Soạn bài: Bài 10 - Bài thơ về tiểu đội xe không kính
I. ĐÔI NÉT VỀ TÁC GIẢ, TÁC PHẨM
Phạm Tiến Duật sinh năm 1941, quê ở tỉnh Phú Thọ. Ông là nhà thơ quân đội trưởng thành trong thời kháng chiến chống Mĩ.
Tác phẩm chính: Vầng trăng - quầng lửa (1970), Thơ một chặng đường (1971), Ở hai đầu núi (1981).
Thơ Phạm Tiến Duật giọng ngang tàng, có cả chất nghịch ngợm, sôi nổi và tươi trẻ. Ông cũng có nhiều tìm tòi, khai thác chất liệu hiện thực của đời sống chiến tranh, đưa vào thơ những hình ảnh chi tiết rất thực làm giàu thêm cho chất liệu thi ca.
Bài thơ về tiểu đội xe không kính rút từ tập thơ Vầng trăng - Quầng lửa của tác giả. Đây cũng chính là bài thơ trong chùm thơ được tặng giải nhất cuộc thi thơ của báo Văn nghệ năm 1969.
Bài thơ về tiểu đội xe không kính với một hình ảnh độc đáo sáng tạo: Những chiếc xe không kính làm nổi bật lên hình ảnh những người lính lái xe Trường Sơn hiên ngang, dũng cảm, trẻ trung, sôi nổi.
1. Hình tượng những chiếc xe không kính, nét độc đáo của bài thơ
Để làm nổi bật hình ảnh những người lính lái xe trẻ trung, hiên ngang, dũng cảm và sôi nổi ở tuyến đường Trường Sơn, Phạm Tiến Duật đã sáng tạo một hình ảnh thật độc đáo: đó là những chiếc xe không kính chắn gió vẫn băng băng trên đường ra trận. Nó là thật độc đáo là vì lần đầu tiên một hình ảnh thực, thực đến trần trụi như vậy được đưa vào thơ ca. Trước đó, dù là chiếc xe tam mã của Puskin hay con tàu của Chế Lan Viên trong Tiếng hát con tàu cũng đều được mĩ lệ hóa, thi vị hóa đi rồi. Ngay cả vì sao xe không kính? Nhà thơ cũng giải thích rất thực:
Không có kính, không phải vì xe không có kính.
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi.
Hai câu thơ rất gần với lời nói, giống như câu văn xuôi tạo được cái giọng ngang tàng, coi thường khó khăn, bất chấp hiểm nguy của các anh lính lái xe. Nhà thơ đã đưa được một giọng điệu khác lạ vào thơ nên gây được sự chú ý của mọi người yêu thơ.
Trong chiến tranh, bom đạn còn có thể tàn phá những chiếc xe ấy nhiều hơn nữa:
Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước.
Hình ảnh những chiếc xe không kính ấy tuy thường gặp trong chiến tranh, nhưng không phải ai cũng nhận ra được chất thơ của nó. Phải nhạy cảm với nét ngang tàng tinh nghịch như Phạm Tiến Duật mới đưa được hình ảnh đó vào thơ và thành công như ta đã thấy.
2. Hình ảnh những chiến sĩ lái xe
Chính trong điều kiện thiếu thốn những điều kiện vật chất tối thiểu đó ta thấy nổi bật lên lồng lộng hình ảnh người lính ngồi trong tư thế hiên ngang vững chãi:
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Qua khung cửa xe thiếu kính chắn gió, anh lính lái xe lại có dịp tiếp xúc thẳng với thế giới bên ngoài:
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.
Khổ thơ diễn tả chân thực cảm giác về tốc độ trên một xe không kính chắn gió lao nhanh. Người lính lái xe ở đây coi thường khó khăn, gian khổ, hiểm nguy của chiến trường nên giọng cứ ngang tàng tếu táo: Không có kính, ừ thì có bụi. Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc. Không có kính ừ thì ướt áo... Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa... Các anh sôi nổi, lạc quan và vui nhộn: Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha, bắt tay qua cửa kính vỡ rồi. Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời, chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy, võng mắc chông chênh đường xe chạy...
Bởi vậy, chiếc xe bị bom đạn tàn phá: Không có kính, rồi không có đèn, không có mui xe, thùng xe bị xước... vậy mà kì diệu thay, chiếc xe ấy vẫn băng băng trên đường trận. Nhà thơ giải thích thật bất ngờ, thú vị mà xác đáng biết bao:
Chỉ cần trong xe có một trái tim
Chính ý chí chiến đấu để giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, chính tình yêu nước nồng nàn và mãnh liệt của tuổi trẻ đã làm nên sức mạnh diệu kì giúp họ coi thường gian khổ, bất chấp cả hiểm nguy như thế.
