Soạn bài: Viết bài làm văn số 4: Văn thuyết minh (Bài làm ở nhà)

Đề bài: Trình bày vấn đề tự học.

Bài làm

Người xưa có câu: “Không biết phải hỏi, muốn giỏi phải học”. Ông cha ta xưa cũng đã từng khuyên răn con cháu một cách tế nhị:

Ngọc kia chẳng giũa, chẳng mài

Cũng thành vô dụng, cũng hoài, ngọc ơi!

Con người trên đời cũng vậy, tài năng không phải tự nhiên mà có, phải học tập, phấn đấu mới có thể đạt được. Nhưng học như thế nào để thành người giỏi, người tài? Đặc biệt ở đây ta chỉ bàn đến một khía cạnh: việc tự học.

Trước hết ta cần hiểu thế nào là tự học. Học là thu nhận kiến thức từ người khác truyền lại, rèn luyện thành kĩ năng nhận thức tri thức. Còn tự học là tự mình tìm hiểu, nghiên cứu, thu nhặt các kiến thức, tự luyện tập để rèn kĩ năng, có thể không cần đến sự hướng dẫn của người khác. Nói về tự học thì có vô vàn phương pháp khác nhau, song tóm lại có thể chia làm ba loại: tự học ở trường, tự học ở nhà và tự học ngoài xã hội. Có một số bạn quan niệm rằng: nghe giảng là tiếp thu kiến thức từ thầy, cô giáo, là chỉ cần nghe và ghi chép như một cái máy. Thực ra, không hẳn là như thế. Trong khi nghe giảng trên lớp, ta cũng cần có sự tự học. Không phải thầy, cô giáo ghi gì, giảng gì, thì người học cứ việc cắm đầu ghi chép. Thậm chí ghi chép đấy, nhưng ta không hiểu. Chúng ta nghe thầy giảng, ta cần chọn lọc những gì cần học, ghi vào vở; hoặc lời giảng của thầy, ta phải tổng hợp thành ý của ta, rồi mới ghi chép. Như thế, ta sẽ hiểu bài và nhớ lâu. Trong khi làm thực hành, hoặc trao đổi bàn bạc về một vấn đề nào đó, ta phải trình bày ý kiến của mình. Chỗ nào chưa rõ, chưa hiểu ta phải hỏi bạn, hỏi thầy đến khi hiểu mới thôi. Khi về nhà, chúng ta càng có điều kiện để tự học. Đơn giản và tối thiểu nhất: tự học là tự làm bài tập về nhà, sau khi tự học để hiểu kĩ lí thuyết. Song, người có lòng say mê, nhiệt tình học tập không chỉ dừng lại ở mức độ thấp nhất ấy. Tự học còn có thể đọc trước các bài mới để hiểu trước các kiến thức mới trong sách giáo khoa, đến hôm sau khi nghe thầy giảng trên lớp, sẽ hiểu bài ngay, hoặc có chỗ nào khó hiểu, thì hỏi thầy luôn, như thế sẽ nhớ lâu, nhớ sâu kiến thức. Tự học còn là tìm các sách tham khảo, các tài liệu, báo chí cần thiết để hiểu rộng hơn, đầy đủ hơn kiến thức trên lớp. Tự học còn biểu hiện ở chỗ ta tự tìm và sáng tạo ra cách giải bài tập bằng con đường ngắn nhất, hay nhất. Tự học phải sát với quan niệm của xã hội. Ta phải vừa học, vừa liên hệ thực tế, phải hỏi han mọi người quanh ta, phải tìm đến những nơi cần thiết để quan sát, để hiểu rõ sự vật, hiện tượng.

Trong cuộc sống có những người có tinh thần tự học rất cao. Họ tự mua sách vở, tài liệu để tự học, rồi tự đăng kí thi đại học và đỗ với điểm rất cao. Có bạn hỏi: nếu tôi chỉ đi học bình thường, không cần phải tự học đến như thế, có được không?

Câu hỏi trên cũng trùng với câu hỏi: liệu việc tự học có thực sự cần thiết không? Trước hết, về kiến thức, tự học đem lại lợi ích thiết thực cho người học: vì tự đọc sách, tự suy nghĩ, người học sẽ nắm chắc kiến thức và nhớ lâu. Việc tự tìm hiểu kiến thức ở sách tham khảo, ở xã hội, sẽ làm tăng vốn tri thức cho người học. Bởi vì, “những gì ta biết chỉ là một giọt nước, còn những gì ta chưa biết là cả một đại dương”. Khi ta hiểu biết thêm các kiến thức do tự học, trên lớp, ta sẽ tự tin khi phát biểu xây dựng bài, hoặc khi thảo luận, trao đổi với các bạn. Việc tự học còn giúp ta rèn được phẩm chất quan trọng: đó là lòng tự tin và năng động. Phẩm chất đó sẽ đưa người học đến những kết quả cao trong học tập và làm việc sau này.

