Soạn bài: Tuần 8 - Thao tác lập luận so sánh

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. So sánh và lập luận so sánh

- So sánh như một biện pháp tu từ giúp người đọc hình dung rõ hơn một điều gì đó (đưa một điều mà người ta đã biết để nói một điều người ta chưa biết, đưa một điều cụ thể để giúp người ta hình dung ra một điều trừu tượng,...).

- So sánh như một thao tác lập luận là so sánh (đối chiếu) để làm sáng tỏ, làm vững chắc hơn lập luận của mình.

- Luận điểm chính trong đoạn văn trích từ bài Nguyễn Du hay lòng một người Anh (trong Tuyển tập Chế Lan Viên) là: Truyện Kiều nâng cao lịch sử thơ ca, Chiêu hồn mở rộng địa dư thơ ca vào tận cõi chết.

Để thuyết phục người đọc, Chế Lan Viên đã đưa ra hàng loạt những so sánh có tính tăng cấp:

+ Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc nói về một hạng người (một nói về người phụ nữ có chồng ra trận, một nói về người cung nữ bị vua lạnh nhạt).

+ Truyện Kiều nói đến một xã hội loài người (từ những giai nhân tài tử đến bọn lưu manh gian ác, từ quan võ, quan văn, đại thần đến lính tráng, từ kẻ dân thường, thầy tu, thầy cúng đến những kẻ anh hùng đội trời đạp đất,...) .

+ Đến Văn chiêu hồn, ta thấy "cả loài người được bàn đến" trong lúc sống lẫn lúc chết.

2. Cách lập luận so sánh

a) Lập luận so sánh tương đồng: là chỉ ra những nét giống nhau giữa đối tượng được bàn luận với đối tượng khác nhằm làm nổi bật đặc điểm của đối tượng đang được bàn tới.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của mình bằng việc dẫn lời văn trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mĩ nhằm đưa đến kết luận: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Như thế, Bác đã lấy chính những quyền đã nêu trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mĩ để làm tiêu chí so sánh.

- Lập luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất vững chắc và lô gích:

+ Nước Mĩ có Quyền tự do, bình đẳng và quyền mưu cầu hạnh phúc. Việt Nam là một quốc gia, vậy tất cũng có những quyền trên như nước Mĩ.

+ Sự so sánh đó của Hồ Chí Minh dựa trên một văn bản được chính nước Mĩ thừa nhận (cũng như cả thế giới đã thừa nhận). Lập luận so sánh đó đã làm nổi bật được nét tương đổng quan trọng giữa nước Việt Nam và nước Mĩ. Nó góp phần khẳng định chắc chắn quyền được hưởng tự do, độc lập của người Việt Nam.

b) Lập luận so sánh tương phản: là chỉ ra sự khác nhau giữa hai hay nhiều sự vật.

- Nhận xét về Tắt đèn và Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân có câu viết: "Làm sao trong đêm tối ngày xưa đó, Ngô Tất Tố đã mò ra được những thực tế đó và trong đêm tối, ông lụi hụi thắp được bó hương mà tự mình soi đường cho nhân vật mình đi?". Câu nói của Nguyễn Tuân chứa một sự so sánh khá lí thú. Ngô Tất Tố viết Tắt đèn trước Cách mạng tháng Tám khi tư tưởng chủ nghĩa Mác chưa được truyền bá rộng rãi (nói một cách hình ảnh là "trong đêm tối ngày xưa"). Thế nhưng ông đã dùng tác phẩm để "soi đường" cho nhân vật của mình đi đúng hướng. Cả câu này nhằm mục đích nêu tiêu chí (giá trị soi đường) để so sánh.

- Nguyễn Tuân đã so sánh tác giả của Tắt đèn với hai loại người:

+ Loại chủ trương cởi lương hương ấm. Họ cho rằng chỉ cần cải cách những hủ tục, đời sống nhân dân sẽ được nâng cao.

+Loại người hoài cổ. Họ cho rằng, chỉ cần trở về với cái cuộc sống thuần phác ngày xưa (với ngư, tiều, canh, mục) đời sống nhân dân sẽ được cải thiện.

- Mục đích của sự so sánh: Từ việc phân tích sự ảo tưởng của hai loại người trên, tác giả làm nổi bật cái đúng của Ngô Tất Tố, đó là người nông dân phải đứng lên chống lại những kẻ áp bức, bóc lột mình. Đây là sự so sánh có tính chất tương phản.

- Khi so sánh phải xác định được tiêu chí rõ ràng (so sánh ở mặt nào, điểm nào) và kết luận rút ra phải liên quan đến tiêu chí đó.

+ Ví dụ trong đoạn văn của Hổ Chí Minh, nước ta có quyền được hưởng độc lập, tự do, bình đẳng như các nước khác, đây là tiêu chí về sự tương đồng.

+ Hoặc theo Nguyễn Tuân, giá trị soi sáng con đường nông dân phải đi của Tắt đèn cao hơn tác phẩm của những người theo chủ nghĩa cải lương hoặc theo khuynh hướng hoài cổ. Nguyễn Tuân chỉ chú ý nhấn mạnh mặt này, trong khi đó các mặt khác của tác phẩm như sự đa dạng phong phú của cảnh đời, sức hấp dẫn của lời văn,... thì tác giả lại không đề cập tới.

II - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Trong đoạn trích (SGK, tr.81), tác giả đã khẳng định nước Đại Việt ta (ở phía Nam) có tất cả những điều mà nước Đại Minh (phía Bắc) có như văn hoá, lãnh thổ, phong tục, chính quyền, hào kiệt,... Đó là những điểm tương đồng giữa hai nước, đồng thời Nguyễn Trãi cũng nhấn mạnh sự khác biệt giữa nước ta với Trung Hoa trên các mặt:

- Văn hoá (Vốn xưng nền văn hiến đã lâu).

- Lãnh thổ (Núi sông bờ cõi đã chia).

- Phong tục (Phong tục Bắc Nam cũng khác).

- Chính quyền riêng (Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần, bao đời gây nền độc lập - Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên xưng đế một phương).

- Hào kiệt (Song hào kiệt đời nào cũng có).

2. Chính những điểm khác nhau đó chứng tỏ Đại Việt là một nước độc lập, tự chủ. Ý đồ muốn thôn tính, sáp nhập Đại Việt của Bắc triều là hoàn toàn trái với đạo lí, là không thể chấp nhận được.

3. Đây là một đoạn văn so sánh mẫu mực, có sức thuyết phục cao. Trên cơ sở nêu ra những nét giống và khác nhau, tác giả đã dẫn dắt người đọc đi đến một chân lí, đó là sự tồn tại độc lập của hai quốc gia, không thể hoà lẫn được. Mục đích lập luận của nhà văn đã đạt được hiệu quả.

Viết bình luận