Soạn bài: Bài 30 - Viết bài tập làm văn số 7 - Văn nghị luận (làm tại lớp)

CÁC ĐỀ BÀI THAM KHẢO [SÁCH NGỮ VĂN 8]

1) Tuổi trẻ và tương lai đất nước.

2) Văn học và tình thương.

3) Hãy nói “không” với các tệ nạn.

Đề bài: Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Em hiểu lời dạy đó như thế nào? Từ đó, em có suy nghĩ gì về trách nhiệm của bản thân khi còn ngồi trên ghế nhà trường?

BÀI LÀM THAM KHẢO

Năm 1945, Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ ra đời. Sung sướng trước cảnh nước nhà độc lập, nghĩ đến tương lai, hiểu sâu sắc ý nghĩa việc học tập của thanh thiếu niên đối với ngày mai của dân tộc, trong thư gửi cho học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên sau Cách mạng tháng Tám, Bác Hồ viết:

‘Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Chúng ta hiểu lời căn dặn trên đây của Bác như thế nào và thực hiện lời căn dặn quý báu đó ra sao?

Lời Bác Hồ năm xưa cho thấy mối quan hệ giữa tương lai tươi sáng của dân tộc với công học tập của các em học sinh, đồng thời nêu bật tác dụng to lớn của việc học tập với tiền đồ đất nước.

Để hiểu sâu sắc lời Bác dạy, chúng ta cần tìm hiểu thế nào là đất nước tươi đẹp? Nói một cách khái quát, để một đất nước được tươi đẹp thì điều kiện tiên quyết là đất nước đó phải độc lập, không chịu bất cứ sự lệ thuộc nào vào ngoại bang và sau đó phải là một đất nước giàu mạnh, nghĩa là phải có một nền kinh tế vững chắc phát triển. Kinh tế vững chắc phát triển thì mới có được một nền quốc phòng vững mạnh, mà quốc phòng có vững mạnh thì mới có thể giữ vững nền độc lập của đất nước mình được.

Trên một đất nước như thế, đúng như người ta thường nói: “Dân giàu, nước mạnh” - nhân dân hẳn là được sống no ấm, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được làm việc, học hành và được hưởng các quyền tự do dân chủ, nói chung là có được một đời sống vật chất đầy đủ và một đời sống tinh thần tiến bộ, một nếp sống xã hội văn minh, lành mạnh và tiên tiến.

Một đất nước như vừa nói nhất định sẽ được vẻ vang sánh vai cùng các cường quốc năm châu và sẽ được các dân tộc khác mến yêu kính trọng.

Bác Hồ lại nhấn mạnh: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không”. Ý Bác nhằm nêu bật việc phải ra sức phấn đấu đưa nước Việt Nam của chúng ta lên ngang tầm với những đất nước được xem là cường quốc trên thế giới. Muốn như thế không những đất nước ta phải có một nền kinh tế vững chắc và phát triển đến mức giàu mạnh mà còn phải có một nền khoa học kĩ thuật tiến bộ vượt bậc, đi cùng với một nền văn hóa phong phú, đa dạng và phát triển ở trình độ cao để có thể tiếp thu được tinh hoa văn hóa của loài người, cũng đủ sức góp phần mình vào sự phát triển chung của văn hóa thế giới.

Những điều vừa nói là điểm đến phải đạt mà Bác Hồ đã nêu rõ cho nhân dân ta sau ngày nước nhà vừa được độc lập. Đó cũng chính là mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân ta hướng tới hơn nửa thế kỉ qua quá trình phấn đấu không ngừng trong lao động và chiến đấu.

Có điều chúng ta cần tìm hiểu là vì sao tất cả những điều vừa nói lại “Chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em?”.

