Soạn bài: Lòng yêu nước

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Bài văn được trích từ bài báo Thử lửa của nhà văn - nhà báo Nga nổi tiếng I-li-a Ê-ren-bua viết trong thời kì đầu của cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức xâm lược (1941 - 1945) với nội dung: lòng yêu nước bắt nguồn từ tình yêu với tất cả những sự vật cụ thể và bình thường nhất, gần gũi và thân thuộc nhất; đồng thời khẳng định: lòng yêu nước được bộc lộ đầy đủ và sâu sắc nhất trong những hoàn cảnh thử thách gay gắt của cuộc chiến tranh vệ quốc.

2. Bài văn thuyết phục người đọc bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa yếu tố chính luận và yếu tố trữ tình.

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HlỂU VĂN BẢN

1. Đại ý của bài văn:

Tác giả lí giải lòng yêu nước bắt nguồn từ tình yêu với tất cả những sự vật cụ thể và bình thường nhất, gần gũi và thân thuộc nhất; đổng thời khẳng định: lòng yêu nước được bộc lộ đầy đủ và sâu sắc nhất trong những hoàn cảnh thử thách gay gắt của cuộc chiến tranh vệ quốc.

2. a) Đoạn văn từ đầu đến lòng yêu Tổ quốc là một đoạn văn có kết cấu chặt chẽ, trong đó:

- Câu mở đầu là:

Lòng yêu nước han đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh.

- Câu kết đoạn là:

Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.

b) Với ý chính là lí giải về lòng yêu nước, tác giả đã thể hiện một trình tự lập luận:

- Mở đầu, tác giả nêu một nhận định giản dị, dễ hiểu mang tính quy luật: “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất : yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua mát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh”;

- Từ nhận định đó, tác giả đặt “lòng yêu nước” trong thử thách của cuộc chiến tranh vệ quốc để “mỗi công dân Xô viết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương”, cụ thể là

+ Người vùng Bắc: nghĩ đến cánh rừng bên dòng sông Vi-na hay miền Xu-cô-nô, những đêm tháng sáu sáng hồng;

+ Người xứ U-crai-na: nhớ bóng thuỳ dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh;

+ Người xứ Gru-di-a: ca tụng khí trời của núi cao, nỗi vui bất chợt, những lời thân ái giản dị, những tiếng cuối cùng của câu chào tạm biệt;

+ Người ở thành Lê-nin-grát: nhớ dòng sông Nê-va, những tượng bằng đồng, phố phường;

+ Người Mát-xcơ-va: nhớ như thấy lại những phố cũ, phố mới, điệm Krem-li, những tháp cổ, những ánh sao đỏ...

Tác giả dùng một câu văn hình ảnh để chuyển ý: Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể.

- Cuối cùng, để kết đoạn, tác giả nêu một câu khái quát: Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.

3. Nhớ đến quê hương, người dân Xô viết ở mỗi vùng đều nhớ đến vẻ đẹp tiêu biểu của quê hương mình, ví dụ:

+ Người vùng Bắc... (nghĩ đến cánh rừng bên dòng sông Vi-na hay miền Xu-cô-nô,... những đêm tháng sáu sáng hồng), người xứ U-crai-na (nhớ bóng thuỳ dương tư lự bên đường, cái bằng lặng của trưa hè vàng ánh): nhớ những cảnh vật rất đỗi quen thuộc, từng gắn bó với cuộc sống thanh bình.

+ Người xứ Gru-di-a (ca tụng khí trời của núi cao, nỗi vui bất chợt, những lời thân ái giản dị, những tiếng cuối cùng của câu chào tạm biệt), người ở thành Lê-nin-grát (nhớ dòng sông Nê-va rộng và đường bệ như nước Nga dường bệ, những tượng bằng đồng tạc những con chiến mã lồng lên, phố phường mà mỗi căn nhà là một trang lịch sử): đó là nỗi nhớ về vẻ đẹp của ngôn ngữ, lời nói, niềm tự hào về quê hương xứ sở.

+ Người Mát-xcơ-va (nhớ như thấy lại phố cũ, những đại lộ của thành phố mới, điện Krem-li, những tháp cổ - dấu hiệu vinh quang và những ánh sao đỏ): nỗi nhớ gắn liền với những vẻ đẹp truyền thống và niềm tin mãnh liệt ở tương lai...        

Đó là những vẻ đẹp gắn liền với nét riêng của từng vùng, tiêu biểu và có sức gợi nhất, để thể hiện sâu sắc nhất về nỗi nhớ của những người ở vùng đó. Tất cả các nỗi nhớ mang những nét cá biệt đó, khi được liệt kê trong bài tạo nên một sự tổng hoà phong phú, đa dạng về tình yêu của người dân trong cả Liên bang Xô viết.

4. Bài văn nêu lên một chân lí phổ biến và sâu sắc về lòng yêu nước, đó là: Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc; và: không thể sống khi mất nước.

III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Nếu cần nói đến vẻ đẹp tiêu biểu về quê hương (hoặc địa phương em đang ở) cần chú ý:

- Giới thiệu các yếu tố: đặc điểm địa lí, truyền thống lịch sử, văn hoá,...

- Cảm tưởng hoặc kỉ niệm sâu sắc của em (hoặc nghe kể lại) về các yếu tố nói trên.

Viết bình luận