Soạn bài: Tuần 13 - Sóng

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Xuân Quỳnh (1942 - 1988) tên khai sinh là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, quê ở La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội. Mười ba tuổi, Xuân Quỳnh được tuyển làm diễn viên múa của Đoàn Văn công nhân dân Trung ương. Tại đây, Xuân Quỳnh tiếp tục học văn hoá và bắt đầu làm thơ. Từ năm 1963, Xuân Quỳnh chuyển sang làm báo, làm biên tập ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới và tiếp tục sáng tác. Năm 1988, Xuân Quỳnh mất đột ngột cùng chồng là nhà viết kịch Lưu Quang Vũ vì tai nạn giao thông tại Hải Dương.

Tác phẩm chính: Tơ tằm - Chồi biếc (in chung với Cẩm Lai, 1963), Hoa dọc chiến hào (1968), Gió Lào cát trắng (1974), Lời ru trên mặt đất (1978), Sân ga chiều em đi (1984), Tự hát (1984), Hoa cỏ may (1989),... Xuân Quỳnh còn sáng tác cho thiếu nhi, tiêu biểu là các tập truyện: Bến tàu trong thành phố, Bầu trời trong quả trứng, vẫn còn ông trăng khác,... Mảng sách này thể hiện những tình cảm trong trẻo, trìu mến, nhân hậu và một cái nhìn hóm hỉnh, thông minh.

Thơ Xuân Quỳnh in đậm vẻ đẹp nữ tính, là tiếng nói của một tâm hồn giàu trắc ẩn, hồn hậu, chân thực và luôn luôn da diết trong khát vọng về một hạnh phúc đời thường.

2. Sóng là một trong những bài thơ tiêu biểu của Xuân Quỳnh, được in trong tập Hoa dọc chiến hào. Bài thơ là những nhịp đập sôi nổi, rạo rực của một trái tim yêu trẻ trung và giàu khát vọng.

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Âm điệu của bài thơ Sóng lúc khoan thai, dìu dặt khi dào dạt, âm vang. Đó là âm điệu của những con sóng trên biển cả và cũng chính là nhịp của những con sóng lòng nhiều cung bậc, nhiều sắc thái cảm xúc trong trái tim của nữ thi sĩ. Âm điệu đó được tạo nên bởi hai yếu tố chính: thể thơ và ngôn từ, hình ảnh thơ. Sử dụng thể thơ năm chữ với những câu thơ ngắn, cách ngắt nhịp, phối âm đa dạng, linh hoạt, Xuân Quỳnh đã gợi lên được nhịp của sóng biển và cả nhịp điệu của những cung bậc cảm xúc trong lòng người.

2. Hình tượng bao trùm, xuyên suốt bài thơ là hình tượng sóng. Mạch liên kết các khổ thơ là những khám phá liên tục về sóng. Có thể nói hình tượng sóng là một sự sáng tạo độc đáo của Xuân Quỳnh trong tác phẩm này. Trong bài thơ, sóngem hợp thành cặp hình ảnh song hành, quấn quýt. Sóng là đối tượng, là cơ sở để thi sĩ tỏ bày mọi trạng thái bí ẩn và mãnh liệt của tình yêu - thứ tình cảm muôn thuở mà không bao giờ cũ của nhân loại.

Bài thơ tập trung thể hiện hình tượng sóng. Trong hai khổ thơ đầu, sóng là đối tượng để chia sẻ, giãi bày, cảm nhận. Nhũng đặc điểm của sóng trong sự cảm nhận của nhân vật trữ tình có điểm tương đồng với các cung bậc của tình yêu.

Nối tiếp mạch cảm xúc ở hai khổ thơ đầu, từ khổ thơ thứ 3, hình tượng sóng trở thành đối tượng để ngẫm nghĩ, để suy tư, để truy nguyên ngọn nguồn của tình yêu và nhũng cung bậc, trạng thái của nó.

Trong ba khổ thơ cuối, từ chỗ là đối tượng của sự suy tư, sóng trở thành khát vọng. Sóngem song hành từ đầu bài thơ, đến đây em hoà tan vào sóng để đẩy con sóng tới chan chứa yêu thương.

3. Kết cấu bài thơ dựa trên sự tương đồng giữa tâm trạng của người phụ nữ đang yêu với nhũng con sóng. Tác giả đã mượn nhũng cung bậc của sóng để thể hiện những cung bậc, những nhịp điệu tâm hồn của người phụ nữ đang yêu. Hình tượng sóng được cảm nhận ở chiều sâu và bề rộng. "Con sóng dưới lòng sâu - Con sóng trên mặt nước" đều diễn tả cái thẳm sâu, vời vợi của tình yêu con người. Cái cồn cào, khắc khoải trong nỗi nhớ của em với anh được diễn tả bằng nỗi nhớ của sóng với bờ, trong một nhịp điệu xao xuyến, da diết. Nhớ chính là một thuộc tính của tình yêu. Mượn hình ảnh con sóng nhớ bờ để diễn tả nỗi nhớ anh không cùng của em. Sóng không ngủ hay là em thao thức, sóng nhớ bờ hay là trái tim em bồi hồi, xao xuyến vì anh ?

