêu biểu cho hướng tìm tòi, cách tân với kiểu thơ hướng nội, tự do, không vần hoặc ít vần. Còn Quang Dũng lại tiêu biểu cho hướng khai thác cảm hứng lãng mạn anh hùng. Tiêu biểu cho thơ ca chặng đường này là Cảnh khuya, Rằm tháng giêng, Tin thắng trận, Lên núi của Hồ Chí Minh, Đèo cả của Hữu Loan, Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm, Tây Tiến của Quang Dũng, Nhớ của Hồng Nguyên, Việt Bắc của Tố Hữu, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Bao giờ trở lại của Hoàng Trung Thông, Đồng chí của Chính Hữu, Dọn về làng của Nông Quốc Chấn,... .

+ Một số vở kịch ngắn xuất hiện, phản ánh hiện thực cách mạng và kháng chiến. Những tác phẩm tiêu biểu là: Bắc Sơn, Những người ở lại của Nguyễn Huy Tưởng, Chị Hoà của Học Phi.

+ Lí luận, nghiên cứu, phê bình văn học có một số sự kiện và tác phẩm có ý nghĩa quan trọng. Đáng chú ý là bản báo cáo Chủ nghĩa Mác và vấn đề văn hoá Việt Nam của Trường Chinh; cuộc tranh luận về nghệ thuật ở Việt Bắc; bài tiểu luận Nhận đường và tập Mấy vấn đề nghệ thuật của Nguyễn Đình Thi, tập phê bình, tiểu luận Nói chuyện thơ ca kháng chiếnQuyền sống con người trong "Truyện Kiều" của Hoài Thanh, Giảng văn "Chinh phụ ngâm" của Đặng Thai Mai,...

- Chặng đường từ năm 1955 đến năm 1964:

Văn học thể hiện hình ảnh người lao động, ngợi ca những đổi thay của đất nước và con người trong bước đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng một cảm hứng lãng mạn, tràn đầy niềm vui và niềm lạc quan tin tưởng; thể hiện tình cảm sâu nặng với miền Nam ruột thịt, nói lên nỗi đau chia cắt và thể hiện ý chí thống nhất đất nước.

+ Văn xuôi mở rộng đề tài, bao quát được khá nhiều vấn đề, nhiều phạm vi của hiện thực đời sống: sự đổi đời của con người trong xã hội mới (Đi bước nữa của Nguyễn Thế Phương, Mùa lạc của Nguyễn Khải, Anh Keng của Nguyễn Kiên,...); tập trung khai thác đề tài kháng chiến chống thực dân Pháp, không chỉ ngợi ca chủ nghĩa anh hùng, tinh thần bất khuất mà còn phản ánh được phần nào những gian khổ, hi sinh, những tổn thất và số phận của con người trong chiến tranh (tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô của Nguyễn Huy Tưởng, Cao điểm cuối cùng của Hữu Mai, Trước giờ nổ súng của Lê Khâm,...); thể hiện hiện thực đời sống trước Cách mạng với cái nhìn, khả năng phân tích và sức khái quát mới (Vợ nhặt của Kim Lân, Tranh tối tranh sáng của Nguyễn Công Hoan, Mười năm của Tô Hoài, Phất của Bùi Huy Phồn, Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi, Cửa biển của Nguyên Hồng,...).

+ Thơ ca kết hợp hài hoà yếu tố hiện thực và yếu tố lãng mạn cách mạng, tập trung thể hiện nỗi đau chia cắt đất nước, nỗi nhớ quê hương và khát vọng giải phóng miền Nam. Thơ ca giai đoạn này đã có những thành tựu xuất sắc, tiêu biểu là các tập thơ Gió lộng của Tố Hữu, Ánh sáng vù phù sa của Chế Lan Viên, Riêng chung của Xuân Diệu, Đất nở hoa, Bài thơ cuộc đời của Huy Cận, Gửi miền Bắc của Tế Hanh, Những cánh buồm của Hoàng Trung Thông,... Từ chiến trường miền Nam nhiều nhà thơ đã viết những bài thơ xúc động như Mồ anh hoa nở của Thanh Hải, Quê hương của Giang Nam,...