Về ngôn ngữ và giọng điệu của bài thơ, ai cũng thấy nhiều câu gần gũi với lời nói thường ngày đậm chất văn xuôi. Giọng điệu ngang tàng, nghịch ngợm thể hiện tư thế và tính cách hiên ngang, coi thường hiểm nguy, gian khổ của các anh lính lái xe đường Trường Sơn.
Bài thơ về tiểu đội xe không kính đã thành công trong việc khắc họa hình ảnh anh lính lái xe trên đường Trường Sơn đầy gay go thử thách, một lực lượng tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Giọng điệu trẻ trung, tinh nghịch gắn với những lời nói trong sinh hoạt thường nhật và đặc biệt là cách hình tượng thơ mới mẻ độc đáo đã thể hiện rõ phong cách thơ riêng của Phạm Tiến Duật, một trong những nhà thơ tiêu biểu cho phong trào thơ trẻ những năm kháng chiến chống Mĩ.
Ghi nhớ: Bài thơ đã sáng tạo một hình ảnh độc đáo: những chiếc xe không kính, qua đó khắc họa nổi bật hình ảnh người lính lái xe ở Trường Sơn trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước, với tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm, bất chấp khó khăn nguy hiểm, niềm sôi nổi của tuổi trẻ và ý chí chiến đấu giải phóng miền Nam. Tác giả đã đưa vào bài thơ chất liệu hiện thực sinh động của cuộc sống ở chiến trường, cùng với ngôn ngữ và giọng điệu giàu tính khẩu ngữ tự nhiên, khỏe khoắn. |
BÀI ĐỌC THÊM
Là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ nhà thơ trẻ những năm kháng chiến chống Mĩ: xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Mà lòng phơi phới dậy tương lai, Phạm Tiến Duật có một giọng điệu thơ khoẻ khoắn, tự nhiên dạt dào sức sống, rất tinh nghịch, vui tươi mà lại giàu chất suy tưởng: Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một bài thơ như thế của ông.
Nổi bật lên trong bài thơ là hình ảnh những chiếc xe không kính. Đây cũng chính là nguồn cảm hứng độc đáo của nhà thơ. Càng độc đáo hơn nữa là tiểu đội xe không kính. Hình ảnh này có sức hấp dẫn đặc biệt vì nó chân thực mà mới lạ. Xưa nay, hình ảnh xe cộ đi vào thơ ca thường được mĩ lệ hóa hoặc mang tính chất tượng trưng, ước lệ chớ chẳng mấy khi được miêu tả một cách cụ thể và chi tiết như lần này. Bom đạn của chiến tranh ác liệt đã khiến cho những chiếc xe không chỉ không có kính, mà còn trần trụi hơn nữa không có đèn, không có mui xe, thùng xe bị xước...
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kinh vỡ đi rồi
Đây vốn là một hình ảnh chân thực, có thực không phải là hiếm trong chiến tranh trên tuyến đường Trường Sơn đầy lửa đạn. Nhưng phải thật sự là một chiến sĩ, một nghệ sĩ nhạy cảm sống thực tế gần gũi với các chiến sĩ lái xe thì mới phát hiện ra chất thơ của hình ảnh ấy để đưa vào nghệ thuật thơ ca được.
