Soạn bài: Tuần 12 - Đọc thêm: Tiếng hát con tàu

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Chế Lan Viên (1920 - 1989) tên khai sinh là Phan Ngọc Hoan, quê gốc ở xã Cam An, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Thuở nhỏ và nhiều năm thời thanh niên sống cùng gia đình ở Bình Định nên đây được coi là quê hương thứ hai của nhà thơ. Sau khi tốt nghiệp trung học, ông dạy trường tư, làm báo ở Sài Gòn và các tỉnh miền Trung. Tập thơ đầu tay Điêu tàn xuất bản lúc nhà thơ mới mười bảy tuổi, đã khiến Chế Lan Viên trở thành một trong số những nhà thơ tiêu biểu của phong trào Thơ mới.

Chế Lan Viên tham gia Cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Quy Nhơn, trong kháng chiến chống thực dân Pháp ông làm báo và hoạt động văn nghệ ở Liên khu IV. Sau năm 1954 ông ra Hà Nội tiếp tục hoạt động văn học, nhiều năm ở trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Chế Lan Viên còn tích cực tham gia hoạt động xã hội, từng là đại biểu Quốc hội và nhiều lần có mặt tại những diễn đàn quốc tế về văn hoá, văn học. Sau năm 1975, ông vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh cho tới lúc qua đời. Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.

Tác phẩm chính: Điêu tàn (1937), Ánh sáng và phù sa (1960), Hoa ngày thường, chim báo bão (1967), Những bài thơ đánh giặc (1972), Đối thoại mới (1973), Hoa trước lăng Người (1976), Hái theo mùa (1977), Hoa trên đá (1984), Di cảo thơ (tập I - 1992, tập II - 1993, tập III - 1996). Ông còn là tác giả của nhiều tập tiểu luận, phê bình văn học, tuỳ bút, bút kí.

2. Bài thơ Tiếng hát con tàu rút từ tập Ánh sáng và phù sa - tập thơ đánh dấu bước trưởng thành vững chắc trên con đường nghệ thuật của Chế Lan Viên và là một trong những thành tựu xuất sắc của nền thơ Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945. Tập thơ thể hiện hành trình tư tưởng và tâm hồn của người nghệ sĩ đi "từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui", "từ chân trời của một người đến chân trời của mọi người".

Tác phẩm được gợi cảm hứng từ một sự kiện kinh tế xã hội là cuộc vận động nhân dần miền xuôi lên tham gia xây dựng Tây Bắc vào những năm 1958 - 1960 ở miền Bắc. Nhưng không dừng lại ở vấn đề thời sự đó, bài thơ là khúc hát về lòng biết ơn, tình yêu và sự gắn bó với nhân dân, đất nước của một tâm hồn thơ đã tìm thấy ngọn nguồn nuôi dưỡng và chân trời nghệ thuật mới của mình ở đời sống của nhân dân và đất nước.

II. HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Hình ảnh con tàu là biểu tượng cho khát vọng, niềm tin mơ ước của người nghệ sĩ hướng tới cuộc đời mới của dân tộc. Nó mang theo tình yêu sâu sắc, sự hoà nhập nhiệt thành của người nghệ sĩ với đất nước, quê hương. Tình yêu thiết tha với Tây Bắc khiến Chế Lan Viên viết về nó không trừu tượng, xa lạ mà hết sức cụ thể, gần gũi. Mảnh đất Tây Bắc xa xôi, nơi nhà thơ chưa một lần đặt chân đến bỗng trở nên gần gũi, thân thiết lạ kì. Phải chăng, chính tình yêu, khát vọng đã kéo gần khoảng cách giữa đất và người? Với Chế Lan Viên, hành trình đến với Tây Bắc cũng chính là hành trình trở về với tâm hồn mình.

Lời đề từ là một loạt câu hỏi tu từ khẳng định tình yêu Tây Bắc và khát vọng lên đường của người nghệ sĩ.

2. Bài thơ có bố cục ba phần, thể hiện sự vận động, phát triển của tâm trạng chủ thể trữ tình, đi từ lí tưởng đến khát khao dấn thân, cống hiến, đi từ kỉ niệm, nỗi nhớ đến ước vọng gặp gỡ, trở về.

- Phần 1 (từ đầu đến "Tâm hồn anh chờ gặp anh trên kia"): sự trăn trở và lời kêu gọi lên đường.

- Phần 2 (từ "Trên Tây Bắc ! Ôi mười năm Tây Bắc" đến "Bữa xôi đầu còn toả nhớ mùi hương"): niềm hạnh phúc và khát vọng trở về với nhân dân, những kỉ niệm của cuộc kháng chiến.