+ Kịch ở chặng đường này cũng có một số tác phẩm được dư luận chú ý như Một đảng viên của Học Phi, Ngọn lửa của Nguyễn Vũ, Quẫn của Lộng Chương, Chị NhànNổi gió của Đào Hồng Cẩm,...

- Chặng đường từ năm 1965 đến năm 1975:

Văn học tập trung viết về đề tài chủ đạo là cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Chủ đề bao trùm là ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

+ Những tác phẩm truyện kí viết trong máu lửa của chiến tranh đã phản ánh nhanh nhạy và kịp thời cuộc chiến đấu của quân dân miền Nam anh dũng. Tiêu biểu là các truyện ngắn Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành, Giấc mơ ông lão vườn chim của Anh Đức, Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng; tiểu thuyết Hòn Đất của Anh Đức, Rừng U Minh của Trần Hiếu Minh, Mẫn và tôi của Phan Tứ;... Ở miền Bắc những tập kí chống Mĩ của Nguyễn Tuân; truyện ngắn của Nguyễn Thành Long, Nguyễn Kiên, Vũ Thị Thường, Đỗ Chu; tiểu thuyết Vùng trời của Hữu Mai, Cửa sông, Dấu chân người lính của Nguyễn Minh Châu,... cũng là những thành tựu nổi bật của văn học giai đoạn này.

+ Thơ ca đạt được những thành tựu xuất sắc, đánh dấu một bước tiến mới của thơ Việt Nam hiện đại. Các nhà thơ tập trung thể hiện cuộc ra quân vĩ đại của toàn dân tộc, khám phá sức mạnh của con người Việt Nam, nói tới sứ mệnh lịch sử, tầm vóc và ý nghĩa nhân loại của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Thơ ca giai đoạn này thể hiện rất rõ khuynh hướng mở rộng và đào sâu hiện thực, đồng thời bổ sung, tăng cường chất suy tưởng, chính luận. Nhiều tập thơ có tiếng vang như Máu vá hoa, Ra trận của Tố Hữu, Hoa ngày thường - Chim báo bãoNhững bài thơ đánh giặc của Chế Lan Viên, Hai đợt sóng, Tôi giàu đôi mắt của Xuân Diệu, Dòng sông trong xanh của Nguyễn Đình Thi, Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, Góc sân và khoảng trời của Trần Đăng Khoa,... Thơ ca Việt Nam chặng đường này đặc biệt ghi nhận sự xuất hiện và những đóng góp của thế hộ các nhà thơ trẻ mà những gương mặt tiêu biểu là Phạm Tiến Duật, Nguyễn Khoa Điềm, Lưu Quang Vũ, Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ,...

+ Kịch chống Mĩ cũng có những thành tựu đáng ghi nhận. Quê hương Việt Nam, Thời tiết ngày mai của Xuân Trình, Đại đội trưởng của tôi của Đào Hồng Cẩm, Đôi mắt của Vũ Dũng Minh,... là những vở có tiếng vang lúc bấy giờ.

+ Nhiều công trình nghiên cứu lí luận phê bình xuất hiện. Có giá trị hơn cả là những công trình của Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Chế Lan Viên,...

b) Giai đoạn từ năm 1975 đến hết thế kỉ XX

Đại thắng mùa xuân năm 1975 đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất. Một trang sử mới trong lịch sử dân tộc đã được mở ra. Trong mười năm đầu (từ 1975 đến 1985) văn học vẫn tiếp tục vận động theo quán tính của nó. Tinh hình đó đã tạo nên hiện tượng "lệch pha" giữa người cầm bút và công chúng văn học. Điều đó đòi hỏi văn học phải kịp thời đổi mới.

2. Những đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1975.

- Nền văn học chủ yếu vận động theo hướng cách mạng hoá, gắn bó sâu sắc với vận mệnh chung của đất nước. Nhà văn tự nguyện dùng ngòi bút để phục vụ kháng chiến. Hiện thực đời sống cách mạng đã đem đến nguồn cảm hứng và những phẩm chất mới cho văn học. Quá trình phát triển của văn học song hành với các chặng đường lịch sử của dân tộc. Văn học đặt lợi ích của Tổ quốc, của cộng đồng lên trên hết,... Đặc điểm này đã được thể hiện xuyên suốt quá trình phát triển của văn học dân tộc từ năm 1945 đến năm 1975.