Nhà thơ miêu tả những chiếc xe không kính là nhằm mục đích nêu bật lên hình ảnh những người lái xe trên đó. Tuy công việc đầy hiểm nguy gian khổ, nhưng những anh chiến sĩ trẻ này dưới bom đạn vẫn một tư thế ung dung lạc quan và tươi trẻ. Nhà thơ miêu tả những cảm xúc rất cụ thể của họ khi ngồi trên chiếc xe không có kính:
“Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa như ùa vào buồng lái”
Những câu thơ tuy có nhịp điệu nhanh gấp mà vẫn nhịp nhàng đều đặn dễ khiến người đọc liên tưởng đến nhịp tiếng bánh xe lăn bon bon trên đường dài. Có thật sự ung dung nhìn đất, nhìn trời không chút lo âu, hốt hoảng thì anh chiến sĩ trẻ của chúng ta mới có thể nhìn và thấy đầy đủ như thế. Anh từ nhìn thấy gió, nhìn thấy con đường đến nhìn thấy cả sao trời và cánh chim... từ buồng lái đã vỡ hết kính chắn gió Gió vào xoa mắt đắng. Làn gió ùa vào như để làm giảm đi vị đắng nơi mắt. Mắt đắng là vì mắt đã thức nhiều đêm để lái xe liên tục từ đêm này sang đêm khác. Tất cả thế giới bên ngoài ấy đã ùa vào buồng lái của anh với tốc độ làm chóng mặt. Đó là những cảm giác rất mạnh và đột ngột cảm nhận được trên một chiếc xe chạy nhanh và không có kính chắn gió. Cũng chính vì xe bon nhanh nên mặt đường tưởng như chạy ngược về phía người lái và trở thành: Con đường chạy thẳng vào tim một liên tưởng đẹp biết bao! Nhất là hình ảnh những cánh chim đến “đột ngột” ùa vào buồng lái thật sinh động và gợi cảm. Điều này cho thấy một hồn thơ bén nhạy dễ xúc động trước nét đẹp của đời thường.
Trong tư thế hiên ngang chủ động ấy, anh chiến sĩ lái xe bình thản coi thường mọi khó khăn nguy hiểm và gian khổ.
Không có kinh, ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha
Cũng vậy các câu thơ tiếp theo có ngôn ngữ đậm chất văn xuôi gần với lời nói thường ngày:
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa mau khô thôi!
Một giọng điệu tự tin pha chút ngang tàng thể hiện trong các cấu trúc lặp lại (không có... ừ thì... chưa cần). Phong cách ấy chính là tính cách bất chấp khó khăn, coi thường nguy hiểm và gian khổ, các anh chiến sĩ lái xe trẻ trên đường Trường Sơn. Dường như mọi thứ ấy không ảnh hưởng mảy may nào đến tinh thần của họ. Trái lại, họ đã xem đây là cơ hội thử thách sức mạnh ý chí của mình. Các anh còn là những chàng trai trẻ sôi nổi vui nhộn và lạc quan thể qua cái nhìn Bụi phun tóc trắng như người già và đặc biệt là tiếng cười sảng khoái đầy trẻ trung, hồn nhiên và yêu đời: Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha tuy là sinh hoạt từ cái ăn, cái ngủ bình thường của các anh đều có tính tạm bợ, cô đọng nhiều gian khổ:
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Võng mắc chông chênh đường xe chạy
Lại đi, lại đi, trời xanh thêm.
Trời xanh thêm phải chăng bởi vì lòng người đã phơi phới thêm, say mê thêm trước chặng đường đã đi, những chặng đường đang đến.
Cái gì đã làm thêm sức mạnh ấy? Đấy chính là ý chí chiến đấu để giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là tình yêu nước nồng nàn của tuổi trẻ Việt Nam thời đánh Mĩ.
Khổ thơ cuối cùng, sau đó, như một lời kết luận có tính khái quát:
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Đây cũng là sự đối lập giữa hai mặt vật chất và tinh thần, giữa vẻ bên ngoài và bên trong chiếc xe. Tuy bị bom đạn Mĩ làm cho biến dạng: Không có kính, không có mui xe, thùng xe bị xước nhưng chiếc xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước vẫn băng băng thẳng ra tiền tuyến. Nhà thơ lí giải về điệu ấy thật bất ngờ mà cũng chí lí biết bao: Chỉ cần trong xe có một trái tim. Đó là trái tim nồng nàn yêu nước, sôi nổi yêu đời, một trái tim dũng cảm. Một cái có ấy đủ sức để đương đầu với bao nhiêu là cái không có đã kể trên.
Câu thơ cuối cùng lắng đọng, kết tinh ánh lên lời giải thích cho cả bài thơ đẹp.
Bài thơ về tiểu đội xe không kính thông qua hình ảnh độc đáo của những chiếc xe không kính chắn gió để khắc họa và ngợi ca hình ảnh các chiến sĩ lái xe đường Trường Sơn nói riêng và cả thế hệ trẻ trong thời kì chống Mĩ cứu nước nói chung.
Cuộc kháng chiến đã thành công hơn hai mươi năm qua, nhưng bài thơ này đủ sức làm sống lại khung cảnh hào hùng của một thời bằng những hình ảnh chân thực sinh động và độc đáo bằng cả nhịp thơ nhanh vui khỏe khoắn, tự nhiên, tràn ngập sức sống rất tinh nghịch mà lại giàu chất suy tưởng.
(Trần Ngọc Hưởng)