Soạn bài: Bài 12 - Tổng kết về từ vựng (luyện tập tổng hợp)

Bài tập 1

Hai dị bản của câu ca dao có điểm khác biệt là dị bản thứ nhất dùng từ gật đầu, dị bản thứ hai dùng từ gật gù.

Gật đầu: cúi đầu xuống rồi ngẩng lên biểu lộ sự đồng ý hay để chào hỏi. Còn gật gù là gật đầu nhẹ và nhiều lần biểu thị thái độ đồng tình, tán thưởng.

Như thế, từ gật gù thể hiện xác hợp hơn ý nghĩa cần biểu đạt. Tuy món ăn đạm bạc nhưng đôi vợ chồng nghèo ăn rất ngon miệng và họ biết chia sẻ những niềm vui nhỏ bé đơn sơ trong cuộc sống thường nhật.

Bài tập 2

Các sự vật và hiện tượng trong đoạn văn trích được đặt tên theo cách dùng từ ngữ có sẵn với một nội dung mới dựa vào đặc điểm của sự vật, hiện tượng được gọi tên.

Năm ví dụ về những sự vật, hiện tượng được gọi tên theo cách dựa vào đặc điểm riêng của chúng là:

- Cá kiếm (cá cảnh nhiệt đới cỡ nhỏ, đuôi dài và nhọn như cái kiếm)

- Cá kim (cá biển có mồm dài và nhọn như cái kim)

- Cá kìm (cá biển có hàm dưới nhô ra, nhỏ và như cái kìm)

- Chè móc câu (chè búp ngon, cánh sàn, nhỏ và cong như hình cái móc câu)

- Ớt chỉ thiên (ớt quả nhỏ, quả chỉ thẳng lên trời)

Bài tập 3

Câu chuyện trên phê phán thói sính dùng từ nước ngoài của một số người.

Bài tập 4

Câu hỏi Thưa thầy trước khi tìm ra khí ôxi, người ta thở bằng khí gì ạ? lại gây cười là vì người hỏi không hiểu nghĩa của từ tìm.

- Tìm là cố gắng để thấy được, để có được cái đã nằm ở đâu đó. Như thế, không phải từ khi người ta tìm ra khí ôxi thì khí ôxi mới tồn tại.

- Phát hiện là tìm thấy cái chưa biết nhưng trước đó đã có.

- Phát minh là tạo ra cái có ý nghĩa lớn đối với con người mà trước đó chưa hề có. Người ta nói Ông ấy phát hiện ra châu Mĩ chứ không thể nói: Ông ấy phát minh ra châu Mĩ. Nhưng có thể nói Ông ấy phát minh ra bóng đèn điện. Còn nói Ông ấy phát hiện ra bóng đèn điện thì lại khác.

Bài tập 5

Người vợ không hiểu được nghĩa của cách nói “chỉ có một chân sút”. “Chỉ có một chân sút” là chỉ thuận có một chân nghĩa là chỉ có một chân có thể sút mạnh và trúng.

Bài tập 6

Phân tích nét nổi bật của việc dùng từ:

a) Biện pháp nói quá thể hiện sự lớn mạnh của nghĩa quân Lam Sơn.

b) Những từ láy: nao nao, nho nhỏ, sè sè, rầu rầu trong đoạn thơ tả cảnh ngụ tình vừa tả hình dáng sự vật vừa thể hiện tâm trạng của con người.

c) Biện pháp so sánh miêu tả sắc nét và sinh động âm thanh của tiếng suối và cánh rừng dưới đêm trăng.

d) Khéo dùng các từ: đỏ, xanh, hồng, ánh, lửa, cháy, tro tạo thành hai trường từ vựng: chỉ màu sắc, và chỉ lửa cùng những sự vật hiện tượng có quan hệ liên tưởng với lửa. Hơn nữa, các từ trong hai trường từ vựng trên lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Màu áo đỏ của cô gái đã thắp lên trong mắt chàng trai (và những người khác) ngọn lửa, ngọn lửa đó cháy lên lan tỏa làm anh đắm say, ngất ngây (cháy thành tro) và lan ra cả không gian làm không gian cũng đổi sắc (cây xanh như cũng ánh hồng).

Ngoài ra bài thơ còn sử dụng những cặp từ ngữ đối lập: cây xanh / ánh hồng; em đi / anh đứng.

Nhờ vậy, bài thơ tạo được hình ảnh gây ấn tượng mãnh liệt với người đọc, qua đây thể hiện đặc sắc và độc đáo một tình yêu cháy bỏng nồng nhiệt.

Bài tập 7

Những từ được dùng theo nghĩa gốc: miệng, chân tay.

Những từ được dùng theo nghĩa chuyển: vai (hoán dụ), đầu (ẩn dụ).

Viết bình luận