- Nền văn học hướng về đại chúng. Đại chúng vừa là đối tượng thể hiện, vừa là công chúng đồng thòi cũng là nguồn cung cấp lực lượng sáng tác cho văn học.

+ Văn học giai đoạn 1945 - 1975 đem lại một cách nhìn mới về quần chúng lao động, về phẩm chất tinh thần và sức mạnh của họ trong cuộc kháng chiến, phê phán tư tưởng coi thường quần chúng. Trực tiếp ca ngợi quần chúng bằng cách xây dựng hình tượng đám đông đầy khí thế và sức mạnh hoặc xây dựng nhũng nhân vật anh hùng kết tinh những phẩm chất tốt đẹp của giai cấp, dân tộc. Văn học giai đoạn này cũng khẳng định sự đổi đời của nhân dân nhờ cách mạng.

+ Về hình thức nghệ thuật: văn học từ năm 1945 đến năm 1975 phần lớn là những tác phẩm ngắn gọn, dễ hiểu, chủ đề rõ ràng, sử dụng những phương thức biểu đạt quen thuộc, đậm tính dân gian và dân tộc.

- Nền văn học chủ yếu mang khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.

Nhân vật trung tâm của văn học là những con người gắn bó số phận mình với số phận của đất nước và kết tinh những phẩm chất cao quý của cộng đồng. Đó là nhân vật trước hết đại diện cho giai cấp, cho dân tộc và thời đại chứ không đại diện cho cá nhân mình. Người cầm bút nhân danh cộng đồng mà ngưỡng mộ, ngợi ca người anh hùng với những chiến công chói lọi.

Ra đời và phát triển trong không khí hào hùng của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ vô cùng ác liệt và kéo dài, văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 trước hết là một nền văn học của chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng.

Trong bối cảnh cả dân tộc phải đối mặt với những khó khăn và hi sinh chồng chất trong hai cuộc kháng chiến, văn học giai đoạn 1945 - 1975 đã thể hiện tinh thần lạc quan, niềm tin vào tương lai của cả dân tộc; ca ngợi và khẳng định vẻ đẹp của con người và cuộc sống mới.

3. Quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh và mối quan hệ nhất quán giữa quan điểm sáng tác với sự nghiệp văn học của Người.

- Hồ Chí Minh coi văn chương trước hết là vũ khí chiến đấu, xem văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận, các nhà văn là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

- Khi viết, nhà văn phải tự hỏi viết cho ai, viết để làm gì, sau đó mới quyết định viết cái gì và viết thế nào. Xuất phát từ quan điểm ấy, sáng tác của Người chủ yếu tập trung vào đề tài "chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".

- Hồ Chí Minh coi trọng tính chân thật, tính dân tộc của văn học. Đồng thời Người cũng chủ trương viết cho dễ hiểu, cho "thấm thía", có "văn chương" thì quần chúng mới thích đọc. Điều đó lí giải vì sao bên cạnh những vần thơ rất uyên bác, thâm trầm, Hồ Chí Minh còn có những tác phẩm rất giản dị, dễ hiểu như Ca sợi chỉ, Ca dân cày,...

4. Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 nhằm tuyên bố cho đồng bào cả nước và nhân dân thế giới - trong đó bao gồm cả bè lũ thực dân Pháp, Anh và đế quốc Mĩ - những tên tư bản đầu sỏ đang nhăm nhe xâm chiếm nước ta. Người viết nhằm mục đích tuyên bố nền độc lập của dân tộc ta và ngăn chặn âm mưu của Anh, Mĩ, đặc biệt là thực dân Pháp nhân danh "bảo hộ", "khai hoá", "đồng minh" hòng cướp nước ta một lần nữa.

