Soạn bài: Bài 13 - Ôn tập truyện dân gian

1. Đọc lại và ghi chép các định nghĩa ở phần chú thích trong SGK về các thể loại: truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười.

2. Đọc lại các truyện dân gian trong SGK.

3. Ghi lại tên những truyện dân gian theo thể loại:

- Truyền thuyết: Con Rồng, cháu Tiên; Bánh chưng, bánh giầy; Nàng Út làm bánh lót; Thánh Gióng; Sơn Tinh, Thủy Tinh; Sự tích Hồ Gươm; Ấn kiếm Tây Sơn.

- Truyện cổ tích: Sọ Dừa; Thạch Sanh; Em bé thông minh; Cây bút thần, Ông lão đánh cá và con cá vàng.

- Truyện ngụ ngôn: Ếch ngồi đáy giếng; Thầy bói xem voi; Đeo nhạc cho mèo; Chân, tay, tai, mắt, miệng; Lục súc tranh công.

- Truyện cười: Thế thì không mất; Treo biển; Lợn cưới, Áo mới; Đẽo cày giữa đường.

4. Một số đặc điểm tiêu biểu của từng thể loại truyện dân gian.

a) Truyền thuyết có các đặc điểm sau đây:

- Về nội dung: Truyện kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sư thời quá khứ.

- Về ý nghĩa: Truyện thể hiện rõ thái độ và cách đánh giá của nhân dân về các nhân vật và sự kiện ấy.

- Về hình thức: Truyện có nhiều yếu tố tưởng tượng, kì ảo.

- Về cách phổ biến: Được truyền miệng trong dân gian qua nhiều đời.

b) Cổ tích có các đặc điểm sau đây:

- Về nội dung: Truyện kể về cuộc đời của một số kiểu nhân vật quen thuộc:

  • Nhân vật bất hạnh.
  • Nhân vật dũng sĩ hoặc có tài năng kì lạ.
  • Nhân vật thông minh hoặc ngốc nghếch.
  • Nhân vật là động vật (nhưng biết nói năng, hoạt động như người).

- Về ý nghĩa: Truyện thường thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của lòng nhân ái, lễ nghĩa, sự công bằng đối với gian tham, bất công, của cái Thiện đối với cái Ác.

- Về hình thức: Truyện cũng có những yếu tố hoang đường.

- Về cách phổ biến: Truyện được truyền miệng trong dân gian qua nhiều đời.

c) Truyện ngụ ngôn có các đặc điếm sau đây:

- Về nội dung: Kể về con người hoặc những nhân vật là con vật (chuột, mèo, hổ, thỏ, ếch...)

- Về ý nghĩa: Truyện thường có ý khuyên nhủ, răn dạy người ta một bài học nào đó trong cuộc sống.

- Về hình thức: Truyện có nhiều yếu tố tưởng tượng nhưng không kì ảo mà rất gần với đời sống xã hội.

- Về cách phổ biến: Truyện miệng trong dần gian qua nhiều đời.

d) Truyện cười có các đặc điểm sau đây:

- Về nội dung: Truyện kể về các hiện tượng đáng cười trong cuộc sống.

- Về ý nghĩa: Có khi truyện chỉ gây cười để mua vui nhưng nhiều truyện gây cười nhằm châm biếm, chế giễu những thói hư tật xấu trong xã hội.

- Về hình thức: Truyện thường khai thác những sự việc trái với lẽ bình thường hoặc những chi tiết đột ngột, bất ngờ, những mâu thuẫn đối lập trong cuộc sống để gây cười.

- Về cách phổ biến: Được truyền miệng trong dân gian qua nhiều đời.

5. Sự giống nhau và khác nhau:

- Giữa truyền thuyết với cổ tích:

+ Những điểm giống nhau: hai loại truyện này đều bắt nguồn từ thực tế cuộc sống nhưng lại có nhiều yếu tố tưởng tượng, kì ảo và đều được truyền miệng trong dân gian qua nhiều đời.

+ Những điểm khác nhau: Truyền thuyết thường kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử.

Cổ tích thường kể về các nhân vật trong đời thường.

Truyền thuyết thường thể hiện thái độ và cách đánh giá đối với các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sử.

Cổ tích thường thể hiện ước mơ, niềm tin của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của lòng nhân ái, lẽ phải, sự công bằng đối với gian tham, bất công, của cái Thiện đối với cái Ác.

- Giữa ngụ ngôn và truyện cười:

+ Những điểm giống nhau: Hai loại truyện này thật gần gũi với con người và cuộc sống bình thường và đều được truyền miệng trong dân gian qua nhiều đời.

