Soạn bài: Bài 4 - Viết bài tập làm văn số 1 - Văn kể chuyện (làm ở nhà)

Đề bài: Em hãy kể lại một truyện đã biết (truyền thuyết, cổ tích).

Bài tham khảo

Ngày xưa có hai anh em, bố mẹ mất sớm. Lúc chia gia tài, người anh tham lam chiếm hết cả nhà cửa, ruộng vườn, rồi đem ruộng đất cho cày thuê cấy rẻ nên càng ngày càng giàu có, người giúp việc trong nhà ra vào tấp nập. Người em chỉ được có một cây khế và một miếng đất nhỏ ở cuối vườn, phải dựng lều mà ở. Hai vợ chồng người em làm lụng vất vả, vào rừng kiếm củi, cày thuê cuốc mướn nuôi nhau.

Cây khế ngọt thường bị một con chim lạ đến mổ ăn. Một buổi sáng, người em ra vườn thấy nó đang mổ khế trên cành. Chim rất to và cánh xanh óng ánh. Anh than thở với chim, xin chim đừng phá. Chim bỗng ngẩng đầu kêu thành tiếng: "Ăn một quả, trả cục vàng, may túi ba gang, mang đi mà đựng".

Người em kể lại chuyện cho vợ nghe. Hai vợ chồng kiếm vải cũ, chắp nối may thành một cái túi đo vừa đúng ba gang. Sáng hôm sau, chim lạ đến, đưa anh vượt qua biển Đông, đến một hòn núi đầy vàng. Anh lấy vàng bỏ đầy túi ba gang rồi chim lại chở anh về. Từ đó hai vợ chồng làm ăn đỡ vất vả, bà con thôn xóm đến chia vui nghe anh kể lại chuyện con chim lạ.

Nghe tin đồn, người anh tham lam sang gạ gẫm em đổi cả gia tài để lấy túp lều và cây khế. Chiều lòng anh, người em nhận lời đổi, dọn về nhà anh ở. Còn được ít tiền, hai vợ chồng người anh đem tiêu xài dần, cả ngày chỉ nằm khểnh ngoài hè, chờ chim bay đến.

Một bữa nọ chim lại đến ăn khế. Người anh cả giả vờ than thở thì chim lại bảo hắn may túi ba gang đi lấy vàng. Hắn đem cái túi dài mười hai gang may sẵn, nhảy lên mình chim. Đến chỗ lấy vàng mắt hắn hoa lên. Hắn cố nhét vàng đầy túi mười hai gang to tướng rồi mới ì ạch leo lên mình chim để về.

Vàng nhiều nặng quá, chim bay chậm, đôi cánh mệt mỏi rã rời. Trời đã tối. Bất chợt gặp một cơn bão mạnh, chim không gượng được, lảo đảo lật mình. Tên tham của và cả túi vàng nặng trịch lăn tòm xuống biển.

(Trích Truyện cổ Việt Nam - Truyện đọc 2)

Đề bài: Vua Hùng thứ nhất kể về nguồn gốc của mình cho các con nghe. Em hãy viết lại lời kể đó.

Bài làm

Hỡi các con! Nay các con đã lớn, các con cần phải biết rõ gốc tích của mình. Vậy cha sẽ kể cho các con nghe.

Cha ta xưa, tức là ông nội của các con, vốn là một vị thần thuộc nòi Rồng, con trai thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân. Ông nội các con thường ở dưới nước, thỉnh thoảng lên sống trên cạn, có nhiều phép lạ, sức khỏe vô địch. Thuở ấy, miền Lạc Việt ta có nhiều loại yêu quái làm hại dân lành. Cha ta giúp dân diệt trừ Ngư Tinh, Mộc Tinh, Hồ Tinh, lại dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi và cách ăn ở. Người thường về thủy cung ở với mẹ. Khi cần thiết người mới hiện lên.

Một lần tình cờ cha ta gặp mẹ ta, tức là bà nội của các con. Mẹ ta vốn là người ở vùng núi cao phương Bắc, tên là Âu Cơ, thuộc dòng họ Thần Nông, xinh đẹp tuyệt trần, nghe tiếng vùng ta có nhiều hoa thơm, cỏ lạ bèn tìm đến thăm. Mẹ cha ta gặp gỡ, đem lòng yêu thương nhau rồi trở thành vợ chồng, sống với nhau trên cạn, ở cung điện Long Trang.

Ít lâu sau mẹ ta có thai rồi sinh nở. Chuyện lạ lùng thay là mẹ sinh ra không phải là một người con mà là một bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con. Trăm anh em ta hồng hào đẹp đẽ, lớn lên như thổi. Ai cũng khôi ngô, khỏe mạnh. Ta nở ra là quả trứng đầu tiên, được gọi là anh cả.

Một hôm, cha vốn quen sống dưới nước, thấy mình không thể sống mãi trên cạn, bèn từ biệt mẹ để về thủy cung. Mẹ ta nuôi con, mong chờ mãi mà không thấy cha trở lại. Cuối cùng, mẹ phải gọi cha về mà than thở:

- Sao chàng bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi đàn con nhỏ?

Ta vốn nòi Rồng, ở miền nước thẳm. Nàng là dòng Tiên, ở chốn non cao. Ta với nàng tính tình, tập quán khác nhau, khó mà ăn ở cùng nhau một nơi lâu dài. Nay ta đưa năm mươi con xuống biển, nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau cai quản các phương. Tuy kẻ miền núi, người miền biển, nhưng khi có việc phải giúp đỡ lẫn nhau, chớ quên lời hẹn.

Thế là cha mẹ và anh em ta chia tay nhau lên đường.

Lên làm vua, ta lấy hiệu Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Triều đình ta có quan văn, tướng võ. Còn các con, con trai thì gọi là quan Lang, con gái thì gọi là Mị Nương. Bao giờ hết đời ta thì con trưởng sẽ thay ta làm vua, cũng lấy hiệu Hùng Vương, cho đến đời con, đời cháu, chắt các con cũng như thế, không được thay đổi.

Các con! Đến đời con, cháu sau này, hàng trăm, hàng nghìn năm sau, cũng phải nhắc nhau biết mình là con Rồng, cháu Tiên, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau khi hoạn nạn, làm cho nước nhà ngày càng phồn vinh, hùng cường.

(Đỗ Diệp Anh - Trung học Cơ sở Năng khiếu Thái Nguyên,

sách Những bài văn chọn lọc 6 - Nhà xuất bản Giáo Dục, 1998)

Viết bình luận