Tuyên ngôn Độc lập đã đưa ra những lí lẽ sắc sảo, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng chính xác và đanh thép. Hệ thống lập luận của Tuyên ngôn Độc lập chặt chẽ và khoa học vừa thể hiện khả năng tư duy sắc sảo, cảm quan chính trị nhạy bén khi vạch mặt và lên án tội ác của kẻ thù vừa hết sức thuyết phục khi tuyên bố nền độc lập, tự do của dân tộc ta. Tác phẩm cũng là một mẫu mực về cách lựa chọn và trình bày dẫn chứng. Những dẫn chứng được trình bày rất khoa học khiến cho người nghe, người đọc dễ theo dõi. Ngôn ngữ dễ hiểu, chặt chẽ và hàm súc, tác động mạnh mẽ đến người nghe, người đọc.

Tuyên ngôn Độc lập còn là một áng văn chan chứa những tình cảm lớn. Đó là tình cảm thiết tha, đau xót khi tác giả nói đến tình cảnh thống khổ của nhân dân ta dưới ách thống trị của thực dân Pháp. Đó là sự căm phẫn khi phơi bày những tội ác trời không dung, đất không tha của chúng. Và đó còn là niềm tự hào khi tuyên bố với thế giới về nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

5. Tố Hữu là nhà thơ trữ tình - chính trị bởi hồn thơ ông luôn hướng tới cái ta chung với lẽ sống lớn, tình cảm lớn, niềm vui lớn của con người cách mạng, của cả dân tộc.

Ngay từ những ngày đầu xuất hiện, cái tôi trữ tình trong thơ Tố Hữu đã là cái tôi chiến sĩ, càng về sau càng xác định rõ là cái tôi nhân danh Đảng, nhân danh cộng đồng dân tộc. Nếu ngay từ tập Từ ấy, Tố Hữu đã khẳng định lí tưởng đẹp nhất của mỗi người lúc đó là dũng cảm dấn thân vào con đường cách mạng giải phóng dân tộc thì từ tập Việt Bắc trở đi, nhà thơ nhấn mạnh mục đích cao cả của đời người là phấn đấu vì cuộc sống tươi đẹp của dân tộc. Thơ Tố Hữu không đi sâu vào cuộc sống và những tình cảm riêng tư mà tập trung thể hiện những tình cảm lớn, mang tính chất tiêu biểu, phổ biến của con người cách mạng. Đó là tình yêu lí tưởng, tình cảm kính yêu lãnh tụ, tình đồng bào đồng chí, tình quân dân, tình cảm quốc tế vô sản,... Niềm vui trong thơ Tố Hữu là những niềm vui lớn, sôi nổi, hân hoan của cuộc sống cách mạng và kháng chiến. Trong thơ Tố Hữu, những vần thơ vui nhất là những vần thơ viết về chiến thắng.

Thơ Tố Hữu mang đậm tính sử thi. Nhà thơ coi những sự kiện chính trị lớn của đất nước là đối tượng thể hiện chủ yếu. Ông ít chú ý đến những diễn biến bình thường của đời sống mà thường tập trung khắc hoạ những bối cảnh rộng lớn, những biến cố quan trọng tác động mạnh mẽ đến vận mệnh dân tộc. Con người trong thơ Tố Hữu là con người của sự nghiệp chung với những cố gắng phi thường, mang phẩm chất tiêu biểu cho dân tộc, thậm chí mang tầm vóc lịch sử và thời đại. Tiêu biểu là các tác phẩm Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Việt Bắc,...

Đáng chú ý là những tư tưởng, tình cảm lớn của con người, những vấn đề lớn lao của đời sống đã được Tố Hữu thể hiện bằng một giọng thơ tâm tình rất tự nhiên, đằm thắm, chân thành. Nghệ thuật biểu hiện trong thơ Tố Hữu mang tính dân tộc đậm đà. Ông đặc biệt thành công với thể thơ lục bát truyền thống.

6. Tính dân tộc trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu được thể hiện trong cả hai phương diện là nội dung và nghệ thuật.

- Đề tài gắn với một sự kiện có ý nghĩa lớn đối với cả dân tộc.

- Nội dung gần gũi với truyền thống đạo lí của dân tộc: sự thuỷ chung, tình nghĩa.