- Phần 3 (còn lại): khát vọng lên đường sôi nổi, say mê.

3. Tác giả đã diễn tả niềm hạnh phúc được trở về với nhân dân bằng một loạt hình ảnh so sánh trong khổ thơ từ câu "Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ" đến câu "Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa".

- Đoạn thơ xuất hiện nhiều những hình ảnh so sánh trùng điệp, liên tiếp: (như) "nai về suối cũ", (như) "cỏ đón giêng hai", (như) "chim én gặp mùa", (như) "đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa". Tất cả đều tập trung gợi lên khát vọng cũng như niềm hạnh phúc được trở về với nhân dân.

- Chủ thể trong những câu thơ trên được ví với những hình ảnh thật nhỏ bé, yếu mềm (nai, cỏ, chim én, trẻ thơ) nhân dân được thể hiện trong những hình ảnh như: suối cũ, mùa xuân, sữa, cánh tay đưa.

- Bốn câu thơ rất giàu ý nghĩa. Hành động trở về với nhân dân vừa hết sức tự nhiên như "nai về suối cũ", "cỏ đón giêng hai", vừa hợp quy luật (như "chim én gặp mùa"), lại rất kịp thời ("đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa"). Đoạn thơ gợi lên vai trò, ý nghĩa của nhân dân đối với người nghệ sĩ.

- Đoạn thơ có giọng điệu chân thành, tha thiết. Hình ảnh thơ chọn lọc, gần gũi mà vẫn mới lạ, bất ngờ, độc đáo. Đoạn thơ giàu chất triết lí mà không khô khan.

Nói tóm lại, đoạn thơ đã thâu tóm được khát vọng thiết tha, chân thành của nhà thơ mong được hoà nhập vào cuộc sống rộng lớn của nhân dân, đất nước.

4. Kỉ niệm về nhân dân trong kháng chiến đã được tái hiện qua hình ảnh những con người cụ thể như người anh du kích, em liên lạc, người mẹ cách mạng. Tác giả sử dụng cách xưng hô thân thiết trong gia đình với những người không có mối quan hệ ruột rà, huyết thống cho thấy tình cảm ấm áp, thân tình. Nhân dân chính là máu thịt, là gia đình, là những người thân thiết. Hành trình trở về với nhân dân là trở về với một phần tâm hồn, máu thịt của mình. Mỗi một khổ thơ là một chân dung về con người cách mạng đẹp đẽ, hào hùng, giàu yêu thương. Sức mạnh của cả dân tộc đã được thể hiện và khẳng định qua tập thể nhân dân anh hùng.

Cuộc gặp gỡ giữa tác giả với nhân dân đã được thể hiện bằng những dòng thơ tràn đầy cảm xúc và lòng biết ơn. Đó là cuộc hội ngộ trong hạnh phúc. Niềm vui sướng, hạnh phúc dâng trào bất tận trở thành tiếng ca reo vui, tiếng lòng phấn khởi, nhịp đập náo nức của trái tim. Chế Lan Viên đã diễn tả sự gắn bó, lòng biết ơn của mình đối với nhân dân qua hình ảnh những con người cụ thể, qua đó người đọc thấy được sức mạnh vĩ đại của nhân dân đồng thời thấy được những hi sinh vô bờ cũng như lòng trung thành của họ đối với cách mạng và kháng chiến.

5. Những câu thơ thể hiện rõ nhất chất suy tưởng và triết lí của thơ Chế Lan Viên:

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở

Khi ta đi, đất đã hoá tâm hồn!

Tình yêu làm đất lạ hoá quê hương.

Từ những trải nghiệm về sự gắn bó với nhân dân và đất nước trong kháng chiến, tác giả đã chiêm nghiệm, khái quát thành một chân lí của đời sống. Sự khái quát ấy giản dị mà sâu sắc. Chế Lan Viên đã đối lập giữa đi để khẳng định tình yêu thương, sự gắn bó giữa con người với những mảnh đất, những miền quê đã tùng gắn bó. Tác giả nắm bắt rất chính xác những cảm xúc của lòng người. Quy luật tình cảm tưởng chừng giản đơn nhưng lại hết sức sâu xa. Chế Lan Viên đã lấy tình yêu làm sợi dây liên kết con người với những vùng đất xa lạ. Tác giả dùng những trải nghiệm, những rung động tinh tế để khái quát chân lí ấy. Phải có sự gắn bó máu thịt, tình yêu chân thành với mảnh đất mình đang sống thì nơi đó mới trở thành một phần tâm hồn mình. Sức mạnh của tình yêu thương đã làm nên điều kì diệu. Những khái quát của Chế Lan Viên tưởng quen mà lạ, tưởng giản đơn mà có ý nghĩa vô cùng sâu xa, làm xúc động và cảm hoá lòng người.

