Soạn bài: Luyện tập viết đoạn văn chứng minh

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

Để viết tốt đoạn văn chứng minh, các em cần nắm chắc một số nội dung chính sau đây :

1. Khái niệm đoạn văn

Đoạn văn là một phần của văn bản, bắt đầu từ chỗ lùi đầu dòng viết hoa tới chỗ chấm xuống dòng, ngắt đoạn ; thể hiện một nội dung nào đó và có một kết cấu nhất định.

Trong khái niệm này, lưu ý một số điểm sau về đoạn văn :

a) Về mặt hình thức : Đoạn văn được đánh dấu từ chỗ lùi đầu dòng viết hoa tới chỗ chấm xuống dòng, ngắt đoạn. Hình thức đoạn văn như vậy là hết sức rõ ràng.

b) Về mặt nội dung ngữ nghĩa : Đoạn văn chỉ là một bộ phận của văn bản nên mang tính chất độc lập tương đối. Bởi thế đoạn văn có thể thông báo một nội dung tương đối trọn vẹn hoặc cũng có thể không trọn vẹn.

c) Về mặt kết cấu : Đoạn văn bao giờ cũng được viết theo một kiểu kết cấu nhất định. Kết cấu đó có thể là diễn dịch, quy nạp hoặc tổng hợp - phân tích - tổng hợp (gọi tắt là tổng - phân - hợp).

2. Đoạn văn chứng minh

Đoạn văn chứng minh là đoạn văn dùng những lí lẽ, những bằng chứng chân thật đã được thừa nhận để khẳng định một luận điểm nào đó mà ta đưa ra là đáng tin cậy.

Ví dụ, khi bàn về lòng yêu nước của nhân dân ta, để làm sáng rõ luận điểm "Đồng bào ta ngày nay rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước", tác giả Hồ Chí Minh đã đưa ra hàng loạt các dẫn chứng và lí lẽ như sau :

Đồng bào ta ngày nay rất xứng đáng với tổ tiên ta ngày trước. Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ những kiều bào ở nước ngoài đến những đồng bào ở vùng tạm bị chiếm, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, ai cũng một lòng nồng nàn yêu nước, ghét giặc [dẫn chứng 1]. Từ những chiến sĩ ngoài mặt trận chịu đói mấy ngày để bám sát lấy giặc đặng tiêu diệt giặc, đến những công chức ở hậu phương nhịn ăn để ủng hộ bộ đội, từ những phụ nữ khuyên chồng con đi tòng quân mà mình thì xung phong giúp việc vận tải, cho đến các bà mẹ chiến sĩ săn sóc yêu thương bộ đội như con đẻ của mình [dẫn chứng 2]. Từ những nam nữ công nhân và nông dân thi đua tăng gia sản xuất, không quản khó nhọc để giúp một phần vào kháng chiến, cho đến những đồng bào điền chủ quyên đất ruộng cho Chính phủ... [dẫn chứng 3]. Những cử chỉ cao quý đó, tuy khác nhau nơi việc làm, nhưng đều giống nhau nơi lòng nồng nàn yêu nước. [ lí lẽ]

II - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

SGK đưa ra 8 đề tập làm văn để các em luyện tập. Với mỗi đề này, các em có thể tiến hành lần lượt theo trật tự sau :

- Tìm ý cho đề bài.

- Lập dàn bài dựa trên những ý đã tìm được.

- Lựa chọn một ý nào đó trong dàn bài để viết đoạn văn chứng minh.

- Kiểm tra lại đoạn văn đã viết về nội dung, về kết cấu, về cách diễn đạt,...