Từ chỗ hiểu sự cần thiết của tự học, mỗi học sinh chúng ta nên có kế hoạch thực hiện như thế nào? Chúng ta nên lập một thời gian biểu để chủ động tăng cường tự học. Muốn thực hiện được kế hoạch tự học tốt, ta phải chăm chỉ, chuyên cần, phải có nghị lực mới hi vọng đạt kết quả tốt. Tự học có thể thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc. Một câu chuyện trao đổi, một sự việc ta chứng kiến cũng cho ta một lượng kiến thức rồi. Câu chuyện một học sinh dân tộc Mường ở Hòa Bình, nhà nghèo, tự mang gạo, quần áo vào hang núi, ôn luyện mười ngày và kết quả là thừa điểm để đỗ vào đại học đã chứng tỏ hướng đi đúng của tự học. Phải nhắc nhở người học về phương pháp đúng của tự học nên như thế nào? Các anh chị lớp 12 (thi tốt nghiệp năm 2003) suy nghĩ gì đây khi tỉ lệ thí sinh đạt dưới 15 điểm (ba môn) là 86% tổng số thí sinh. Một tỉ lệ vô cùng kém cỏi, phải không các bạn?

Tóm lại, tự học là một cách học thông minh, tự tin và mang lại nhiều lợi ích. Các bạn nên bắt đầu và phát huy tinh thần tự học đi. Điều đó có lợi cho học tập của chính bạn đấy! Hãy học tập thông minh và hiệu quả để xứng đáng là học sinh của thế kỉ XXI!

(Cao Bích Xuân - Các dạng bài Tập làm văn và cảm thụ thơ văn)

Đề 2: Thuyết minh về một khu rừng quý.

MỘT VÀI TƯ LIỆU VỀ RỪNG CÚC PHƯƠNG

- Hệ thực vật ở rừng Cúc Phương là nơi hội tụ của ba luồng di cư: luồng thực vật nhiệt đới nóng ẩm mang yếu tố Mã-lai - In-đô-nê-xi-a; luồng thực vật Tây - Bắc mang yếu tố ôn đới Vân Nam - Quý Châu và vành đai ôn đới Hi-ma-lay-a; luồng thực vật Tây - Tây Nam mang các yếu tố Ân Độ - Mã-lai.

- Tổng số loài thực vật đã biết tại rừng Cúc Phương là 1.944 loài thuộc 908 chi, 229 họ của các ngành: rêu, quyết lá thông, cỏ tháp bút, dương xỉ, hạt trần và hạt kín. Thực vật ở đây chiếm 24,6% số loài cả nước, nhiều loài quý hiếm, nhiều cây cổ thụ: chò chỉ, chò ngàn năm, đăng, sấu...

- Rừng quốc gia Cúc Phương được bao bọc bởi các núi đá vôi có độ cao trung bình 300 - 400m, đỉnh cao nhất là đỉnh Mây Bạc, 656m. Vì thế Cúc Phương có nhiều hang động: động Trăng Khuyết, động Con Moong, động Phò Mã, động Người Xưa... Lại có những thung lũng phẳng rộng, ví như Quèn Voi, tương truyền xưa kia là nơi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ tập kết đoàn tượng quân trước khi thần tốc tiến về Thăng Long, đại phá quân Thanh mùa xuân năm Kỉ Dậu (1789).

- Các tuyến du lịch đã mở:

+ Tuyến cây chò ngàn năm - động Thủy Tiên (những cánh rừng nguyên sinh, những cây cổ thụ cao hơn 50m, những cây dây leo, cây chò ngàn năm cao 45m, chu vi 25m...).

+ Tuyến cây sấu - sông Bưởi - thác Sông Ngang.

+ Tuyến đỉnh Mây Bạc.

+ Tuyến động Người Xưa.

+ Tuyến hồ Yên Quang - hang Phò Mã.

Đến Cúc Phương đẹp nhát là vào mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 4. Rừng nguyên sinh Cúc Phương nằm trên tuyến đường du lịch Bích Động, Hoa Lư, Sầm Sơn, nên rất thuận tiện cho khách tham quan.

Đề 3: Thuyết minh về một kì quan thế giới.

ĂNG-CO, TÂM HỒN CỦA ĐÁ

Tất cả mọi hòn đá ở Ăng-co đều đã chết cái chết sinh vật của mình đến tận địa ngục nào, trong cô tịch của thời gian, nếu chúng không có trên mình cái đời sống muôn năm của nghệ thuật [...].

Căm-pu-chia nằm trong vòng ảnh hưởng của nền văn minh Ấn Độ. Cùng với chữ Phạn, người Kimer đã tiếp nhận cả nền văn hóa mà ngôn ngữ này chuyên chở: tôn giáo, nghệ thuật và kĩ thuật. Ăng-co là chứng tích một thời huy hoàng của Vương quốc này, từ thế kỉ IX đến thế kỉ XII. Ăng-co cũng là chứng tích của sự tiếp thu đầy sáng tạo văn hóa Ấn Độ của dân tộc Khmer. Ăng-co gồm Ăng-co-thom và Ăng-co-vát [...].