Tình yêu luôn có sự vận động như những con sóng xô bờ. Tình yêu khiến trái tim của người phụ nữ luôn luôn xao động với những nhung nhớ, hờn giận, buồn vui. Người phụ nữ yêu bằng cả trái tim nên nỗi nhớ trong tình yêu cũng được biểu hiện da diết, thường trực, ám ảnh. Thức trong mơ là trạng thái kì lạ của tâm hồn người con gái khi yêu, là sự biểu hiện của tình yêu mãnh liệt, thuỷ chung.

Biển không bao giờ vắng sóng cũng như khát vọng tình yêu của con người là vĩnh cửu. Dù muôn vời cách trở, sóng vẫn tìm đến bờ cũng như em luôn nghĩ về anh, hướng đến anh. Bờ là điểm đến của sóng và anh là điểm đến của tình em. Những cung bậc tha thiết của trái tim người phụ nữ trong tình yêu đã được Xuân Quỳnh gửi gắm trong những nhịp xôn xao của sóng.

4. Bài thơ Sóng là lời tự bạch của một tâm hồn phụ nữ đang yêu. Có thể hình dung rất rõ điều đó qua các cung bậc tình cảm của nhân vật trữ tình được biểu hiện trực tiếp qua hình tượng sóng.

Bài thơ mở đầu bằng việc khám phá các cung bậc của sóng ("Dữ dội và dịu êm - Ồn ào và lặng lẽ") để rồi câu thơ cho người đọc hình dung về hình ảnh một người con gái đang yêu đang bộc bạch lòng mình một cách táo bạo và đáng yêu. Từ chuyện của sóng, câu thơ chuyển tự nhiên sang chuyện tình yêu, từ đối tượng để cảm nhận, sóng giờ đây trở thành đối tượng để người con gái đang yêu giãi bày và suy tư. Dòng suy tư bắt đầu bằng nỗi băn khoăn, trăn trở, khát khao tìm đến ngọn nguồn của tình yêu. Nhưng thiên nhiên bí ẩn đôi khi còn có thể cắt nghĩa được, còn tình yêu thì: "Làm sao cắt nghĩa được tình yêu" (Xuân Diệu).

Không cắt nghĩa được ngọn nguồn, nguyên nhân của tình yêu, nhân vật trữ tình tìm về để vừa trăn trở, vừa say sưa với những cung bậc tình yêu muôn thuở, đó là nỗi nhớ và sự thuỷ chung. Phần hai của bài thơ đã diễn tả thật sâu sắc và tinh tế những cung bậc cảm xúc của một trái tim phụ nữ đang yêu. Ở đó, có sự đam mê, khao khát nhưng đẹp nhất là sự dâng hiến - vẻ đẹp thánh thiện của người phụ nữ trong tình yêu.

Tình yêu là đề tài muôn thuở của thơ ca. Thơ tình yêu là nguồn nhựa sống dào dạt chảy mãi đến muôn đời. Những bài thơ tình hay nhất bất tử với thời gian và sống mãi trong tâm hồn nhiều thế hệ bạn đọc. Xuân Quỳnh đã góp một tiếng thơ độc đáo viết về tình yêu bằng giọng thiết tha, đằm thắm, đầy nữ tính. Thơ tình Xuân Quỳnh là những nhịp đập nồng nàn của một trái tim yêu tha thiết dội lên từ tâm thức một người phụ nữ nhiều khao khát, lắm mê say. Cái mới mẻ, hấp dẫn của thơ Xuân Quỳnh chính là sự chân thành, nồng nhiệt mà bình dị, táo bạo mà đầy nữ tính. Tình yêu gắn liền với sự thuỷ chung, dâng hiến và hướng tới sự bền vững, vĩnh hằng. Người ta thấy trong thơ Xuân Quỳnh một tình yêu mãnh liệt, một tâm hồn tự nguyện gắn bó, hiến dâng và thuỷ chung son sắt. Xuân Quỳnh đã thể hiện được những đặc điểm, cũng là vẻ đẹp của tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu. Sức sống của bài thơ cũng bắt nguồn từ đó.

III. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Tìm những câu thơ so sánh tình yêu với sóng và biển trong các bài thơ sau: Biển của Xuân Diệu, Biển của Nguyễn Thị Hồng Ngát, Thơ viết ở biển của Hữu Thỉnh, Chùm nhỏ thơ yêu của Chế Lan Viên,...

Viết bình luận