Soạn bài: Lặng lẽ Sa Pa (trích)

I - KIẾN THỨC CƠ BẢN CẦN NẮM VỮNG

1. Nguyễn Thành Long (1925 - 1991) quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, viết văn từ thời kháng chiến chống Pháp. Ông là cây bút chuyên về truyện ngắn và kí.

2. Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa là kết quả chuyến đi lên Lào Cai mùa hè năm 1970 của tác giả, được in trong tập Giữa trong xanh, 1972.

3. Bằng ngòi bút tính tế, kết hợp tự sự và miêu tả, bình luận, tác giả đã khắc hoạ thành công hình ảnh những người lao động bình thường mà tiêu biểu là anh thanh niên làm công tác khí tượng một mình trên đỉnh núi cao có khát vọng, hoài bão, lặng thầm cống hiến cho cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

II - HƯỚNG DẪN ĐỌC - HIỂU VĂN BẢN

1. Truyện ngắn này có cốt truyện đơn giản, chỉ tập trung vào cuộc gặp gỡ tình cờ của cô kĩ sư, ông hoạ sĩ và anh thanh niên làm khí tượng. Tạo ra tình huống gặp gỡ, tác giả để cho nhân vật chính hiện ra trong con mắt các nhân vật khác. Đây là bức chân dung những con người vô danh, lặng thầm cống hiến cho đất nước. Bức chân dung ấy, nổi bật là chân dung anh thanh niên làm khí tượng qua đánh giá của bác lái xe, ông hoạ sĩ, cô kĩ sư, qua hành động hái hoa, tặng quà, không đi tiễn của anh (vì đến giờ “ốp”).

2. Anh thanh niên được giới thiệu như là người cô độc nhất thế gian. Một mình trên đỉnh cao với các máy móc khí tượng. Anh xuất hiện khi mọi người dừng lại nghỉ. Cuộc gặp gỡ cho thấy anh là người mến khách, hồn nhiên, chịu khó học hành. Đặc biệt là nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, dù trong bất kì hoàn cảnh nào và luôn tự giác vì không có người giám sát. Anh có ý thức về công việc mình làm góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Anh khiêm tốn coi việc của mình là bình thường. Xung quanh còn nhiều tấm gương đáng để cho hoạ sĩ vẽ chân dung như người kĩ sư ở vườn rau, người theo dõi để lập bản đồ sét.

Người thanh niên hồn nhiên dễ mến ấy dù rất "thèm người”, nhưng đã tự giác làm công việc, hoàn thành nhiệm vụ của mình. Không những thế, anh còn là người sống có văn hoá, quan tâm đến mọi người: gửi tam thất cho vợ bác lái xe, hái hoa tặng khách, chuẩn bị trứng luộc cho khách ăn trưa trên xe,...

Đó là con người tiêu biểu của lớp trẻ thời kì đổi mới sẵn sàng cống hiến cho đất nước.

3. Nhân vật ông hoạ sĩ là một nhân vật quan trọng trong truyện. Ông đối thoại với bác lái xe, trò chuyện, vẽ anh thanh niên. Nhiều đoạn kể chuyện thông qua cách nhìn của nhân vật này. Nhân vật ông hoạ sĩ đã tô đậm thêm vẻ đẹp của anh thanh niên. Đây chính là mẫu người tích cực mà ông muốn ghi lại trong tác phẩm nghệ thuật của mình. Ông đã bằng ý nghĩ, đánh giá cao tuổi trẻ, trong đó có anh thanh niên và cô kĩ sư : “Thanh niên bây giờ lạ thật !". Ngoài ra, các nhân vật khác như cô kĩ sư, bác lái xe, người kĩ sư vườn rau, chàng thanh niên trên đỉnh Phan-xi-păng, người theo dõi lập bản đồ sét... Mỗi người một vẻ, đều thể hiện tình thần cống hiến thầm lặng cho đất nước, góp phần làm rõ chủ đề Lặng lẽ Sa Pa.

4. Yếu tố trữ tình thể hiện trong vẻ đẹp của Sa Pa, đoạn tả Sa Pa hiện ra qua cái nhìn của hoạ sĩ. Yếu tố ấy cũng thể hiện trong cuộc gặp gỡ thân mật, hồn nhiên, có chút bâng khuâng giữa cô kĩ sư trẻ nhận bó hoa, kín đáo để lại chiếc khăn mùi soa, và anh thanh niên thật thà, nói to những điều đáng lẽ chỉ nghĩ, cả truyện ngắn như một bài thơ văn xuôi về những vẻ đẹp khác nhau của những người cùng trên chuyên xe ghé thăm trạm khí tượng. Họ hồn nhiên, thầm lặng cống hiến, luôn luôn đánh giá cao người khác.

5. Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa ca ngợi những con người vô danh, hằng ngày khiêm nhường, lặng lẽ hoàn thành công việc của mình, góp phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong số những con người đó, nổi bật lên hình ảnh anh thanh niên làm công tác khí tượng, tự giác vượt mọi khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ và sống đẹp, đem lại niềm vui cho mọi người.

III - HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP

Hãy chọn một trong hai nhân vật anh thanh niên hoặc ông hoạ sĩ để viết phát biểu cảm nghĩ. Tham khảo việc phân tích hai nhân vật trong bài chuẩn bị. Chú ý về đặc điểm văn biểu cảm.

Viết bình luận