Soạn bài: Tuần 23 - Những đứa con trong gia đình

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nguyễn Thi (1928 - 1968), tên khai sinh là Nguyễn Hoàng Ca, quê ở xã Quần Phương Thượng, nay là xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Mồ côi cha sớm, mẹ đi bước nữa, Nguyễn Thi phải chịu vất vả, tủi cực từ nhỏ. Năm 1943, ông vào Sài Gòn vừa đi làm vừa tự học. Năm 1945, ông tham gia cách mạng vừa chiến đấu, vừa hăng hái hoạt động văn nghệ.

Năm 1954, Nguyễn Thi tập kết ra Bắc, công tác ở toà soạn tạp chí Văn nghệ quân đội một thời gian rồi lại tình nguyện vào Nam đánh giặc. Ông hi sinh anh dũng ở mặt trận Sài Gòn trong chiến dịch tết Mậu Thân 1968. Cuộc đời đầy éo le đã tạo nên ở Nguyễn Thi một tâm hồn giàu suy tư, hiểu đời, hiểu người sâu sắc. Ông đặc biệt gắn bó với nhân dân miền Nam bằng một tình cảm thuỷ chung ân nghĩa mà ông muốn trút cả vào trong trang viết của mình.

Sáng tác của Nguyễn Thi gồm nhiều thể loại: bút kí, truyện ngắn, tiểu thuyết. Tất cả trước tác được in trong tập Truyện và kí xuất bản năm 1978.

2. Những đứa con trong gia đình là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của Nguyễn Thi với chủ đề ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ. Truyện được in trong tập Truyện và kí của Nguyễn Thi (xuất bản năm 1978).

Truyện thể hiện thấm thìa và cảm động những tình cảm thiêng liêng và bền chặt gắn bó những con người trong một cộng đồng từ gia đình đến quê hương, Tổ quốc. Đó cũng là nguồn sức mạnh to lớn khiến dân tộc ta có thể vượt qua nỗi đau lớn nhất để tồn tại và chiêh thắng trong cuộc chiến.tranh giải phóng dân tộc lâu dài và hết sức gian nan.

Văn Nguyễn Thi chi tiết cụ thể, gợi được không khí và rất có hồn. Ngôn ngữ tác phẩm phong phú, tinh tế, đầy giá trị tạo hình và đậm chất Nam Bộ. Lời nhân vật được cá thể hoá rất rõ nhưng không hề lạm dụng tiếng nói địa phương, không làm mất đi tính trong sáng và chuẩn mực của ngôn ngữ văn học.

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HlỂU VĂN BẢN

1. Tác phẩm được trần thuật chủ yếu qua dòng hồi tưởng miên man, đứt nối của nhân vật Việt khi bị trọng thương nằm lại ở chiến trường. Cách thức trần thuật này đã đem đến cho tác phẩm màu sắc trữ tình đậm đà, tự nhiên, sống động, đồng thời cũng tạo điều kiện cho nhà văn có thể nhập sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật để dẫn dắt câu chuyện. Diễn biến của câu chuyện chính vì thế mà hết sức linh hoạt, không phụ thuộc vào trật tự thời gian tuyến tính mà có thể xáo trộn không gian, thời gian, từ những chi tiết ngẫu nhiên của hiện thực chiến trường mà gợi ra những dòng hồi tưởng, liên tưởng đến quá khứ, khi gần khi xa, từ chuyện này sang chuyện khác hết sức tự nhiên của nhân vật.

2. Tác phẩm kể chuyện một gia đình nông dân Nam Bộ với hình tượng những con người có truyền thống yêu nước. Chính truyền thống này đã gắn bó họ với nhau. Đó đều là những con người gan góc, dũng cảm, khao khát được chiến đấu để giết giặc. Họ không chỉ căm thù giặc sâu sắc mà còn rất giàu tình nghĩa, thuỷ chung, son sắt với cách mạng và quê hương.

3. Nhân vật Chiến có những phẩm chất được kế thừa từ người mẹ: gan góc, đảm đang, tháo vát. Đó cũng là một tính cách đa dạng: vừa là một cô gái mới lớn, tính khí còn rất trẻ con, vừa là người chị biết nhường em, lo toan, đảm đang, tháo vát. So với mẹ, Chiến không chỉ khác biệt ở vẻ bề ngoài trẻ trung, thích làm duyên làm dáng mà vận hội mới của cách mạng đã tạo điều kiện cho Chiến được trực tiếp cầm súng đánh giặc để trả thù nhà, thực hiện lời thề của mình: "Đã là thân con gái ra đi thì tao chỉ có một câu: nếu giặc còn thì tao mất".