+ Những điểm khác nhau: Truyện ngụ ngôn mang ý nghĩa khuyên nhủ, răn dạy hoặc nêu lên một bài học trong cuộc sống.

Truyện cười thường mang ý nghĩa cười cho vui hoặc cười để chế giễu, phê phán những thói hư tật xấu trong cuộc đời.

6. Dựa vào truyện dân gian, tập viết một truyện ngắn.

Bài tham khảo

CÔ BÉ TỐT BỤNG

(Cổ tích)

Ngày xưa, có một cô bé nghèo nhưng rất tốt bụng. Cha cô đã mất sớm. Cô bé ở với mẹ trong một túp lều tồi tàn dưới chân núi. Một hôm, mẹ bị bệnh, cô đã nắm một nắm cơm vào lúc sáng tinh mơ rồi bỏ cơm nắm vào giỏ, leo lên núi tìm lá thuốc cho mẹ uống. Đường lên núi vừa dốc, vừa dài, lởm chởm đá tai mèo. Cô bé lên tới đỉnh núi thì đã gần trưa. Cô hái được một nắm lá thuốc bỏ vào giỏ rồi xuống núi về lều.

Giữa lưng chừng dốc cô thấy một bà cụ già đang ngồi nghỉ chân trên một hòn đá. Bà cụ có vẻ ốm yếu tiều tụy, quần áo lại rách tả tơi. Cô nhìn thấy bà cụ thì đến bên ân cần thăm hỏi:

- Bà ơi! Sao bà lại ngồi đây?

Bà già trả lời:

- Cháu đấy à! Bà cũng đang muốn xuống núi nhưng mệt mỏi quá phải ngồi lại đây. Bụng bà lại đói quá. Cháu có gì ăn cho bà một ít được không?

Cô bé lúc này mới chợt nhớ ra mình có nắm cơm còn chưa kịp ăn bèn lấy ra bẻ đôi đưa cho bà cụ một nửa rồi cùng ngồi ăn với bà. Ăn xong cơm cụ già bảo:

- Bà xuống núi một mình không nổi đâu, cháu hãy làm ơn dìu bà cùng xuống nhé.

Cô bé đáp:

- Vâng, cháu sẽ dìu bà.

Nói rồi cô ghé vai cho bà lão choàng tay ôm và cứ thế hai bà cháu chậm chạp lần từng bước xuống. Khi tới trước cửa lều thì trời đã gần tối, bà lão bảo:

- Bây giờ tối đến nơi rồi, cháu cho bà vào nghỉ chân qua đêm được chứ?

Cô bé lại vui vẻ:

- Vâng, mời bà cứ vào nhà cháu nghỉ chân. Cháu sẽ trải ổ rơm cho bà nằm rồi cháu sẽ vừa nấu lá thuốc cho mẹ cháu vừa nấu cháo để bà và mẹ cháu cùng ăn.

Bà lão bước vào nhà, người mẹ đang nằm trên giường bệnh cũng ngước nhìn lên nói:

- Bà cụ cứ vào nhà. Nhà mẹ con cháu rất nghèo nhưng chẳng hẹp gì một chỗ nghỉ chân.

Bà lão ngồi xuỗng chiếc ổ rơm mà cô bé vừa trải ra, bỗng nhiên từ chỗ bà ngồi, một luồng sáng bừng lên. Mẹ con cô bé ngạc nhiên quay lại nhìn thì thấy bà già nghèo khổ đã biến mất và một bà tiên thật đẹp hiện ra. Mái tóc bà tiên dài và trắng như cước. Nước da bà tiên thật hồng hào. Đôi mắt bà hiền hậu. Chiếc áo trắng dài của bà mềm mại trùm kín cả hai bàn chân. Xung quanh bà, một vầng hào quang tỏa ra làm rực rỡ cả căn lều.

Bà nhìn hai mẹ con, mỉm cười rồi dịu dàng nói:

Cả hai mẹ con nhà cháu tuy nghèo nhưng đều biết thương người. Bà đã giả làm một kẻ ăn mày để thử lòng cháu gái và cả mẹ cháu nữa. Bà đã thấy rõ lòng tốt của hai mẹ con. Bà thưởng cho hai mẹ con cháu món quà này: đây là cái túi đựng một viên thuốc tiên mà uống vào mẹ cháu sẽ hoàn toàn khỏi bệnh và trong túi còn có những đồng tiền vàng. Bà cho mẹ con cháu số tiền này để sửa sang lại cửa nhà và có thể sống một cuộc sống đầy đủ, dễ chịu hơn.

Nói xong, bà đặt cái túi xuống ổ rơm rồi vụt biến đi trước sự ngạc nhiên của hai mẹ con cô bé.

Viết bình luận