Soạn bài: Dùng cụm chủ - vị để mở rộng câu

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Trước hết cần lưu ý : cách đặt tên bài "Dùng cụm C - V để mở rộng câu" là cách đặt tên mang tính hoạt động, không mang tính miêu tả đơn thuần. Nếu đặt tên bài có tính chất miêu tả thì có thể diễn đạt : "Câu có cụm C - V làm thành phần".

Cách sắp xêp nội dung của bài này cũng là bắt đầu bằng việc nhận diện, nhận biết kiểu câu có cụm C - V làm thành phần (mục I); sau đó phân loại kiểu câu này (mục II) ; cuối cùng là luyện tập (nhận biết, phân tích) về kiểu câu có cụm C - V làm thành phần - đang được nói tới (mục III).

2. Trong SGK Tiếng Việt 7 cải cách giáo dục và trong một số tài liệu chuyên môn khác, khái niệm cụm C - V được gọi là kết cấu C - V. Cụm C - V tương đương với câu đơn bình thường (câu đơn có 2 thành phần chủ ngữ - vị ngữ). Nhưng cụm C - V khác câu đơn bình thường ở chỗ : Nó không đứng độc lập mà chỉ là thành phần của câu hoặc của cụm từ trong câu ; nó tiềm tàng khả năng trở thành câu đơn bình thường, chứ không đồng nhất với câu đơn bình thường.

Khái niệm câu có cụm C- V làm thành phần còn được gọi là câu phức thành phần (là loại câu phức có từ 2 cụm C - V trở lên, trong đó chỉ có một cụm C - V nòng cốt, các cụm C - V còn lại làm thành phần câu).

3. Khi nhận biết cụm C - V làm thành phần câu hoặc thành phần của cụm từ, cần lưu ý : Ngoài những cụm C - V làm chủ ngữ, vị ngữ hoặc làm phụ ngữ trong cụm danh từ, tập hợp từ đứng sau động từ gây khiến (như các động từ : sai, bảo, bắt, yêu cầu, đề nghị,... hoặc khiến, khiến cho, làm cho,..) cũng được coi như là một cụm C - V (ví dụ : Tôi đề nghị anh đứng dậy ; Con học giỏi khiến cha mẹ vui lòng,..). Quy ước này làm cho việc nhận biết các cụm C- V làm thành phần trở nên dễ dàng hơn.

4. Trường hợp cụm C - V làm phụ ngữ trong cụm tính từ rất ít gặp. Cụm C - V đứng sau tính từ thường xuất hiện trong các cấu trúc so sánh. Nó được nối với tính từ bằng từ so sánh như. Ví dụ :

- Đẹp như tiên sa.

- Nhanh như ngựa chạy.

II - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

- Trước hết, tìm cụm C - V làm thành phần câu hoặc thành phần của cụm từ. Sau đó, nói rõ cụm C - V ấy đảm nhiệm chức vụ ngữ pháp gì (làm chủ ngữ, vị ngữ hay phụ ngữ) trong câu.

- Cụ thể, cụm C - V làm thành phần câu hoặc thành phần của cụm từ trong từng câu dưới đây sẽ được in đậm :

a) Đợi đến lúc vừa nhất, mà chỉ riêng những người chuyên môn mới định được, người ta gặt mang về.

(Cụm C - V làm phụ ngữ trong cụm danh từ; danh từ trung tâm là lúc)

b) Trung đội trưởng Bính khuôn mặt đầy đặn.

(Cụm C - V làm vị ngữ ; chủ ngữ của C - V nòng cốttrung đội trưởng Bính)

c) Khi các cô gái Vòng đỗ gánh, giở từng lớp lá sen, chúng ta thấy hiện ra từng lá cốm, sạnh sẽ và tinh khiết, không có mảy may một chút bụi nào.

(Có hai cụm C - V làm phụ ngữ : cụm C - V các cô gái Vòng đỗ gánh làm phụ ngữ của cụm danh từ ; danh từ trung tâm là khi ; cụm C - V hiện ra từng lá cốm, sạch sẽ và tinh khiết, không có mảy may một chút bụi nào làm phụ ngữ của cụm động từ ; động từ trung tâm là thấy. Trong cụm C - V này, vị ngữ hiện ra được đặt trước chủ ngữ.)

d) Bỗng một bàn tay đập vào vai khiến hắn giật mình.

(Câu này cũng có hai cụm C - V làm thành phần. Cụm C - V một bàn tay đập vào vai làm chủ ngữ. Còn cụm C - V hắn giật mình làm phụ ngữ của cụm động từ ; động từ trung tâm là khiến)

Viết bình luận