Soạn bài: Phương pháp tả người

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Cách tả người và hình thức, bố cục của một đoạn, một bài văn tả người.

2. Kĩ năng quan sát, lựa chọn, trình bày khi viết bài làm văn tả người.

II. HƯỚNG DẪN TÌM HlỂU BÀI

1. Đọc các đoạn văn của Võ Quảng, Lan Khai, Kim Lân.

2. Trả lời các câu hỏi:

a) Mỗi đoạn văn đó tả ai ?

- Đoạn văn của Võ Quảng tả dượng Hương Thư - người chèo thuyền vượt thác.

- Đoạn văn của Lan Khai tả chân dung của Cai Tứ - một ông cai gian giảo.

- Đoạn văn của Kim Lân tả Quắm Đen và ông Cản Ngũ - hình ảnh hai người trong sới vật.

Những người được tả có đặc điểm nổi bật:

- Đoạn văn của Võ Quảng: về ngoại hình

- Đoạn vãn của Lan Khai: về các bộ phận của khuôn mặt

- Đoạn văn của Kim Lân: về hoạt động

Đặc điểm đó được thể hiện qua:

- Các từ so sánh: như tượng đồng đúc, hiệp sĩ ; qua các động từ chỉ hoạt động: cuồn cuộn, cắn chặt, ghì. (Võ Quảng)

- Các tính từ: thấp, gầy, vuông, hóp, lổm chồm, gian hùng, tối om ; các động từ: dòm, giấu giếm, đậy điệm, toe toét. (Lan Khai)

- Các động từ: lăn xả, lấn lướt, vờn, dứ, thoắt, hiển, hoá, chúi xuống, bọc lên, nhấc hổng, luồn ; các tính từ: ráo riết, lắt leo, hóc hiểm, lờ ngờ, chậm chạp, lúng túng, loay hoay. (Kim Lân)

b) Trong các đoạn văn trên, các đoạn văn của Võ Quảng và Lan Khai tập trung khắc hoạ chân dung nhân vật, đoạn văn của Kim Lân tả người gắn với công việc. Yêu cầu lựa chọn chi tiết và hình ảnh do đó cũng có những điểm khác nhau: tả chân dung thường gắn với hình ảnh tĩnh, do đó có thể sử dụng danh từ, tính từ, động từ ; còn tả hoạt động của người thường thiên về sử dụng các động từ.

c) Đoạn văn thứ ba gần như một bài văn miêu tả hoàn chỉnh có ba phần:

- Phần một (Mở bài): Từ đầu đến nổi lên ầm ầm. Giới thiệu chung về quang cảnh nơi diễn ra hội vật.

- Phần hai (Thân bài): Từ Ngay nhịp trống đầu đến có buộc sợi dây quanh bụng vậy. Diễn biến của keo vật.

- Phần ba (Kết bài): Từ Các đô ngồi quanh đến hết. Cảm nghĩ và nhận xét về keo vật.

Nếu phải đặt tên cho bài văn này, có thể đặt là: “Keo vật”, hoặc “Kết cục bất ngờ”,...

III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Các chi tiết tiêu biểu sẽ lựa chọn khi miêu tả:

- Một em bé chừng 4-5 tuổi: mắt đen tròn ngây thơ, môi đỏ như son, chân tay mũm mĩm, miệng cười toe toét, nước da trắng mịn, nói chưa sõi,...

- Một cụ già: tóc trắng da mồi, cặp mắt tinh anh, dáng vẻ chậm chạp hoặc nhanh nhẹn, giọng nói trầm ấm,...

- Cô giáo đang say sưa giảng bài trên lớp: giọng nói trong trẻo, cử chỉ âu yếm ân cần, đôi mắt lấp lánh khích lệ,...

2. Lập dàn ý (cơ bản) cho bài văn miêu tả một trong các đối tượng trên. Nếu lập dàn ý bài văn miêu tả cô giáo đang say sưa giảng bài trên lớp, cần tập trung thể hiện các yếu tố sau:

- Mở bài : Giới thiệu khung cảnh lớp học, tên cô giáo hoặc tên môn học.

- Thân bài: Miêu tả những nét tiêu biểu về cử chỉ, hình dáng, điệu bộ, biểu hiện sư phạm của cô giáo... gắn với diễn biến của bài học hoặc giờ học.

- Kết bài : Nêu cảm nghĩ của em vể cô giáo qua giờ học đó.

3. Nếu viết, em sẽ thêm vào những chỗ có dấu (...) trong đoạn văn là:

- tôm (hoặc cua) luộc, bị chín nắng...

- ông tượng, ông tướng...

Ông Cản Ngũ được miêu tả trong tư thế chuẩn bị bước vào keo vật.


Viết bình luận