- Thể thơ lục bát truyền thống. Cách xưng hô mình - ta quen thuộc trong ca dao truyền thống.

- Hình ảnh thơ (thiên nhiên và con người) đậm màu sắc dân tộc.

7. Vấn đề đặt ra và hệ thống luận điểm, cách triển khai lí lẽ và dẫn chứng trong các bài viết: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng), Mấy ý nghĩ về thơ (Nguyễn Đình Thi), Đô-xtôi-ép-xki (Xvai-gơ).

a) Bài Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc (Phạm Văn Đồng)

- Vấn đề đặt ra trong tác phẩm: thể hiện ngay ở tiêu đề của bài viết "Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc".

- Những luận điểm chính của bài viết:

+ Con người và cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu.

+ Những giá trị của thơ văn Nguyễn Đình Chiểu.

- Cách triển khai lí lẽ và dẫn chứng : tác giả đưa ra nhận định, sau đó dùng nhũng lí lẽ và dẫn chứng để chứng minh nhận định của mình (diễn dịch).

b) Bài Mấy ý nghĩ về thơ (Nguyễn Đình Thi)

- Vấn đề đặt ra trong tác phẩm: Đặc trưng cơ bản nhất của thơ là biểu hiện tâm hồn con người.

- Những luận điểm chính của bài viết:

+ Đặc trưng cơ bản nhất của thơ là biểu hiện tâm hồn con người.

+ Những yếu tố đặc trưng khác của thơ: hình ảnh, tư tưởng, cảm xúc, cái thực, ngôn ngữ,...

+ Bàn luận về vấn đề thơ tự do, thơ không vần.

- Cách triển khai lí lẽ và dẫn chứng : tác giả đưa ra quan niệm rồi dùng lí lẽ và những dẫn chứng sinh động để làm sáng tỏ quan niệm của mình.

c) Bài Đô-xtôi-ép-xki (Xvai-gơ)

- Vấn đề đặt ra trong tác phẩm: cuộc đời đầy dông bão và "sứ mệnh đã hoàn thành" của thiên tài Đô-xtôi-ép-xki.

- Những luận điểm chính của bài viết:

+ Trái tim Đô-xtôi-ép-xki chỉ đập vì nước Nga còn thân thể ông bị bó buộc trong một thế giới đối với ông là xa lạ.

+ Giây phút huy hoàng ngắn ngủi của Đô-xtôi-ép-xki khi ông trở về Tổ quốc.

+ Sự ra đi của Đô-xtôi-ép-xki.

+ Những di sản tinh thần vô giá mà Đô-xtôi-ép-xki để lại.

- Cách triển khai lí lẽ và dẫn chứng : Để làm nổi bật vị trí, vai trò của Đô-xtôi-ép-xki đối với nền văn học Nga và nền văn học toàn nhân loại, tác giả bài viết đã triển khai lập luận theo hướng phân tích những tác động của môi trường sống đến con người và tính cách nhà văn rồi từ đó gợi lên vai trò tác động ngược trở lại của nhà văn đối với hiện thực và độc giả. Bài viết có sự phối hợp giữa kể, suy tưởng và bình luận với sự lựa chọn, sắp xếp, thể hiện những thời điểm quan trọng trong cuộc đời của Đô-xtôi-ép-xki để dựng lên bức chân dung bất hủ về nhà văn này.

8. Vẻ đẹp của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (so sánh với hình tượng người lính trong Đồng chí của Chính Hũư).

a) Vẻ đẹp của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng

- Hình ảnh người lính được miêu tả với những nét độc đáo, phi thường hiện ra trong khung cảnh khác thường, kì vĩ. Sau những trận đánh, sau những cuộc hành quân, người lính cũng có những phút giây lãng mạn, đắm say trước cái đẹp của thiên nhiên và con người.