Ai cũng biết đất nước Việt Nam ta chịu ảnh hưởng của chế độ thực dân đế quốc gần một trăm năm, sau hàng ngàn năm bị chế độ phong kiến đè nặng, đã vậy, chiến tranh lại liên tục xảy ra. Khi Bác Hồ viết những lời này chính là khi đất nước ta còn nghèo nàn và vô cùng lạc hậu so với các nước trên thế giới, đúng như lời nhà thơ Chế Lan Viên: “Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ”. Do vậy, muốn đuổi kịp các nước tiên tiến đã đi trước ta hàng trăm năm đâu có cách nào khác hơn là ta phải ra sức học hỏi, đúc rút kinh nghiệm của họ để làm sao thu ngắn dần khoảng cách giữa nước ta với các nước ấy.

Muốn dân tộc ta thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu trở thành giàu mạnh, văn minh, tiên tiến không có cách nào khác hơn là phải mở mang dân trí, phải phát triển khoa học kĩ thuật. Như vậy, đúng như Bác Hồ đã dạy, chỉ có tổ chức việc học tập thật tốt cho thanh thiếu niên để họ có một trình độ khoa học, nắm vững kĩ thuật thì mới có thể xây dựng được một nền kinh tế phát triển không ngừng, một nền văn hóa tiên tiến và một nền quốc phòng vững mạnh được.

Bác Hồ nói: “Chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” là Bác đề cao vai trò tương lai của thế hệ thanh thiếu niên mầm non của đất nước. Là người nhìn xa, trông rộng, lại hiểu sâu sắc ý nghĩa việc học tập của thế hệ trẻ đốì với tương lai dân tộc, mặc dù khi ấy cách mạng vừa thành công, lại mở ra một cuộc chiến đấu đầy cam go gian khổ, nhưng Bác đã nghĩ tới mười, mười lăm năm sau, thế hệ tuổi nhỏ hôm nay sẽ là chủ nhân của đất nước, sẽ là lực lượng chủ yếu để xây dựng đất nước, làm cho “non sông Việt Nam trở nên vẻ vang” với một nền kinh tế phát triển và một nền văn hóa mở mang. Đủ thấy nhiệm vụ của những người đang ngồi trên ghế nhà trường là hết sức quan trọng và nặng nề và Bác thật vĩ đại trong tầm nhìn chiến lược của mình.

Là học sinh, mỗi chúng ta đều cần hiểu sâu sắc lời dặn dò của Bác để xác định cho mình một động cơ, một thái độ học tập đúng đắn.

Ngày ngày, được cắp sách đến trường, chúng ta phải học tập chăm chỉ, chuyên cần, phải nắm vững được kiến thức của từng môn học để học giỏi một cách toàn diện. Ngay từ trên ghế nhà trường, chúng ta phải xác định rõ mục đích học tập là để góp phần xây dựng đất nước mai này. Do đó, chúng ta cần gắn học với hành rèn luyện nghiêm túc các mặt đức, trí, thể, mĩ phải kính thầy, yêu bạn, đoàn kết tương trợ nhau để cùng nhau tiến bộ, đặc biệt là phải luôn luôn nung nấu trong tâm hồn mình những hoài bão ước mơ cao đẹp, hướng tới những đỉnh cao văn hóa và những đỉnh cao khoa học.

Trong tình hình hiện nay, đất nước đang trên đường đổi mới với mục tiêu: “Dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” đang cần sự đóng góp tích cực của thế hệ trẻ, nhằm kế thừa đỉnh cao văn hóa, khoa học tiên tiến của các cường quốc năm châu. Lời dạy của Bác Hồ năm xưa về nhiệm vụ học tập của thế hệ mầm non đất nước vẫn có ý nghĩa to lớn và bức thiết hơn lúc nào hết.

Đề: Nhà văn Nguyễn Bá Học có nói: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Em hiểu câu nói đó như thế nào?