Dưới đây là một số ví dụ tham khảo để viết các đoạn văn chứng minh theo yêu cầu của việc luyện tập.

a) Bàn về tác dụng của văn chương :

Văn chương đem lại cho ta biết bao cảm xúc mới mẻ, sâu lắng, biết bao tư tưởng, tình cảm tốt đẹp. Còn nhớ hồi học lớp 6 tôi dã tức sôi lên trước hành động ngỗ nghịch của anh chàng Dế Mèn khiến bạn Dế Choắt khốn khổ phải chết oan. Và tôi đã nói thay Dế Mèn những lời hối hận chân thành trước mộ Dế Choắt. Rồi chính mình, sau khi đọc bải thơ "Bếp lửa" của Bằng Việt, tôi thấy yêu quê hương mình hơn, đất nước mình hơn, thương yêu ông bà, bố mẹ mình hơn. Điều kì lạ là những tình cảm căm giận cũng như yêu thương ấy đến với tôi một cách tự nhiên cứ như tự trong lòng mình có sẵn những tình cảm ấy, chứ không phải do văn chương đưa lại, tự mình bắt mình phải như thế chứ không ai buộc mình như thế cả. Đọc xong một tác phẩm, đã có lần tôi tự nhủ mình rằng mình cần phải sống sao cho thật tốt, thật trong sáng, sống biết yêu thương nhau hơn và có ích cho cuộc đời hơn.

(Bài làm của học sinh)

b) Bàn về việc cần phải chọn sách mà đọc :

Sách có thể là một liều thuốc bồi dưỡng công hiệu cho tinh thần, cho sự hiểu biết, khám phá nhưng cũng có thể là môt thứ ma tuý, một liều thuốc độc tiêu diệt sức sống tinh thần của con người, bởi thế cần phải biết chọn sách để đọc. Đã từng có những cuốn sách không chỉ "mở rộng những chân trời mới" cho một người, trăm người, triệu người mà cho cả nhân loại. Những trang sách của Bru-nô, Ga-li-lê về quả đất vả thái dương hệ đã mở ra cho loài người một thời kì mới trên con dường chinh phục tự nhiên. Những trang sách của Ban-dắc giúp ta hiểu về thế giới tư bản với sức mạnh lạnh lùng của đồng tiền. Đọc Ta-go, Lí Bạch, Đỗ Phủ, ta hiểu đời sống và tâm hồn của các dân tộc khác trên thế giới. Đọc Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, ta hiểu xưa để hiểu nay hơn. Tất cả những cuốn sách ấy rất nên đọc. Nhưng không phải cuốn sách nào cũng có được những lợi ích ấy. Có những cuốn, đọc xong ta thấy tất cả thế giới đều đen tối. Nội dung sách đề cao dân tộc này, bôi nhọ dân tộc kia, gây thù hằn, ngờ vực giữa các dân tộc. Hơn thế nữa, có những cuốn còn đề cao bạo lực, kích động chiến tranh, đưa ra những thị hiếu bản năng thấ hèn của con người,... Những cuốnôh sách ấy không mở mang thêm được hiểu biết cho chúng ta mà còn khiến cho ta trở nên dốt nát, mê muội hơn, khiên ta trở thành những kẻ ích kỉ, bạc nhược, đớn hèn. Những cuốn sách đó ta cần phải tránh xa, cần phải bị phê phán.

(Bài làm của học sinh)

c) Bàn về việc Bác rất thương yêu loài vật :

Bác là người rất thương yêu loài vật. Lúc ở chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ nuôi một con chó, một con mèo và một con khỉ. Thông thường thì ba loài đó vốn chẳng ưa gì nhau. Không biết Bác dạy thế nào mà chúng lại quấn quýt nhau, đùa giỡn và không trêu chọc hay cắn nhau bao giờ. Mỗi lần phải dời nhà từ nơi này đi nơi khác, Bác đều cho cả ba con cùng theo. Con khỉ ngồi trên lưng con chó. Còn con mèo den đốm trắng thì ngoao ngoao lững thững theo sau. Khi Bác ăn cơm, Bác dều cho chúng ăn. Có lần, con khỉ rón rén bốc trộm cơm của Bác rồi len lén giấu đi. Mọi người mắng nó. Bác chỉ mỉm cười, nụ cười rất hiền lành.

(Bài làm của học sinh)

Viết bình luận