- Người lính trong Tây Tiến còn được khắc hoạ ở những nét bi tráng, phảng phất nét truyền thống của người anh hùng trong văn học cổ.

b) So sánh với hình tượng người lính trong Đồng chí của Chính Hữu

Hình tượng người lính được miêu tả bằng những nét vẽ rất thực, gần gũi, mộc mạc và giản dị. Đó là những người lính - nông dân trong buổi đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Có thể nhận thấy rằng, dù tiếp cận ở những khía cạnh khác nhau, song hình tượng người lính trong Tây Tiến của Quang Dũng cũng như trong Đồng chí của Chính Hữu đều được miêu tả trong những hoàn cảnh gian nan, thử thách và được ngợi ca ở vẻ đẹp của ý chí sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

9. Những khám phá riêng của mỗi nhà thơ về đất nước, quê hương qua bài thơ Đất nước (Nguyễn Đình Thi) và đoạn trích Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm).

- Khám phá vẻ đẹp của đất nước ở chiều sâu của các bình diện lịch sử, địa lí, văn hoá, phong tục,... Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện những cảm nghĩ mới mẻ về đất nước. Đóng góp riêng của đoạn trích Đất Nước là ở sự nhấn mạnh tư tưởng "Đất Nước của Nhân dân".

- Trong khi đó, hình ảnh đất nước trong bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi lại được khai thác ở khía cạnh khác. Đó là hình ảnh đất nước từ trong lam lũ, đau thương đứng lên chiến đấu và chiến thắng.

10. Hình tượng sóng trong bài thơ cùng tên của Xuân Quỳnh.

- Sóng là một hình ảnh quen thuộc, thường được dùng để chỉ những cung bậc của tình yêu. Những hình ảnh ước lệ, ẩn dụ cho tình yêu đôi lứa đã được xuất hiện từ trong ca dao như thuyền, sóng, bờ,... Xuân Quỳnh đã tiếp được mạch nguồn của thơ ca dân gian, để gửi gắm những ý tưởng, sáng tạo mới mẻ của mình. Trong bài thơ, sóngem kết hợp thành cặp hình ảnh song hành, quấn quýt. Sóng là đối tượng, là cơ sở để thi sĩ tỏ bày mọi trạng thái bí ẩn và mãnh liệt của tình yêu - thứ tình cảm muôn thủa mà không bao giờ cũ của nhân loại.

Bài thơ dựa vào hình tượng sóng. Vì thế, mạch thơ cũng là các lớp sóng. Trong hai khổ thơ đầu, sóng là đối tượng để chia sẻ, giãi bày, để cảm nhận. Tính cách của sóng, trong sự cảm nhận của nhân vật trữ tình, rất giống với các cung bậc của tình yêu.

Nối tiếp mạch cảm xúc ở hai khổ thơ đầu, từ khổ thơ thứ 3, hình tượng sóng trở thành đối tượng để suy tư, để truy nguyên cái ngọn nguồn của tình yêu và những cung bậc đầy màu sắc của nó.

Trong ba khổ thơ cuối, từ chỗ là đối tượng của sự suy tư, sóng trở thành khát vọng. Sóngem song trùng từ đầu bài thơ, đến đây em hoà tan vào sóng để đẩy con sóng tới chan chứa yêu thương.

- Mượn những cung bậc của sóng, Xuân Quỳnh gửi gắm những cung bậc của tình yêu con người, ở đây là tâm hồn người phụ nữ khi yêu. Trái tim của người phụ nữ trong tình yêu đầy khao khát, nồng nàn rồi lại trở về với sự lắng sâu, tinh tế. Bài thơ gợi đúng những nhịp đập nồng nàn của một trái tim yêu, là tiếng nói âm vang, ấm nóng dội lên từ tâm thức một người phụ nữ luôn khao khát hạnh phúc và tình yêu. Những bài thơ viết về tình yêu của Xuân Quỳnh thể hiện một tình yêu mãnh liệt, một tâm hồn tự nguyên hiến dâng. Tiếng thơ Xuân Quỳnh nói trúng tiếng lòng của người phụ nữ, trở thành bức thông điệp gửi cho muôn người, muôn đời.

11. Những đặc điểm cơ bản về nội dung và nghệ thuật của các bài thơ Dọn về làng (Nông Quốc Chấn), Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên), Đò Lèn (Nguyễn Duy) và Bác ơi! (Tố Hữu).

