Soạn bài: Tập đọc: Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân

I. CÁCH ĐỌC

- Đọc trôi chảy, lưu loát toàn bài.

- Diễn cảm bài văn giọng kể linh hoạt:

+ dồn dập, náo nức (đoạn lấy lửa chuẩn bị nấu cơm).

+ khoan thai (đoạn nấu cơm).

- Giọng đọc thể hiện không khí vui tươi náo nhiệt của hội thi và tình cảm của tác giả đối với một nét đẹp của sinh hoạt văn hoá dân tộc.

* Giải thích từ:

- trẩy quân là chuyển quân, hành quân.

- cổ vũ nguyên nghĩa là vừa đánh trống vừa múa để khích lệ người khác thêm hăng hái. Nghĩa thường dùng là khích lệ cho thêm hăng hái.

II. GỢI Ý TÌM HIỂU BÀI

1. Hội thổi cơm thi ở Đồng Vân bắt nguồn từ các cuộc trẩy quân đánh giặc của người Việt cổ bên sông Đáy ngày xưa.

2. Khi tiếng trống hiệu vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội nhanh như sóc thoăn thoắt leo lên bốn cây chuối bôi mỡ bóng nhẫy để lấy nén hương cắm ở trên ngọn. Có người leo lên tụt xuống lại leo lên. Đây là một việc làm khó khăn, thử thách và sự khéo léo của mỗi đội.

3. Những chi tiết cho thấy thành viên của mỗi đội thổi cơm thi đều phối hợp nhịp nhàng ăn ý với nhau là: trong khi mỗi thành viên của đội lo việc lấy lửa, những người khác đều mỗi người một việc: người ngồi vót những thanh tre già thành những chiếc đũa bóng, người giã thóc, người giần sàng thóc đã giã thành gạo. Có lửa, người ta lấy nước nấu cơm. Vừa nấu cơm, các đội vừa đan xen uốn lượn trên sân đình trong sự cổ vũ của người xem.

4. Nói việc giật giải trong cuộc thi là niềm tự hào khó có gì sánh được của dân làng, vì giải thưởng là một minh chứng, là kết quả của sự nỗ lực, sự khéo léo, nhanh nhẹn, thông minh của cả tập thể.

Nội dung: Qua việc miêu tả lễ hội thổi cơm thi ở Đồng Vân, tác giả thể hiện tình cảm yêu mến và niềm tự hào đối với một nét đẹp cổ truyền trong sinh hoạt văn hoá của dân tộc.

Viết bình luận