Soạn bài: Dấu chấm lửng và dấu chấm phẩy

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Dấu chấm lửng còn được gọi là dấu ba chấm. Ba chấm đặt cạnh nhau theo chiều ngang.

Dấu chấm lửng dùng để :

a) Biểu thị ý liệt kê chưa hết (thường đặt ở giữa câu hoặc cuối câu).

b) Biểu thị lời nói bị đứt quãng vì xúc động.

c) Biểu thị chỗ kéo dài giọng với ý châm biếm, mỉa mai.

d) Biểu thị sự kéo dài của âm thanh. Ví dụ :

Ò... ó... o...

Tiếng gà

Giục quả na

Mở mắt.

(Trần Đăng Khoa)

e) Biểu thị lời trích dẫn bị lược bớt. Ví dụ :

[...] AFP đưa tin theo cách đưa ỡm ờ của AFP.

(Ngữ pháp tiếng Việt, UBKHXH, 1983)

Chú ý : Trong các công dụng nói trên của dấu chấm lửng, các ý a, b, c đã được nói tới trong SGK.

2. a) Dấu chấm phẩy được dùng để ngăn cách các vế trong câu ghép đẳng lập. Mỗi vế câu này có thể tách ra thành một câu đơn. Vì vậy, ở vị trí của dấu chấm phẩy, có thể dùng dấu chấm (người viết không tách thành câu riêng biệt vì muốn biểu thị mối quan hệ ý nghĩa gần gũi giữa các vế câu).

Ví dụ : Đất nước ta đẹp ; nhân dân ta cần cù.

Ngoài ra, dấu chấm phẩy còn được dùng để ngăn cách các vế của câu ghép trong trường hợp mỗi vế của câu ghép ấy gồm nhiều bộ phận (các bộ phận này đã được ngăn cách với nhau bằng dấu phẩy).

Chú ý : Ý này đã được nói tới trong SGK.

b) Dấu chấm phẩy còn được dùng để phân cách các ý lớn được liệt kê trong câu (các ý này gắn bó với nhau trong cùng nội dung chung của câu). Ví dụ :

Rồi những cảnh tuyệt đẹp của đất nước hiện ra : cánh đồng với những đàn trâu thung thăng gặm cỏ; dòng sông với những đoàn thuyền ngược xuôi.

(Nguyễn Thế Hội)

II - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Bài tập này yêu cầu các em nêu được công dụng của dấu chấm lửng trong từng trường hợp. Lần lượt đọc từng trường hợp rồi đối chiếu với các công dụng của dấu chấm lửng đã được nói tới ở trên. Cụ thể :

a) Trong ngữ cảnh này, dấu chấm lửng dùng để biểu thị lời nói bị đứt quãng do bị sợ hãi. ( - Dạ, bẩm..)

b) Dấu chấm lửng biểu thị câu nói bị bỏ dở (do không tiện nói hết, không cần nói hết cũng đủ hiểu ý định diễn đạt).

c) Dấu chấm lửng biểu thị ý liệt kê chưa hết (muốn nói còn nhiều thứ khác nữa trong cuộc sống đời thường).

2. Muốn nhận biết được công dụng của dấu chấm phẩy trong từng trường hợp sử dụng, cần đọc kĩ từng câu, rồi đối chiếu với các công dụng của dấu chấm phẩy đã được nói tới. Cụ thể :

a) Trong câu này, dấu chấm phẩy được dùng để ngăn cách hai vế trong câu ghép đẳng lập. Mỗi vế câu này có thể tách ra thành một câu đơn.

b) Ở câu này, dấu chấm phẩy cũng được dùng để ngăn cách hai vế trong câu ghép. Hai vế trong câu ghép này có cấu tạo phức tạp.

c) Dấu chấm phẩy ở đây được dùng để ngăn cách hai tập hợp từ có quan hệ song song (mỗi tập hợp từ là một cụm C - V) và đều làm phụ ngữ cho động từ nói.

3. Muốn viết được đoạn văn, trước hết cần đọc lại bài Ca Huế trên sông Hương (Bài 28) trong SGK. Sau đó, em xác định viết về phương diện nào, khía cạnh nào của ca Huế trên sông Hương cho phù hợp với dung lượng của một đoạn văn. Điều quan trọng nhất là trong đoạn văn, em biết sử dụng một cách tự nhiên, hợp lí hai loại câu vừa học : dấu chấm lửng và dấu chấm phẩy. (Em nên sử dụng dấu chấm lửng để biểu thị ý liệt kê chưa hết và dấu chấm phẩy để ngăn cách các bộ phận trong một phép liệt kê phức tạp). Ví dụ :

Không gian yên tĩnh bỗng bừng lên những âm thanh của dàn hòa tấu, bởi những khúc lưu thuỷ, kim tiền,... du dương, trầm bổng, réo rắt mở đầu đêm ca Huế. Các ca nhi cất lên những khúc điệu Nam nghe buồn man mác như nam ai, nam bình, nam xuân ; những điệu lí thể hiện nỗi mong chờ hoài vọng, như lí hoài xuân, lí hoài nam,...

(Lưu ý : Hai câu trên có sử dụng hai dấu chấm lửng và một dấu chấm phẩy.)

Viết bình luận