- Dọn về làng (Nông Quốc Chấn) là bài thơ viết về quê hương Cao - Bắc - Lạng trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp đau thương mà anh hùng. Bài thơ thể hiện nỗi đau của làng bản trước sự chà đạp, giày xéo của quân thù đồng thời cũng thể hiện niềm vui khi quê hương được giải phóng.

Bài thơ mang đậm màu sắc dân tộc, miền núi đặc biệt là ở ngôn ngữ và hình ảnh. Việc sử dụng mạch tự sự và trữ tình đan xen; lối ví von, so sánh bằng những hình ảnh cụ thể khiến bài thơ có những nét độc đáo đặc sắc.

- Tiếng hát con tàu (Chế Lan Viên) thể hiện sự vận động, phát triển của tâm trạng chủ thể trữ tình, đi từ lí tưởng đến khát khao dấn thân, cống hiến; đi từ kỉ niệm, nỗi nhớ đến ước vọng gặp gỡ, trở về. Đối tượng để tác giả bày tỏ những tình cảm thẩm mĩ của mình là đất và người Tây Bắc.

Những thủ pháp nghệ thuật chính được sử dụng trong bài thơ: chất suy tưởng và triết lí, nghệ thuật sáng tạo hình ảnh.

- Đò Lèn (Nguyễn Duy) là hồi ức của nhà thơ về những kỉ niệm tuổi thơ và về người bà âm thầm chịu đựng những hi sinh, vất vả để nuôi dạy đứa cháu mồ côi đồng thời thể hiện tình cảm sâu nặng của tác giả với người bà của mình. Bài thơ giàu cảm xúc, giọng điệu linh hoạt và sử dụng thành công những hình ảnh biểu tượng.

- Bác ơi! (Tố Hữu) thể hiện nỗi đau xót lớn lao truớc sự kiện Bác qua đời và tập trung thể hiện hình tuợng Bác Hồ vừa cao đẹp, kì vĩ, vừa gần gụi, thân thuơng. Giọng thơ thiết tha, sâu lắng; hình ảnh thơ giàu giá trị biểu cảm, phép ẩn dụ, hoán dụ được sử dụng thành công.

12. So sánh Chữ người tử tù với Người lái đò Sông Đà, nhận xét những điểm thống nhất và khác biệt của phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân trước và sau Cách mạng tháng Tám năm 1945.

- Điểm thống nhất:

+ Có cảm hứng mãnh liệt trước những cảnh tượng độc đáo, tác động mạnh vào giác quan của người nghệ sĩ.

+ Tiếp cận thế giới thiên về phương diện văn hoá, thẩm mĩ; tiếp cận con người thiên về phương diện tài hoa nghệ sĩ.

+ Văn phong tài hoa, uyên bác.

- Sự khác biệt:

+ Trong Chữ người tử tù, Nguyễn Tuân đi tìm cái đẹp trong quá khứ "vang bóng một thời"; tìm nét tài hoa trong lớp nhà nho cuối mùa "bất đắc chí".

+ Trong Người lái đò Sông Đà, nhà văn đi tìm cái đẹp trong cuộc sống hiện tại; tìm cái tài hoa nghệ sĩ trong quần chúng nhân dân. Ngòi bút tác giả hướng đến cuộc sống lao động của nhân dân.

Từ Chữ người tử tù đến Người lái đò Sông Đà là một quá trình vận động của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân. Nó thể hiện sự thay đổi trong tu tưởng và thế giới quan của người nghệ sĩ.

13. Cảm hứng thẩm mĩ và văn phong của Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đoạn trích bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông?

- Cảm hứng thẩm mĩ của Hoàng Phủ Ngọc Tuờng trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? là ngợi ca vẻ đẹp của dòng sông Hương từ nhiều góc độ: vẻ đẹp của thiên nhiên, vẻ đẹp từ góc độ lịch sử - văn hoá, vẻ đẹp của một dòng sông thi ca,...

- Đặc điểm văn phong Hoàng Phủ Ngọc Tường thể hiện qua đoạn trích: phóng túng, tài hoa, giàu tri thức về văn hoá - lịch sử và giàu chất trữ tình.

Viết bình luận