Soạn bài: Tuần 5 - Phong cách ngôn ngữ khoa học

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Văn bản khoa học và ngôn ngữ khoa học

a) Văn bản khoa học

Có ba loại văn bản khoa học chính:

- Các văn bản khoa học chuyên sâu: chuyên khảo, luận án, luận văn, tiểu luận, báo cáo khoa học,... Đó là những văn bản mang tính chuyên ngành sâu nhằm mục đích trình bày những phát hiện, khám phá khoa học cho nên đòi hỏi tính chính xác, lô gích, chặt chẽ nghiêm ngặt.

- Các văn bản khoa học giáo khoa: giáo trình, sách giáo khoa, thiết kế bài giảng,... Đó là những văn bản cần đáp ứng các yêu cầu về tính khoa học và tính sư phạm, trình bày nội dung từ dễ đến khó, từ thấp đến cao, có định lượng theo các đơn vị giảng dạy,...

- Các văn bản khoa học phổ cập: sách phổ biến khoa học kĩ thuật, các bài báo, phê bình, điểm sách,... nhằm phổ biến rộng rãi kiến thức khoa học cho đông đảo bạn đọc. Loại văn bản này được viết dễ hiểu, hấp dẫn, có thể dùng lối miêu tả, thuyết minh, các biện pháp tu từ.

b) Ngôn ngữ khoa học

- Ngôn ngữ khoa học là ngôn ngữ được dùng trong giao tiếp thuộc lĩnh vực khoa học.

- Ngôn ngữ khoa học tồn tại ở cả hai dạng: dạng viết và dạng nói. Nhưng dù tồn tại ở dạng nào, ngôn ngữ khoa học cũng đều mang những đặc trưng cơ bản của phong cách ngôn ngữ khoa học.

2. Đặc trưng của phong cách ngôn ngữ khoa học

a) Tính khái quát, trừu tượng

- Văn bản thuộc phong cách ngôn ngữ khoa học sử dụng các thuật ngữ khoa học để biểu thị các khái niệm khoa học khái quát, trừu tượng.

- Tính khái quát, trừu tượng của phong cách ngôn ngữ khoa học còn thể hiện ở kết cấu của văn bản (chia thành các phần, chương, mục, đoạn); thể hiện ở hệ thống luận điểm khoa học từ lớn đến nhỏ, từ cấp độ cao đến cấp độ thấp, từ khái quát đến cụ thể (hoặc ngược lại).

b) Tính lí trí, lô gích

Tính lí trí, lô gích của văn bản khoa học không chỉ thể hiện ở nội dung khoa học mà còn thể hiện ở phương tiện ngôn ngữ.

- Từ ngữ trong các văn bản khoa học chỉ được dùng với một nghĩa; không dùng từ đa nghĩa hoặc dùng từ theo nghĩa bóng và ít dùng các phép tu từ.

- Câu văn trong văn bản khoa học là một đơn vị thông tin, đơn vị phán đoán lô gích, đòi hỏi có tính chính xác cao, chặt chẽ, được xây dựng dựa trên cú pháp chuẩn và thông tin chính xác.

- Tính lí trí, lô gích cũng thể hiện ở việc cấu tạo đoạn văn, văn bản. Các câu, các đoạn trong văn bản phải được liên kết chặt chẽ và mạch lạc. Mối liên hệ giữa các câu, các đoạn, các phần phải phục vụ cho lập luận khoa học.

c) Tính khách quan, phi cá thể

Ngôn ngữ trong văn bản khoa học (nhất là văn bản khoa học chuyên sâu, văn bản khoa học giáo khoa) rất hạn chế sử dụng những biểu đạt có tính chất cá nhân. Do vậy, từ ngữ và câu văn trong văn bản khoa học có màu sắc trung hoà, ít biểu lộ sắc thái cảm xúc.

II. HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

1. Về văn bản Khái quát văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX (Ngữ văn 12, tập một):

a) Trình bày những kiến thức khoa học về văn học và lịch sử văn học.

b) Đây là văn bản thuộc ngành văn học (loại văn bản giáo khoa dùng để giảng dạy trong nhà trường).

c) Đặc điểm ngôn ngữ khoa học của văn bản được thể hiện ở:

- Hệ thống các đề mục được sắp xếp lô gích từ lớn đến nhỏ.