6. Về nghệ thuật sáng tạo hình ảnh của Chế Lan Viên trong bài thơ.

Thơ Chế Lan Viên có tính khái quát rất cao. Nhà thơ tìm cách lí giải, cắt nghĩa hiện thực bằng một góc nhìn sáng tạo qua những hình ảnh độc đáo, đặc sắc. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cái tôi của người nghệ sĩ và cái ta chung của cộng đồng và sức liên tưởng, khái quát mạnh mẽ đã giúp Chế Lan Viên sáng tạo ra những hình ảnh giàu giá trị thẩm mĩ. Khác với các nghệ sĩ khác thường nhân danh cộng đồng, nhân danh cái ta chung để nói về đất nước, dân tộc, Chế Lan Viên trong Tiếng hát con tàu đã nhân danh chính cái tôi để nói về cái ta, đứng trên lập trường cá nhân để cắt nghĩa, lí giải hiện thực đời sống. Thơ Chế Lan Viên bởi vậy vừa cất lên tiếng nói của cộng đồng vừa thể hiện phong cách riêng của người nghệ sĩ. Những suy tưởng triết lí tưởng chừng khô khan, trừu tượng đã được ông thể hiện trong thơ một cách thông minh và tài hoa qua những sáng tạo hình ảnh độc đáo. Đọc thơ Chế Lan Viên, bên cạnh nội dung tư tưởng sâu sắc ta còn thấy được chất nghệ sĩ tinh tế, tài hoa.

Hình ảnh con tàu là một sáng tạo độc đáo của Chế Lan Viên, đó là biểu tượng cho khát vọng, niềm tin, mơ ước của người nghệ sĩ hướng tới cuộc đời mới của dân tộc với tình yêu sâu sắc, với sự hoà nhập nhiệt thành:

Tàu hãy vỗ giùm ta đôi cánh vội

Mắt ta thèm mái ngói đỏ trăm ga.

Hình ảnh mái ngói đỏ chính là một ẩn dụ cho sức vẫy gọi, sự ấm nóng của cuộc đời mới. Cuộc sống cách mạng của nhân dân, đất nước đã gọi mời, cuốn hút, thúc giục con người cống hiến, dấn thân, nhập cuộc.

Mắt ta nhớ mặt người, tai ta nhớ tiếng

Mùa nhân dân giăng lúa chín rì rào

"Mùa nhân dân" là một hình ảnh ẩn dụ gợi nhiều liên tưởng cho người đọc. Sức sống của dân tộc đang lớn dần lên trong hình ảnh đồng lúa chín rì rào. Cả đất trời như khoác áo mới, sắc màu mới, hương vị mới. Nhân dân chính là ngọn nguồn của sự sáng tạo, trở về với nhân dân là trở về với cội nguồn nuôi dưỡng những sáng tạo nghệ thuật.

Mười năm chiến tranh vàng ta đau trong lửa,

Nay trở về, ta lấy lại vàng ta.

Quá trình tham gia kháng chiến, trở về với nhân dân, đến với mảnh đất mới là quá trình tìm lại chất vàng mười trong tâm hồn mỗi con người, là quá trình ta đi tìm lại chính ta.

Lấy cả những cơn mơ! Ai bảo con tàu không mộng tưởng?

Mỗi đêm khuya không uống một vầng trăng.

Lòng ta cũng như tàu, ta cũng uống

Mặt hồng em trong suối lớn mùa xuân.

Khổ thơ kết tràn ngập hình ảnh biểu trưng, lãng mạn, thể hiện ước mơ, khát vọng mãnh liệt của người nghệ sĩ. Câu thơ chan chứa âm hưởng lạc quan. Hành trình trở về với nhân dân là hành trình tiếp nối không ngừng, lòng ta giống như con tàu luôn bùng cháy khát vọng tiến lên phía trước. Đó cũng là hình ảnh con người trong dòng chảy chung của cuộc đời mới. Giữa cá nhân và cộng đồng có một sự giao thoa, đồng điệu. Đất nước trong mỗi con người và con người làm nên đất nước. Bài thơ kết lại trong niềm vui tưng bừng, trong niềm hạnh phúc, say mê được thể hiện sinh động qua những sáng tạo hình ảnh độc đáo, thú vị, khẳng định tài năng sáng tạo, sức liên tưởng phong phú của tác giả.

Viết bình luận