Ý vị nghệ thuật rộng rãi ở Ăng-co là sự tương phản giữa đá và nước, giữa mặt ngang và chiều dọc, giữa sự rậm rịt của hình ảnh điêu khắc và cái mông mênh khó hiểu của bầu trời. Nó man mác như những trang triết học Ấn Độ, hàm chứa một tri thức tuyệt đối, một đời sống tâm linh tự nguyện và giải thoát. Ăng-co-vát là tột đỉnh của hình tượng đền - núi oai nghiêm, tráng lệ và bình ổn mà ta được chứng kiến sự phát triển qua nhiều thế kỉ. Cửa đền mở về hướng Tây, hướng của người chết. Vào những buổi trời u ám, ta không thoát khỏi cái cảm giác mông lung, rờn rợn [...].

Ở Ăng-co, đá đã sống hết mình để nghệ thuật lên tiếng. Chất sa thạch ở điêu khắc Ăng-co có cả một gam màu xám phong phú, từ ấm sang lạnh. Nó không như chất cẩm thạch trắng toát, bóng lì bên Hi Lạp. Nó không phải để tạo những pho tượng xinh xắn, sắc nét, biểu diễn chính xác khối hình. Ở đây là thứ đá có mặt thô ráp, bén nhạy một tình cảm đằm thắm mà dưới thứ ánh sáng nhiệt đới ướt ẩm của núi rừng, đường nét và độ nhấn hình khối bao giờ cũng lẩn chìm đi mơ màng, thần thoại, chứ không lồ lộ, trắng trợn như sự thật. Đứng ở một độ xa cần thiết để nhìn tổng quát cả di tích, ta chỉ còn nhận ra cái toàn khối rộng lớn, bề thế mà thôi.

Trang trí ở Ăng-co phải được chiêm nghiệm một cách độc lập, trầm tư, khi đứng gần sát thì mới bị sức hút cám dỗ, thôi miên. Phù điêu ở Ăng-co bao giờ cũng nhịp nhàng, cân đối như âm thanh cầu kinh. Nét chủ đạo của nó là đường lượn tinh khiết [...].

Đứng về mặt truyền thống của bút pháp nghệ thuật, ta thấy rõ là nhờ kinh nghiệm chạm gỗ rất tinh xảo mà người Khmer có khả năng tài giỏi về chạm đá, nét đục rất ngọt, dẻo và chắc. [...]. Mỗi hòn đá ở đây đều được trang sức. Hành lang phía đông của Ăng-co-vát là cả một tầng phù điêu gồm 8 tấm lớn, 4 tấm cỡ 50m x 2m, 4 tấm cỡ 100m x 2m, nghĩa là tất thảy có tới 1.200m2 chạm khắc. Đa số đề tài lấy trong hai bộ sử thi của Ấn Độ Ra-ma- ya-na và Ma-ha-bha-ra-ta. Nhờ ý thơ siêu phàm của hai thiên anh hùng ca ấy mà người nghệ sĩ tạo hình Khmer đã nói lên được tâm hồn dân tộc họ dựng trên căn bản bổn phận và danh dự. Đá ở Ăng-co vĩnh cửu trả lời những khát vọng tâm linh: mọi lạc thú hay khổ đau đều thành vô nghĩa trước viễn tưởng giải thoát. Ta có thể nhắc đến tấm chạm dài 50m với đề tài thần thoại: Vishnu khoắng biển sữa để lấy thuốc trường sinh. Vị thần bất diệt trụ trì trên cao nhất, nắm lấy đỉnh trụ Ma-da-ra, con rắn Va-su-ki kì quái quấn quanh, một bên là 88 vị thiên thần, một bên là 92 con quỷ dữ giằng kéo. Dải chạm phía trên là đoàn vũ nữ Áp-sa-ra được sinh ra từ sữa biển, vui tươi nhảy múa. Từng đôi, từng đôi dập dờn. Nền đá bóng mượt mà như tấm nhung dưới những dáng thân trần mềm mại, xao xuyến nhịp và những nụ cười huyền bí. Dải chạm phía dưới là đám sinh vật biển hỗn loạn, hoảng hốt [...].

Những cảnh tượng đó không phải chỉ diễn ra trước mắt người Khmer xưa mà diễn ra ngay trong trái tim thành kính của họ.

Tôi nghĩ đến vạn vạn hòn đá ở Ăng-co. Đá ở đây là cả một vũ trụ bí mật. Đã đành, nghệ thuật Ăng-co là nghệ thuật tôn giáo. Nhưng bài học của nó, trước hết chắc là ở chỗ, con người đã một lần tự nguyện trút hơi thở của mình để làm sống muôn đời tâm hồn của đá.

(Thái Bá Vân)

Viết bình luận