Bài tham khảo

Nguyễn Bá Học là một nhà văn, nhà báo, một nhà giáo đầy nhiệt huyết đầu thế kỉ XX. Trong cuộc đời dạy học và trong sự nghiệp văn chương của mình, Nguyễn Bá Học rất quan tâm đến việc giáo dục lớp trẻ. Ông đã viết cuốn “Lời khuyên học trò” để trao đổi, bày vẽ, giáo dục lớp thanh niên rèn luyện thành người có ích. Trong bài “Chí mạo hiểm”, để khuyến khích học trò rèn luyện ý chí, khắc phục khó khăn, Nguyễn Bá Học có viết:

“Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Là người dân Việt Nam, ai cũng biết đất nước mình trải dài mây ngàn cây số, lại lắm núi nhiều sông nên việc đi lại không mấy dễ dàng. Núi cao, sông sâu luôn luôn là những trở ngại ngăn bước con người. Chẳng thế mà cha ông ta đã từng ao ước sao cho sông rộng một gang, đã từng than thở núi cao chi lắm núi ơn... Núi, sông đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho những cản trở, những khó khăn trong cuộc đời. Vì thế, câu nói của Nguyễn Bá Học có ý nghĩa sâu sắc. Ông đã dặn dò các bạn trẻ rằng con đường ta đi, muốn tới đích nhiều khi phải vượt qua núi cao, sông sâu, phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách, nhưng thử thách lớn nhất chính là “lòng người”, ông muốn lớp học trò ngày nay phải hiểu rằng, những khó khăn trở ngại trên đường đời dù cao như núi, dù rộng như sông nhưng cũng không đáng sợ bằng sự ngại khó, thiếu quyết tâm, thiếu nghị lực của con người. Nói một cách khác, nhà giáo đầy kinh nghiệm Nguyễn Bá Học muốn động viên các bạn trẻ vững tâm bền chí trên con đường rèn luyện và phấn đấu để đạt được mục tiêu của mình. Những khó khăn trở ngại trên con đường đi tới đích luôn là một sự thật mà con người phải thừa nhận, nhưng những khó khăn trở ngại chính là những thử thách ý chí và nghị lực chứ không thể nào ngăn chặn được bước chân cứng cỏi của con người có quyết tâm cao. Nhà thám hiểm Crit-xtôp Cô- lông cũng đã phải trải qua rất nhiều khó khăn thử thách mới tìm ra vùng đất mới. Nếu rụt rè, e ngại, làm sao có được thành công.

Ngày nay cũng có rất nhiều tấm gương không “ngại núi e sông”; những tấm gương vượt qua những khó khăn trở ngại để đạt tới mục tiêu cao đẹp. Bạch Đình Vinh bị tai nạn bất ngờ trở nên tàn phế, liệt toàn thân, không nói được. Nhưng chỉ với hai ngón tay còn cử động được, anh vẫn nhấn được bàn phím máy tính và vẫn hy vọng trở thành người có ích. Anh đã luyện tập, đã nỗ lực phi thường để tiếp tục hoàn thành chương trình cử nhân Công nghệ thông tin Trường Đại học Bách khoa. Anh vẫn tiếp tục vươn lên và đã trở thành một chuyên gia phần mềm được giới công nghệ thông tin thừa nhận. Dẫu ngồi trên xe lăn, dẫu nói vẫn khó khăn ngọng nghịu, Bạch Đình Vinh đã trở thành một người có ích.

Trong thời đại khoa học phát triển, con người có thể bay trong mây, lướt theo gió, lên thăm chị Hằng trên cung trăng... Con người cũng đã có thể sống trong nước, lặn xuống thủy cung của vua Thủy Tề. Vị thuốc cải tử hoàn sinh tuy chưa có trong thực tế, nhưng các thầy thuốc ngày nay đã có thể ứng dụng nhiều thành tựu khoa học của thời đại, kết quả của ý chí con người trên hành trình chinh phục tự nhiên!

Rõ ràng là với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, con người mới vượt qua khó khăn trở ngại để đạt được những kết quả mong muôn. Hãy dồn thêm nghị lực để cố gắng vượt lên, đó chính là điều mà nhà văn - thầy giáo Nguyễn Bá Học mong muốn thế hệ trẻ Việt Nam trong nhừng năm đầu thế kỉ hai mốt, với hi vọng họ sẽ làm rạng rỡ non sông, đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Đó cũng chính là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn thế hệ trẻ Việt Nam:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”.

Viết bình luận