Soạn bài: Tuần 22 - Đọc thêm: Bắt sấu rừng U Minh Hạ

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Sơn Nam tên khai sinh là Phạm Minh Tài, sinh ngày 11 - 12 - 1926 tại làng Đông Thới, huyện An Biên, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang).

Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Sơn Nam làm công tác văn nghệ tại khu IX Nam Bộ. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, ông được phân công ở lại Sài Gòn, hoạt động trên lĩnh vực báo chí và vãn chương. Sau ngày miền Nam giải phóng, Sơn Nam chuyên tâm cho sáng tác văn chương cũng như những hoạt động biên khảo.

Các tác phẩm chính: các truyện ngắn Bà chúa Hòn, Chuyện xưa tích cũ, Hương rừng Cà Mau (tập truyện); các truyện vừa Bên rừng cù lao Dung, Tây đầu đỏ; các tập biên khảo Lịch sử khẩn hoang miền Nam, Tìm hiểu đất Hậu Giang, ...

2. Bắt sấu rừng u Minh Hạ là một trong 18 truyện ngắn được tuyển in trong tập truyện Hương rừng Cà Mau (1962). Toàn tập truyện Hương rừng Cà Mau thể hiện sinh động cảnh quan, đời sống, truyền thống lịch sử và phẩm chất tính cách con người ở mảnh đất thuộc miền cực nam của Tổ quốc chúng ta. Nổi bật trên bức tranh dân dã của quê hương đất Mũi là hình ảnh những người nông dân đôn hậu, chất phác, trung thực và dũng cảm.

Bắt sấu rừng u Minh Hạ là một trong những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật của Sơn Nam. Truyện được in lần đầu trên tuần báo Nhân loại (1957).

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Qua tác phẩm, bức tranh thiên nhiên và con người vùng U Minh Hạ đã hiện lên như một bức tranh sống động, đẹp đẽ. Đó là "rừng tràm xanh biếc", những cây cỏ hoang dại như lau sậy, mốp, cóc kèn,... và thật lạ lùng, ở ngọn rạch Cái Tàu có cái ao sấu "nhiều như trái mù u chín rụng". Những con người sống trên vùng đất hoang hoá, dữ dội đó mang trong mình những phẩm chất đẹp đẽ: cần cù, mưu trí, gan góc, can trường, không chỉ có sức sống mãnh liệt mà còn đậm sâu ân nghĩa. Họ thương tiếc những bà con xóm giềng bị hùm tha sấu bắt, họ vượt lên gian khó, hiểm nguy bằng sức mạnh và tài trí của mình: câu sấu bằng lưỡi sắt, móc mồi bằng con vịt sống, bắt sấu tay không, ăn ong, bẫy cọp, săn heo rừng,... Chính những con người nơi đây đã mang lại một sức sống mới cho vùng rừng hoang hoá nơi đất mũi Cà Mau.

2. Tính cách, tài nghệ của Năm Hên đã gây một ấn tượng đặc sắc với người đọc. Đó là "người thợ già chuyên bắt sấu ở Kiên Giang đạo". Nghe đồn đại về cái ao sấu, ông bơi xuồng đến ngọn rạch Cái Tàu với "vỏn vẹn một lọn nhang trần và một hũ rượu". Lọn nhang dùng để tưởng niệm những người đã bị cá sấu bắt, hũ rượu để tăng thêm sự khôn ngoan và sức mạnh bắt cá sấu trừ hoạ cho dân lành. Ông "chuyên bắt sấu trên khô, không cần lưỡi". Ông đào sẵn đường thoát, đốt cháy sậy đế, cóc kèn, sấu bị nung nóng, cay mắt, ngập thở bò lên bị ông đút vô miệng một khúc mốp dính chặt hai hàm răng lại, rồi dùng mác xắn lưng sấu cắt gân đuôi, trói hai chân sau, bắt sấu về. Nghệ thuật miêu tả của Sơn Nam đã dựng lên sống động một hình tượng nhân vật mộc mạc, khiêm nhường nhưng lại vô cùng gan góc, mưu trí.

Bài hát của Năm Hên tưởng nhớ hương hồn những người đã bị cá sấu bắt, chết một cách oan ức, trong đó có người anh ruột của ông. Bài hát đầy khắc khoải ám ảnh da diết tâm hồn người đọc, thể hiện sinh động cuộc sống khắc nghiệt ở vùng đất U Minh, nhiều người phải bỏ thân nơi "đầu bãi cuối gành" vì "manh áo chén cơm", đồng thời cũng cho thấy tấm lòng nặng sâu nghĩa tình đồng loại, đồng bào của nhân vật. Lời hát thể hiện sự xót xa, thương tiếc đầy chân tình của một con người giàu lòng yêu thương.

3. Nghệ thuật kể chuyện, sử dụng ngôn ngữ của Sơn Nam trong tác phẩm đã đạt được những thành công độc đáo. ở điểm nhìn của người trần thuật hàm ẩn, Sơn Nam có lối dẫn chuyện rất thô mộc, tự nhiên mà gọn gàng, sáng rõ. Nét độc đáo của cảnh vật thiên nhiên, tính cách nhân vật được thể hiện chỉ bằng vài chi tiết đơn sơ... Ngôn ngữ truyện mang phong vị Nam Bộ rất đậm đà, đặc biệt là những phương ngữ được sử dụng thích hợp, với liều lượng vừa đủ đã khắc hoạ sâu đậm vóc dáng, tâm hồn của con người, đất rừng, sông nước Cà Mau.

4. Bắt sấu rừng U Minh Hạ không chỉ đem đến cho người đọc những cảm giác khám phá đầy say mê, lí thú khi mở ra những điều bí ẩn, độc đáo của thiên nhiên, con người vùng cực nam Tổ quốc mà còn khiến người ta thêm yêu thương, gắn bó với một phần đất, phần hồn của đất nước mình, quê hương mình. Đâu đây vẫn là vẻ đẹp giàu có mà khắc nghiệt của đất Việt, vẫn là hồn cốt cần cù, dũng cảm, tài trí, yêu đời của người Việt trong cuộc đấu tranh sinh tồn và mở mang, xây dựng quê hương đất nước. Sự kì thú khi khám phá, những yêu thương, thân gần và một tình cảm tự hào tha thiết, đó chính là những xúc cảm thẩm mĩ mà tác phẩm đã đem đến cho người đọc.

Viết bình luận