Nhân vật Việt xuất hiện nhiều nhất trong tác phẩm. Tác giả đã để nhân vật tự kể về mình bằng một ngôn ngữ, nhịp điệu, giọng điệu riêng. Vì vậy, Việt hiện lên cụ thể, sinh động, vừa là cậu con trai mới lớn, vừa là một chiến sĩ gan góc, dũng cảm, kiên cường. Nếu Chiến luôn biết nhường nhịn em thì trái lại, Việt lại hay tranh giành phần hơn với chị. Mọi việc trong nhà Việt đều phó thác cho chị. Đêm trước ngày lên đường, Chiến lo toan thu xếp chu đáo việc nhà thì Việt vẫn vô tư "lãn kềnh ra ván cười khì khì", vừa nghe vừa "chụp một con đom đóm úp trong lòng bàn tay" rồi ngủ quên lúc nào không biết. Cách thương chị của Việt cũng rất trẻ con, "giấu chị như giấu của riêng" vì sợ mất chị trước những lời tán tỉnh đùa tếu của anh em. Việt bị thương nằm lại ở chiến trường, đến khi được gặp đồng đội thì cũng giống hệt như thằng út em ở nhà "khóc đó rồi cười đó",... Tuy nhiên, Việt cũng mang trong mình tư thế của người chiến sĩ trẻ dũng cảm, kiên cường. Dòng máu nóng chảy trong người Việt là dòng máu gia truyền của những con người gan góc, không bao giờ biết sợ hãi, khuất phục trước bạo tàn. Khi còn nhỏ Việt đã dám xông thẳng vào thằng giặc đã giết hại cha mình. Khi xung trân, Việt đã chiến đấu rất dũng cảm. Khi bị trọng thương, một mình nằm giữa chiến trường, vẫn ở trong tư thế chờ tiêu diệt giặc: "Tao sẽ chờ mày! Trên trời có mày, dưới đất có mày, cả khu rừng này còn có mình tao. Mày có bắn tao thì tao cũng bắn được mày. Nghe súng nổ, các anh tao sẽ chạy tới đâm mày! Mày chỉ giỏi giết gia đình tao, còn đối với tao thì mày là thằng chạy". Những phẩm chất anh hùng được biểu hiện sinh động, chân thực, trở thành thước đo quan trọng nhất về phẩm cách con người của nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Thi.

4. Gợi ý:

- Vấn đề được tác giả đề cập trong tác phẩm là truyền thống của một gia đình, cụ thể ở đây là truyền thống yêu nước, yêu độc lập tự do, kiên quyết đấu tranh chống giặc chứ nhất định không chịu làm nô lệ. Câu chuyện xoay quanh số phận những con người trong một gia đình ở Nam Bộ, đặc biệt là số phận hai người con của gia đình ấy: Chiến và Việt. Tuy nhiên, vấn đề ấy không chỉ là của riêng gia đình chị em Chiến và Việt mà nó còn là vấn đề chung của mỗi người Việt Nam ở thời điểm đó.

- Nhân vật chính trong truyện là hai chị em Chiến và Việt là những nhân vật tiêu biểu cho lí tưởng chung của dân tộc, gắn bó số phận của mình với số phận đất nước. Ở Chiến và Việt kết tinh những phẩm chất cao đẹp của cả cộng đồng. Hai chị em cùng xung phong "tranh nhau" lên đường chiến đấu. Đó là khí thế sôi nổi chung của thời đại - thanh niên không khao khát gì hơn là rời bút nghiên để lên đường chống Mĩ. Tham gia kháng chiến, hai chị em, đặc biệt là Việt chiến đấu vô cùng anh dũng, quả cấm, xứng đáng là người anh hùng của dân tộc, của thời đại.

- Về nghệ thuật, giọng điệu chính của truyện là giọng ngợi ca, trang trọng. Ngôn ngữ bình dị nhưng vẫn đẹp, vẫn thể hiện được sự hào hùng.

5. Đoạn văn cảm động nhất là đoạn văn tả cảnh hai chị em Chiến, Việt khiêng bàn thờ sang gửi nhà chú Nãm: "Chị Chiến ra đứng giữa sân, kéo cái khăn trên cổ xuống, cũng xắn tay áo để lộ hai bắp tay tròn vo sạm đỏ màu cháy nắng, rồi dang cả thân người to và chắc nịch của mình nhấc bổng một đầu bàn thờ má lên. Việt ghé vào một đầu. Nào, đưa má sang ở tạm bên nhà chú, chúng con đi đánh giặc trả thù cho ba má, đến chừng nước nhà độc lập, con lại đưa má về. Việt khiêng trước. Chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế. Còn mối thù thằng Mĩ thì có thể rờ thấy được, vì nó đang đè nặng ở trên vai". Trong một không khí thiêng liêng, con người bỗng cảm thấy mình trưởng thành và khôn lớn hơn. Một người hồn nhiên, vô tư như Việt, vào chính cái giờ khắc này mới thấy thương chị lạ, mới rờ thấy lòng mình và cảm thấy rất rõ ràng mối thù giặc Mĩ đang đè nặng trên vai. Chi tiết này đã động đến phần tâm linh sâu thẳm, thiêng liêng của cuộc kháng chiến chống Mĩ, thể hiện sự dồn nén, cô đọng cao độ hiện thực cuộc sống và chất chứa những tư tưởng, quan niệm đẹp đẽ của tác giả về cuộc sống và con người.

III - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Đoạn văn diễn tả cuộc đối thoại giữa Chiến và Việt đêm trước ngày lên đường là một đoạn văn đặc sắc, thể hiện sinh động tính cách và cá tính của nhân vật. Cùng rất thương má, cùng mang nặng- mối thù của má, cùng háo hức được cầm súng giết giặc trả thù nhà, nhưng qua đối thoại, mỗi nhân vật lại thể hiện sự khác biệt rõ nét về tính cách của mình. Sự khác biệt đó được quy định bởi giới tính, tâm lí, vị trí, vai trò trong gia đình. Tuy cả hai đều cùng có những nét phẩm cách của trẻ con, nhưng Chiến tỏ ra đã là người lớn, có thể lo toan thu xếp việc nhà, còn Việt vẫn hết sức vô tư, vô tâm.

* Tham khảo (gợi ý phân tích nhân vật Việt và Chiến trong truyện ngắn Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi để thấy rõ truyền thống nổi bật của gia đình này):

Tác phẩm kể chuyện một gia đình gồm: ba má Việt, chú Năm, chị Chiến và Việt. Đó là những con người trong một gia đình cách mạng, gắn bó với nhau trong tình thương yêu ruột thịt và tình yêu nước. Những tình cảm thiêng liêng và bền chặt đó đã gắn bó những con người trong một cộng đồng, từ gia đình đến quê hương, Tổ quốc. Đó là một nguồn mạch có sức mạnh vô cùng to lớn để dân tộc ta chiến đấu và chiến thắng trong cuộc chiến chống ngoại xâm. Câu chuyện có một sợi dây xuyên suốt, đó là truyền thống gia đình - truyền thống yêu nước, đánh giặc. Chú Năm đặc biệt tự hào về truyền thống gia đình với cuốn sổ ghi đầy đủ tội ác của giặc đối với gia đình và chiến công của các thành viên trong gia đình trong đánh giặc. Mẹ Việt thì đúng thực là một người phụ nữ gan góc, rất mực yêu chồng, thương con, đảm đang tháo vát. Cuộc đời đầy lam lũ, vất vả nhưng với lòng căm thù giặc sâu sắc và nhiệt tình cách mạng, bà cắn răng nén chặt nỗi đau của mình để nuôi con, đánh giặc. Sinh ra từ nguồn mạch yêu nước của gia đình, hai chị em Việt cũng vậy, rất quả cảm ngay từ khi còn nhỏ. Và cả hai đều chưa kịp trưởng thành đã xung phong đi đánh giặc.

Nhân vật Chiến có những nét giống mẹ. Giống ở tính gan góc, chăm chỉ (chi tiết chị đánh vần cuốn sổ gia đình của chú Năm,...). Giống ở sự cam đảm và tháo vát (tính toán, lo toan công việc rất chu đáo trước khi lên đường khiến cả Việt lẫn chú Năm đều cảm phục,..). Tuy có lúc rất "trẻ con" (tranh công bắt ếch, công bắn tàu Mĩ, tranh đi tòng quân với em) nhưng vẫn nhớ mình là chị nên cô luôn nhường nhịn em, thương yêu và lo lắng cho em. Chiến có nét duyên dáng của một cô gái đang trưởng thành (lúc nào cũng có cái gương trong túi,..).

Việt là cậu con trai mới lớn lên. Tính ngây thơ trẻ con của nhân vật rất rõ: thích tranh phần với chị, hiếu động (thích bắt ếch, câu cá, bắn chim, đi bộ đội vẫn đem theo cái ná thun). Việt thương chị theo cách rất trẻ con: giấu chị, sợ mất chị, tất cả mọi lo toan đều phó thác cho chị, chưa biết lo nghĩ gì nhiều, chỉ biết đánh giặc trả thù cho má,...

Cả hai chị em Việt đều chung mối thù nhà, đều cùng quyết tâm đánh giặc nhưng tính cách hai nhân vật lại được nhà văn miêu tả theo hai hướng khác nhau rất sinh động. Tính cách và giới tính của cả hai nhân vật được miêu tả thật rõ. Cùng có chất "trẻ con" nhưng một đằng làm ra người lớn, một đằng vẫn vô tâm vô tính, hồn nhiên, ngây thơ...

Đoạn văn tả chị em Việt khiêng bàn thờ má đi có thể xem là đoạn văn xúc động nhất. Đoạn văn rất có không khí, một không khí thiêng liêng trước giờ lên đường. Mối thù và tình mẹ đã được vật chất hoá, trở thành một khối lượng cụ thể trên vai hai chị em. Chưa bao giờ Việt thấy thương chị như vậy. "Việt khiêng trước, chị Chiến khiêng bịch bịch phía sau. Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ. Lần đầu tiên Việt mới thấy rõ lòng mình như thế".

Viết bình luận