Soạn bài: Bài 26 - Luyện tập lập luận giải thích

Đề văn: Một nhà văn có nói: “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người". Hãy giải thích nội dung câu nói đó.

Bài tham khảo

Mở bài: Đã có nhiều người nói về giá trị của sách trong đời sống xã hội. Trong số những người đó, có một nhà văn nhận định: “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người”. Chúng ta cần tìm hiểu xem vì sao nhà văn này lại có thể nói như thế và điều nhận định của ông có xác đáng hay không?

Thân bài: Nói về sách, trước hết ta cần thấy rõ đó là một thứ sản phẩm tinh thần do con người tạo ra. Vì thế mà nhà văn này coi sách như là “ngọn đèn sáng” là rất đúng. Tuy nhiên ta cũng cần nhấn mạnh thêm: ngọn đèn sáng này luôn lung linh ngọn lửa trí tuệ. Nhưng sao sách lại là “ngọn đèn bất diệt”. Nói “bất diệt” là nói đến sức sống muôn đời của sách. Con người đã viết ra hàng trăm triệu, hàng ngàn triệu cuốn sách và mãi mãi còn tiếp tục viết thêm. Cái kho sách của nhân loại cứ đầy lên, cứ lớn thêm không ngừng. Những cuốn sách hay trong cái kho vô tận đó cứ mãi mãi sống trong lòng người đọc. Vì thế mà ngọn đèn lung linh ngọn lửa trí tuệ này trở nên bất diệt. Ví dụ như Truyện Kiều của Nguyễn Du mãi mãi làm rung động trái tim con người vì những nỗi đau mà nó nói đến. Đó là nỗi đau của người thiếu nữ có nhan sắc, tài hoa nhưng lại bị dày xéo chà đạp:

Xưa sao phong gấm, rủ là

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

Tình yêu đầu đời của nàng bị phá vỡ. Gia đình nàng vô cớ mắc oan khiên. Nàng phải bán mình chuộc cha và cũng từ đó phải dấn thân vào chốn lầu xanh, đem nhan sắc ra để mua vui cho kẻ nhiều tiền. Ngoài cảnh khổ ở chốn lầu xanh nhơ nhớp ra nàng còn bị đánh đập, đọa đầy, sỉ nhục do lòng ghen tuông ganh ghét của mụ Hoạn Thư thâm hiểm. Nàng còn là nạn nhân của tổng đốc trọng thần Hồ Tôn Hiến xảo quyệt lọc lừa, đến mức phải nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn... Cuộc đời Kiều là một bi kịch mà lớp lớp đau thương cứ như sóng dữ xô tràn lên số phận của nàng.

Nói về văn học dân gian thì ca dao, dân ca mãi mãi còn làm ta xao xuyến trước những vần thơ duyên dáng, trữ tình:

- Trầu này trầu tính, trầu tình

Ăn vào cho đỏ môi mình môi ta

- Yêu nhau, dẫu đứng từ xa

Con mắt liếc lại, bằng ba đứng gần...

- Ai đi đường ấy xa xa

Để em ôm bóng trăng tà năm canh...

Nhìn ra khỏi giới hạn của đất nước mình, ta thấy các tác phẩm của các nhà văn lớn như Lép-tôn-xtôi, V.Huy-gô, Đích-ken, An-đéc-xen, Mác-xim Goóc-ki... cũng mãi mãi là những ngọn lửa sáng trong văn học thế giới.

Ngoài kho tàng văn học ra, sách còn là kho kiến thức vô tận về các bộ môn khoa học tự nhiên, giúp cho con người học tập, mở mang trí tuệ, tiến lên chinh phục thiên nhiên và làm cho cuộc sống ngày càng văn minh trên cơ sở phát triển của kĩ thuật hiện đại.

Tóm lại, ta thấy ý kiến của nhà văn trên quả là chí lí. Câu nói của ông cũng là lời đề cao sách, tôn vinh sách, giúp cho mọi người thấy rõ thêm vị trí của sách trong đời sống của nhân loại. Câu nói này cũng tương tự như câu: “Sách là người bạn lớn của con người”.

Kết bài: Câu nói “Sách là ngọn đèn sáng bất diệt của trí tuệ con người” đã giúp em nhận thức rõ vấn đề: muốn thực sự tiến bộ thì học ở trường là cần nhưng chưa đủ, mà còn phải tìm thêm nhiều sách để đọc. Tất nhiên, khi đọc sách mỗi người cũng phải biết chọn lựa: đọc các cuốn sách hay, sách tốt, hợp với tầm vóc hiểu biết của mình và kiên quyết gạt bỏ những cuốn sách dở, sách có nội dung xấu xa, không lành mạnh.

Viết bình luận