Soạn bài: Tuần 17 - Ai đã đặt tên cho dòng sông? (trích)

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 tại thành phố Huế, quê ở Bích Khê, Triệu Long, Triệu Phong, Quảng Trị. Ông viết văn, làm báo từ những năm sáu mươi của thế kỉ XX, là nhà thơ có phong cách độc đáo và đặc biệt sở trường về thể bút kí, tuỳ bút. Kí Hoàng Phủ Ngọc Tường uyên bác, tài hoa, giàu chất trữ tình, nội dung thông tin về văn hoá, lịch sử rất phong phú.

Hoàng Phủ Ngọc Tường nhận được nhiều giải thưởng: Giải thưởng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2007).

Tác phẩm chính: Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu (1971), Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông? (1986), Hoa trái quanh tôi (1995), Bản di chúc của "Cỏ lau" (1997), Ngọn núi ảo ảnh (1999), Những dấu chân qua thành phố (1976), Người hái phù dung (1992),...

2. Ai đã đặt tên cho dòng sông? được viết tại Huế tháng 1 năm 1981, rút từ tập bút kí cùng tên. Tập sách gồm tám bài kí, viết ngay sau chiến thắng mùa xuân năm 1975. Trong kí Hoàng Phủ Ngọc Tường, lòng yêu nước, tinh thần dân tộc thường gắn với tình yêu sâu sắc đối với thiên nhiên đất nước và với truyền thống văn hoá, lịch sử lâu đời của dân tộc mà ông đã bỏ công tìm hiểu một cách say mê, trân trọng và thể hiện bằng một ngòi bút tài hoa với những lời văn thật đẹp, thật sang. Bài kí Ai đã đặt tên cho dòng sông? thực chất thuộc thể tuỳ bút bởi lối hành văn phóng túng, nhân vật chính là cái tôi của tác giả, chất trữ tình rất đậm.

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. - Lúc ở rừng già: sông Hương phóng khoáng và man dại, rầm rộ và mãnh liệt như một "bản trường ca của rừng già".

- Khi ra khỏi rừng: mang vẻ đẹp dịu dàng và trí tuệ của "người mẹ phù sa của một vùng văn hoá xứ sở".

- Khi ra khỏi vùng rừng núi: chuyển dòng liên tục "uốn mình theo những đường cong thật mềm" để tìm kiếm một cách có ý thức thành phố tương lai của nó.

- Khi chảy qua những lăng tẩm của các vua chúa triều Nguyễn, sông Hương có vẻ đẹp trầm mặc "như triết lí, như cổ thi".

2. - Trước khi trở thành người tình dịu dàng và chung thuỷ của cố đô, sông Hương đã trải qua một cuộc hành trình đầy gian truân và nhiều thử thách. Trong cái nhìn tinh tế và lãng mạn của tác giả, toàn bộ thuỷ trình của dòng sông tựa như một cuộc tìm kiếm có ý thức người tình nhân đích thực của người con gái trong một câu chuyện tình yêu nhuốm màu cổ tích.

Đoạn văn tả sông Hương chảy xuôi về đồng bằng và ngoại vi thành phố bộc lộ nét lịch lãm và tài hoa trong lối hành văn của tác giả. Sức hấp dẫn của đoạn văn toát lên từ hàng loạt động từ diễn tả cái dòng chảy sống động qua những địa danh khác nhau của xứ Huế. Giữa cánh đồng Châu Hoá đầy hoa dại, sông Hương là "cô gái đẹp nằm ngủ mơ màng"; nhưng ngay sau khi ra khỏi vùng núi, thì cũng như nàng tiên được đánh thức, sông Hương bỗng bừng lên sức trẻ và niềm khao khát của tuổi thanh xuân trong "sự chuyển dòng một cách liên tục", rồi "vòng giữa khúc quanh đột ngột", "vẽ một hình cung thật tròn", "ôm lấy chân đồi Thiên Mụ", rồi "vượt qua", "đi trong dư vang", "trôi đi giữa hai dãy đồi sừng sững như thành quách",...

Vừa mạnh mẽ vừa dịu dàng, sông Hương có lúc "mềm như tấm lụa" khi qua Vọng Cảnh, Tam Thai, Lựu Bảo; có khi ánh lên những phản quang nhiều màu sắc "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím" lúc qua những dãy đồi phía tây nam thành phố và mang "vẻ đẹp trầm mặc" khi qua những lăng tẩm, đền đài của các vua chúa nhà Nguyễn được phong kín trong những rừng thông u tịch và bừng sáng, tươi tắn và trẻ trung khi gặp "tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga tận bờ bén kia, giữa những xóm làng trung du bát ngát tiếng gà"...

Bút pháp kểtả được kết hợp nhuần nhuyễn và tài hoa đã làm nổi bật vẻ đẹp của sông Hương bởi phối cảnh hài hoà và kì thú giữa nó với thiên nhiên xứ Huế.