- Sử dụng khá nhiều thuật ngữ khoa học văn học như chủ đề, hình ảnh, tác phẩm, phản ánh hiện thực, đại chúng hoá, chất suy tưởng, nguồn cảm hứng,...Những thuật ngữ ấy tuy có phần trừu tượng nhưng học sinh lớp 12 hoàn toàn có thể hiểu được.

2. Giải thích và phân biệt từ ngữ khoa học với từ ngữ thông thường.

Chú ý sử dụng từ điển và cách dùng từ ngữ hằng ngày để giải thích, có thể lấy thêm ví dụ để phân biệt.

+ Điểm: trong ngôn ngữ khoa học từ này được hiểu là đối tượng cơ bản của hình học mà hình ảnh trực quan là một chấm nhỏ đến mức không có bề dày, độ dài, độ rộng. Ví dụ: Qua hai điểm bao giờ cũng vạch được một đường thẳng duy nhất.

Trong ngôn ngữ thông thường, từ này được hiểu theo nhiều cách khác nhau: một vấn đề, một phương diện,... nào đó (chảng hạn: ở điểm này, tôi không đồng ý với anh); đơn vị quy định được tính để đánh giá chất lượng, thành tích (chẳng hạn: Tôi được chín điểm);...

+ Đoạn thẳng: trong ngôn ngữ khoa học từ này được hiểu là đoạn ngắn nhất nối hai điểm với nhau.

Trong ngôn ngữ thông thường, từ này được hiểu là đoạn không cong queo, gãy khúc, không lệch về bên nào.

3. Các thuật ngữ khoa học và đặc trưng lí trí, lô gích của phong cách ngôn ngữ khoa học thể hiện trong đoạn văn SGK đã dẫn.

- Các thuật ngữ khoa học: nhà khảo cổ, người vượn, hạch đá, mảng tước, rìu tay, (có) tuổi (40) vạn năm, di chỉ xưởng, chế tạo công cụ, công cụ đá.

- Đặc trưng về tính lí trí, lô gích của phong cách ngôn ngữ khoa học:

+ Mỗi câu văn là một đơn vị thông tin, cung cấp thông tin chính xác, có dẫn nguồn gốc của những thông tin đó (nơi cung cấp thông tin, thời gian phát hiện thông tin,...). Câu văn được sử dụng là câu chuẩn về ngữ pháp.

+ Về cấu tạo, đoạn văn được liên kết chặt chẽ, mạch lạc; các mối liên hệ phục vụ cho lập luận khoa học: câu đầu tiên là câu chốt nêu chủ đề của đoạn văn, những câu sau nêu dẫn chứng chứng minh cho thông tin đã đưa ra ở câu chốt, sự liên kết của các câu sau không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn thể hiện ở hình thức.

4. Viết đoạn văn thuộc loại văn bản phổ biến khoa học về sự cần thiết của việc bảo vệ môi trường sống (nước, không khí và đất).

Khi viết, cần lưu ý sử dụng các từ ngữ, câu văn,... đúng yêu cầu của văn bản khoa học.

Đoạn văn tham khảo:

Nước sạch dùng cho sinh hoạt hằng ngày, nước để uống, nước để rửa thực phẩm, chế biến thực phẩm, nước để tắm rửa, để lau dọn,... Cơ thể người có đến hơn 70% là nước. Nước chiếm một vai trò rất lớn đối với sự sống con người: nước chiếm một lượng lớn trong tế bào, nước vận chuyển, đưa máu đi khắp cơ thể, nước thanh lọc thận,... Không có nước sạch, rau, củ, quả, thịt, cá,... cũng không được rửa sạch, khi đó con người cũng không được dùng chúng một cách ngon lành. Không có nước sạch, thực phẩm rất khó được chế biến, lúc đó biết đâu ta sẽ phải ăn sống hoặc ăn toàn đồ cháy? Có ai đó nói rằng: nước là thứ duy nhất trên cõi đời này trong sạch. Nước trong sạch trước hết bởi chính bản thân chúng trong sạch và còn bởi nước làm trong sạch nhiều thứ. Nếu nước bị ô nhiễm thì mọi thứ cũng theo đó mà ô nhiễm, tanh hôi,... Vì thế, chúng ta cần phải bảo vệ nguồn nước.

Viết bình luận