3. Như đã tìm thấy chính mình khi gặp thành phố thân yêu, sông Hương "vui tươi hẳn lên giữa những biền bãi xanh biếc của vùng ngoại ô Kim Long", dòng sông "kéo một nét thẳng thắn thực yên tâm theo hướng tây nam - đông bắc", rồi "uốn một cánh cung rất nhẹ sang đến Cồn Hến" khiến "dòng sông mềm hẳn đi, như một tiếng "vâng" không nói ra của tình yêu". Nằm ngay giữa lòng thành phố yêu quý của mình, sông Hương cũng giống như sông Xen của Pa-ri, sông Đa-nuýp của Bu-đa-pét,... nhưng trong cảm nhận tài hoa của tác giả, sông Hưorng được thể hiện từ nhiều góc độ: nhìn bằng con mắt của hội hoạ, sông Hương và những chi lưu của nó tạo nên những đường nét thật tinh tế làm nên vẻ đẹp cổ kính của cố đô; qua cách cảm nhận của âm nhạc, sông Hương đẹp như điệu slow chậm rãi, sâu lắng, trữ tình và với cái nhìn đắm say của một trái tim đa tình, sông Hương là người tình dịu dàng và chung thuỷ. Điều này được diễn tả trong một phát hiện thú vị của tác giả: "Rời khỏi kinh thành, sông Hương chếch về hướng chính bắc, ôm lấy đảo Cồn Hến quanh năm mơ màng trong sương khói, đang xa dần thành phố để lưu luyến ra đi giữa màu xanh biếc của tre trúc và của những vườn cau vùng ngoại ô Vĩ Dạ. Và rồi, như sực nhớ lại một điều gì chưa kịp nói, nó đột ngột đổi dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp lại thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ". Cũng theo tác giả, khúc quanh thật bất ngờ đó, tựa như một "nỗi vương vấn", và dường như còn có cả "một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu".

4. Trong lịch sử thơ ca, sông Hương từng ghi dấu hình ảnh nhiều văn nhân tài tử cũng như trở thành đề tài của nhiều tác phẩm thơ ca. Nhìn sông Hương dưới góc độ lịch sử thơ ca, tác giả đã ngợi ca vẻ đẹp nên thơ, nét trữ tình duyên dáng của dòng sông cũng như sức hấp dẫn muôn đời của nó.

Đã có nhiều tuỳ bút viết về những dòng sông nổi tiếng của Việt Nam. Song, hầu hết các tuỳ bút đó đều nhìn dòng sóng dưới cái nhìn lịch sử. Hoàng Phủ Ngọc Tường (cùng với Nguyễn Tuân trong tuỳ bút Người lái đò Sông Đà) đã có cái nhìn độc đáo mang tính phát hiện khi nhìn sông Hương dưới góc độ lịch sử thơ ca. Chỉ riêng việc tác giả thường xuyên liên hệ đến Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đủ minh chứng cho sự độc đáo mang tính phát hiện ấy. "Quả đúng như vậy, toàn bộ nền âm nhạc cổ điển Huế đã được sinh thành trên mặt nước của dòng sông này, trong một khoang thuyền nào đó, giữa tiếng nước rơi bán âm của những mái chèo khuya. Nguyễn Du đã bao năm lênh đênh trên quãng sông này, với một phiến trăng sầu. Và từ đó, những bản đàn đã đi suốt đời Kiều. Tôi đã chứng kiến một người nghệ nhân già, chơi đàn nửa thế kỉ, một buổi tối ngồi nghe con gái đọc Kiều: "Trong như tiếng hạc bay qua - Đục như tiếng suối mới sa nửa vời"... Đến câu ấy, người nghệ nhân chợt nhổm dậy vỗ đùi, chỉ vào trang sách Nguyễn Du mà thốt lên : "Đó chính là Tứ đại cảnh".

5. Tác giả có tình yêu tha thiết, đắm say đối với cảnh và người xứ Huế. Lối viết của nhà văn cũng rất độc đáo: phóng túng, tài hoa, giàu thông tin văn hoá - lịch sử và giàu chất thơ trữ tình lãng mạn.

III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

- Chọn đoạn văn mà bản thân anh (chị) cho là đặc sắc (ví dụ đoạn văn miêu tả vẻ đẹp trữ tình, lãng mạn của sông Hương: "Sông Hương là vậy, là dòng sông của thời gian ngân vang, của sử thi viết giữa màu cỏ lá xanh biếc [...]. Đấy cũng chính là màu của sương khói trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông...").

- Đọc đoạn văn nhiều lần, chú ý tìm những nét đặc sắc về ý tưởng, hình ảnh và ngôn ngữ (chú ý những hình ảnh so sánh, những liên tưởng của nhà văn,...).

- Phân tích những nét mà anh (chị) cho là đặc sắc của đoạn văn.

Viết bình luận